Hai thím cháu hợp nhau, nên Thảo cảm thấy rất gắn bó với Yến. Có lúc hai thím cháu ngồi nói chuyện với nhau hàng giờ về đủ các thứ chuyện. Tuy không có Nam ở nhà, nhưng qua đứa cháu dâu của mình, xem các tranh Nam vẽ, Thảo có thể hình dung và hiểu rất rõ đứa cháu đích tôn của họ Phạm, trong lòng vừa mừng, vừa âm thầm mối lo khó tả dành cho cặp vợ chồng trẻ này.
– Hai cháu rất xứng đáng với nhau, rất xứng đáng với hạnh phúc của hai cháu, thím mừng lắm. Ba Chính và mẹ Hương dạy các con giỏi quá. Trời ơi, nếu còn em Huệ, cháu sẽ là tấm gương tốt cho em Huệ về nhiều mặt…
Một hôm khác, Lễ nói với anh cả:
– Anh Chính ạ, em thấy Nam và Yến chọn nghề chưa ổn. Nam phải quăng ống nghe, dao kéo, ống tiêm đi để tập trung vào vẽ. Còn Yến phải đi làm thêm cái master về quản trị kinh doanh để về làm quản lý ngành mình học. Đấy mới là thực tài của hai cháu! – Lễ nói với anh trai như vậy.
Ông Chính thừa nhận Lễ có lý.
Một việc bất ngờ xảy ra đối với anh em ba gia đình họ Phạm: Nhân sinh nhật của Hậu, đồng thời cũng là kỷ niệm 9 năm ngày cưới, vợ chồng tướng Lê Hải mời vợ chồng Chính, vợ chồng Nghĩa và vợ chồng Thảo đến ăn cơm tối. Nhận được lời mời, Nghĩa rất thận trọng:
– Rất cảm ơn nhã ý của anh chị. Xin hỏi kỹ một chút, ở cương vị anh mời cả vợ chồng Lễ dự có tiện cho anh không?
– Trước anh, Hậu đã hỏi tôi câu này. Vì Hậu là chủ tiệc mà! Chúng ta chỉ góp miệng ăn và tán gẫu thôi.
– Tôi hy vọng không bị anh đánh giá thấp vì câu hỏi bị ế vừa rồi.
– Không. Ngược lại! Hỏi như thế mới là Nghĩa!
Ông Nghĩa chỉ còn cách bắt tay cảm ơn bạn…
Vợ chồng Lễ rất ngạc nhiên khi Nghĩa chuyển lời mời của Lê Hải. Nghĩa nói cho vợ chồng Lễ biết qua về chủ nhà và cũng thuật lại câu hỏi ế của mình.
– Thôi, anh Nghĩa nói với anh chị Lê Hải cho tụi em ở nhà đi. Trong Sài Gòn em đã hiểu sự cách biệt giữa nguỵ và không nguỵ lắm. Nói là sự cách biệt giữa cách mạng và phản cách mạng thì nghe nặng nề quá. Sống trong Sài Gòn tụi em biết… Tụi em đến dự sẽ phiền cho anh chị Lê Hải sau này đó. – Thảo năn nỉ.
– Thảo nói đúng đấy anh Nghĩa ạ. Anh nên làm theo ý Thảo. – Lễ tán thành ý kiến vợ. – …Tụi em ở nhà không sao đâu, lại được thêm thời giờ kể chuyện mợ nghe.
– Nếu thế em và Thảo làm phiền anh Chính và tôi nhiều hơn. Nói như vậy hai em nghe được không?
– Anh sai rồi ạ, chúng mình là anh em một nhà thì câu chuyện lại khác. Đằng này tướng Lê Hải không họ hàng, lại giữ cương vị cao nữa! Câu chuyện khác lắm… – Thảo phản bác lại.
– Nhờ có anh Lê Hải giúp, anh mới đựơc đến thăm Lễ trong trại cải tạo. Hai em từ chối lời mời này, anh Lê Hải sẽ cho hai em là vô ơn đấy!.. Thôi.., cho anh quyết định nhé: Tất cả chúng ta nhận lời mời!
Lễ và Thảo không còn gì để nói.
…Thảo được vinh dự cầm bó hoa của ba gia đình anh em họ Phạm tặng Hậu:
– Tôi được các anh các chị tôi trao cho vinh dự thay mặt các anh các chị tôi chúc mừng sinh nhật chị, chúc mừng ngày cưới của anh chị. Riêng vợ chồng tôi xin chân thành cảm ơn anh chị, nhất là cảm ơn anh Lê Hải đã giúp đỡ rất nhiều cho sự đoàn tụ trong gia đình lớn của chúng tôi…
Hậu đỡ bó hoa, ôm Thảo thắm thiết.
– Cảm ơn chị Thảo. Xin cảm ơn tất cả các anh các chị! Vợ chồng tôi biết thế nào các anh các chị cũng đến đông đủ, thế mà cả buổi chiều nay tôi cứ thấp thỏm…
Cả chủ và khách là tám người. Tám mảnh đời đi từ những chặng đời riêng khác nhau, ràng bện với nhau bằng những lẽ sống hoà đồng được với nhau, bằng tình cảm anh em, tình cảm vợ chồng, tình cảm bạn hữu… Xúc động nhất là vợ chồng Lễ, vì lần đầu tiên trong đời được sống trong một khung cảnh khó tả như vậy: vừa là gia đình anh em, vừa là bạn hữu quen biết, vừa là đồng sự cấp trên cấp dưới, vừa là xa lạ mới gặp lần đầu, song chân thật, không có gì khuôn sáo…
Mọi người chuyện trò thăm hỏi nhau khá lâu rồi mới ngồi vào bàn ăn. Thảo và Lễ được chú ý nhất.
– Xin mời nâng cốc khai vị, chúc người đẹp nhất trong ngày là cô giáo của tôi! – Lê Hải mời mọi người. – …Xin chúc mừng chị Thảo anh Lễ lần đầu tiên cả hai vợ chồng ra Hà Nội. Xin chúc sức khoẻ anh chị Chính, anh chị Nghĩa!.. Hôm nay chúng ta được thưởng thức rượu mơ do bàn tay khéo léo nhất Vĩnh Bảo làm đấy ạ!
– Xin chúc mừng…
– Xin chúc mừng… Rượu vừa thơm vừa dịu. Chị Hậu vừa khéo tay ngâm rượu, vừa giỏi tay buộc chặt anh Lê Hải vào quê mình. Cả nhà có đồng ý nhận xét này không ạ? – ông Chính nâng cốc rượu về phía mọi người.
– Phải thưởng anh cốc này thật đầy… – Lê Hải đáp lại.
Mấy ông mày râu không tiếc lời xuýt xoa khen rượu thơm và uống được quá. Riêng Lễ vô cùng ngạc nhiên lại có thứ rượu ngon đến như vậy. Lễ cảm nhận ngay được điều này, vì xưa nay vốn là người sành rượu trong văn phòng Bộ tổng tham mưu.., hay là vì lâu quá rồi không có rượu ngon để uống…
– Xin bái phục chị Hậu đấy! Thực tình lâu lắm rồi tôi mới được thưởng thức một ly rượu ngon như thế này!.. – Lễ chân thật.
– Tất cả chỉ là cây nhà lá vườn thôi anh Lễ ạ. – Hậu vui vẻ đáp lại.
Khi chúc tụng xong, mọi người bắt đầu vừa thưởng thức vừa bình các món ăn, Hậu lên tiếng:
– Anh Hải ơi, lúc nãy anh nói hôm nay em đẹp nhất, chắc ngày mai em đẹp nhì, ngày kia em chỉ còn đẹp thứ ba… Vậy ai là người đẹp nhất của anh trong những ngày sắp tới này?
– Các anh các chị xem, cô giáo của tôi xét nét lắm. Vì tế nhị tôi không dùng chữ ghen thôi! Hậu ơi, em thừa biết ngày nào đối với anh em cũng là đẹp nhất mà! – cả bàn cùng cười.
– Chị Hậu, hôm nay tôi thừa nhận thủ trưởng của tôi có biệt tài vừa đấu vừa xoa, chị phải cảnh giác đấy…
– …Các anh các chị ạ, – giọng Lê Hải vẫn ấm áp, nhưng thấp xuống – Nhà chúng tôi, đi làm về chỉ có hai vợ chồng lộc cộc, lúc nào cũng phải trêu chọc nhau một tý cho vui. Ngày nào cũng thế, thành thói quen… Vài hôm trước còn có bà thím tôi. Hết Tết bà cụ nhất định về quê, giữ thế nào cũng không được!
Câu chuyện trên bàn ăn chẳng có một chủ đề nào cả, tự nó đi đây đi đó, lúc đầu là cách ngâm rượu mơ, rồi đến chùa Hương, ra Quảng Ninh, vào Sài Gòn… sang cả Mỹ…
Khi đụng vào đề tài chiến tranh.
– Một đất nước kỳ lạ. Bao nhiêu kẻ nhòm ngó, hơn một thế kỷ nay chẳng lúc nào được yên. – Bà Hương thốt lên, ruột gan như thắt lại vì nhớ con.
– Các anh các chị xem Suisse và Luxemburg (Thảo không quen nói tên tiếng Việt) là hai nước nhỏ, thậm chí Luxemburg nhỏ xíu. Những nước lớn kề bên cạnh đều là sư tử, là hổ, là sói, thế mà không đụng vào được mấy anh tý hon này.
– Thảo nhớ là hai anh tý hon này cũng phải giữ quan hệ láng giềng tốt với các hàng xóm hổ sói của mình! – Lễ nói thêm vào ý kiến của vợ cho rõ nhẽ.
– Vâng, em tán thành. Hồi học ở Sorbonne em vẫn sang Genève, đi đi về về dễ như đi chợ. Gần nước ta có Thái Lan, chưa một lần bị làm thuộc địa! Các anh các chị cắt nghĩa thế nào ạ. Chỉ có một điều hơi khó là…
Mọi người không tránh khỏi ngạc nhiên về câu hỏi của Thảo.
– Những điều em nêu ra đáng suy nghĩ lắm Thảo ạ. – Nghĩa chỉ chăm chú nghe, bây giờ mới nói.
Thảo nghĩ kỹ xem, anh thấy so sánh các nước tý hon châu Âu với nước ta khó lắm… – ông Chính muốn nghe Thảo giải thích. – Trình độ phát triển kinh tế của họ nếu không hơn thì cũng không kém các con hổ con sói chung quanh họ.
– Em thấy như thế thì nêu lên như thế. Có nhiều lý do chính trị, lý do lịch sử, văn hóa… em chưa lý giải được các anh các chị ạ. Nhưng việc này rất đáng để chúng ta ngẫm nghĩ..
– Mấy con hùm con sói loanh quanh chờn vờn mấy con cừu tý hon mà không ăn thịt thì thật là kỳ lạ! Theo tôi, dù Thảo chưa lý giải được, nhưng cũng là một gợi ý, cả nhà có thấy như vậy không ạ. – Nghĩa đồng tình với suy nghĩ của Thảo.
– Hay đấy là cái thế các hùm sói muốn ăn thịt cũng không ăn nổi, dù đấy chỉ là nước trung lập bé tẹo, có phải thế không hả chị Thảo? – Lê Hải băn khoăn.
– Vâng, có lẽ câu chuyện là như vậy ạ. Đơn giản là không có con thú nào chê mồi cả. – Thảo đáp lại.
Câu trả lời của Thảo làm cho Lê Hải và Nghĩa nhìn nhau hồi lâu. Một lúc sau Lê Hải mới nói tiếp:
– Tôi cho rằng cái khác lớn nhất, khó nhất so với Thuỵ Sĩ và Luxemburg, là nước ta có trình độ kinh tế chậm phát triển, quá lạc hậu, nên dễ bị bắt nạt. Có lẽ đây là gốc gác nguyên thuỷ nhất của mọi chuyện… Hơn nữa ngày nay địa chính trị và địa kinh tế châu Âu rất khác so với châu Á, lịch sử và văn hóa lại càng khác. Nhưng dù sao vẫn có nhiều điều phải suy nghĩ tiếp…
– Anh Hải có lý đấy. – Nghĩa đồng tình. – …Vì thế khi nói đến giàu hay nghèo, yếu hay mạnh là phải luôn luôn so sánh hàng ngang, đặt mình trong mối tương quan với chung quanh… Rất đáng phải nghĩ về cái thế này để thiên hạ dù có muốn ăn thịt mình cũng không được có phải thế không ạ? Có lẽ đấy mới thật là cái gốc của mọi câu chuyện.
– Chú Nghĩa cứ nghĩ tiếp đi. – bà Chính xen vào – …Từ hôm cháu Nam ra mặt trận, hơn một năm trời nay tôi ngày đêm cứ tự căn vặn mình: Tại sao dân ta phải khổ mãi như vậy? Là mẹ, tôi chẳng bao giờ thích đưa con mình ra trận cả! Ruột đứt từng khúc… – ông Chính phải nắm lấy tay bà Hương trên bàn để giữ cho vợ mình đừng xúc động quá.