– Tất cả các tranh em vừa xem anh không thích bằng quyển sổ này. – Nam chỉ cho Yến xem các mô-típ mình ghi lại bằng bất kể thứ bút gì vớ được trong tay…
Yến lật các trang trong quyển sổ. Có những trang xem đi xem lại, vừa xem vừa nói với Nam:
– Anh viết nhật ký bằng tranh? Trong những tranh em vừa xem có một số mô-típ hình như lấy từ trong quyển sổ này?
– Em nói đúng. Anh dồn tất cả nỗi nhớ nhung vào quyển sổ này. Chưa bao giờ anh vẽ nhiều về cái chết đến như vậy… Có lẽ những dãy phố chết, những cái chợ xiêu vẹo, những dãy phố cháy trụi, những con đường chết, những cánh đồng chết… đã gây cho anh những ấn tượng sâu sắc… Em xem, nói cho đúng hơn anh vẽ cuộc sống bị giết như thế nào… Càng nhớ em, nhớ nhà vô cùng… Xem tiếp trang này nữa… Đây là một phụ nữ bị giết, không thể biết là bao nhiêu tuổi, xác quắt khô, không biết bị giết từ bao giờ, chỉ còn vài sợi tóc dài chưa rụng hết bên cạnh một cái lõm đen trên đầu, quần áo đã tan lả tả, trên ngực hai vú khô đét chảy dài kiệt sức sống… hai cánh tay chới với như còn đang cố giữ lấy cái gì đó chưa chịu buông ra hay như đang van xin điều gì, hai chân vừa như quỳ cầu nguyện vừa như đang co quắp giãy giụa… Em xem kỹ đôi mắt: …hai hố mắt lõm sâu hẳn như đang cố giấu cả thế giới vào bên trong, hay là đang cố níu kéo lấy cuộc sống bằng cái nhìn vô tận… Anh loay hoay mất mấy tuần chỉ để vẽ đôi mắt này, đôi mắt của người còn sống nhưng đã bị giết… Từ miệng người phụ nữ vang xa lời gào thét hay lời cầu cứu thảm thiết… Em xem cái cuốc đen này vấy đầy máu, không biết từ đâu rơi xuống rồi nằm lại bên bờ sông Xtungxtreng, con sông vẫn chảy hiền hoà, phía trên… đây là những núi xương người những cây thốt nốt giang tay nhau bảo vệ bầu trời đầy nắng… Nhìn kỹ, em thấy xa xăm mờ mờ ảo ảo đền Angkor Vat…
– Trời ơi! Một tiếng kêu gào khác của Guernica?..
– Có lẽ như vậy em ạ. Anh vốn hâm mộ Picasso, nhưng có lẽ qua những cảnh tượng đối nghịch nhau như nước với lửa ở Campuchia, cái sống và cái chết không đội trời chung với nhau, anh mới hiểu thêm Guernica!..
– Trang này nữa… Sao anh đang vẽ lại bỏ giở?
– Đây là một bàn tay gầy guộc, bị chặt rời khỏi cánh tay nhưng vẫn còn trong tư thế như đang nâng niu một cái gì đó… Đây nữa… Trang này… Trang này nữa… Anh vẽ bằng bột mầu, bút chì, hết bút chì thì bằng bút dạ, có khi bằng cả bút bi đang có trong tay, bằng những đêm trực ban mà cái chết lúc nào cũng đang đánh vật với các thương binh… Cái chết lúc nào cũng rình mò chung quanh… Anh vẽ cả bằng nỗi nhớ xé lòng… Yến ạ, chưa bao giờ anh có một ước ao mãnh liệt đến thế, ước ao khi hoàn thành nghĩa vụ ở Campuchia về anh sẽ đi khắp mọi nơi, chỉ để vẽ…
Ôi nếu được như thế! Đến lúc ấy em sẽ địu con đi theo anh cùng trời cuối đất…
– Không còn khát khao nào bằng em ạ. Tình yêu của em đem lại cho anh đấy…
– Em hiểu, đúng là không thể lời nào nói lên hết được cảm xúc của những trang sổ này! Anh để quyển sổ này ở nhà cho em nhé. Em sẽ tặng nó một cái tên xứng đáng.
– Tên gì vậy em?
– Nhật ký tình yêu cuộc sống!
Nam ôm hôn vợ tha thiết. Trong vòng tay mình, Nam nói với Yến:
– Cảm ơn em…
– …Cậu mợ vừa mua cho anh một quyển sổ mới. Quyển này đẹp hơn, giấy tốt hơn và khổ cũng rộng hơn. Anh sẽ mang quyển mới đi… Không hiểu cậu mợ lùng đâu ra được một quyển sổ chuyên nghiệp đẹp quá em ạ. Em xem đây này…
– …Vâng, đúng là quyển sổ để các thợ vẽ ghi lại các phác hoạ và cảm xúc của mình… Anh ơi, nhưng quyển sổ này không phải là loại bán sẵn. Có lẽ cậu mợ đi mua giấy vẽ rồi đưa đi thuê đóng thành sổ nên mới đẹp như thế này… Đúng rồi! …Cửa hàng đóng sách 35 Cửa Nam… Đây này, có cả dấu của cửa hàng nữa anh ạ… Em hiểu thêm tấm lòng của cậu mợ…
– Em biết không, ra đi lần trước nếu cậu không chuẩn bị cho anh ít đồ vẽ thì có lẽ không có những tranh này, không có Nhật ký Tình yêu cuộc sống.
– Em hiểu. Lần ấy anh còn không có cả thời giờ để buồn khi chia tay em cơ mà!
– Em thù anh dai quá! Chúng mình còn hai ngày nữa để em tha hồ trả thù anh chuyện cũ!
– Thù anh thì không bao giờ hết được, hơn một năm đằng đẵng chờ đợi! Mấy ngày nay chúng mình nói với nhau bao nhiêu chuyện mà vẫn không hết. Còn bao nhiêu chuyện phải lo sẽ tính dần.
– Thời gian sao cứ đi vùn vụt!
– Em xấu hổ quá, ai lại ngày nào cũng để cho cả nhà chờ cơm! Hàng xóm mà biết người ta cười cho.
– Về cái tội mấy ngày liền chúng mình không ra khỏi phòng?
– Chứ còn gì nữa!
– Anh mong mọi người sẽ thông cảm. Chỉ khổ Loan mấy ngày nay phải leo gác giục chúng mình xuống nhà ăn cơm. Anh vẫn thích nhất chuyện em xin nhập ngũ.
– Anh đã cảm ơn chú Nghĩa chưa? Sáng kiến của chú Nghĩa đấy.
– Em yêu Quân đội đến thế à?
– Anh hiểu thế cũng được. Em chỉ có một nguyện vọng duy nhất là được gần anh thôi. Chú Nghĩa khuyên: Nếu thế thì nên xin vào K8. Em thực hiện ngay.
Chú Nghĩa của chúng mình thật tuyệt vời em ạ. Khi ấy nhờ chú, anh vững dạ lên đường. Không đơn giản chút nào khi phải xa tất cả những người thân thương của mình để đi vào nơi lửa đạn, nhất là trong thời bình. Là bộ đội, anh rất tự hào về chú mình.
– Thì anh vẫn ra đi đấy thôi!..
– Hôm ấy ngồi trên tàu, khi mọi sự hối hả lắng xuống trên đường dài, anh mới có thời giờ tự hỏi mình nhiều điều… Nhiều lúc tâm trạng thật khó tả em ạ. Có lúc anh cảm thấy bừng bừng giận dữ, có lúc lại không thiết sống, nhưng ngay sau đó lại ham muốn cuộc sống da diết!.. Chỗ bấu víu còn lại cho anh là em và những lời dặn dò của chú Nghĩa.
– Anh !..
– Cứu vớt anh lúc ấy là một chút lãng mạn, một chút ý thức… Chính chú Nghĩa đã giúp anh rất nhiều. Chú nói đơn giản: Hãy chân thành thử thách mình đi…
– Thú thực là nhiều lúc em rất sợ…
– Anh cũng thế, đến bây giờ vẫn chưa hết sợ! Sợ đến nỗi khi đã đặt chân về đến Hà Nội rồi mà vẫn chưa dám dứt khoát việc xin cưới em!
– Được ăn béo tai là đáng lắm!
– Không oan em ạ! Trong khi đó chung quanh anh lúc này lúc khác vẫn xảy ra chuyện đào ngũ. Ngay trong đơn vị anh cũng có một chuẩn uý y sĩ đào ngũ. Cậu này được giao nhiệm vụ đưa một cán bộ quân sự bị thương nặng về Sài Gòn. Xong việc cậu ta bỏ trốn luôn.
Anh có phỉ báng họ không?
– Có lẽ… thông cảm và thương nhiều hơn là thương hại. Phỉ báng thì không… Hình như phải nằm ở chiến trường Campuchia thì mới có được tình cảm này em ạ, ngồi nhà không hình dung nổi đâu! Trên chiến trường nước người, xót thương đồng đội mình lắm…
– Anh đi rồi, về nhà em khóc mãi. Trước sau chỉ một khát khao đơn giản vô cùng: Không được sống bên anh thì làm sao được ở gần anh nhất vậy.
– Điều kỳ lạ là mỗi khi cầm bút vẽ, nhất là mỗi khi vẽ được cái gì đó, anh hiểu được sâu sắc hơn cuộc sống chung quanh mình. Anh thấy những việc mình phải làm dần dần trở nên có ý nghĩa hơn.
– Xem nhật ký vẽ của anh, em cũng cảm thấy anh được cất cánh, từ nỗi buồn cô quạnh ban đầu dần dần đi tới những cảm xúc lớn, quyết liệt… Anh không yếu đuối, nên em thấy mình cứng cáp lên đôi chút.
– Người ta bảo nghệ thuật là sự sống. Có lẽ là như thế. Vì những ngày tháng vừa qua anh sống bằng chính sự sống ấy!
– Lần này ra đi có vững dạ không anh?
– Lần này thì anh có đủ thời giờ để buồn khi chia tay em!
– Em không chơi thế! Chỉ được cái tài đánh trống lảng!
– Vững dạ, nhưng lo nhiều hơn, day dứt nhiều hơn.
– Hãy giữ anh cho em!.. – Yến ôm ghì lấy chồng, nước mắt rưng rức…
Nam đi được ít hôm, nỗi buồn vắng cháu của cụ Tuyên bà được đền đáp bằng một sự việc hệ trọng khác trong gia đình họ Phạm: Vợ chồng Lễ và cháu Tín từ trong Nam ra thăm cụ trước khi sang Mỹ nhập cư. Mặc dù tiền ông Học gửi về khá dư dật, vợ chồng Lễ vẫn quyết định đi tàu hoả, vừa là để biết đất nước bây giờ ra sao, vừa là để từ biệt đất nước.
Không sao tả xiết những ấn tượng xô đẩy nhau dồn dập vào tâm trí Lễ suốt chiều dài đất nước. Ngồi bên khung cửa sổ toa tàu, nhiều lúc những cảm xúc ập tới làm cho Lễ tức thở. Những cảnh quan hai bên đường đập vào mắt, những chặng đường đã đi qua, ký ức mấy chục năm xa xưa bật sống trở lại.
Mình đang đi ngược trở lại dòng đời của chính mình?
…Mình đang trên đường trở về tuổi ấu thơ? Đang lặn ngụp qua bao nhiêu quá khứ đau khổ? …Chính con đường này – nhưng khác chiều, đã bứt mình ra khỏi cái nôi sinh thành, đã xô đẩy mình vào một thế giới đối nghịch với thế giới nơi mình sinh ra. Con đường này giờ đây lại đưa mình trở về cội nguồn… Cậu mất rồi, Minh không còn nữa… Huệ ơi, sao con không đi cùng ba má về thăm bà, các bác, các anh chị… Trời ơi đất nước mình đẹp quá, nhưng xơ xác quá!.. Đôi lúc Lễ đưa tay gạt vội giọt nước mắt ở đâu tự dưng lăn xuống trên má. Năm sáu năm chiến tranh đã đi qua rồi mà vẫn nham nhở các dấu vết bom đạn… Cũng có lúc Lễ cố xua đuổi cảm giác như nhìn thấy dấu ấn chính tay mình trên các mảng nham nhở ấy… Lúc nấc lên, lúc nghẹn ngào, có lúc rít lên xuýt xoa… Lễ khóc thầm và không hiểu vì sao mình khóc…
Tiếng bánh xe đoàn tàu xiết trên đường ray đều đều, xen giữa là những tiếng va đập đều đều theo nhịp, nhưng đanh và mạnh. Đôi khi Lễ cảm thấy mình như đang luồn chạy giữa muôn vàn tiếng nổ của bom đạn. Có lúc Lễ lại thấy như chính thân thể mình, số phận mình đang bị nghiền cán không thương tiếc trên con đường này. Cũng có lúc Lễ thấy thân phận mình bị xô giạt, ném sang bên này, quăng sang bên kia theo ý thích của con tàu. Ký ức những năm tháng chiến tranh sống lại. Những năm tháng cỗ máy chiến tranh tác yêu tác quái trỗi dậy, những quãng đời nhục nhã… Những ngày trong trại giam đặc biệt ở Thủ Đức… Những cơn dằn vặt trong trại cải tạo B7… Đêm tranh luận vô tận với anh trai… Những lúc vật lộn với bệnh tật của Thảo… Tâm trạng nghi vấn trong những ngày bị bỏ rơi ở Bảo Lộc… Bao nhiêu nỗi đau càng làm cho nỗi đau mất Huệ khía mãi vào ruột gan…