8.
Cả nước rục rịch bước vào Tết Canh Thân(*) [(*) 1980] , thời tiết rất thuận. Song những nỗi lo chồng chất hàng ngày của mỗi gia đình và của cả đất nước khiến cho nhiều người cảm thấy Tết này chỉ còn lại một ý niệm thời gian để tưởng nhớ đến tổ tiên nhiều hơn là dịp hân hoan đón mừng năm mới. Có người còn nói, năm Thân là năm khỉ, nghĩa là cả năm sẽ có nhiều điều nhăn nhó…
Tuy vậy, thời kỳ hung dữ của chiến tranh Campuchia và chiến tranh trên biên giới phía Bắc hình như đã qua, để chuyển sang thời kỳ giành giật căng thẳng kéo dài. Dù sao thì chiến sự cũng lắng đi nhiều. Tại Campuchia hầu như không còn những trận đánh lớn, trừ một số cuộc phản công của Khmer đỏ ở Kôkông, Battambang, Siêmriệp… do tổng hành dinh đóng ở Pailin chỉ huy. Nhưng chiến tranh du kích của Khmer đỏ vẫn giữ nguyên cường độ và gây cho quân ta nhiều thương vong. Đến thời điểm này lực lượng vũ trang của Campuchia Nhân dân vẫn còn non yếu lắm. Trên mặt trận phía Bắc, những tháng gần Tết chiến sự ác liệt thêm vài tuần nữa rồi quân đội Trung Quốc rút về chốt giữ các điểm cao chiếm được trên đường biên giới hoặc nằm sâu bên trong lãnh thổ nước ta. Ngày 5 tháng 3 năm 1979 Trung Quốc tuyên bố rút quân. Không còn có các cuộc tấn công ào ạt của Giải phóng quân Trung Quốc, nhưng thay vào đó là các trận nã pháo như mưa tầm tã vào trận địa quân ta, có trận kéo dài hết đêm. Có tin nói Trung Quốc muốn thải hết cơ số đạn cũ. Từ cuối tháng 4-1979 hai bên bắt đầu thương lượng, phập phù lúc thông lúc tắc. Các cuộc đánh nhau lẻ tẻ, các sự việc nhổ cột mốc rồi cắm lấn sang đất phía ta, bên ta đưa người ra cắm lại, giành lại đất… trở thành những chuyện cơm bữa quanh năm…
Dù sao kể từ khi khi rục rịch vào Tết Canh Thân, không khí cũng dễ thở hơn một chút.
Hẹn đi hẹn lại mãi, cuối cùng thì bà già Mão, thím của Lê Hải, năm nay chịu ra ăn Tết với vợ chồng Lê Hải. Bà già đem từ quê ra cho một đôi gà. Bà Hậu bàn với chồng đem một con biếu gia đình Nghĩa, tướng Lê Hải ôm chầm lấy vợ:
– Anh chỉ muốn bế bổng em lên hoan hô.
– Không biết xấu hổ! Cứ làm như là còn trai tráng ở tuổi hai mươi ấy!..
– Hôm nay không có gà thì anh vẫn phải đi gặp anh Nghĩa. Anh đang có nhiều chuyện gay cấn quá.
– Buông em ra đi, thím Mão nhìn thấy thế này thì chết!
– Không chết đâu!..
– Anh làm sao mà mấy tuần nay lúc nào cũng đứng ngồi không yên thế?
– Chuyện dài lắm em ạ…
Chiều 23 Tết vợ chồng tướng Lê Hải xách gà đến thăm gia đình Nghĩa. Đây cũng là dịp để bà Hậu hỏi thêm bà Nguyệt về một vài vấn đề sư phạm, dạy học sinh Hà Nội có nhiều điều khác với ở quê. Rời Vĩnh Bảo ra Hà Nội sống với chồng được ít lâu, bà Hậu dạy học theo hợp đồng và học bổ túc để thi tuyển thành giáo viên chính thức. Từ niên học trước bà là giáo viên chính thức của trường trung học phổ thông cơ sở “10 Tháng 10”, dạy cấp II, các môn toán – lý – hoá.
Sau một lúc chuyện trò, bà Nguyệt và bà Hậu kéo nhau sang phòng bên, vì biết các ông chồng của mình hễ gặp nhau thì không thể không bàn những chuyện thế gian đại sự, nghe mệt cả người…
Chờ hai bà sang phòng bên rồi, Lê Hải vào chuyện luôn:
– Anh Nghĩa ơi, hôm qua chúng tôi có cuộc chia tay lớn. Vợ chồng anh Hai Phong chuyển hẳn vào Sài Gòn ở với má Sáu Nhơn. Cả hai anh chị ấy đều nhận sổ hưu từ lâu rồi. Anh chị tôi còn nói thu xếp xong mọi việc trong ấy sẽ đưa nốt hai gia đình con trai và con gái vào. –
– Chắc là khí hậu ngoài này không hợp với bệnh hen của anh Hai Phong?
– Không phải. Đấy là hồi kết của cuộc đấu tranh gay gắt một năm ròng giữa bốn anh em trai, tôi là con rể nên không được lôi vào cuộc.
– Anh vẫn còn bị phân biệt đối xử à?
– Không. Tại câu chuyện quá tế nhị thôi. Má tôi bây giờ sống một mình. Giữa năm ngoái gia đình các anh vợ tôi là Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh đi di tản hết rồi. Đi trót lọt mới kinh chứ!
– Chết, lại có chuyện ấy nữa à?– Nghĩa sửng sốt.
– Anh Hai Phong và tôi ra sức can mà không được. Nghe tin là đã đến Mỹ ngót nghét tháng nay rồi!
– Nhưng gia đình các anh ấy đều là cơ sở cách mạng cũ của ta cơ mà?
– Thấy chưa, ngay anh cũng phải hỏi câu này! Anh em Năm Thịnh ra đi cái chính lại là cay cú với Hai Hân, thế mới tệ hại chứ. Bảy Dự đã kể cho anh Hai Phong nghe hết mọi chuyện. Lúc đầu chính Bảy Dự ra sức cản ba anh em Năm Thịnh mà không ăn thua. Sau đó Bảy Dự mời anh Hai Phong mấy lần vào tiếp sức nhưng cũng không buộc chân họ lại được. Tôi phụ vào cũng chẳng ăn thua! Không ngờ Hai Hân ngày càng tệ quá!
– Mọi chuyện khác sẽ hay. Nhưng dứt khoát không thể để bác Sáu sống một mình. Anh Hai Phong đã làm đúng!
– Vâng, chính vì thế vợ chồng anh Hai Phong bây giờ phải vào sống với má tôi. Bà già nhất định không chịu ra Hà Nội.
– Các anh phải thông cảm với bác Sáu.
– Vợ chồng tôi mời bà mãi cũng không được. Các anh ấy muốn cả má tôi đi cùng. Nhưng bà già khăng khăng: “Còn mộ ba các con, mộ hai mẹ con út Thạnh ở đây, má không đi đâu hết. Đây là đất nước của má, sống ở đây, chết ở đây!..” Nhưng các anh ấy vẫn quyết đi.
– Vì tức bị cải tạo tư sản? Hay là đoạn tuyệt với chế độ hả anh Hải?
– Còn hơn thế anh Nghĩa ạ. Anh Năm Thịnh đã mắng thẳng vào mặt anh Hai Phong: “Em bị lừa có mấy năm mà chịu không nổi! Anh bị lừa suốt cả một đời mà không tỉnh ra! Sao mà ngu lâu thế hả anh Hai!..” Sự thể đến nỗi má tôi phải quát lên: “Năm Thịnh, con không được nói anh Hai con như thế!”
Ông Nghĩa ngồi yên nhăn nhó, khiến tướng Lê Hải cũng phải dừng câu chuyện. Sau khoảnh khắc, giọng ông Nghĩa đầy tư lự:
– Ôi anh Hải, tôi nghĩ rằng câu nói ấy tát thẳng vào mặt chúng ta!
– Trời đất, cảm ơn sự chân thật của anh! – Lê Hải nắm lấy tay Nghĩa lắc mạnh. – …Tôi đang tâm trạng lúng túng khó tả… Anh nói ra được như vậy làm tôi nhẹ cả người. Thế là anh thông cảm với tôi… Nhiều lúc tôi nghĩ cứ như là chính mình đã phản bội lại họ hàng ruột thịt của mình có chết không anh…
– Tôi đã được đọc công trình tổng kết của anh Tiến về cải tạo xã hội chủ nghĩa. Những chuyện đại loại như của anh Năm Thịnh có thể xếp vào cái mà anh Tiến gọi là phản ứng giai cấp.
– Cứ cho là thế đi. Có lẽ anh và tôi đều có họ hàng thân thiết là tư sản, nên tình cảm và cách nhìn của chúng ta bệnh hoạn. Mất lập trường sạch trơn rồi phải không?
– Đừng vội tự quy chụp thế, anh Hải.
– Mấy tháng nay tôi tự nhủ phải trung thực suy xét câu Năm Thịnh mắng anh Hai Phong. Tự nhủ như thế nhưng chưa dám thổ lộ với ai, kể cả với Hậu.
– Câu mắng ấy thẳng thắn và thực lòng. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là như vậy. Anh có nghĩ thế không hả anh Hải?
– Thật không ngờ, mình đánh Đông dẹp Bắc cả đời không sao. Nhưng chỉ một câu nói tự bật ra trong hoàn cảnh như thế buộc mình day dứt… thế mới chết người chứ anh Nghĩa!
– Tôi hiểu được anh Hải ạ, …Hơn nữa anh Hai Phong lại là người có uy tín cao nhất bên nhà.
– Hay là tôi không vững vàng? Một câu nói mình chỉ được nghe thuật lại, đâu có phải là câu nói trực tiếp với mình, thế mà xáo động tình cảm và lý trí của mình!
– Anh trung thực với chính mình như thế là phải. Cũng như tôi đã có lần phải tự hỏi: Giả thử đụng độ với nhau trên chiến trường, liệu có dám nhằm vào đầu em mình mà bắn không!? Lễ kêu lên: Đất nước đã chiến thắng cuộc chiến tranh này, nhưng anh chưa thắng được em!.. Thế có đau lòng không, anh Hải?
– Hai chúng ta lâm vào cảnh ngộ trớ trêu, có phải không anh Nghĩa?
– Hình như còn nhiều chuyện chúng ta chưa tỉnh ra anh ạ. Những băn khoăn của Lễ khi đụng chạm đến chuyện cải tạo tư sản, tôi đã kể anh nghe rồi. Nhưng qua câu chuyện bên nhà, tôi thấy phản ứng của anh Năm Thịnh quyết liệt hơn nhiều.
– Tôi biết không ít những người tham gia cách mạng rồi phản bội, những người tham gia nửa chừng rồi bỏ dở… Tôi biết những người chỉ có thể đi với chúng ta một đoạn đường nào thôi, không chống chúng ta, nhưng không theo đến cùng được… Nhưng đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy bị tát vào mặt như anh cũng thú nhận…
– Anh Hải ơi, khi tâm tình với Lễ, em trai tôi cũng hỏi tôi những câu hỏi buộc tôi phải nhìn nhận lại nhiều điều, nhìn lại bản thân, kể cả sự cả tin và ngộ nhận.
– Anh đã đi đến cùng của câu chuyện rồi đấy…
– Tôi cho là không thể nói anh Hai Phong, anh, hay tôi bị lầm lạc hay bị lừa được anh Hải ạ. Cũng không có chuyện chúng ta phản bội lại những người đứng về phía chúng ta. Nhưng nếu để cho những người cùng đi với chúng ta cảm thấy là họ bị chúng ta lừa gạt, thì ắt hẳn đã xảy ra điều gì đại sự.
Mặt mày Lê Hải vui vẻ hẳn lên vì trút được gánh nặng tâm tư:
– Tốt lắm, như thế là cảm nghĩ của tôi không chỉ được anh thông cảm, mà còn được kiểm nghiệm qua tính trung thực của anh!
– Một phản xạ tự nhiên thôi, anh Hải ạ… Tôi không thể nào nghĩ khác được về câu mắng của anh Năm Thịnh.
– Ai không muốn đưa cách mạng tiếp tục tiến lên! Ai không muốn thiết lập những quan hệ sản xuất ngày một tiến bộ hơn. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng quyết sách của chúng ta có gì đó chưa ổn. Trong trường hợp này chí ít cũng nên có cách đối xử dành riêng cho một số tư sản có công với cách mạng.
– Đây lại đánh tuốt đồng loạt. Ông chú Học bên nhà tôi và gia đình bác Sáu bên nhà anh rõ ràng là hai trường hợp khác nhau.
– Tôi nghe nói hình như ở miền Bắc sau 1954 đã có chuyện này rồi, sao lại để tái diễn nhỉ?
– Anh và tôi đều dốt về kinh tế, nên chúng ta hiểu vấn đề này lơ mơ quá. Cũng có thể vì chúng ta không nghiêm túc tổng kết. Việc thì khó, cái đích tổng kết không đúng thì tổng kết lại cũng sai nốt.