Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Có thể tôi là người cố tình đứng ngoài cuộc, hoặc chỉ là dân, nên tôi nghĩ khác đại tá? Cảm nhận của tôi về mất mát cũng khác với cảm nhận của đại tá? Nhìn theo phía nào tôi cũng mất! Đại tá có thấu hiểu điều này không?

– Trời ơi, bác Học!

– Đại tá ơi, là thị dân, nói nôm na là dân buôn, tôi còn nghĩ rằng nhiều nước loanh quanh làm giàu là nhờ chiến tranh trên đất Việt ta!

-Bác đã bộc bạch như vậy, tôi cũng xin thưa: Ngoài năm mươi tuổi rồi, nghĩa là đã quá nửa đời người, nhiều khi tôi vẫn phải tự hỏi mình còn là người Việt không?.. Tôi luôn cố tìm cách khẳng định điều này, nhất là trên đường chạy sang đây…

– Tôi ngoài bảy mươi mà nhiều lúc vẫn còn phải tự hỏi mình câu ấy, đâu riêng mình đại tá. Cuộc đời người dân Việt ta mỗi người mỗi cảnh, nhưng có lẽ đa phần là nhiều nỗi gian truân. Chiến tranh đâu có biệt đãi vùng cấm nào…

– Đấy là lời an ủi quý hoá của bác đối với tôi.

– Ông xem, cả hai cuộc chiến tranh, thực lòng là tôi tìm cách đứng ngoài. Nhưng đến cuộc chiến tranh của Mỹ thì tôi không thoát. Cuộc đời lăn lộn trong kinh doanh rèn luyện cho tôi có cái mũi thính. Tôi đã nhìn thấy trước kết cục cuộc chiến tranh này sẽ như thế nào, dứt khoát bỏ cơ nghiệp, bỏ Sài Gòn sang đây từ đầu năm 1973. Bạn bè gọi tôi là thỏ đế, mặc. Tôi nghĩ và tôi làm theo suy nghĩ của tôi. Bình sinh tôi vốn ương ngạnh như vậy, cho nên học xong thành chung tôi bỏ ra đi buôn. Bắt đầu từ đi làm thuê cho các hãng buôn.

– Bác có tin vào số mệnh không?

– Thực lòng tôi không biết. Tôi chỉ tin vào đồng tiền tôi làm ra và tin vào đức Phật. Khi đã có được đồng tiền trong tay thì cầm chắc nó là của mình. Tôi tâm tâm niệm niệm không bao giờ làm điều gì ác, chỉ mong ở hiền gặp lành. Thế mà tai hoạ vẫn giáng vào gia đình tôi. Đất nước không yên, khác nào chạy trời sao khỏi nắng… Tôi ghét chế độ Sài Gòn, nhưng không thể chấp nhận cộng sản. Vì vậy tôi quay lưng lại với đất nước mình, cốt mong được yên thân! Thế mà vẫn phải chịu đựng bao nhiêu mất mát!

– Bác có ở lại Sài Gòn thì vài năm sau bác cũng phải chạy sang đây thôi! Xin chịu con mắt nhìn đời của bác. – Tôn Thất Loan thán phục.

– Đời tôi đã chứng kiến cuộc giáo dân di cư từ Bắc vào Nam. Bây giờ chúng tôi phiêu dạt sang đây, trước tiên là từ đây nhận tin con trai tôi chết trận, rồi ngồi đây chứng kiến các dòng người di tản nước ta đổ vào Mỹ… Rồi đến các tin đau đớn từ miền Bắc, đến cái chết của cháu gái tôi!.. Tất cả càng làm cho tôi xót xa về câu hỏi có hay không có định mệnh! Ông còn chưa biết cái mùi tha hương là gì đâu, ông đại tá ạ.

– Vâng, thú thật là tôi vẫn chưa ra khỏi cái trớn của cuộc tháo chạy trước ngày 30 tháng Tư.

– Tôi sống ở đây bảy năm rồi. Có thể nói cuộc sống của chúng tôi sung túc. Nhưng càng về già tôi mới càng hiểu câu nói cáo chết ba năm quay đầu về núi! Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể nào hiểu nổi là tôi sẽ không bao giờ gặp lại anh chị em con cháu tôi ở Hà Nội được nữa! Cha mẹ tôi sinh hạ ra bốn anh em tôi, nhưng giờ chỉ còn một mình tôi sống sót, đang sống cuộc đời tha hương ở Mỹ! Ông có thể hình dung nổi không? Thật là số phận trôi giạt…

– Nhưng dù sao bác cũng làm chủ được đời mình và thành đạt lớn trong kinh doanh.

– Không hẳn như thế đâu ông Loan ạ. Đời tôi cũng phong ba bão táp nhiều lắm. Tôi nghiệm ra là cả nước bị nạn thì không ai được yên lành! Chính vì thế tôi cố bám lấy hai đức tin: Tin vào đồng tiền tôi làm ra và tin vào lẽ sống trong đạo Phật!

– Thưa bác, tôi bây giờ hoàn toàn bế tắc. Cũng chẳng có cái gì để mà tin. Nếu ai hỏi tôi bây giờ phải làm gì, tôi xin chịu, bác ạ. Không thể tìm được câu trả lời nào cả! Những điều bác nói làm tôi nhớ đến ông Phạm Trung Nghĩa, dù là tôi chỉ gặp ông ấy một lần.

– Cháu tôi là cộng sản, còn ông thì chống cộng. Ông tâm đắc với cháu tôi điều gì? Ông và cháu tôi là bất cộng đới thiên cơ mà!

– Đúng là bất cộng đới thiên như bác nói. Thực tình là như vậy.

– Chúng tôi có quan hệ máu mủ ràng buộc, nhưng ông với cháu tôi lại là người dưng nước lã…

– Vâng chính vì thế mà tôi càng suy nghĩ bác ạ. Có điều gì đó tôi tán thành ông Nghĩa, khâm phục ông Nghĩa, rồi cùng một lúc tôi lại không chấp nhận những điều tôi hiểu được qua tiếp xúc với ông Nghĩa! Tôi đã nói với ông Nghĩa, dù có được đổi đời tôi vẫn không chọn con đường của ông ấy. Con đường tôi đi, tôi đã đi gần hết cuộc đời…

– Các ông khá thẳng thắn với nhau đấy.

– Đúng thế ạ. Ấy thế mà nhiều lần tôi còn nghi vấn mình đến mức phải tự hỏi: Hay là trong trại cải tạo tôi chơi thân với Lễ nên chịu ảnh hưởng của ông Nghĩa.

– Ông là bạn thân của Lễ. Xin coi chúng tôi như chỗ thân quen, ông cứ nói đi. Chẳng mấy khi được hầu chuyện ông.

– Thưa bác tôi không dám. Tôi nghĩ… Có lẽ tâm trạng lo lắng hiện nay ở mỗi người là cái gì đó chung nhất còn có được trong mỗi chúng ta. Đây là cái gì đó để còn có thể bấu víu vào nhau, cho dù bác, anh Lễ, tôi và ông Nghĩa mỗi người lo một điều khác nhau, vì những lý do khác nhau. Mong là như thế…

– Lạy trời tất cả chúng ta còn có chút chút tâm trạng lo lắng chung này thật. Mong manh quá có phải không đại tá?

– Vâng, rất mong manh. Thưa bác, bà con người Việt mình sống với nhau ở đây thế nào ạ?

– Tha hương đã buồn, nhìn vào cộng đồng người Việt ta, tôi càng buồn. Vì thế tôi tìm cách lẩn tránh tất cả…

– Tại người Việt mình vốn có truyền thống đố kỵ nhau, có phải thế không bác?

– Người Việt sống với nhau ở Sài Gòn như thế nào, sang đây vẫn y nguyên thế! Kỳ lạ đến như vậy là cùng! Bây giờ còn thêm một chuyện nữa để cãi vã nhau: Người nọ đổ tội cho người kia đã gây nên thất bại trong chiến tranh chống Việt cộng!

– Có lẽ vì còn thiếu cái chút chút lo chung như bác nói. Bác có cho là như vậy không ạ?

– Rồi ra sống ở đây ông sẽ tự đánh giá lấy. Tôi không muốn áp đặt nhận xét của mình…

– Những gia đình ở đây có bà con họ hàng ruột thịt là Việt cộng có bị làm rầy rà gì không ạ?

– Về phía Mỹ đến nay tôi chưa thấy, nhưng ta làm rầy rà ta thì nhiều đấy.

– Thế nhà ta có làm sao không ạ?

– Con trai tôi Việt cộng giết, nhà in của tôi Việt cộng tịch thu. Tôi lại chơi thân với mấy ông đương kim nghị sĩ ở bang này từ khi họ chưa được bầu. Bây giờ thân thế gia đình tôi lại ghi thêm việc đau buồn nữa là cháu nội tôi bị hải tặc giết trên biển trong khi bỏ trốn khỏi chế độ Việt cộng! Tôi hỏi ngay vào mặt những người đến vận động tôi: Có ai trong các anh đây dám đứng ra so sánh với tôi xem ai mất mát nhiều hơn ai vì Việt cộng không? Thế là bọn họ chào tôi lễ phép rồi lủi đi! – Ông Học nói đên đây dừng lại, chợt nhớ ra điều gì: -…Cách đây ít hôm họ đến chỗ chúng tôi quyên tiền lập nghĩa binh cứu quốc, cử về nước đánh Việt cộng. Họ cho rằng đánh Hà Nội lúc này là tốt nhất, cần lập Mặt trận cứu quốc…. Thế nào họ cũng mời ông tham gia đấy. Ông định thế nào? Họ nói rõ với tôi là ai không tham gia sẽ bị ghi sổ!

– Thế bác trả lời họ ra sao ạ?

– Là một đại tá, ông có nghĩ rằng việc làm ấy có một ý tưởng nghiêm túc không? – Cho dù người mưu đồ việc này điên cuồng chống Hà Nội đến thế nào chăng nữa…

Tôn Thất Loan suy nghĩ một lúc:

– Bác đặt câu hỏi như vậy là bác đã nhìn thấu câu chuyện. Tôi xin bái phục. Nhưng dù sao bác cũng phải nói với họ oui hay non chứ ạ?

– Tôi không cần oui, mà cũng chẳng cần non với họ. Tôi diễn lại cái trò lấy thân thế mình ra doạ lại như tôi vừa mới kể cho ông nghe. Họ yên và cút mất!

– Rõ thật là tôi đang nói chuyện với một con hổ. – Tôn Thất Loan chắp cả hai tay lên vái ông già Học. – …Bác có lời khuyên nào cho tôi không ạ?

– Chết chết, xin ông đừng làm thế. – ông già Học xua tay, – Xin đừng làm tôi mang tiếng là nhồi sọ cho đại tá. Ông có thể gặp tướng Minh lớn, tướng Mậu… Nhà binh các ông bảo nhau dễ hơn. Nhưng… có lẽ đại tá cũng nên có một lời cảm ơn big Minh… – ông Học bỏ lửng câu nói.

– Thưa bác vì lẽ gì ạ?

– Tôi nghĩ… – ông Học ngập ngừng: …Dù sao đi nữa quyết định đầu hàng của ông ta đã tránh cho Sài Gòn khỏi tan nát và tránh được đổ máu lớn cho bao nhiêu sinh mạng, trong đó có gia đình ông, có gia đình con cháu tôi…

– Vâng, bác có lý lắm.

– Thực ra trong tình thế đó, đấy là một quyết định đầy khó khăn, khó khăn lắm! Dù cho là ông ta có vì sợ chết đi chăng nữa, ông ta đã làm đúng. Đất nước nên ghi nhận cho ông ta điều này!

– Ôi bác Học!

Câu chuyện gián đoạn một lúc. Tôn Thất Loan trầm ngâm vì phân vân: …Không hiểu ông già này còn dè chừng điều gì với mình hay là người rất có bản lĩnh? Một con người như thế chắc là có thừa chín chắn thì đúng hơn… Tôn Thất Loan kể lại tỉ mỉ tình hình gia đình Lễ và mình đã làm việc với Mai-cơn Fốc về chuyện của Lễ như thế nào.

– Thưa đại tá, ông có chắc gia đình anh Lễ tôi sẽ được nhập cư vào đây không ạ? – Hoài yên lặng ngồi nghe suốt buổi, chỉ chờ dịp hỏi câu này.

– Vợ chồng tôi coi Lễ là con trưởng trong nhà, mong Lễ lắm. Cả nhà vẫn gọi lui là Hai Lễ.., Thảo – con dâu tôi ốm đau đã khổ, bây giờ lại càng khổ… – giọng nói ông già Học thấp hẳn xuống, gần như nói chỉ để cho mình nghe.

Trên đường trở về nhà, một ý nghĩ hầu như chẳng có liên quan gì đến buổi gặp gỡ gia đình ông Học xâm chiếm tâm trạng Tôn Thất Loan: Mình làm mọi việc để mong đến California sớm ngày nào hay ngày ấy. Bây giờ đến nơi rồi lại thấy ngán ngẩm…

Tác giả: