Khi ra về, Fốc nói vài câu xã giao:
– Tại bang California này, đại tá có thể gặp được nhiều bạn bè cũ đấy.
– Vâng tôi sẽ tính.
– Có lẽ bang này đông người Việt nhất nước Mỹ.
– Tôi sẽ nghĩ đến sau.
Câu trả lời vu vơ làm cho Fốc biết Loan chưa định thần, Fốc vỗ nhè nhẹ vào vai Loan:
– Lần trước đại tá là khách của tôi đêm Nô-en B52 dành cho Hà Nội, lần này đại tá là khách của tôi cũng đúng lúc, có phải không?. Chúng ta gặp nhau toàn vào những dịp xảy ra những sự kiện đáng ghi nhớ.
– ???…
Ngay từ khi còn chưa rời Guam để định cư ở California, Tôn Thất Loan nhiều lần làm việc với Mai-cơn Fốc về trường hợp của Lễ, khẩn khoản yêu cầu Fốc giải quyết dứt điểm. Mai-cơn Fốc thừa nhận có sai sót, hứa sẽ đích thân đôn đốc việc này. Fốc còn cho Loan biết là hình như đã có lần gặp sĩ quan Phạm Trung Lễ ở đâu đó trong tổng hành dinh Sài Gòn năm nào…
Chân ướt chân ráo đến California, Tôn Thất Loan đi tìm ngay ông bà Phạm Trung Học và vợ chồng Hoài-Nhân, theo địa chỉ Lễ cho. Họ ở chung trong một khu biệt thự giản dị nhưng sang trọng ở San Jose. Riêng vợ Mạnh đã đi bước nữa, hiện đang sống ở Canada . Tuy tâm trạng còn đang ngổn ngang nhiều điều, song Tôn Thất Loan vẫn nhận thấy ngay ông già Học có vóc người cao lớn như anh em Lễ, chủ nhà có cuộc sống khá giả. Gặp người trong nước ra, lại là bạn thân của Lễ, thật là một dịp quý hiếm. Cả khách và chủ đều cởi mở. Riêng Tôn Thất Loan còn hy vọng cuộc gặp này sẽ thiết thực chuẩn bị cho cuộc sống lưu vong của mình ở đây.
Khi đại tá Tôn Thất Loan hỏi tin tức về Huệ, con của gái Lễ, trả lời của chủ nhà làm ông ta rụng rời: Huệ đã bị hải tặc giết trong khi vượt biển từ trại di tản ở Bangkok chạy sang đảo Guam. Hoài đã viết thư báo cho Lễ biết, nhưng chưa thấy hồi âm. Tôn Thất Loan nhớ rất kỹ: Khi chia tay ở Bảo Lộc, Phạm Trung Lễ dặn đi dặn lại cố tìm bằng được tin tức về Huệ.
Chính người yêu của Huệ, đã tìm đến nhà Hoài để kể cho nghe thảm hoạ đã xảy ra.
– …Cháu khổ quá, đau đớn cho Huệ quá, cô Hoài ơi… Tất cả là tại cháu cô ạ. Chúng cháu không chờ đợi lâu hơn nữa được…
Hoài thuật lại cho đại tá Tôn Thất Loan tỷ mỉ từng chi tiết những gì người em họ sống sót trong chuyến đi này đã kể cho mọi người…
…Đúng ra khó nhất phải là đoạn chạy từ Sài Gòn sang Bangkok, thế nhưng Huệ và người em họ lại đi lọt một cách dễ dàng. Đơn giản là hai người được đưa trốn xuống khoang hầm một tầu buôn lớn, qua một đêm đã tới Bangkok. Từ đây họ có thể đi công khai, miễn là có tiền. Huệ và người em họ sống lang thang hết trại này sang trại khác, mục đích là tìm cách nhập vào một đoàn lớn để vượt đại dương. Nhiều người bị đánh lừa, mất hết cả tiền nong, lại bị tống vào trại tỵ nạn để xét trả về Việt Nam! Cuối cùng thì Huệ và người em họ cũng ghi tên vào được một đoàn, được bảo đảm là có sự bảo lãnh của những người đáng tin cậy…
Tất cả chung tiền mua một thuyền lớn đủ sức chở khoảng một trăm người, mua luôn cả tốp thuỷ thủ. Phải chuẩn bị mất gần một tháng mới xong mọi việc. Thế nhưng vừa mới lênh đênh trên biển được một ngày một đêm, thuyền đã bị hai thuyền con của hải tặc áp sát, khoảng mười lăm mười sáu tên hải tặc nhảy lên thuyền di tản. Mọi chuyện xảy ra cứ như là được sắp xếp từ trước, đến mức nhiều người nghi rằng đám thuỷ thủ và các hải tặc cướp thuyền là cùng một bọn! …Chuyện xảy ra đau lòng quá… Huệ cũng nằm trong số các phụ nữ bị hiếp. Trước cảnh tượng này một số đông nam giới có đến khoảng hai chục người xông ra ngăn cản, bọn giặc xả tiểu liên bắn chết luôn một lúc sáu người. Số nam giới còn lại chạy dạt ra, mặt cắt không còn giọt máu… Khi bọn chúng buông Huệ ra, ném một mớ quần áo vào mặt Huệ, thì Huệ đã chết ngất. Hải tặc cướp tất cả tiền bạc của mọi người, đập phá động cơ, gỡ điện đài của thuyền, rồi bắt cả tốp thuỷ thủ đem đi. Còn lại tám chín chục con người già trẻ lớn bé lênh đênh giữa biển, trên một con thuyền chết, sàn thuyền đầy máu… Mọi người sợ hãi đến mức bọn cướp biển đã đi xa rồi mà ai chỗ nào vẫn ngồi nguyên chỗ nấy, không dám nhúc nhích! …Khi Huệ tỉnh lại trên sàn thuyền, người em họ chạy đến cố dìu Huệ vào khoang, nhưng Huệ kiên quyết gạt đi, tự mặc lấy quần áo, rồi đưa hai tay bám lấy mạn thuyền, cố đứng dậy. Huệ tự trèo lên ngồi trên đống buồm, hết nhìn thuyền lại nhìn nước rất lâu, rồi đột nhiên nhảy xuống biển…
Hai ngày trôi dạt, mãi đến ngày thứ ba mới có một tàu buôn Australia đi ngang qua ứng cứu cái thuyền chết…
Bà Học lần nào ngồi nghe kể lại cũng sụt sùi nước mắt. Khi còn ở Sài Gòn bà Học rất quý Huệ, vì Huệ là đứa cháu nội đầu tiên của ông bà, lại rất mến bà. Có những lúc cả Lễ và Thảo đều quá bận, hai vợ chồng phải đem Huệ và Tín gửi bà hàng mấy tháng liền…
Ông Học trầm ngâm, tìm cách chuyển câu chuyện ra khỏi nỗi đau đớn về Huệ:
– Dân mình khổ quá, có phải không đại tá Loan? Chiến tranh liên miên đời này sang đời khác chẳng bao giờ dứt. Hạnh phúc của người dân bị huỷ diệt bằng mọi cách. Bây giờ lại phải đánh nhau với Khmer đỏ ở Campuchia, phải đánh cả Trung Cộng phía Bắc. Theo tôi đấy chỉ là đánh nhau với một địch thủ trên hai chiến trường mà thôi.
Cho đến giờ phút này ông bà Học và gia đình Hoài vẫn chưa biết Nam đang chiến đấu trên mặt trận Campuchia.
– Trời đất, sao bác có thể đi tới nhận xét táo bạo như vậy?
– Tôi dựa vào những hiểu biết của tôi về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, các tin báo chí, rồi luận ra như thế. Ông Loan ạ, tại đất nước tự do này có nhiều lời bình nghe nổi da gà luôn, không thể bỏ qua được.
– Tôi thật không ngờ bác lại quan tâm đến chính trị.
Nhận xét của Tôn Thất Loan làm ông già Học phải cải chính:
– Không phải thế đâu. Sài Gòn làm gì có chỉ số Dow Jones, làm gì có thị trường chứng khoán.., cho nên doanh nhân chúng tôi phải có cái mũi thính thay thế. Cứ làm miết như vậy, quan tâm đến thời cuộc trở thành thói quen từ đấy.
– Cung cách nói năng của bác cứ như là chính trị gia có hạng!
– Tôi nói gì thì cũng chỉ là múa rìu qua mắt thợ thôi. Đại tá thừa biết hơn tôi thế nào là Việt Nam hoá chiến tranh. Đại tá không xa lạ gì với các nhận định của ông Kít-xinh-giơ (Kissinger(*))[(*) Cố vấn của đối ngoại của Tổng thống Mỹ Nixon.] , của biết bao nhiêu người chi tiền cho cuộc chiến tranh này: Người Trung quốc quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng… Từ đấy mới có câu chuyện Thượng Hải, chuyện tổng thống Nixon, rồi đến câu chuyện Oát-tơ Ghết (Watergate)… Còn tôi thì đi đến cái quyết định chạy bán sới khỏi Sài Gòn trước khi quá muộn, vả lại lúc ấy tôi đã ngửi thấy… – ông già Học bỏ lửng câu nói của mình.
– Bác Học ạ, thực quả tôi không biết mình đang được nói chuyện với một doanh nhân hay một chính khách!- Thưa đại tá, sống ở Sài Gòn đối với tôi hai thứ người ấy chỉ là một. Khác chăng nghề của tôi chủ yếu là kiếm tiền, người làm chính trị kiếm cả quyền lẫn tiền! Nói chung họ ăn bẩn hơn cánh thương gia chúng tôi. Mỗi khi đứng ngồi một mình, tôi lại băn khoăn không sao cắt nghĩa được: Tại sao dân nước mình cứ bị dồn vào cái thế sinh ra hình như chỉ là để hứng chịu chiến tranh? Chẳng lẽ cái thế ấy là trời bắt thế hả đại tá Loan? Lại còn thêm cái chuyện giằng xé nhau không biết chán nữa chứ! Tại sao như thế, thưa đại tá?
– Thực tình là ông Nghĩa gợi ra cho tôi một cách nhìn về chiến tranh trên đất nước ta. Hôm nay bác lại cho tôi cách nhìn chiến tranh từ một khía cạnh khác nữa. Hoá ra cho đến nay tôi sống vô tâm đến mức không khác gì một con rối? Bác đang làm tôi quẩn trí.
– Thưa đại tá, tôi nói theo cách hiểu của tôi, mong đại tá đừng để bụng làm gì.
– Hiện nay tôi đang hoang mang bác ạ, không nghĩ được điều gì ra hồn. – Tôn Thất Loan giãi bày tâm trạng mình.
– Cảm nghĩ của tôi có thể sai. Có thể vì tôi xưa nay vốn bàng quan với thế sự, với nghĩa là chỉ thích tiền và ghét chính trị.
– Bác rất ghét chính trị ạ?
– Vâng, quả là như vậy. Nhưng bây giờ không bàng quan được nữa. Con tôi chết trong chiến tranh. Ba anh em trai tôi và ba cháu tôi ngoài Bắc chết trong chiến tranh. Gần đây lại thêm cháu tôi chết trong dư chấn của chiến tranh… Rồi tôi nhìn ra cả nước ta, suốt gần nửa thế kỷ nay, kể từ khi Lễ và Hoài mắc kẹt trong Sài Gòn không trở về được với cha mẹ mình… Vì thế tôi đánh vật một mình: Chẳng lẽ tất cả những diễn biến ấy là định mệnh, là dòng lũ lớn cuốn phăng tất cả… Thực tình bao nhiêu năm nay tôi cố tìm một chỗ đứng ngoài cuộc mà cũng không được…
– Gia đình bác mất mát nhiều quá. Nhờ trời đất phù hộ, gia đình tôi toàn vẹn. Đành rằng thất trận thì có cái nhục của thất trận bác ạ.
– Đa tạ sự thông cảm của đại tá. Đại tá nghĩ như vậy cũng được.
– Bác nói thế là bác nghĩ khác tôi ạ?
– Thưa vâng.
– Thôi chết, tôi làm bác phật lòng?
– Không đâu. Đại tá chỉ nghĩ khác tôi thôi. Tạm gạt chuyện Tây Tàu sang một bên, tôi muốn diễn đạt thế này: Chiến tranh của các anh các cháu tôi, tôi cũng mất. Chiến tranh của đại tá, của con tôi, của Lễ – cứ tạm gọi như thế đi, tôi cũng mất! Hay là đại tá không mất mát gì nên nghĩ khác tôi? Cũng có thể đại tá đứng hẳn về một bên nên chỉ nghĩ đến chuyện thất trận? Phía bên kia chắc cũng có cách nghĩ một bên như vậy, bên của người thắng trận.
– Vâng, có lẽ bác có lý.