Đêm khuya trở lại với yên tĩnh. Cái đồng hồ quả lắc trên tường tích tắc đều đều rồi điểm hai giờ. Ông Tiến đối thoại trong đầu với những tiếng tích tắc và quyết không để cho bà Hà trút hết mọi trách nhiệm lên ông. Đắn đo mãi và dồn nén mọi nghị lực, đột nhiên ông gào lên:
– Chung quy chỉ tại cái giống nhà bà thôi!
Quả bom nổ tung lại là bà Hà. Bà bật đèn đứng sững giữa nhà, hay tay chống háng:
– Trời ơi!.. Ông nói cái giống nào? Ông có quyền gì mà xúc phạm gia đình tôi? Sao ông ăn nói thiếu học thức thế! Người không có học cũng không đến nỗi ăn nói như ông. Ơn nghĩa là như thế à?! Ông ơi là ông! Thế mà lại còn lên mặt đi dạy người khác! Cái giống ấy là giống nào hả? Ông nói đi! Là cái giống nào! – bà Hà rít lên vì giận.
– Thì cái giống nhà bà ấy, chứ còn giống nào nữa! Đừng có mà lăng loàn! – ông Tiến cũng không vừa, nhưng chỉ nằm giữa giường, không thèm ngồi dậy.
– Cái giống nhà tôi là cái giống nào hả? Giống công chức lưu dung à? Giống tiểu tư sản à? Biết thế sao còn rúc đầu vào? Thế còn cái giống nhà ông thì làm sao? Tôi nói cái giống nhà quê ra tỉnh ấy. Tôi nói cái giống lúc nào cũng lên mặt đạo đức, nhưng rỗng tuếch! Ông hiểu chưa?.. Ông lo gì cho con cho cháu ông nào? Ông cứ ngẫm lại xem đã lo gì cho con cho cháu ông? Ông chỉ lo cho danh giá của chính mình thì có. Một điều xưng xưng là cán bộ trung ương, hai điều xưng xưng là phải giữ thể diện cán bộ trung ương! Đấy là cái giống trưởng giả học làm sang! Ông đã biết rõ thân phận ông chưa? Thật ra ông chỉ là đạo đức giả. Đạo đức giả, ông có biết không!
Một sức mạnh nào đó dựng đứng ông Tiến lên giữa giường, tay ông chỉ vào mặt bà Hà:
– Bà đừng có quá quắt! Chỉ mình bà lo cho con cháu thôi à? Tôi mà không lo cho con trai bà thì bây giờ thằng Thắng không phải đi bộ đội đánh nhau trên biên giới thì cũng rũ xương ở Campuchia! Không thư từ chạy đủ các cửa thì vợ chồng thằng Thắng bây giờ cứ là đứng đường đứng chợ, là thất nghiệp, bà hiểu chưa? Như thế mà còn bảo là không lo gì cho con cháu à!
– À cái tài chạy vạy của ông thì tôi thua rồi, thua xa rồi!
– Này tôi cấm bà ăn nói lung tung! Tôi là tôi cấm! Tôi cấm!
– Bộ đội người ta vào Sài Gòn đánh giặc. Còn ông thì vào Sài Gòn dạy người và khuân về chiến lợi phẩm! Thế không là đạo đức giả thì là cái gì!? Bây giờ phải bổ sung thêm cái tài chạy vạy nữa! Vẽ ông lên như thế đẹp chưa?..
Đến đây ông Tiến cảm thấy thân thể ngay đơ như bị bấm huyệt! Cái miệng bị đóng hàm thiếc không nói được nữa. Cái đầu cũng bị một thứ gì đóng vào ù cả tai, không làm sao nghĩ ra được lý sự nào để trả đũa lại bà Hà.
Ức lắm!
Trong bụng nghĩ như vậy, ông Tiến thò tay tắt đèn rồi đổ vật xuống giường.
Đêm đen nặng nề đến nghẹt thở, ông Tiến vật vã, nhưng lần này là cho chính mình.
…Những ngày sau, chờ không khí giận dỗi giữa hai ông bà nhạt dần, bà Hà lại kiên trì thuyết phục ông Tiến phải tìm mọi cách ngăn cản mối nguy xảy đàn tan nghé trong cái gia đình con con của Thắng. Bà vẫn nuôi hy vọng: Có một gia đình riêng nghiêm túc, vợ chồng Thắng sẽ biết lo và sẽ gắn bó với nhau. Sở dĩ bà kiên trì chịu đựng mọi điều chướng tai gai mắt trong cách sống của vợ chồng Thắng là muốn chờ ông Tiến về giúp thêm một tay răn bảo chúng nó, không dè ông Tiến lại trút hết mọi ngang trái lên bà. Lại thêm vài ba trận ông bà cãi nhau. Lại căng thẳng. Lại dịu đi. Lại căng thẳng…
Cực chẳng đã, bà Hà nhất quyết hành động một mình.
Một hôm bà nói đầy đủ ngọn ngành nhưng cực kỳ gay gắt với vợ chồng Thắng: Hoặc là tự lập xây dựng thành một gia đình riêng nghiêm túc, bà sẽ giúp đến cùng. Bằng không cuốn gói mang nhau đi đâu thì đi, muốn sống với nhau ra sao thì sống, phải ra khỏi nhà và coi như không có bà trên đời này.
May thay, sự quyết liệt của bà khiến vợ chồng Thắng xin bà giúp đỡ đến cùng. Ngay ngày hôm sau bà bảo Thắng đem bán cái xe máy và đôi quạt cây để trang trải nợ nần, phần còn lại lo cho vợ chồng Thắng một cuộc sống riêng. Cái tủ lạnh và cái tivi bà giữ lại cho cả nhà.
Khi thấy người lạ đến nhà dắt cái Honda và chất đôi quạt cây lên xích-lô, ông Tiến làm ầm lên. Nhưng bà Hà cứ lầm lỳ làm theo ý mình. Cái nhìn của bà như sẵn sàng nhai ông vụn ra. Ông Tiến chột dạ. Chợt nhớ đến lời đồn đại trên đang tìm người thay ông trưởng Ban, ông Tiến tự làm nguôi cơn thịnh nộ của mình: …Trời, tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn xa! Không thể khinh xuất được! Một ly một tý cũng không được!..
Cuộc hành trình của gia đình Tôn Thất Loan từ Thành phố Hồ Chí Minh đến California mất ngót nghét sáu tháng. Trước hết là qua các loại trại tập kết ở Bangkok, rồi đến các trại thẩm tra, thẩm định các nấc khác nhau ở Philippines, và gần 3 tháng trong các trại khác trên đảo Guam, vừa để chờ nhau, vừa để làm thủ tục nhập cư vào Mỹ. Sau đó cả gia đình Tôn Thất Loan được đưa vào trại Camp Dalton ở phía Bắc California, một trong những nơi tập trung những người di cư từ Việt mới sang.
Vào trại Camp Dalton được vài tuần, viên sĩ quan Mỹ phụ trách nhập cảnh Mai- cơn Fốc (Michael Fox) mời gia đình Loan đến ăn cơm tối tại nhà riêng.
Bang California phát triển nhất nước Mỹ, nhưng trại Camp Dalton lại là vùng hoang vắng, vì chung quanh nó chỉ có rừng và núi bát ngát. Tiệc tùng mời mọc nhau là một thú vui thực sự của những bậc trưởng giả nửa tỉnh nửa quê ở vùng hoang vắng này. Đấy là dịp để thưởng thức rượu và thức ăn, để có dịp gặp nhau tán gẫu. Cũng có người lại coi Camp Dalton là thiên đường của tự nhiên vì môi trường thiên nhiên trong lành của nó. Vì quá hoang vắng, nên người ta thích bịa ra lý do này lý do khác để được cắt lượt mời mọc nhau, để thay đổi không khí trong nhà và sớm được đến lượt mình. Trong bữa cơm hôm ấy Fốc nói cho riêng mình Loan biết: Chiến tranh ngày một ngày hai sẽ lại đến thăm đất nước ông đấy!
Loan hiểu ngay Fốc nói gì.
Fốc cho Loan biết tin này, một phần vì để trả ơn sự giúp đỡ tận tình của Loan khi Fốc làm việc ở phái đoàn MAAG đầu những năm 1960, một phần vì muốn nói cho hả nỗi đau Mỹ thất trận ở Việt Nam. Nhưng còn một lý do khác thường nữa: Fốc muốn chứng tỏ với Loan mình bây giờ là nhân vật quan trọng, muốn vây vo chức vụ mới. Làm nghề này Fốc hiện vẫn mặc thường phục, nhưng bây giờ có học hàm tiến sĩ và quân hàm đại tá. Khi làm ở phái đoàn MAAG Fốc mới chỉ là một nhân viên quèn, còn Loan lúc bấy giờ đã là sĩ quan liên lạc, được Sài Gòn cử ra để làm việc với MAAG.
– Ngài muốn khoe với tôi một chiến công mới của CIA, có phải thế không ngài đại tá Fốc?
– Không, thưa đại tá Loan. Đây không phải là tin của CIA, càng không phải là nhận định của giới ngoại giao. Đó là tin được thông báo chính thức.
– Thời buổi hiện đại ngày nay làm chiến tranh không cần yếu tố bất ngờ hả ông Fốc?
– Có chứ, nhưng chỉ cần bất ngờ với Hà Nội thôi.
– Quả là sự bất ngờ này vượt quá trí tưởng tượng của tôi. – Loan thốt lên rồi im bặt.
Fốc nhìn bộ mặt ngây dại của Loan, rồi đổ cười ngặt nghẽo, mãi mới trả lời:
– Đại tá Loan, ông đúng là một con cáo già. Tôi phải tặng cái tên của họ tôi cho ông mới đúng. Ông có tài bắt tôi đã nói một thì phải nói hai. Đã đến lúc ai cũng phải cùng chúng tôi gánh vác trách nhiệm chứ!
– Tôi trả lại cái tên con cáo cho ông. Hình như ông bây giờ còn vất vả hơn thời chiến? – Loan trả đũa câu nói ẵm ờ của Fốc.
– Ông Loan tinh lắm. Chịu ông đấy. Con số người Việt nhập cư vào Mỹ lúc này gần một triệu rồi. Không may là số thuyền nhân bị chết vì gặp nạn và vì hải tặc không ít. Sao ở nước các ông có nhiều người không biết quý trọng mạng sống của mình thế, cứ đua nhau đến Mỹ.
– Loan nghĩ bụng: Thà rằng mày tát tao một cái còn hơn!
Xế trưa hôm sau Fốc đích thân đến tận nơi ở của Loan, cho biết quân Trung Quốc đã tấn công Lạng Sơn và các tỉnh biên giới khác của Việt Nam. Nói một thôi một hồi rồi mà Fốc vẫn còn hớt hải:
– Tôi thật không ngờ, mọi việc lại xảy ra theo tốc độ ánh sáng! Tối hôm qua tôi cho anh biết tin này. Thế mà lời nói vừa mới bay ra khỏi miệng, súng đã nổ rồi!..
Tôn Thất Loan lúc này như bị điện giật.
– Nói chính xác, như thế phía Mỹ được báo trước mấy ngày? – Tôn Thất Loan kinh ngạc hỏi lại.
– Khoảng 3 đến 4 ngày.
– Ngày nay làm chiến tranh không cần chuẩn bị?
– Đại tá Loan, ông luôn đưa ra những câu hỏi thông minh. Sao lại không? Phải vận động sắp xếp cả một thế giới đấy.
Tôn Thất Loan lặng người, điếu thuốc lá rơi khỏi tay xuống sàn nhà mà không biết, Fốc nhặt giúp lên đưa cho Loan.
Ngay lập tức đại tá Loan nhớ lại những ý kiến tiên đoán của trung tá Phạm Trung Nghĩa hôm nói chuyện tại trại cải tạo B7 về những khó khăn thách thức thời kỳ hậu chiến , nghĩ đến Lễ, em của Nghĩa, trong lòng ông lại rối lên những điều Lễ nhờ cậy. Đại tá Loan thừa nhận: …Tình hình diễn ra thật là phức tạp gấp hàng chục hàng trăm lần so với những lo lắng của Nghĩa lúc bấy giờ. …Dù sao trung tá Nghĩa quả là người nhìn xa trông rộng. Những điều ông ta nói ở trại B7 là chân thực.
…Tình hình gay cấn thế này thì lại thêm khó cho những người còn đang mắc lại trong trại cải tạo đây…