– Tôi thì lại phải dựa vào hành động thực tiễn của cậu để kiểm nghiệm, để phát huy thêm lý luận.
– Đã nhiều lần, vận lý của anh ra thế nào em cũng thắng! Hôm em nói cải tạo xã hội chủ nghĩa không phải chỉ là đánh đổ giai cấp tư sản, mà còn phải nhằm đưa giai cấp công nhân lên nắm quyền lãnh đạo xí nghiệp. Hội nghị hoan hô rầm rầm! Anh và em không thể thiếu nhau được, có phải thế không anh?
…Thực là những lời tâm huyết của Hai Hân trong buổi tâm sự với mình đêm ba mươi Tết năm rồi!..
Khi ông nhận được lệnh trở lại miền Bắc công tác, Hai Hân lo cho ông từng ly từng tý, lại bố trí một chuyến xe đưa ấn phẩm ra Bắc và nhận vật tư đem về cho xí nghiệp, để kết hợp đưa ông Tiến ra Hà Nội. Hai Hân đi thu thập các nơi đem về biếu ông Tiến một tủ lạnh Sanyo, một tivi National 21 inches, hai cây quạt Nhật và một xe Honda nam cũ. Tất cả đều là hàng tầm tầm nhưng còn dùng tốt – đây là lý do chính Hai Hân bố trí chuyến xe tải này.
“…Mong anh coi em như đệ tử ruột. Đường đời còn dài, chắc em còn phải nhờ anh giúp đỡ nhiều…” Lời chia tay của hai Hân đầy tình nghĩa. Tuy nhiên ông Tiến cũng hơi chột dạ khi Hai Hân nói:
– Bây giờ trong này xong cải tạo rồi. Sắp tới chủ yếu sẽ là các nhiệm vụ kinh tế. Trên điều anh ra ngoài Hà Nội em nghĩ cũng phải thôi.
Nghĩa là Hai Hân biết lý do vì sao trên điều mình ra Bắc?
… Thằng cha này ở sát lãnh đạo thành phố nên nhiều thông tin lắm. Khi Khmer đỏ đánh Tây Ninh lần thứ nhất, nó biết trước mình. Lần thứ hai nó cũng biết trước mình… Bây giờ nếu đúng như hắn nói thì có vấn đề… Luận ra sẽ có nghĩa là trên cho rằng cái khả năng chính trị vạn năng của mình không còn vạn năng cho lắm! Vì thế phải trở ra Hà Nội?.. Nếu thế thì gay rồi, đại sự rồi…
… Hay là mình cả nghĩ quá thôi, sự thực có thể không đến nỗi bi đát như thế. Ngày 17 tháng Hai Trung Quốc đánh ta, ngày 19 tháng Hai ngoài Bắc điện mình ra gấp. Như thế chắc là ngoài Bắc cần mình là do tình hình mới? Làm gì có đại sự nào khác! Lập luận này có lý hơn. Ai không biết công tác tuyên huấn vào lúc nước sôi lửa bỏng này là cực kỳ quan trọng! Phải thấy rõ điều này để kịp thời chiếm lĩnh trận địa!.. Nghĩ theo hướng này, ông Tiến lục lọi trong trí nhớ mọi lời đồn đại về trưởng Ban. Sắp xếp lại các lời đồn đại với nhau, đo đếm, cân nhắc, ông thấy trưởng Ban hồi này bị chê nhiều hơn là được khen. Đáng chú ý là những lời đồn thay trưởng Ban chẳng những ngày càng nhiều, có lời đồn còn nêu rõ ai sẽ được giao cho cái ghế này – chỉ có điều hơi lạ là cái tên Đoàn Danh Tiến tuyệt nhiên không một ai nhắc đến!..
…Dù có tên mình hay không có tên mình thì đồn đại cũng chỉ là đồn đại! Hai năm rõ mười là sức khoẻ của trưởng Ban đã quá Giáp Bát gần Văn Điển rồi! Lao hay ung thư, khu A hay khu B trong Văn Điển cũng thế thôi! Cỡ như ông ta có vào được Mai Dịch không nhỉ? Chưa hẳn, ông ta chỉ hơn mình có vài bước chân…
…Tôi đã bảo mà, ông thì đi dạy được thiên hạ, nhưng đối với hai con mình thì ông bất lực… Không phải thế, tất cả là tại bà thôi. Ai bảo bà chiều chúng nó quá nên mới đổ đốn ra thế này…
Cuối cùng thì ông Tiến cũng thiếp đi được một giấc.
Tỉnh dậy, trời đã quá trưa. Ông Tiến tìm đường lững thững leo lên quốc lộ 1, vừa để tìm chỗ ăn trưa, vừa muốn quan sát tình hình. Ngồi trong một quán nhỏ, ăn xong hai bát bún riêu cua, ông Tiến mới quay ra nhìn ra nhìn lên đường. Các đoàn xe bộ đội ùn ùn nối đuôi nhau không dứt từ phía Nam kéo ra. Xen vào giữa những đoàn xe chở bộ đội là những đoàn xe kéo pháo, kéo tên lửa, các đoàn xe thiết giáp, các đoàn xe quân nhu, các đoàn xe chuyên dụng. Tiếng động cơ vang dền bất tận. Tiết trời đông sang xuân ẩm ướt, khói bụi của đoàn xe bất tận bị nén xuống thành một dải mây dài phủ kín con đường. Đây là lần đầu tiên trong đời ông Tiến được mục kích bộ đội ta hành quân ra chiến trường. Chưa bao giờ ông được thấy một cảnh tượng đầy khí thế lẫm liệt như vậy. Cách nửa tiếng, một tiếng, ông lại thấy một chuyến tàu hoả lúc chạy ngược lúc chạy xuôi trên tuyến đường sắt đi song song với quốc lộ 1. Tàu vào chở người đi sơ tán, các toa chật như nêm, thậm chí người người già trẻ lớn bé ngồi kín cả các toa đen chở hàng. Tàu ra toàn bộ đội, các toa chở xe tăng và các toa bọc bạt kín mít – chắc là hàng quân sự…
…Thế này thì chiến tranh to rồi, không nhầm vào đâu được. Quân đội mình hùng dũng quá! Hùng dũng quá!.
Ông Tiến cảm thấy bừng bừng trong người, bàn tay nọ đấm vào lòng bàn tay kia.
Tuy nhiên, khi nhìn các chuyến tàu hoả chở người đi sơ tán vào phía Nam, ông Tiến không thể tránh được cảm giác ngây dại – nỗi chua xót cho vận mệnh của đất nước. Cảm giác day dứt ấy làm cho ông Tiến phải thú thực trong thâm tâm: …Hình như cho đến giờ phút này mình chỉ là người quan sát! Là người reo hò và đứng ngoài cuộc!..
…Nhưng mình đâu có trốn tránh nhiệm vụ nào? Số mệnh, hay là cuộc đời dun dủi thế nào đấy thôi, mình toàn lọt vào những vị trí trung gian, những thời điểm trung gian nằm giữa những hiểm nguy của đất nước. Hình như cả cuộc đời mình lọt vào các khoảng trống an toàn nằm giữa những vận động, nằm giữa những giai đoạn quyết liệt đất nước phải trải qua! Khi thanh niên cả nước ào ào lên đường chống Mỹ theo phong trào “ba sẵn sàng” thì mình đã là cán bộ. Những năm tháng đất nước chìm đắm trong chiến tranh mình ngồi trên mặt trận chính trị! Mình đâu có trực tiếp cầm súng hay đứng ở mặt trận như Lê Hải, như Phạm Trung Nghĩa… Hay là chính vì thế mình hiểu cuộc sống của đất nước bằng con mắt và cách nghĩ của người quan sát?.. Mình không có những nỗi đau như họ, nên có lẽ mình tỉnh táo hơn họ. Đúng là biết tách mình ra khỏi sự vật luôn luôn là một lợi thế! Từ ngày rời ghế nhà trường mình đã hiểu ra điều này. Chính nhờ điều này mình luôn chiếm lĩnh được trận địa mới, luôn luôn mới! Từ ngày còn học trường làng cho đến con đường trưởng thành bây giờ là nhờ luôn luôn chiếm lĩnh được trận địa mới! Phạm Trung Nghĩa và Lê Hải chẳng qua sống quá sâu, bị đúc tạc quá sâu vào chính cuộc sống của các ông ấy, nên không dứt ra được, nó thành nếp mất rồi… Họ không thay đổi được họ nữa. Họ thuộc về quá khứ, như một phương tiện, một công cụ đã làm xong chức năng được giao… Họ không thể nhận biết diễn biến khách quan như ta, không thể như ta luôn luôn biết chiếm lĩnh những trận địa mới, không thể là người trong cuộc… Không bao giờ họ có thể là người trong cuộc…
…Còn ta? Ta quan sát? Hay ta đứng ngoài cuộc?.. Không! Số phận đưa đẩy như thế cơ mà!.. Ta đâu có phải là họ? Ta không quan sát! Ta không đứng ngoài! Lẽ sống của ta là phải trở thành người trong cuộc… Sẽ như trưởng Ban… Như những người quyết định số phận những kẻ khác!..
Những cuộc tranh luận gay gắt với Lê Hải, với Phạm Trung Nghĩa bỗng nhiên sống lại dữ dội trong tâm trí ông Tiến. …Chỉ có một lần duy nhất Lê Hải thực sự khen ngợi mình. Một lần duy nhất mà thôi. Đấy là những lời khen mình thật lòng… Mình biết tỏng đi chứ!..
Một ngọn gió buốt ở đâu ập tới. Trong khoảnh khắc ông Tiến đột nhiên có cảm tưởng những gì mình đang thấy trước mắt là hiện thực sống của tất cả những gì đã được nói tới trong những cuộc tranh luận này. Song ông lại tự trấn an mình ngay: Phải biết tách mình ra khỏi sự vật, phải nhận biết diễn biến của nó để chiếm lĩnh trận địa mới!.. Cuộc đời là luôn luôn đi tiên phong chiếm lĩnh trận địa mới…
…Ừ, cứ cho là như thế đi… Thế thì chân lý là ở chỗ nào?.. – Một cảm nghĩ gì đó khó tả luồn lách vào tâm tư sâu kín nhất của ông Tiến. Ông lờ mờ như thoáng tự hỏi mình điều gì đấy, song lại phải tự mình át đi ngay. Ông nghiệm thấy bảo vệ cái chân lý phải luôn luôn đi tiên phong chiếm lĩnh trận địa mới nhiều lúc thật không đơn giản…
…Lẽ đời khôn sống mống chết! Đi tiên phong cũng có phải tuân thủ cái lẽ đời này. Thế mà mình đã trót một lần lỡ bút ca ngợi hai tay này hết lời. Ôi cái dại chết người!.. – ông Tiến nhớ đến bài viết của ông giới thiệu tập truyện ngắn của Lê Hải và Nghĩa… Trái hẳn với hôm chia tay Lê Hải, cách suy nghĩ này giờ đây đột nhiên dấy lên trong ông nỗi lo bút sa gà chết, nhất là vào thời buổi đất nước lại có chiến tranh như thế này… Chính ông cũng tự vặn vẹo mình: Tại sao mình lại có thể dại dột như thế được nhỉ? Xưa nay mình đâu có ham hố gì chuyện văn chương!.. Không biết việc mình bị gọi ra Bắc thế này có liên quan gì đến bài giới thiệu này không?.. Bằng này tuổi đầu rồi mà cuộc đời vẫn có lắm chỗ không biết đằng nào mà lường…
Tiếng loa của xe công an thông báo lệnh cấm đường chấm dứt. Tiếng loa của xe công an kéo ông Tiến trở về thực tại. Ông chạy vội về nhà nghỉ nhờ để cảm ơn gia chủ và để tìm cặp bài trùng tiếu lâm.
Nhưng tìm hai con người ôn vật này ở đâu bây giờ?..
Ông chạy loăng quăng một lúc rồi về đứng bên xe tải của mình:
– Đứng đây là chắc ăn nhất, đi tìm làm gì cho mệt xác!
Ông Tiến tự nói với mình như vậy, trong lòng cảm ơn trời Phật đã cho ông chút thời giờ ngẫm nghĩ sự đời trong khi đứng chờ cặp bài trùng. Cái quyết tâm trở thành người trong cuộc được nung nấu thêm, những nỗi lo mây lo gió về cái chuyện bị gọi ra Hà Nội lắng dịu đi…
Quả nhiên chỉ nửa giờ sau cặp bài trùng cũng đưa nhau về. Lại lên đường. Lại rôm rả. Trên chặng đường cuối cùng này riêng mình ông Tiến là người không biết nói.