– Câu hỏi của anh làm em lúng túng phải không? – giọng Nghĩa đã dịu lại.
– Không phải thế anh ạ. Chữ nếu người ta dạy em ngày xưa ở nhà trường và chữ gắn anh vừa giảng cho em lúc nãy đều là hoang tưởng. Tất cả chỉ làm em thêm bế tắc. Em sợ là vấn đề còn nghiêm trọng hơn cái nhà in của chú Học. Em đã nói rồi, khi có dịp em sẽ cho ông Tư cái nhà này. Em không phải là người hẹp hòi. Vả lại cái nhà in của chú Học đâu có phải là của em!
– Thế cái gì là nghiêm trọng hơn hả Lễ? – Nghĩa cảm thấy lo vô cùng cho em mình.
– Nếu so sánh một bên là những gì đất nước chúng ta phải chịu đựng vì cuộc chiến tranh này và một bên là những cái gì chú Học mất mát, thì những người như chú Học, như em, phải nợ đất nước này nhiều lắm. Nợ không thể trả được. Em nghĩ như vậy, anh có chấp nhận không?
– Anh đồng ý với suy nghĩ này.
– Thế là xong một điều anh nhé. Điều nghiêm trọng hơn đối với em vẫn là còn nhiều câu hỏi không trả lời được, hay là trả lời đằng nào em cũng thấy bế tắc… – Lễ dừng lại, hai tay nắm lấy tay Nghĩa lắc mạnh như người cầu cứu: – Anh Nghĩa, anh nói thật đi! Em là một kẻ tội lỗi hay là một kẻ thua trận? Anh nói đi! Nói thật lòng!
– Anh hiểu tâm trạng em. Nhưng em phải tự trả lời những câu hỏi như vậy của mình, không ai làm thay được.
– Anh trốn tránh!
– Có chuyện đó. Nhưng anh muốn tự em phải làm quan toà của em!
– Trả lời như thế nào, em vẫn là kẻ tuyệt vọng, anh hiểu không? Em không thể nào chấp nhận lý tưởng của anh làm lẽ sống cho em được! Điều này là dứt khoát!..
– Cũng có nghĩa là không chấp nhận chế độ này?
– Không thể!.. Anh đã hiểu đúng… Hay là trong hoàn cảnh của em, kẻ tội lỗi và kẻ thua trận chỉ là một?.. Anh trả lời thế nào em cũng chịu được.
– Đấy chính là câu hỏi cậu phải tự trả lời!
– Thôi được… Anh Nghĩa ạ, điều sống chết đối với em là từ nay trở đi em còn chỗ đứng trong đất nước này không? Bây giờ thì anh phải trả lời, không được né tránh nữa!
– Em cần có thời gian trấn tĩnh lại. Trừ phi em tự mình cố ý, đất nước không bao giờ đánh mất ai cả.
– Không, đấy là anh nói lý! Anh vẫn tránh né câu hỏi của em! Chỗ này anh lại quên mất vấn đề giai cấp đích thực. Lại vẫn lẫn lộn cả với vấn đề nhân danh giai cấp nữa!
– Con người em đầy mâu thuẫn. Nói chuyện với em khó quá!
– Anh phải hiểu cho em. Chiến tranh khốc liệt và kéo dài, lại sống trong cái xã hội cá lớn nuốt cá bé, dần dần em trở thành con người không cần nghĩ đến ai trên đời này, em thú nhận như vậy. Đấy là chuyện của em. Cũng như anh theo cộng sản, đấy là chuyện của anh. Nhưng mọi đảo lộn vừa xảy ra thức tỉnh trong em người một con người khác, nhất là từ khi em được trở về cội nguồn gia đình của mình! Song ngay lập tức, chính sự ràng buộc của cội nguồn không gì phá vỡ nổi này buộc em phải tự hỏi mình em là ai. Cũng có nghĩa là ngay tức khắc con người mới trỗi dậy trong em tự hỏi: Đất nước sinh thành ra mình bây giờ còn là của mình không?! Anh hiểu không, đấy là câu hỏi em không trốn tránh được! Nếu anh là em, anh có thể trốn tránh được câu hỏi này không?
– Sao em lại hỏi như vậy? Nếu anh lại nói rằng đất nước này không tự mình đánh mất ai thì em nghĩ sao?
– Anh trả lời như thế thì đất nước này chưa hẳn là của em, nhưng cũng sẽ không thể là của anh.
– Lễ! Thế đất nước này là của ai? – Nghĩa gằn lên gần như hét lớn.
– Đất nước này là của ai? Ha ha ha! Trời ơi câu hỏi hay quá!.. – lại giọng cười đầy chua chát của Lễ. – Anh ạ, xin anh nghe kỹ những lời em nói… Ngay lúc này, ngồi đối diện với anh, trong thâm tâm em vẫn tôn sùng Tuyên ngôn mùng Hai tháng Chín của Cụ Hồ. Ngồi trong trại B7, tự mình cật vấn lương tâm mình, em hiểu được một điều: Việt Nam ta không cần gì hơn bản Tuyên ngôn này, nhưng em không tin nó thực hiện được. Em không tin vào cái giai cấp, không tin vào cái gắn như anh nêu ra. Cái nếu và cái gắn chúng ta đang mường tượng tới thực ra chỉ là cái gì đó hư vô không bao giờ có trên đời này… Tốt thì đó là một khát vọng khó thực hiện, xấu thì đó chỉ là một chiêu bài. Em không có lòng tin này, nên theo em giữa xấu và tốt ở đây không xác định được ranh giới. Vì thế em không trả lời anh được.
– Chúng ta vẫn mỗi người một bên trận tuyến hay sao hả Lễ?
– Trận tuyến không tự nó mất đi được anh ạ. Em đã nói rồi, chỉ có cai trị và bị cai trị. Anh thuộc về bên chiến thắng. Hay chính vì lẽ này anh nghĩ rằng anh không cần đếm xỉa đến các câu hỏi như em đang phải tự hỏi mình?!. Bây giờ anh có tiếc là đã không bắn vào đầu em nữa không, dù chỉ là trong ý nghĩ?
– Lễ!
Tách chén rung lên. Một cốc nước trắng té nghiêng đổ nước xuống mặt bàn. Nghĩa hiểu phải tự kiềm chế mình, cố bình tĩnh:
– Anh chiến đấu là để giành lại đất nước này cơ mà!
Lễ nắm lấy cả hai tay Nghĩa, giọng chua xót, gần như hét lên:
– Chẳng lẽ đến nỗi là hai anh em như chúng mình mà cũng không làm nổi việc hoán vị cho nhau, dù chỉ là giây lát thôi, để hiểu hết lòng nhau? Chúng ta bị chia lìa khỏi nhau đến thế là cùng hả anh Nghĩa?!
– Anh cũng cần có thời gian!
– Cái khổ của em là thiếu đức tin, nhưng anh thì lại sùng bái ý thức hệ của mình như một tôn giáo. Anh em ta nhìn thấy nhau, tay trong tay đứng bên nhau, thế mà vẫn mỗi người một phía! Thế là thế nào hả anh Nghĩa? Trời ơi là trời! – Lễ gần như rít lên, lắc mạnh cả hai tay Nghĩa, mặt nhìn thẳng vào mặt Nghĩa.
Mãi Nghĩa mới nói được thành lời, nghẹn ngào:
– Lễ, anh muốn hiểu em và hiểu anh kỹ hơn nữa… Trong tình anh em ruột thịt, anh đã từng hỏi anh là ai? Anh đã từng nghĩ dù anh là ai thì cũng không thể cầm súng bắn vào em được… Anh đã quyết đem hết sức mình hàn gắn lại gia đình tan vỡ của chúng ta, em hiểu chưa! Anh không thể mất em được, Lễ ơi… Trời ơi, nếu em nhìn thấy mợ thỉnh thoảng ngồi khóc một mình! Dù tội lỗi thế nào, em vẫn là hòn máu của đại gia đình chúng ta!..
Nỗi đau quá lớn trong mỗi người làm câu chuyện chết lặng. Mãi một lúc sau Lễ mới nói tiếp:
– Những gì em được nghe ông Tư kể lại, phản bác sạch trơn những lời anh giảng giải cho em về lý tưởng của anh. Nỗi đau của gia đình mình càng giày vò em. Nghĩa là càng làm cho em hoang mang… Tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, thời nào cũng có sự thống trị của những người giành được địa vị thống trị. Phải nói em thực sự hoang mang! Trong lòng em không muốn bào chữa bất kể điều gì cho mình. Em sẵn sàng chịu sự phán xét và nhận mọi hình phạt em đáng được nhận. Nỗi đau của gia đình ta quá lớn. Nhưng em không thể chấp nhận bất kể điều gì em thấy không thể chấp nhận được…
– Chiến tranh đã qua rồi, và bây giờ em muốn đoạn tuyệt với tương lai của dân tộc?
– Không! Anh Nghĩa! Dù là người chiến thắng, nhưng anh không có quyền và không được phép nghĩ như thế! – Lễ gần như quát lại anh mình.
Nghĩa ngạc nhiên nhìn em chằm chằm. Ông không thể hiểu nổi là mình đã xúc phạm Lễ, hay là nỗi đau quá lớn của Lễ biến thành giận dữ.
Nghĩa đứng yên, nhưng Lễ nhìn thấy trong mắt anh mình tất cả. Lễ tìm cách giải thích cho anh mình:
– Anh phải cố hiểu. Trong trại cải tạo người ta giảng giải cho bọn em chỉ thô thiển hơn anh một chút thôi, còn cốt lõi của suy nghĩ thì hệt như nhau: Đó là cách nghĩ của người chiến thắng anh ạ! Bản thân cách giảng giải như vậy đã giải phẫu cắt loại bọn em ra khỏi đất nước này! Thế mà em cứ tưởng…
– Người ta không giảng cho em về hòa hợp dân tộc?
– Vô ích anh ạ… – giọng Lễ đầy thất vọng. – Có giảng gì đi nữa thì cách nghĩ như vậy cũng xóa đi tất cả!..
– Hay là chỗ này giảng chưa thủng? – Nghĩa phân vân.
– Tụi em, hay ít nhất là em không cần giảng, anh ạ. Em tôn trọng chính kiến của người chiến thắng, có nghĩa là cả của anh nữa. Em chấp nhận luật pháp của người cầm quyền cai trị đất nước, vì thế em đã tự nguyện đến trại cải tạo. Song em không thể chấp nhận nhồi sọ cho em giáo lý của người chiến thắng, càng không thể chấp nhận chính kiến của người chiến thắng làm của mình, cho đến bây giờ là như vậy…
– Anh hiểu được… Cần có thời gian em ạ.
– Không phải thế! Em không thể chấp nhận được nhục hình về tinh thần, mặc dù chưa một lần nào em kêu ca những khổ sở thiếu thốn của cuộc sống vật chất! Khổ thế này, chứ khổ nữa em vẫn cam lòng chấp nhận. Nhưng làm nhục bọn em về tin thần, có lúc họ giảng giải cho tụi em mà cứ như là người lớn nói chuyện với con nít… Rồi còn dạy khôn bọn em nữa.., thì hoàn toàn quá sức chịu đựng của bọn em… Giảng như thế cũng có nghĩa là các anh đã tự xóa đi những gì người cộng sản các anh đã làm đúng!..
– Giữa học viên và giảng viên không bao giờ trao đổi với nhau đánh giá việc giảng, việc học à? – Nghĩa ngạc nhiên.
– Một lần nữa anh lại tự chứng minh mình là người chiến thắng! – Lễ cười gằn. – Anh tin là tụi sĩõ quan gọi là ngụy như chúng em có thể trao đổi thẳng thắn với các giảng viên à? Đừng quên tụi em là sỹ quan ngụy! – Lễ nhấn mạnh mấy từ này. – Thậm chí khó mà có một câu hỏi nào của bọn em được trả lời thẳng thắn, dứt khoát?