– Bởi vì quan điểm của em chống Mác?
– Không hoàn toàn như vậy anh Nghĩa ạ. Em cố khách quan. Chính vì thế em không muốn lấy những gì đã làm trong thời chiến để làm thước đo cho thời bình. Em đã nói rồi, cả hai anh em ta hiện nay đều chưa có điều kiện để đánh giá mô hình kinh tế và chính trị rồi đây đất nước ta sẽ xây dựng lên trong hoà bình. Tất cả còn ở phía trước, chúng ta phải chờ. Còn tin thì em không tin. Trong này tụi em nhiều thông tin về cộng sản lắm.
– Em được nuôi bằng máu thực dụng và hít thở bằng không khí hoài nghi!
Lễ cười:
– Em biết ngay mà, nói thế là anh đã tự bộc lộ chính mình. Anh với các cán bộ giảng dạy ở trại cải tạo đúng là chỉ là một! Cùng một giuộc mà ra!
– Thế hả? Nghĩa là anh cũng giáo điều? – thật khó mà nói được nét mặt của Nghĩa lúc này đang nhăn nhó hay là cười, nhưng câu hỏi câu hỏi của Nghĩa là chân thành.
– Anh hiểu em chưa đúng. Em phục Mác với tư cách là một nhà khoa học kiệt xuất, một triết gia vĩ đại, một nhà tư tưởng dám đảo lộn nhiều cái cũ, một nhà văn hoá cả gan xem xét lại nhiều giá trị đã được coi như khuôn vàng thước ngọc, một đầu óc phê phán, nhà bút chiến sắc sảo… Em tôn vinh Mác như thế đủ chưa anh?
– Cứ nói đi, để xem em thực lòng với Mác đến mức độ nào!
– Thế này nhé, phân tích về kinh tế tư bản thời của Mác đến nay em thấy hình như chưa ai vượt được Mác.
– Em nói nghiêm túc?
– Anh chắc không tin, nhưng em hiểu được cái cốt lõi bên trong của đồng tiền, của chủ nghĩa tư bản, sự gắn kết giữa tư bản và quyền lực, những lý tưởng mỹ miều bọc gói hay nguỵ trang cho sự gắn kết này.., tất cả là em nhờ đọc Mác. Trước đây em cứ tưởng là có một sức mạnh huyền bí nào đó như là sự chi phối của định mệnh, nhưng Mác đã phanh phui ra tất cả.
– Thế mà em vẫn chống Mác?
– Anh cho em nói hết đã. Mác tuyệt vời về điểm gốc này, nhờ đó em đỡ bị mắc lừa. Em thích Mác nhất với tính cách là một con người đã dám đề ra những ý tưởng mới về giải phóng con người, đã nhiệt thành chiến đấu hết mình cho ý tưởng ấy theo chính kiến của ông ta. Oái oăm ở chỗ là đấy chính là điểm em không theo Mác được… Đã có lần em thuyết trình những điều này hay đến mức có ý kiến tiến cử em vô Hội đồng chiến tranh tâm lý…
– Em không nhận lời?
– Em đã đến làm việc thử mấy tháng, song mấy cha lãnh đạo ở đấy võ biền quá, không ngồi chung với nhau được… Nhưng quan trọng hơn là em không tin Mác.
– Đến mức ấy cơ à? Vì sao? – ông Nghĩa nhìn sát tận mặt em mình vì quá ngạc nhiên.
– Đơn giản là em chỉ tin vào ma lực của đồng tiền, không tin con đường ông ta vạch ra cho tương lai của nhân loại. Tính em lại ích kỷ, chỉ thích sống cho mình, không muốn phấn đấu hy sinh như những người cộng sản các anh.
– Có ai bắt em phải trở thành người cộng sản đâu!
– Không theo thì làm sao bắt được hả anh? Chú Học cũng có nhiều phẩm chất tốt, em kính phục nhưng em cũng không theo chú Học được. Anh Nghĩa ạ, em đọc được một vài quyển sách có những bài viết rất hay của các học giả Anh và Mỹ viết về sự nghiệp, về cuộc sống của Mác cho đến khi ông qua đời. Tuy thế, cái xã hội cần phải tạo ra, cần phải có để thực hiện ý tưởng giải phóng của Mác, nói cụ thể hơn nữa là cái mô hình kinh tế cộng sản Mác tưởng tượng ra thì em không tin. Dứt khoát không tin! Nó có thể xảy ra ở một hành tinh lý trí và đạo đức thuần khiết nào khác của những robot chứ không thể ở trên quả đất đầy rẩy những chuyện trần tục hỗn độn của con người chúng ta! Mác phê phán Kant và Hegel là duy lý, nhưng chỗ này chính Mác cũng duy lý đến mức duy ý chí! Không biết ai duy tâm hơn ai!?.
– Anh thực không ngờ… – trong lòng Nghĩa không sao hình dung nổi Lễ đã tìm hiểu khá sâu về Mác như vậy. Cũng may là Nghĩa đọc nhiều, nếu không thì cũng khó nói chuyện với Lễ. Nghĩ một lúc, Nghĩa gợi ý: – Xã hội Mác nói tới còn xa lắm mà em?
– Vâng, phải nói là xa vời lắm! Nhưng em cho đó chỉ là một giả định, rất duy lý. Một phác đồ, một mơ ước.., nghĩa là cũng rất mơ hồ, nếu có đúng thì cũng còn quá quá xa vời đối với loài người bằng xương bằng thịt và còn không ít thú tính như chúng ta!
– Em chỉ muốn sống hôm nay mà không cần nghĩ đến ngày mai?
– Không phải thế anh ạ. Anh xem, từ ngàn đời nay con người làm sao sống được không có mơ ước? Nhiều nhà trí thức có tầm cỡ trên thế giới cho rằng tác giả của Tuyên ngôn Cộng sản và tác giả của Tư bản là hai ông Mác khác nhau. Họ cho đấy là một trẻ một già, một nhà thơ lãng mạn đến duy lý và một nhà khoa học lô gích đến triệt để… Từng chặng trên con đường đi lên của mình, nhân loại cần có những vĩ nhân như thế khai phá, đào bới, cổ vũ mình đi tiếp… Em thấy nhận xét này của họ đáng suy nghĩ, em tán thành cách giải thích Mác như vậy, không như các bài giảng ở trại…
Bây giờ Nghĩa bị bất ngờ và lúng túng thật sự:
– Chẳng trách gì cán bộ ở trại không thể giảng chủ nghĩa Mác cho em được! Họ không phải là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp…
– Tụi chúng em bị nhồi sọ đấy chứ! Tụi em có tự nguyện xin học môn này đâu!
– Thôi được rồi, hãy tạm đặt ông Mác của các nhà phê bình trên thế giới sang một bên, chúng ta nói chuyện của chúng ta. Em nói là em thích Mác, anh nói là anh theo Mác. Ông Mác của em và ông Mác của anh khác nhau thế nào? Chẳng lẽ đấy là hai ông Mác?
– Anh hỏi lý sự quá, em chưa biết nói thế nào cho “lọn” ý mình nghĩ. Nhưng mà …hình như anh nói đúng, có lẽ có hai ông Mác thật anh ạ… Đại thể là Mác của em giúp em hiểu được nhiều điều trần tục. Ông Mác của anh lại là nhà hiền triết, là nhà tiên tri, thậm chí là một đấng chí tôn như Phật Thích Ca, Jésus hay Alah… nhưng vô thần!
– Em nói cái gì! – Nghĩa buột mồm gần như một phản xạ tự nhiên, đang ngồi mà bật đứng dậy, hai tai nóng bừng, tay nắm chặt tách cà phê, cố tự kiềm chế.
– Anh cho là em bị nhồi sọ nên mới nói năng như thế, có phải không? – Lễ tìm cách đấu dịu với anh mình.
– Có thể là cậu đã bị nhồi sọ đến mức không biết là mình bị nhồi sọ, nhưng từ trước đó rồi, không phải ở trong trại!
– Tùy anh. Anh nghĩ về em thế nào cũng được. Em nói thật chân thành như thế này. Mác của em là một trong các ông thầy dậy các môn em học, đại thể như Newton, Einstein, Smith… Còn Mác của anh là ông… Em thực khó nói quá.
– Lễ bỏ dở câu nói một lúc để tìm ý. – Thôi, cho em nói thế này: Mác đối với anh là chân lý cuối cùng, là giai đoạn phát triển tột cùng của nhân loại. Nghĩa là ông Mác của anh đã tuyên ngôn về sự cáo chung của lịch sử!
– Trời ơi, Lễ ơi là Lễ! Anh phân biệt được giữa tín ngưỡng và tôn giáo, giữa lý tưởng và tà đạo chứ…
– Em biết.
– Suy cho cùng, Phật Thích Ca, Chúa Jésus, các vị thần thánh của những tôn giáo khác, biết bao nhiêu các nhà hiền triết trong lịch sử nhân loại đã nói lên những mơ ước có thể nói là vĩnh cửu của con người. Mác cũng có những ý tưởng cao đẹp như họ… Chính em cũng thừa nhận như thế có phải không?
– Vâng ạ. Nhưng…
– Chỉ có một chỗ khác nhau thôi Lễ ạ. Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức. Vì nó chỉ có than thở và cầu nguyện nên trở thành nha phiến của con người… Còn Mác có lý luận khoa học, có lý tưởng đấu tranh. Mác muốn thức tỉnh con người tự tại đấu tranh cho con người vì mình, ngay trên trần thế này! Em không thấy đó là sự khác biệt lớn nhất à?
– Đấy là anh nghĩ.
– Chỉ vì thụ động và cầu nguyện, chứ không hành động, nên tôn giáo trở thành phương tiện ru ngủ con người! Thế mà không hiểu à?
Lễ bật lại:
– Anh nói thế thì trái với ý kiến chú Học rồi. Trái xa rồi! Em đã có lần tranh luận với chú rất lâu về tôn giáo. Chú Học giữ lại phần tín ngưỡng trong tôn giáo, không thừa nhận phần mê tín dị đoan, nhưng kịch liệt bác bỏ quan điểm vô thần.
– Anh cứ tưởng là chú Học chỉ quan tâm đến kinh doanh.
— Không anh ạ, chú ấy là con người của cuộc sống thực tiễn. Trong cuộc tranh luận hồi ấy em thua. Cãi lý với chú mấy ngày liền, em thua đơn thua kép. Em thử đứng về phái vô thần chống lại chú Học đến cùng. Chú cãi lại rất ghê, trước sau chỉ một niềm tin bất di bất dịch: nhận thức càng thông tuệ, lẽ của đạo càng tỏa sáng!.. Chú viện cả Einstein ra để cãi lại em. Chú còn cho rằng người cộng sản coi tôn giáo chỉ là một thứ thuốc phiện là một quan điểm phiến diện, nghĩa là mới chỉ đúng một phần, và vì thế sai lầm! Nhưng mãi cho đến khi chú hỏi em mấy câu hỏi đơn giản nhất, lúc ấy em mới chịu treo cờ trắng!
– Chú hỏi thế nào?
– Chú hỏi mấy câu hay lắm, nhưng lâu quá rồi, từ ngày em mới xong đại học, chưa vào Đà Lạt đi lính! Em chỉ còn nhớ loáng thoáng vài ý thôi. Nhất là khi chú hỏi em: Cha mẹ hiền lành để đức cho con, đấy là cái gì? Em trả lời: Đấy là một nhân sinh quan tốt ạ! Chú nói: Đúng mà chưa thật đầy đủ. Đấy là sắc thái tinh tuý nhất hàm chứa trong đạo Phật riêng ở nước ta đấy cháu ạ! Dân dã vô cùng, và trở thành đức tin nhân bản vô cùng!
– Sao có thể nói như thế được nhỉ?
– Anh thấy chưa, chỗ này em cũng nghĩ như anh. Em cãi lại chú là đạo Phật chỉ dạy người ta sống thì diệt dục để mong kiếp sau lên cõi niết bàn, mong thoát khỏi vòng luân hồi. Chú bảo nói như thế là hiểu một mà không hiểu hai. Cốt lõi của đạo Phật là tu thân tích đức để làm tốt bổn phận với đời.