– Chiến tranh đã qua đi trên đất nước, nhưng chưa kết thúc trong em?
– Còn hơn thế, anh Nghĩa ạ. Ở trại em được giảng chiến tranh đã kết thúc ở Việt Nam, nhưng chưa kết thúc ở nước Mỹ. Điều này đúng một vế. Chắc chắn là nước Mỹ còn nhức nhối về cuộc chiến tranh này. Nhưng cũng với nghĩa như vậy, còn phải nói là cuộc chiến này chưa chấm dứt trong lòng nước ta anh ạ. Nhất là trận địa của cuộc chiến tranh này lại diễn ra ngay trên nước ta!
– Em nghĩ đến nợ máu trong cộng đồng dân tộc? Đến những vết thương không thể hàn gắn được trên đất nước? – Nghĩa đi thẳng vào vấn đề tế nhị nhất, cố gợi cho Lễ nói hết tâm trạng mình.
– Chúng em được học tập nhiều về chính sách khoan hồng của Cách mạng. Chúng em tin điều này, đang được hưởng điều này. Anh chắc khó đoán nổi các trại viên phấn khởi như thế nào về việc em được đi theo anh về thăm nhà ba ngày. Tôn Thất Loan ôm chầm lấy em khi biết chuyện này: – “Đúng là cải tạo thật rồi! Ông Lễ, mình bắt đầu tin là cải tạo thật!”
– Vậy mà em vẫn bi quan?
– Vâng. Những điều em đang nghĩ nằm ngoài sự khoan hồng của Cách mạng. Có lẽ nằm ngoài cả sự chất vấn của lương tâm. Em đang dần dà ý thức được điều này, nhưng chưa nghĩ cho rạch ròi được.
– Em hãy thử đứng ra làm người tự phán xét chính mình xem nào. Như thế may ra em có thể ý niệm được rõ ràng suy nghĩ của em.
– Những điều em thực sự học được ở trong trại không nhiều lắm. Hình như các giảng viên, kể cả người chăm sóc đời sống tinh thần của tụi em là ông thiếu tá chỉ huy trại, đều không biết rằng có nhiều thứ tụi em học được lại nằm ngoài các bài giảng.
– Xưa nay anh chưa bao giờ coi sách vở, giáo trình và những bài giảng là trí tuệ vô song, là chân lý cuối cùng.
– Anh vẫn chưa hiểu ý em. Có lẽ mọi suy nghĩ của em vẫn đang tiếp tục hình thành. Ý em muốn nói tụi em học một đằng, nhưng lại hiểu một nẻo. Ví dụ những bài giảng về chính sách khoan hồng đưa ra rất nhiều lý lẽ, nhưng thực lòng đa phần học viên trong trại tâm sự với nhau là chưa thấy lý lẽ nào thuyết phục. Tuy vậy, rành rành là tụi em đang được hưởng quy chế cải tạo.
– Như Tôn Thất Loan đã nói với em?
– Vâng. Việc em được ngồi ở nhà mấy ngày nay giá trị hơn tất cả các bài giảng về chính sách khoan hồng cộng lại anh ạ. Song tụi em cũng mới chỉ học được đến đấy thôi. Em nói học với nghĩa là nhận biết cái điều trước đây mình chưa biết, chấp nhận cái điều trước đây mình chưa chấp nhận hay không chấp nhận.
– Đến đấy là thế nào? Tại sao lại chỉ đến đấy thôi hả Lễ?
– Chắc anh còn nhớ chứ, Tôn Thất Loan nói công khai giữa hội trường là ông ta rất sợ cái vô định. Chỗ này thì các bài giảng về chính sách khoan hồng không với tới. Tâm lý nghi ngờ ấy là tâm lý chung của tụi em trong trại. Có người đã hỏi thẳng anh rồi đấy…
– Anh hiểu. Em nói tiếp đi! – Giọng Nghĩa hơi lạc đi.
Ông có cảm giác như đang đối thoại với một người đứng bên kia chiến tuyến, trong lòng cay đắng. …Phải chăng vì thế chiến tranh chưa kết thúc trong lòng đất nước chúng ta?
– Em nói rồi, tâm và lực của em bây giờ là từ nay cố đừng làm điều gì hại cho đất nước. Nhưng ngay cả ý nghĩ này cũng không làm em thanh thản.
– Nghĩ được như thế là tốt. Em còn băn khoăn điều gì nữa chứ?
– Nghĩ đến tinh thần cách mạng của cậu mợ, đến con đường gia đình mình đã lựa chọn, nhất là nghĩ đến tất cả những gì em tự thân mình đã trải qua trong chế độ Cộng hòa Việt Nam, đến sự thật lịch sử là Cách mạng đã giải phóng và thống nhất đất nước, em thấy phải tự xác định cho mình như vậy. Nhưng khốn nỗi ngay lập tức em lại phải tự dằn vặt mình: Tại sao chỉ nghĩ đến đấy? Tại sao không nghĩ đến đền bù tội lỗi cũ của mình? Tại sao không nghĩ đến bổn phận đền đáp đất nước? Hay là em mất tinh thần yêu nước rồi? Em sẽ mãi mãi là kẻ phản bội tổ quốc mình và dân tộc mình, là kẻ mất nước?
– Em cố tự trả lời đi.
– Mấy tháng trời chờ anh đến thăm, ngoại trừ nỗi lo về gia đình, hầu như em chỉ loay hoay với những câu hỏi đại loại như vậy. Em tranh luận với Tôn Thất Loan, chán rồi quay ra tự mình tranh luận với mình: Nhất thiết phải cố từ nay trở đi đừng làm điều gì hại cho đất nước! …Nhưng em bị vấp ngã ngay tức khắc: Đất nước nào? Đất nước này từ nay trở đi là của ai? Mình còn được quyền coi đất nước đã sinh thành ra mình là của mình nữa không? Với tất cả lỗi lầm mình đã làm?.. Em đã tự đặt ra biết bao nhiêu câu trả lời. Nhưng đến nay vẫn không câu trả lời nào thuyết phục được em.
– Hay là vì em không tán thành chế độ chính trị của nước ta?
– Anh lại nêu thêm một vấn đề khác tụi em học không vô được. Nghĩa là học nhưng không nhập tâm được.
– Em có biết cậu lúc còn đi dạy học thường nói về trường hợp này như thế nào không?
– Em không biết ạ. Vì khi vào đây em còn bé quá.
– Đúng là em thiệt thòi quá. Cậu gọi đó là nước đổ đầu vịt. Đôi ba lần anh bị cậu mắng như thế…
– Đối với em, nếu được cậu mắng như vậy, thì quả là không oan anh ạ. Em thừa nhận một chế độ chính trị đủ khả năng huy động mọi lực lượng đánh bại cuộc chiến tranh của Mỹ và chế độ Cộng hòa, dứt khoát phải là một chế độ giỏi hơn, ưu việt hơn…
– Đấy là nhận thức em thu hoạch được trong học tập ở trại?
– Không anh ạ. Đấy là kết luận tự em rút ra trong những ngày nằm ở trại. Có thấy được Mỹ đã huy động tổng lực như thế nào, kể cả khoa học, kỹ thuật, trí tuệ và văn hoá Mỹ, chỉ còn thiếu có bom nguyên tử thôi, có thấy được Mỹ đã dựng lên ở miền Nam cả một chế độ chính trị có lực lượng quân sự mạnh hơn bất kể đồng minh nào của Mỹ ở châu Á, với ý thức hệ chống cộng quyết liệt, có thấy được như thế mới hiểu được tầm vóc đối thủ đã đánh bại cuộc chiến tranh này. Các bài giảng ở trại chưa đạt tới tầm này anh ạ. …Em nghĩ cũng không thể trách những người giảng được, vì họ không thể hiểu Mỹ và chế độ Cộng hoà bằng tụi em… Và thực lòng trình độ họ cũng thấp quá… Nhưng khi nghĩ về chế độ chính trị của một quốc gia nói chung, về con đường đi lên của một quốc gia.., em và nhiều người trong trại lại có cách nhìn khác. Rất khác so với những bài giảng… Em vẫn loay hoay tìm cách xác định cho mình…
Lễ hình như chật vật trong việc sắp xếp các suy nghĩ của mình, dừng lại một lúc lâu rồi mới nói tiếp được:
– Nói theo danh từ hay cách nghĩ của phía anh, có thể dòng máu phản động trong con người em quá nhiều. Cũng có thể cuộc đời của những người như tụi em được nuôi dưỡng bằng thứ máu khác… Tụi em có cách nhìn khác về chế độ chính trị.
– Anh không chờ đợi sau một thời gian học tập em sẽ có ngay một quan điểm chính trị khác.
– Thực là khi học, bọn em không nói ra nhưng hay so sánh. Các bài giảng nói về cái thiện, cái mỹ, cái nhân bản của chế độ chính trị nước ta, em thấy về mặt lý thuyết còn thua xa những tư tưởng tiến bộ và nhân đạo của Vích-to Huy-gô (Victor Hugo), còn thô sơ rất nhiều so với hệ thống xã hội và nhà nước của Rút-sô (Jean Jacques Rousseau), không bằng Tuyên ngôn Độc lập của Jép-phơ-sơn (Thomas Jefferson)… Kém xa Tuyên ngôn Độc lập mồng Hai tháng Chín của Cụ Hồ.
– Trong trại cũng giảng về Tuyên ngôn Độc lập mùng Hai tháng Chín à?
– Không anh ạ, khi ở Ban tham mưu Bộ Quốc phòng Sài Gòn, em được giao cho nghiên cứu chế độ chính trị của Bắc Việt. Em tìm hiểu Tuyên ngôn này và thấy rất thích. Nó đúng với ý nguyện của mình. Nhưng đấy là nói về lý thuyết. Còn cuộc sống thực của thế giới đồng tiền, thì dù là ở Mỹ, ở Pháp, ở Cộng hòa Việt Nam, ở khắp quả đất này, em tin chắc hiểu biết như anh thì cũng có thể hình dung được. Nhưng anh cũng đừng nên hình dung theo những điều như người ta đã viết trong các bài giảng ở trại!
– Trại giảng đề tài này dở lắm hả em?
– Em không có quyền cho điểm. Em đã nói rồi, tụi em thực sự là có cách nhìn hoàn toàn khác. Các bài giảng nói nhiều đến chủ nghĩa Mác, đến Chủ nghĩa xã hội. Cả anh và em đều chưa có điều kiện để xem xét rồi đây chúng ta có xây dựng được đất nước đúng như nói trong chủ nghĩa Mác hay không.
– Đừng quên đây là lý tưởng, là ước mơ cần hướng tới.
– Vâng, em hiểu chứ. Chiến tranh vừa mới kết thúc thôi mà. Còn nói một đằng làm một nẻo, hay muốn định nghĩa chính trị là gì, thì Cộng hòa Việt Nam là một trong những ví dụ mẫu mực. Em có thể bảo vệ thành công quan điểm này bất kỳ tại đâu. Chế độ chính trị sắp tới của nước ta liệu có thể tránh được nguy cơ này không anh? Anh còn nhớ câu hỏi của Quách Minh Châu?
– Nhớ.
Hôm ấy Quách Minh Châu chỉ hỏi anh về khía cạnh tham nhũng, nhưng trong bụng hiểu là hỏi về tất cả. Đúng là bữa ấy anh đã nói thật. Nghĩa là chính anh cũng nghĩ rằng phải chờ thực tế trả lời câu hỏi ấy. Trước đây em cũng tò mò tìm hiểu chủ nghĩa Mác, vì thần tượng Mác dù sao đã có lúc ảnh hưởng hay chinh phục tới một phần ba nhân loại.
– Ít nhiều chủ nghĩa Mác cũng hấp dẫn em hay sao?
– Đúng ra là sự tò mò kích thích em… Vả lại muốn chống Mác thì phải hiểu Mác…- Em hiểu Mác như thế nào?
– Lại thêm một vấn đề nữa trong các bài giảng ở trại không nhập vô tụi em. – Lễ đứng dậy đi đi lại lại, vừa nói vừa tìm các ý nghĩ. – Không có các bài giảng chuyên đề về chủ nghĩa Mác, nhưng hầu hết các bài giảng đều nói là dựa vào Mác. Các bài giảng về con đường phát triển của Việt Nam, về chế độ chính trị nước ta là dính sâu nhất đến chủ nghĩa Mác. Nhưng thành thực là tụi em nghe vì phải nghe thôi.