– Có lẽ ngày nay tiền phong chiến đấu thì phải như vậy… Giai cấp nhất, với nghĩa là cách mạng nhất, thì phải là Đảng của dân tộc! – Lê Hải cảm thấy có lý.
– Lẽ tất yếu đấy, anh Hải ạ? Còn biến dân tộc này trở thành của Đảng thì đảng sẽ dần dần do những đội quân Chín Tạ chiếm hữu như cháu Vũ nhà anh vẫn lo đấy.
– Phải chăng đấy là hai ngả đường phía trước mà tầm nhìn của Đảng ta nhất thiết phải vươn tới?
– Vâng, bây giờ tôi càng vỡ lẽ ra, cuộc cách mạng phát triển phía trước đất nước ta phải trải qua hình như bắt đầu từ nhận thức này anh Hải ạ.. Giống như người đi biển thôi, Đảng ta phải thấy phương hướng phải cưỡi sóng, hoặc chịu để sóng nhấn chìm anh Hải ạ!
Ngưng một lúc, ông Nghĩa nói tiếp:
– …Anh Hải ạ, cuộc sống đã mở mắt cho chúng ta thấy chủ nghĩa xã hội với mọi giá trị tốt đẹp mà những người cộng sản chúng ta xưa nay hằng mong muốn…
– Kết luận của anh là thế nào? – Ông Hải xen vào…
– Những giá trị của chủ nghĩa xã hội như chúng ta hằng mong muốn, rõ ràng chỉ có thể từng bước đến với chúng ta trên cơ sở tích tụ những thành quả của phát triển… Hiểu như thế, có thể nói trong đổi mới bây giờ nước ta có nhiều chủ nghĩa xã hội hơn so với trước đổi mới, với nghĩa công bằng hơn, dân chủ hơn, hạnh phúc ấm no hơn.., có phải thế không?
– Một cách nhìn hay đấy! Từ đâu anh nảy ra khái niệm những giá trị của chủ nghĩa xã hội như vậy? Hay là cứ cái gì đẹp thì anh vơ hết vào khái niệm chủ nghĩa xã hội của anh!..
– Anh thật là tinh quái, nhưng mà có lẽ đúng như thế thật anh Hải ạ… Tôi bế tắc trong định nghĩa về mô hình chủ nghĩa xã hội, nhưng trong lý tưởng của những người cộng sản chúng ta, tôi lại tìm được nhiều giá trị tốt đẹp mà nhân loại đang khát khao… Thế rồi càng khôn ngoan lên, tôi càng thấy nhân loại có trăm nghìn con đường thực hiện những giá trị đáng khát khao ấy, ngày càng gặt hái nhiều thành quả cho những giá trị ấy…
– Muốn đạt được những giá trị đó, mỗi đảng viên sẽ phải tự bộc lộ mình, phải tự chịu trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc về mọi việc làm của chính mình… Toàn Đảng như thế cũng sẽ minh bạch trước toàn thể dân tộc mình! Tách cái đạo ra khỏi Đảng như thế cũng sẽ khó còn đất cho mọi sự tù mù… Đi theo con đường trở thành đội ngũ tinh hoa của dân tộc, Đảng của dân tộc thì phải như thế…
– Có lẽ thế anh Hải ạ.
– Chừng nào Đảng còn trung thành với lời thề ghi trên lá cờ của mình thì nhất định tách được anh Nghĩa ạ! …Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân! Anh nhớ điều này chứ?..
– Nhớ! Anh thử hình dung xem, một khi Đảng lãnh đạo đã nâng mình lên được tới tầm cao Đảng với dân tộc là một – về trí tuệ, về nghị lực, về phẩm chất, về khát vọng.., một khi dân tộc nhìn thấy ở Đảng tri thức và con đường đi đến hoài bão dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh..! Ôi, là một như thế, anh Hải.., có lẽ đấy sẽ là mở đầu sự nghiệp chấn hưng đất nước Việt Nam ta!
– Tôi hiểu.
– Lựa chọn được là một như thế. Đây là cuộc đấu tranh hàng giờ, hàng ngày Đảng ta phải tiến hành anh Hải ạ!
– Thế anh không sợ kinh tế thị trường đang hàng giờ hàng ngày đẻ ra chủ nghĩa tư bản à?
– Không. Chuyện đó tôi không sợ. Tôi chỉ sợ Đảng ta không lựa chọn cuộc đấu tranh Đảng phải chấp nhận!
– Trời ơi anh Nghĩa, kẻ chống Đảng điên cuồng nhất có lẽ cũng chỉ nói được đến mức như anh thôi!..
Ông Nghĩa cười, đứng dậy lấy thêm hạt dưa đổ vào đĩa, rót thêm rượu vào đầy hai cốc.
– Nhìn ra được vấn đề thì về hưu mất rồi anh Nghĩa ơi!
– Đảng viên không nghỉ hưu. Tôi sẽ tổng kết, anh Hải ạ.
– Để làm gì?
– Để tìm đường đi tiếp, để dứt khoát không luẩn quẩn đi vào cái ngõ cụt của ngã ba quyết liệt ở phía trước.
– Lại viết à?.. Ai xem? Ai đọc hả?
– Phải tổng kết để trang trải với lịch sử anh Hải ạ. Mà có trang trải được với lịch sử thì mới giữ được lòng tin của tương lai!
– Trang trải với lịch sử? …Anh có hiểu điều anh đang nói nghiêm trọng như thế nào không? – Lê Hải nhìn vào tận mặt Nghĩa.
Ông Nghĩa cân nhắc thận trọng:
– Tôi hiểu… Nhưng nhất thiết phải thế! Đảng ta phải giữ bằng được lòng tin của tương lai anh ạ.
Lê Hải nâng cốc lên, chấp nhận cách giải thích của bạn:
– …Trang trải với lịch sử! Như thế nghĩa là anh lại định bắt tay vào làm cái việc đội đá vá trời như Hậu đã có lần chê cười chúng ta?
– Không phải thế. Làm nghĩa vụ người đảng viên.
Lê Hải trầm ngâm hồi lâu.
– Anh có lý. Nhưng tổng kết cả cuộc đời à? Bắt đầu từ đâu bây giờ?
– Lúc nào anh cũng nêu câu hỏi khó. Có nhiều bài học thấm thía lắm.
– Lại đi viết hồi ký phải không?
– Anh nghĩ thế à?
– Đừng giở cái trò rởm này ra nhé! Không ngửi được đâu! – Lê Hải bật lại rất nhanh.
– Tôi sẽ cố không làm cái trò rởm ấy!
Lê Hải đưa tay bóp đầu bóp trán một lúc:
– Tổng kết!.. Phải, tổng kết… Nhưng mà… Cha mẹ ơi, anh tin là ngọn bút chân thành của anh có thể góp phần xoay chuyển được cuộc đời à?
– Anh Hải! – Nghĩa kêu lên, hai tay giơ lên trời – …Anh đánh giá quá cao tâm hồn lãng mạn của tôi đấy!.. Loài người xưa và nay chưa bao giờ có một ngòi bút nào làm được việc này! Cả đến các pho sách của Mác, của Lênin cũng thế thôi! Tôi chỉ khát khao tổng kết để nhìn rõ hơn được cây đời!.. Như vậy mới hy vọng biết đường trang trải được với lịch sử… Ít nhất là cho chính mình…
– Vậy anh định tổng kết cái gì?
Ông Nghĩa sắp xếp các suy nghĩ, nhưng mãi vẫn chưa dứt khoát được:
– Tôi thực sự lúng túng anh ạ, còn đang lựa chọn… Có lẽ trước mắt tôi muốn nhìn lại chặng đường ba mươi năm đầu tiên của nước Việt Nam độc lập thống nhất…
– Thế nhưng phải xác định rõ mục tiêu của tổng kết chứ?
– Vâng. Tôi nghĩ những khát vọng chúng ta nói lên hôm nay đã làm rõ mục tiêu này… Cụ thể là để nhìn rõ con đường chấn hưng đất nước phía trước, và để.. nhìn rõ cái ngã ba quyết liệt, dứt khoát tránh cho Đảng ta không trở thành Đảng hưởng quyền thừa kế! Mục tiêu tổng kết như thế có được không anh Hải?
Lê Hải ngẫm nghĩ mãi mới trả lời:
– Nên lắm… Nhưng sẽ gian nan lắm đấy! Liệu có làm nổi không?
– Gian nan thì đã đành rồi. Điều tôi lo hơn nhiều là có gan tổng kết hay không… Anh nhớ lại cái ngày hai chúng ta dắt nhau đi gặp Quân ủy Trung ương chứ?
– Nhớ…
– Lần này nếu không gian nan hơn thì cũng không kém.
– Tổng kết cái gì vậy?
– Sở hữu là một động lực quan trọng của con người, rộng ra là của xã hội anh ạ. Song những sai lầm dính líu với phạm trù sở hữu lại là những virus đang gây ra những bệnh hoạn tha hóa mọi mặt anh ạ… Tôi càng có lý do phải sớm bắt tay vào tổng kết vấn đề sở hữu để ý thức được tất cả.
– Cũng có nghĩa là đụng chạm vào những virus này?
– Vâng.
– Nhưng anh có hiểu như thế là sờ mó vào cái chết không? Đã có cả một nghị quyết 6B mà vẫn chưa đâu vào đâu!.. – Giọng nói Lê Hải đầy vẻ căng thẳng.
– Anh Hải ạ… – Nghĩa nắm lấy tay bạn: – Anh hiểu đúng tính chất phức tạp của vấn đề đấy.
– Ôi tổng kết như thế thì anh chưa hình dung được tính chất quyết liệt của cuộc chiến này đâu anh Nghĩa ạ!..
– Anh vẫn thường nói với tôi là người đảng viên bộ đội Cụ Hồ không rời vị trí chiến đấu! Anh quên rồi sao?
Ông Lê Hải ngẫm nghĩ một lúc:
– Kỳ vừa rồi vào Nam làm giỗ cho má Sáu Nhơn tôi và đi thăm mộ hai mẹ con Thạnh, anh Tám Việt và tôi trò chuyện với nhau loanh quanh thế nào mà lại húc đầu vào câu hỏi “ai thắng ai?”
– Lần thứ bao nhiêu rồi hả anh Hải? Giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản ai thắng?
– Anh cứ trêu tôi mãi… Giữa cách mạng và tha hoá trong Đảng ta “ai thắng ai”? Nghe rõ chưa?..
– Rõ…
– Tựu trung lại, cái gốc của “ai thắng ai?” trong Đảng ta hôm nay nằm trong câu hỏi quyết liệt: “đất nước này bây giờ là của ai?”
– Bây giờ anh quên mất không hỏi ai thắng ai? trong đấu tranh giai cấp à? – Nghĩa lại trêu.
– Tôi quên từ lâu rồi… Ghi sổ đen đi! Thỏa mãn chưa?.. Thật ra trong mỗi thời kỳ cách mạng câu hỏi “đất nước là của ai?” luôn luôn giúp chúng ta phân định rõ đường lối cách mạng đúng hay sai, có phải thế không anh Nghĩa? Bây giờ câu hỏi này đang chĩa thẳng vào chúng ta! Nghĩa là: Đảng ta bây giờ là ai? Là của ai?.. đúng như chúng ta vừa mới bàn với nhau.
– Vâng, không tránh né được.
– Thực ra dân tộc mình ân tình lắm đối với Đảng, cũng rộng lượng lắm đối với Đảng, có phải thế không anh Nghĩa?
– Vâng. Không thể nói khác được.
– Tôi thừa nhận mỗi cao điểm hay mỗi bước ngoặt của lịch sử thường tạo ra những bối cảnh và những cái trớn chúng ta lúc đương thời khó vượt qua được. Anh cứ nghĩ lại mà xem, sau thắng Mỹ mà lại có ngay được quan điểm đổi mới như ngày nay thì thật là không tưởng! Có thể còn bị quy kết là phản động nữa là khác… Anh Tám Việt và tôi nhất trí với nhau như thế… Song ba mươi năm vừa qua là khoảng cách quá đủ để chúng ta tự nhìn nhận lại mình anh ạ…
Ông Lê Hải đứng dậy đi đi lại lại, trầm ngâm suy tư…
…Ôi khi mình hân hoan đứng nhìn lá cờ đỏ sao vàng toả xuống kín mặt tiền Nhà Hát Lớn Hà Nội ngày 19 Tháng Tám, mình đâu có nghĩ con đường đi đến nhận thức cái lẽ tất yếu hôm nay của Đảng, của đất nước quanh co khúc khuỷu đến nhường này… Mấy ngày sau mình đã trang nghiêm đứng dưới chân khán đài Ba Đình… Những ngày hội bất tận của dân tộc…