– Thưa với cả nhà, đến bây giờ hát lại những câu hát này tôi vẫn thấy mình bay bổng như hồi ấy. Tôi cầm súng ra trận, rồi được kết nạp Đảng trong tâm hồn như thế. Người lính nào mà không mơ ước cuộc sống thanh bình sau chiến tranh! Thế mà anh Hải và tôi nhiều lúc vẫn phải thốt lên với nhau là đất nước chưa đi được bao xa trên con đường hồi sinh, thì nay đã phải lo đối mặt với một thế giới khác hẳn mất rồi!..
– Anh Nghĩa chị Nguyệt ạ, hôm qua lúc thắp hương cho tướng Trần, tôi càng hiểu sâu sắc thêm lời tuyên thệ của chính mình khi vào Đảng, lời thề Vì nhân dân quên mình… Tôi thừa nhận giữ trọn lời thề này thật không đơn giản, nhất là khi phải đối mặt với những điều cay đắng trong đời! Đứng trước mộ anh Trần tôi mới càng hiểu sâu sắc thêm khát vọng về tự do của nhân dân ta, hiểu những nỗ lực ghê gớm của nhân dân Thái Bình. Có thể nói người dân Thái Bình đang vắt óc tìm cách bước ra khỏi vùng trời vùng đất của mình để vươn ra thế giới.
– Những chuyện anh Hải kể trong chuyến đi Thái Bình làm cho tôi càng tin vào điều chúng ta nung nấu lâu nay: Dân tộc ta đang đứng bên thềm một cuộc cách mạng lớn lao nhất trong lịch sử của mình!..
– Đúng thế! Cuộc cách mạng chấn hưng đất nước! Cuộc cách mạng phát triển chính bản thân mình! Nhiệm vụ đích thực của Đảng! Chuyến đi Thái Bình mở mắt cho tôi nhiều lắm! – Lê Hải tán thành.
– Cậu Tịch phê phán quyết liệt về sự chụp giựt đầy quyến rũ chết người. Cậu ta nói đổi mới là tạo cơ hội cho mọi người tự thắp đuốc tìm đường cho mình đi lên! Tôi cho đấy là sự tổng kết tuyệt trần đời về đổi mới! Chỉ vỏn vẹn trong một câu!..
– Trời đất!.. Cậu Tịch tổng kết đổi mới như vậy hả anh Hải? – Ông Nghĩa kêu lên.
– Vâng! Đúng một câu! – Lê Hải đáp lại.
– Ôi, lẽ sống muôn đời của con người anh Hải ạ… Sao mà cậu ta nói y hệt ông chú Học tôi, một người trần tục nhưng tự nguyện nhận mình là con của Phật! – Ông Nghĩa cầm ly rượu lên, vân vê trong tay nhưng không uống…
– Chân lý có lẽ đơn giản như thế anh Nghĩa ạ.
– Anh biết không, anh Hải? Càng ngày tôi càng vỡ lẽ ra con đường đi tới tự do là nhận biết thế giới và phải tự làm người dẫn đường cho chính mình anh ạ… Ông chú Học tôi là người đầu tiên mở mắt cho tôi nhận biết điều này… Nay lại được nghe một đảng viên từ cuộc sống nói lên câu này!.. Tôi tin là Đảng ta còn nhiều đảng viên như thế!
Câu chuyện trên bàn ăn cứ leo thang dần vào những vấn đề gai góc của đất nước, xoay quanh cái trục chính là vấn đề sở hữu thuộc mọi loại hình đang tồn tại trong xã hội…
Sau bữa cơm, vợ chồng ông Lê Hải nghỉ trưa tại nhà ông bà Nghĩa. Lần nào cũng thế, cứ khi nào ông Hải và ông Nghĩa gặp nhau là như diều gặp gió. Chờ cho hai bà đi sang phòng bên, ông Nghĩa pha hai tách cà phê thật ngon, sẵn chai cô nhắc Hennessy vợ chồng Kim – Tín vừa biếu hôm qua, hai ông tiếp tục nhâm nhi và đàm đạo trong phòng khách.
– Anh Nghĩa ạ, giữa nghị quyết và cuộc sống, giữa luật pháp và thực thi luật pháp, giữa lời nói và việc làm.., tôi thấy có nhiều chỗ vênh nhau đến mức như thể nói tiếng lóng! Đến nỗi hình như đã hình thành một thứ văn hóa “Nói dzậy mà không phải dzậy!” như anh Tám Việt đã nhiều lần thốt ra miệng!
– Đấy hình như đi vào não trạng xã hội hiện tại rồi có phải không anh Hải?
– Tôi cũng hỏi cậu Tịch câu anh vừa hỏi… Tịch trăn trở không kém gì chúng ta, nhưng quyết liệt hơn chúng ta! Cậu ấy phê phán cách làm ăn theo kiểu bóc ngắn cắn dài! Sẽ cắn vào tay lúc nào không biết thôi! Con đẻ của tham nhũng tiêu cực.
– Tịch nhận xét như vậy hả anh? – Ông Nghĩa rất ngạc nhiên.
– Cậu ấy là con người của cuộc sống mà anh!
– Đúng như thế anh ạ!.. Có đi tắt lên trời, con đường chống tiêu cực tham nhũng cứ phải kinh qua tự do dân chủ, công khai minh bạch, và mỗi người phải làm đúng việc của mình! Không thể khác được anh Hải ạ. Đảng ta chỉ giữ vững vai trò lãnh đạo khi phải luôn đi tiên phong trên con đường này!
– Như thế anh có thần thánh hóa Đảng không?
– Lúc nào anh cũng cảnh giác! Nhưng mà đấy là sự lựa chọn duy nhất!
– Nói như thế anh hiểu gì về ma lực của quyền lực? Chẳng có gì kiêng cấm đối với nó đâu anh Nghĩa! Anh cứ nhìn vào sự hoành hành của đội quân Chín Tạ thì rõ mọi chuyện… – Lê Hải vặn vẹo.
– Tôi thừa nhận…
– Anh Nghĩa ơi, tôi hiểu… – Ông Lê Hải gật gù. – Nói như anh phải chăng chúng ta đã trải qua sự ngây thơ thời trai tráng và bây giờ đang bước vào sự ngây thơ lão thành?
– Trời ơi, sự ngây thơ lão thành!?
– Phải!
– Anh có còn suy nghĩ nào quái ác hơn thế nữa không? – Nghĩa giãy lên. – Nguyệt mới chỉ xếp hạng chúng ta vào loại Don Quixote thôi, nhưng anh còn tệ hơn!
– Ông hiểu gì về đấu tranh quyền lực hả ông đại tá Quân đội Nhân dân Việt Nam Phạm Trung Nghĩa? Ông vẫn tin là Đảng của ông là bất khả xâm phạm đối với ma lực của quyền lực có phải không? Ông mơ mộng hay ông đang ngủ?!.. – Lê Hải chưa chịu ngay.
– Tôi đang thức! Anh nghe rõ chưa?.. Nhưng tôi nghĩ rằng với tất cả trí tuệ Đảng đang có trong những đảng viên chân chính của mình, với tất cả ý chí Đảng đang có trong những đảng viên giác ngộ sâu sắc lợi ích của dân tộc, Đảng hoàn toàn có khả năng và phẩm chất là Đảng lãnh đạo trong thời kỳ cách mạng chấn hưng đất nước! Các đảng viên thế hệ đàn em của chúng ta, các đảng viên thế hệ con cháu chúng ta cũng đang dạy tôi điều này, anh Hải ạ!.. Miễn là có ý chí thắng bằng được đội quân Chín Tạ!..
Lê Hải đứng dậy đi đi lại lại. Ông xua tay ra hiệu cho Nghĩa ngồi yên. Đi loanh quanh một hồi nữa Lê Hải mới hỏi:
– Số đảng viên chân chính đông hơn đội quân chín Tạ chứ, anh Nghĩa?
– Chắc chắn là như vậy! – Nghĩa khẳng định
– Được, thế nhưng tại sao tha hóa vẫn có chiều hướng trầm trọng thêm? Anh giải thích thế nào?..
Đến lượt Nghĩa ngúc ngắc:
– Tôi thừa nhận chưa bao giờ Đảng ta có những tiềm năng lớn như bây giờ… Thế mà… cũng chưa bao giờ Đảng có nhiều điều đáng ngại như bây giờ!.
Câu chuyện chững lại vì đụng vào gai góc…
– Con đường thứ ba thì không có anh Nghĩa ạ!.. Bên các nước Liên Xô, Đông Âu cũ đã qua mấy lần bầu cử rồi, thế mà không thấy bóng dáng phong trào cộng sản những nước này ở đâu cả!
– Vâng, tính ra là gần hai thập kỷ rồi đấy.
– Chẳng lẽ tình trạng này đang nói lên một sự đoạn tuyệt nào đó?
– Đặt vấn đề như anh thì còn phải hỏi thêm ai? đoạn tuyệt cái gì? nữa. Bởi vì lịch sử của chủ nghĩa xã hội ở những nước này không thể nào dễ dàng bị lãng quên như thế!
– Nếu thế câu chuyện càng nghiêm trọng! – Lê Hải đồng tình.
Nghĩa ngồi nhấm nháp… Bản thân ông cũng ngạc nhiên là câu hỏi hệ trọng thế mà lâu nay ông chưa đặt ra cho mình, mãi mới nói được:
– Vâng, đúng là phải hỏi thêm: Ở những nước này ai? đoạn tuyệt cái gì?.. Sự hư vô, sự lạc lõng phải trả giá.., hay là niềm tin bị đánh cắp hả anh Hải?
– Tôi e rằng câu hỏi của anh chưa đủ bao quát được mọi chiều cạnh của sự vật!.. Chẳng gì cũng hơn bảy mươi năm! Trên một phần ba địa cầu chứ ít ỏi gì… Đánh tan chủ nghĩa phát xít… Thổi bùng lên phong trào độc lập dân tộc… Cầm chân chủ nghĩa đế quốc cả một nửa thế kỷ…
– Vâng… – Nghĩ một lát Nghĩa nói tiếp – Hay là trong một bối cảnh nhất định, nhìn theo một góc độ nhất định, sự sụp đổ này mặt nào đó còn cho thấy khả năng tàn phá kinh khủng của xu thế thời đại?
– Trời ơi anh Nghĩa!..Anh có cái gì trong đầu thế? – Lê Hải xô rung cả cái bàn nước, vì quá bất ngờ.
– Anh ngoan cố? – Nghĩa nhìn Lê Hải chằm chằm.
– Không… Nhưng hệ lụy của cách nhìn này nghiêm trọng lắm!..
Nghĩa gật đầu thừa nhận rồi lựa lời:
– Rất nghiêm trọng… Anh xem này, nước ta vì sao kháng chiến thắng Mỹ? Có nguyên nhân rất quan trọng là cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ đi ngược với xu thế thời đại, có phải thế không?.. Nói như thế thuận chưa anh Hải?
– Nói như anh, Liên Xô – Đông Âu đổ có nguyên nhân thời đại. Ta thắng Mỹ có nguyên nhân thời đại!..
– Chưa đủ đâu anh Hải ạ, nhìn lại, về đại cục phải nói chẻ hoe ra là Mỹ đã thắng trong chiến tranh lạnh chứ! Ngay trong thời đại của chúng ta chứ!
– Ôi, nếu thế xu thế thời đại đích thực nó là cái gì? Sao chúng ta vẫn lơ tơ mơ về nó đến thế?.. Mà thời đại thì lại không cần lơ tơ mơ với ai cả.
Nghĩa chưa trả lời ngay, sắp xếp lại các suy nghĩ rồi mới nói:
– Thế mà đã có người nói bắt đầu tới sự cáo chung của đế chế Mỹ đấy. Tôi còn đang nghĩ tiếp để xác định nội dung thời đại… Nhưng hiển nhiên toàn cầu hóa kinh tế ở mức độ ngày nay, tác động sâu sắc của tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào mọi lĩnh vực của cuộc sống con người và xã hội – nhất là công nghệ thông tin, những khát vọng về những giá trị mới do văn minh nhân loại tạo nên – nhất là vai trò từng cá nhân con người.., những thách thức phi truyền thống ngày càng nổi cộm trong đời sống thế giới… Phải chăng đấy là những yếu tố mới chủ yếu đang xác định nội dung thời đại hiện nay?.. Hoàn toàn khác so với cách đây hai chục năm khi chiến tranh lạnh đi vào thời kỳ kết thúc!.. Hoàn toàn khác khi thế giới phân chia thành hai phe bốn mâu thuẫn sau chiến tranh thế giới lần thứ hai…
– Thế ý thức hệ anh vứt đi đâu? – Lê Hải hỏi ngay.