– Ôi chị Nguyệt… – Bà Hậu gục đầu vào vai bà Nguyệt. – …Nếu Nam còn sống… Ông trời tai ác quá phải không chị?
– Ông Hào Hải cứ xuýt xoa là nếu Nam được gặp Dương Bích Liên chắc Nam còn vươn xa nữa trên đường nghệ thuật… Cả hai đều không còn…
– Có những mất mát không sao lấy lại được phải không chị Nguyệt?..
– Có buổi ông Hào Hải kể hàng giờ cho tụi mình nghe về chuyện Dương Bích Liên vẽ hai ngón tay của Bác Hồ kẹp điếu thuốc lá trong khi Bác làm việc… Dương Bích Liên vẽ kín đầy cả một quyển sổ dày cộp những ký họa như thế chỉ riêng về hai ngón tay của Bác cầm thuốc lá… Dương Bích Liên nhiều lần thốt lên với Hào Hải là cả đời chưa thấy ai khi hút thuốc lại có phong cách tao nhã như Bác Hồ, phong cách một con người…
– Chị nói thế em càng hiểu ước ao của Yến …vai địu con, tay xách túi, sẽ đi với Nam đến cùng trời cuối đất để cho Nam vẽ… Yến nhiều lần kể đi kể lại cho em nghe như thế…
Tại nhà ngoài, ông Nghĩa loay hoay mãi với bình rượu, tìm cốc rót ra nhấp nhấp thử mấy giọt:
– Chà chà, rượu hay lắm anh Hải ơi. Phải ở lại đây cả ngày hôm nay thôi! Bốc mạnh, nhưng lịm chết người!
Khi hai bà quay ra phòng ngoài, câu chuyện giữa bốn người còn xoay quanh phòng tranh của Nam một lúc nữa. Ông Nghĩa thú nhận:
– Thực ra không nghe những lời bình, mình không thể hiểu hết cái đẹp trong tranh của Nam.
Lời mời của vợ chồng ông Nghĩa được khách đáp ứng. Thế là hai cặp vợ chồng già không hẹn nhau trước, nhưng lại có dịp hàn huyên tất niên với nhau cả ngày trời.
Chuyện trò mãi với nhau đủ mọi thứ trên đời, tất cả cùng đứng lên rủ nhau đi chợ. Ra đường đi bộ xuống cuối phố là có chợ, vừa đi vừa bàn với nhau các món định nấu nướng, thức gì cũng rất sẵn. Tất cả cùng vào bếp, mỗi người mỗi việc, đương nhiên là hai ông phải thi nhau chứng tỏ mình là người bị sai vặt có năng lực nhất!
Bữa cơm với nhau cuối năm không hẹn mà nên càng thêm ngon lành, ấm cúng. Không ai bảo ai, cả bốn người đều chung ý nghĩ coi hôm nay là ăn Tết trước, có mâm cỗ con con cúng tổ tiên trước khi ngồi vào bàn… Từ ngày vợ chồng Mai ra ở riêng, hai cặp vợ chồng già này vẫn thường có những bữa cơm chung với nhau tùy hứng như thế, lúc ở nhà này, lúc ở nhà kia…
Bao nhiêu ấn tượng sốt dẻo về chuyến đi thăm Thái Bình và đường 10, ông bà Lê Hải không thể giữ yên trong lòng ngay từ lúc còn làm cơm. Thật ra bây giờ mới là lúc ông bà Lê Hải có đủ bình tĩnh, có đủ thời gian hiểu thấu những gì đã được tai nghe mắt thấy trong chuyến đi này.
– Em không thể tưởng tượng nổi một tỉnh đồng bằng, đất chật người đông, không chết đói, đủ cơm đủ gạo nuôi nhau là quá giỏi rồi, thế mà vẫn cố tìm đường đi lên, đang quyết liệt đẩy lùi cái nghèo. – Bà Hậu nói cảm nghĩ của mình.
– Bao nhiêu năm nay tỉnh nằm lọt thỏm vào nơi không có đầu mối giao thông lớn nối với cả nước và thế giới bên ngoài, bây giờ thì khác nhiều rồi, anh chị ạ. – Ông Lê Hải nhận xét. – Chê chính phủ cái gì thì chê chứ, nhưng làm con đường 10 đáng cho 10 điểm. Tôi chỉ lo con đường này sẽ sớm trở nên quá tải thôi!
– Anh Lê Hải ạ, thế anh có hỏi cậu Tịch là những sản phẩm cậu ta đang làm hoặc sẽ làm có nằm trong kế hoạch nào của chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh không?
– Tôi không hỏi anh Nghĩa ạ. Nhưng cả chuyến đi Thái Bình tôi tự loay hoay mãi với câu hỏi thực chất chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá ta đang thực hiện là gì? Một bên là thực tế cuộc sống, một bên là các chương trình hay kế hoạch của nhà nước về phát triển kinh tế xã hội. Tôi thực lo có quá nhiều chỗ vênh nhau và mỗi đằng mỗi nẻo! Suốt cả đêm qua, tôi cứ bị ước vọng của cậu ta ám ảnh: Làm sao mang lại cho Tiền Hải một cái tên có tiếng tăm như Bôhêm…
– Em thật không ngờ, một nông dân xã đội trưởng, mới năm nào đến hạ lệnh cho em phải đi lấy chồng, thế mà bây giờ đòi Chính phủ phải cho khí đốt, cho đường sá đất đai, cho luật pháp chính sách ổn định lâu dài.., đổi lại cậu ta hứa sẽ mang lại về cho Tiền Hải cái tên nổi tiếng như Bôhêm, của cải và những cái lợi khác… Em nghĩ sự phân công cậu ta tự vạch ra như thế là rành mạch đấy chứ? – Bà Hậu nói suy nghĩ của mình.
– Lúc đầu tôi cứ ngỡ là mình nặng tai anh chị ạ. Tôi không để ý đến Bôhêm làm gì, mặc dù hôm trước vừa mới đi thăm xí nghiệp pha lê ở đấy và được nghe qua về Bôhêm. Khi nghe thủng ra, tôi nghĩ bụng dù có nhà kinh tế hay nhà kế hoạch siêu việt nào từ trên trời rơi xuống, cũng không thể ngồi ở Thái Bình mà lại mơ ước đem về cho Tiền Hải cái tên Bôhêm được. Nổi tiếng mơ mộng lãng mạn như anh Nghĩa có lẽ cũng chịu, có phải không?
– Lãng mạn thật. Mạo hiểm lắm mới dám lãng mạn như vậy! – Bà Nguyệt bình luận.
– Tôi thì không coi đấy là lãng mạn. Tôi muốn gọi trí tưởng tượng ấy là khả năng nhìn ra tiền như ông chú Học tôi vẫn thường nói với con cháu trong nhà. Đó chính là tri thức, là biệt tài, là ý chí mà chỉ có người kinh doanh mới có! Không có cái đức tính như vậy ăn vào máu, đừng nói đến chuyện làm giàu, một doanh nhân hay một quốc gia cũng thế thôi! – ông Nghĩa nêu suy nghĩ của mình.
– Ôi anh Nghĩa, thế mà anh Hải em dám gọi đấy là máu con buôn đấy! – Bà Hậu trêu chồng mình.
– Đừng kết tội anh như thế Hậu! Đầu têu là chính cậu ta đấy chứ! – Lê Hải can vợ.
– Tôi biết tính anh Hải chị Hậu ạ.
– Anh Nghĩa, chị Nguyệt ạ, tôi hỏi cậu ta có cái gì trong đầu, cậu ta trả lời cộc lốc: ý chí làm chủ thị trường!..
– Một anh nông dân xã đội trưởng mà dám mạo hiểm đem về cho Tiền Hải cái tên Bôhêm, trước hết anh ta phải là người tự do! Không thể hiểu khác được anh Hải ạ.
– Người tự do có trí tuệ! Phải nói như thế mới đúng anh Nghĩa ạ. – Bà Nguyệt sửa lại câu nói của chồng.
– Không có trí tuệ thì làm gì có tự do! – Nghĩa không chịu.
– Nói như chị Nguyệt cũng đúng, anh Nghĩa ạ. Vì có trí tuệ, nên cậu ta mới có cái triết lý không đội trời chung với sự quá tải! Triết lý hay lắm! – Lê Hải tán thành ý kiến bà Nguyệt.
– Nhưng anh chịu em ở chỗ không là con người tự do thì không bao giờ dám sống cho cái gì mình muốn sống, cho cái gì mình cho là nên sống Nguyệt ạ. – Nghĩa hào hứng.
– Điểm này thì anh Nghĩa có lý, có phải không chị Nguyệt?
– Hai anh luôn tìm cách ca ngợi nhau. – Bà Nguyệt cười.
– Anh Nghĩa đúng cũng phải khen chứ chị Nguyệt? Thừa nhận họ là những người tự do, cũng có nghĩa chúng ta tự nhận mình về mặt nào đó còn là kẻ bị ràng buộc, bị nô lệ, nhất là nô lệ bởi chính mình.
– Chí phải, anh Hải! Đi gần hết cả cuộc đời mới thấy anh nói được câu này đấy! – Ông Nghĩa chạm cốc ngay tức khắc.
– Hai anh kẻ tung người hứng không bao giờ biết chán! Nhưng cái được lớn lần này là anh Nghĩa có thêm một người cùng sám hối với mình! – Bà Nguyệt nói vui.
– Khổ quá chị Nguyệt. Nói lên được yếu kém của mình chị phải động viên bọn tôi chứ! Như thế anh Nghĩa cũng đã sám hối rồi hả chị Nguyệt? – Ông Hải hỏi lại.
– Câu chuyện là thế này, anh Hải ạ. – Bà Nguyệt giải thích. – Hôm ấy, chú Lễ nhà tôi sau khi dự buổi giảng kinh Phật tại chùa Đức Trụ ở San José đã nói chuyện điện thoại với anh Nghĩa gần hai tiếng đồng hồ. Sau đó anh Nghĩa thấm thía một điều là cả đời mình ra sống vào chết vì tự do mà ý thức về tự do vẫn còn nhiều mặt thấp kém, so với những việc làm của bà Sáu Nhơn, ông Học, ông Tám Việt, của đám anh em Vũ trong ấy, của các con cháu mình ngoài này… Hôm nay tự so sánh thêm với cậu Tịch…
– Không phải chỉ mình anh Nghĩa chị ạ… Có lần ba anh em tôi, nghĩa là thêm cả anh Tám Việt nữa, đều thừa nhận còn nhiều điều chúng tôi chưa tự giải phóng được chính mình…
Ông Lê Hải nâng ngay cốc rượu lên tay. Trầm ngâm một lúc rồi ông mới nói:
– Chị Nguyệt và Hậu có lẽ không ở hoàn cảnh như bọn tôi nên có thể chưa hiểu hết đâu. Anh Nghĩa nói đúng đấy, bây giờ còn phải tự giải phóng chính mình thật…
– Con đường của nhận thức đầy gian khổ và đau khổ, có phải không anh Hải? – Nghĩa chia sẻ tâm tư của bạn.
– Vẫn là chưa muộn, có phải thế không hai anh? – Bà Nguyệt hỏi.
– Vâng… – Lê Hải đáp.
– Anh Hải gợi cho tôi nhớ lại bài hát đầu tiên tôi học được khi rời trường thiếu sinh quân để nhập ngũ. Không hiểu vì lẽ gì, đấy là bài hát tôi rất thích, đến bây giờ vẫn còn thích… Nó sống trong máu tôi…
– Em biết, vì bài hát ấy hợp với cái tính lãng mạn của anh… – Bà Nguyệt đế vào.
– Có thể như thế thật Nguyệt ạ… Nhiều buổi sinh hoạt văn nghệ ngay trên chiến hào tôi đã xung phong đơn ca bài hát này, nhất là những câu: …Các anh về đâu? Về nơi giết quân thù chung! Đi san bằng hết oán hờn. Chỉ còn tình yêu khát khao. Phá tan biên cương loài người sống thân yêu… Ngày mai lớp dân lầm than không còn buồn đau, đập tan gông cùm đẫm máu, đời vang lên đại đồng khúc ca!..(*) [(*)Bài hát Đoàn quân đi] – Ông Nghĩa ngẩng mặt, giang hai cánh tay, hát lại đoạn này với tất cả tâm hồn và ký ức tuổi trẻ của mình.
– Ôi không ngờ anh Nghĩa đã qua tuổi thất thập cổ lai hi rồi mà còn hát hay quá, giọng vẫn trẻ trung lắm! – Bà Hậu thốt lên.