– Ông trẻ ạ, cháu là đảng viên từ lúc còn là trai tráng cầm súng đánh giặc. Bây giờ một cháu nội và một cháu ngoại của cháu đã vào đại học, hai cháu ngoại còn lại đang học cấp III! Chính vì là đảng viên cháu mới giác ngộ được như thế này và mới được như hôm nay. Cháu thực tình không có lý do gì để quên mình là đảng viên ông trẻ ạ!
– Nhưng mà anh Tịch quên khai báo đã từng là đảng viên cầm súng ép tôi đi lấy chồng! – Bà Hậu nhắc nhở, mặt giả đò tỉnh khô.
Không bảo nhau mà cả Lê Hải và Tịch cùng cười, làm cho cậu lái xe cũng cười theo:
– …Cháu không biết bà trẻ thù dai cháu hay là ghi công cho cháu đấy ạ! – Tịch hỏi.
– Thôi, cứ cho là cả hai đi! Phụ nữ phức tạp lắm, đừng dính vào! Cậu không hiểu nổi đâu! – Lê Hải góp vui.
– Anh Hải nói thế là sẽ bị em phạt đấy! – Bà Hậu không chịu lép vế.
– Thôi, chúng ta cứ chịu thua bà trẻ đi Tịch ạ. Nhưng tôi muốn hỏi đảng viên Lê Văn Tịch cầm súng ngày xưa và đảng viên Lê Văn Tịch có máu con buôn bây giờ khác nhau thế nào?
– Ôi ông trẻ!.. – ngẫm nghĩ một lúc Tịch nói tiếp – …Thưa ông trẻ, đảng viên Lê Văn Tịch bây giờ giác ngộ hơn đảng viên Lê Văn Tịch ngày xưa ạ!
Câu trả lời của Tịch làm cho Lê Hải rơi thỏm vào câu hỏi bao lâu nay từng lúc, từng lúc lại nổi loạn trong tâm trí… Ông nhớ lại biết bao nhiêu bàn bạc thâu đêm với Nghĩa, ông liên tưởng đến những ý kiến của tiến sĩ toán học Phạm Trung Tân – cháu ông Nghĩa, đến những điều day dứt của cánh anh em Vũ…
Thấy Lê Hải ngồi yên không nói gì,Tịch hỏi:
– Cháu xin hỏi thực, ù ù cạc cạc giữa thật giả như vậy trong cuộc sống ngày nay ông bà trẻ có thấy đáng lo không ạ?.. Lại còn thêm một chút dốt nát, một chút yếu kém pha trộn, chế biến vào nữa!..
– Đúng là ngôn ngữ con buôn!.. – Lê Hải buột miệng.
– Tịch cười hề hề vì phản ứng của ông trẻ mình.
– Nhưng cứ nói hết ý kiến của cậu đi! – Lê Hải tìm cách tránh né câu hỏi của Tịch, song thấy trong ngực mình thắt mạnh… Bất giác Lê Hải đưa tay rờ rờ lên má mình… Cảm giác cái tát của Năm Thịnh hình như còn vương đọng đâu đó trên trên mặt… Câu Năm Thịnh mắng Hai Phong năm nảo năm nào vẫn còn đầy lửa trong tâm trí ông… Ôi mấy chục năm rồi còn gì nữa! Cái tát vẫn rát bỏng như mới ngày hôm qua… – Lê Hải thốt lên trong lòng.
– Vâng, trong quốc doanh và ngoài quốc doanh, trong nhà nước và ngoài nhà nước… Năm, mười, mười lăm năm nữa có lẽ vẫn còn đất để bóc ngắn cắn dài được, nghĩa là chưa chết ngay tức khắc đâu ạ… Kéo dài mãi tình trạng này, một khi các nguồn tài nguyên cạn kiệt và phát triển càng lộn xộn, càng bán cơ bắp và tài nguyên thì mọi thứ càng chóng cạn kiệt… Ắt một ngày nào đó sẽ dẫn đến quá tải toàn bộ!.. Ông trẻ có thể hình dung được viễn cảnh này là gì không ạ?
– Tịch ơi.., cháu lo xa hay đang hoang tưởng ra như thế?.. – Giọng ông Lê Hải biến mất cái vẻ nghiêm khắc, trong lòng ông cầu mong sự việc sẽ không đến nỗi như Tịch nghĩ.
Tịch ngọ nguậy cái đầu, hai chân quỳ lên đệm xe để quay hẳn về phía sau, hai tay tựa hẳn lên đệm xe, nói một thôi một hồi:
– Xin tùy ông trẻ nhận xét thôi ạ. Cháu cứ nói đơn giản thế này, để ông trẻ tính xem: Chưa chi bây giờ cả nước đã bắt đầu khan hiếm nước, rác thải nhiều nơi không chỗ chứa, môi trường đã có nơi bị hủy hoại không cứu được. Phá rừng quá xá, trời chậm mưa là hạn, mưa to một ngày là đã lụt. Của cải làm ra bây giờ mới khoảng bảy tám trăm đô theo đầu người, cao gấp ba bốn lần trước khi đổi mới đấy!.. Thế nhưng các thành phố đã tắc xe khốn khổ, dăm mười năm nữa được khoảng độ một hai nghìn đô hay hơn nữa có nhẽ không có đường mà đi chắc? Không ít công trình lớn nhỏ xây xong là lỗ, là đổ. Có những công trình quốc gia xây xong là trở thành tượng đài của sự tham nhũng hoặc bất cập!.. Sẽ còn quá tải trên nhiều phương diện khác nữa cho mà xem ông bà trẻ ạ. Nếu đi theo cái hướng này thì chệch kinh khủng lắm, lúc nào đó sẽ không thoát ra được mà lại cứ tích tụ thêm cái lạc hậu… Câu chuyện là như thế làm sao không lo được ạ?.. Tiếp tục làm ăn thế này có thể sẽ chệch mất cả một cơ hội đang trong tầm tay đấy ông bà trẻ ạ!
– Anh không lo cái chệch hướng này hả anh Hải? – Bà Hậu tiếp sức cho cháu mình.
– Phải… phải… Nói chẻ ra như thế thì không xem thường được. – Lê Hải càng nghe càng đồng tình, buộc phải đáp lại.
– Mối nguy này lớn lắm ông trẻ ạ. Chúng ta đang sống theo kiểu bóc ngắn cắn dài đấy! Sẽ cắn vào tay lúc nào không biết thôi… – Giọng nói của Tịch trở nên da diết. – …Trong thắng mà không thấy cái nguy thì đấy sẽ là mối nguy lớn nhất ạ! Tự chính mình gây ra cho mình!
– Con mắt nhìn thật giả là dùng vào việc này có phải không anh Tịch? – BÀ Hậu hỏi thế, nhưng trong lòng muốn nhắc chồng phải hết sức quan tâm điều này.
– Vâng ạ. Cháu thấy thời buổi bây giờ tự ta không đánh đổ mình thì chẳng ai đánh đổ ta được đâu!
– Vừa tỉnh táo, vừa bi quan, vừa tự tin nhỉ? – Ông Lê Hải hiểu ý vợ mình, vẫn tiếp tục khiêu khích Tịch, nhưng trong lòng chết lặng… Trời đất ơi, bóc ngắn cắn dài!..
– Chúng cháu có những buổi tranh luận với nhau thâu đêm ông ạ.
– Chẳng lẽ chịu kém mãi à?
– Cháu không nghĩ thế ông ạ… Song nếu ai cũng chỉ quan tâm đến cái tồn tại của chính mình thì không tồn tại được, kể cả những người giàu quyền lực và của cải nhất!.. Lo cho cái lâu dài chung của cả nước thì nhìn ra ngay vấn đề!
– Thế lo như cháu thì đã nhìn ra được cái gì?
– Nhiều thứ lắm chứ ông trẻ ạ. Đất dụng võ của dân mình trên thị trường thế giới theo cháu rộng lắm! Cũng là nông nghiệp như nước mình hiện nay chẳng hạn, ông trẻ nghĩ xem, nếu ngay từ bây giờ ta tìm đường chuyển mạnh vào nông nghiệp sạch, nông nghiệp cao sản thì hay biết mấy, trong năm mười năm tới câu chuyện sẽ khác ngay! Nhưng phải bắt đầu từ bây giờ, dồn hết sức để bắt đầu từ bây giờ thì mới ra được ạ… Công nghiệp lại càng có nhiều lối ra hơn nếu quan tâm lâu dài đến nguồn lao động của con người Việt Nam mình và nguồn công nghệ của thế giới. Dịch vụ cũng thế ông trẻ ạ. Song muốn thế thì có nhiều chuyện phải làm khác đi! Chỉ cần nhà nước khởi xướng và hậu thuẫn cho chúng cháu tự tìm đường đi. …Còn rất nghèo thật, song chúng ta không thể cứ vơ được gì làm nấy, thậm chí làm với bất cứ giá nào thì càng không được ạ…
– Dân mình đang đói việc làm cơ mà! – Ông Lê Hải phản ứng gần như tự nhiên.
– Vâng, đành là vậy ạ, song chính vì vậy càng không thể bỏ chuyện lâu dài ạ! Đảng ta phải chống lại bằng được sự chụp giựt đầy quyến rũ chết người này ông trẻ ạ! Cháu đã được học bao nhiêu lớp huấn luyện chính trị nói phải chống chủ nghĩa cơ hội, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai nói phải chống thứ cơ hội đẻ ra mọi chủ nghĩa cơ hội này!
– Thế chống thì phải làm gì?
– Ông trẻ ạ, cháu đã nói rồi, muốn chống thì sẽ có rất nhiều chuyện phải suy nghĩ khác đi, phải làm khác đi, ông trẻ không hình dung nổi đâu!..
– Khác cái gì?
– Trước hết đừng chụp giựt! Nhất là chặn không cho xảy ra chụp giựt ông trẻ ạ! Thế mới cần lãnh đạo! Nhiệm vụ đích thực của Đảng đấy ạ!
– Anh nói gì mà cứ như là người đứng ngoài Đảng nói vào thế? Anh không phải là đảng viên hay sao? – Lê Hải muốn hiểu thật rõ câu chuyện.
Tịch lại chồm lên thành ghế:
– Ông trẻ! Nhiều lúc cháu phát điên lên! Cháu đã nói với ông trẻ rồi, đã bảo là cháu cũng chỉ là thằng thấp cổ bé họng mà.
– Tôi thông cảm được sự day dứt của anh… Cứ nói nữa đi! – Lê Hải hiền hòa.
– Ông bà trẻ ạ, càng làm như hiện nay, càng phát sinh tiêu cực cho mà xem, không đạo đức hay pháp luật nào chống đỡ nổi đâu, ông bà trẻ tin cháu đi!.. Một tổ mối có thể làm vỡ cả con đê đấy!
– Anh đào đâu ra cái triết lý quá tải bi quan như vậy? – Ông Lê Hải thán phục nhưng vẫn muốn đi đến cùng.
– Ông trẻ phải lăn vào cuộc sống hàng ngày mới thấy hết được nông nỗi của bọn cháu ông ạ… Riêng cái đoạn công việc chồng lấn lên nhau, việc thì tranh nhau làm, việc thì không ai muốn làm, không dại gì mà làm… Đúng sai không sao quy được ai chịu trách nhiệm… Chúng cháu nhiều lúc chết chẹt ở giữa!.. Chúng cháu không có thời gian để chờ, mà cuộc sống cứ lôi đi xềnh xệch! Lúc nào cũng như ngồi trên lửa!..
– Sao giống đám cháu Vũ bên anh Hai Phong tôi ở trong Nam thế! Đã bị lỡ việc lần nào chưa?
– Ôi, lỡ nhiều chứ bà trẻ! Có hợp đồng chậm cháu lỡ bạc tỷ! Trong cái guồng được pha trộn chế biến thế này thì chủ trương chính sách, luật pháp hay đến mấy cũng chóng cùn! Hàn gắn được chỗ này hà hổng chỗ kia! Người có tài đức đến mấy nếu không bị nhào nặn lại thì cũng bật ra khỏi guồng! Đời thuở nhà ai ta bây giờ có nhiều người giỏi chứ, thế nhưng tại sao gộp lại, dù là trong một cơ quan, trong một doanh nghiệp, thì lại là yếu, nghe có nghịch tai không ạ?
– Chuyện này thì tôi rõ… Cũng nhờ đi xếp hàng hết cửa này đến cửa khác, năm này qua năm khác để hợp thức hóa cái nhà tôi đang ở…
– Pha trộn, chế biến thêm cái dốt nát và cái tiêu cực vào nữa thì càng quá tải sớm lắm.
– Mở miệng ra lúc nào cũng pha trộn chế biến!.. Cậu tiêm nhiễm cái ngôn ngữ con buôn nặng quá rồi! Không lẫn vào đâu được! – Lê Hải vặc lại.