– Trời phù hộ ông trẻ ạ. Đến Cộng Hoà Séc, cháu thuê một người Việt làm phiên dịch và nằm ở đấy mất hai tuần, nhân thể cháu học thêm được kinh nghiệm khai thác kinh doanh tắm suối nước nóng ở Cáclôvi Vari (Carlovy Vary), họ làm có bài bản hơn ta nhiều ông bà trẻ ạ. Tại Bôhêm cháu đi vào các doanh nghiệp làm đồ mỹ nghệ pha lê, việc đầu tiên là hỏi họ bán đi đâu, tính toán tiền lương, giá cả… Trước khi về cháu tạt sang Áo thẩm tra lại thị trường tiêu thụ và giá cả… Ở lại Viên (Vienne) mấy ngày, cháu tính toán thấy có thể làm được.
– Chịu khó mày mò gớm nhỉ?
– Phải chịu khó đi, bà trẻ ạ, nếu không được gì thì coi như đi du lịch, có mất đi đâu mà lo ạ. Cháu tính rồi, nếu có một xí nghiệp chuyên đồ mỹ nghệ pha lê cao cấp ở Tiền Hải, nhất định cháu trúng to cho mà xem. Làm đồ mỹ nghệ pha lê cao cấp, mười phần mười Bôhêm, chứ không làm đồ thuỷ tinh! Thêm cái sáng tạo của nghệ thuật tạo hình Việt Nam vào nữa!.. Ôi nhất định sẽ là sản phẩm độc đáo, có thị trường rộng khắp thế giới, ai cạnh tranh với ta đều khó ông bà trẻ ạ… Cháu đã xem xét kỹ mọi thứ, những gì ta có thể tự có được, những gì có thể mua được, từ công nghệ, kỹ thuật, hoá chất, phụ liệu, mỹ thuật, nghệ thuật… Cát Cam Ranh thì tuyệt vời, lao động có tay nghề cao có thể đào tạo được, chuyên gia giỏi của Tiệp cháu đã ướm được mấy nguồn để thuê rồi, thậm chí có thể thuê được cả nghệ nhân Tiệp nữa. Bây giờ cháu có thể làm việc qua mạng nhờ anh phiên dịch bên ấy, tiện lắm ông bà ạ… Cháu đã tìm sẵn cả vài nghệ nhân Việt Nam…
– Ngày xưa tôi chỉ thấy cậu toàn hò với hét du kích, ăn nói thì quân phiệt, thế mà bây giờ giao thiệp giỏi nhỉ. – Bà Hậu nhận xét.
– Cái gì cháu chưa học được thì cuộc sống nó rèn, bà trẻ ạ… Bây giờ chỉ còn nguồn khí đốt lâu dài cho Thái Bình là cháu chịu chết! Cháu nghĩ khí đốt cho công nghiệp của Thái Bình, nhất là cho công nghiệp của Tiền Hải, là chuyện của Chính phủ, chứ không còn là chuyện riêng của tỉnh nữa ông bà ạ. Câu chuỵện này quyết định tương lai một triệu tư người dân sống ở đây và hoàn toàn ngoài tầm với của tỉnh. Nhất là bây giờ đã có con đường 10. Không biết Chính phủ có ai quan tâm đến chuyện này không! Chỉ cần Nhà nước giảm bớt những thứ đầu tư vô bổ hay kém hiệu quả thì việc đưa khí đốt từ ngoài biển vào cho công nghiệp Thái Bình để đổi đời cho cả tỉnh này chỉ là chuyện vặt thôi, ông bà ạ. Kể cả khí đốt từ Lan Tây, Lan Đỏ…
– Cậu có là con vẹt của báo chí không đấy?
– Ông trẻ ơi, báo chí vừa mới đưa tin riêng đầu tư cho mía đường tính đến nay lên tới sáu bảy nghìn tỷ đồng, có bài báo ước tính khoảng một nửa tỷ đôla. Đang lỗ đơn lỗ kép!.. Ông thử tính hộ cháu xem có thể làm gì tốt hơn với số tiền khổng lồ như thế? Bài báo còn đưa tin nếu không tìm ra lối thoát thì trong vòng mươi năm nữa cứ một nhà máy đường sẽ đắt bằng ba nhà máy đường vì lãi mẹ đẻ lãi con! Phát triển kinh tế chạy theo sản phẩm thì nó như thế đấy ông trẻ ạ, còn kinh doanh nhằm vào thị trường với mục đích kiếm lãi như của cháu thì lại khác.
– Xã đội trưởng mà tính toán đâu ra đấy nhỉ? – Bà Hậu khen.
– Thế nhưng xem ti vi thấy ca ngợi mía đường là cây xoá đói giảm nghèo cơ mà? – Ông Lê Hải hỏi.
– Vâng, quả là có tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho nhiều vùng, nhưng đấy là câu chuyện tạm bợ, câu chuyện mỵ dân của mấy ông lãnh đạo địa phương, gây thành tích hay vốn chính trị cho chính mình và lấy lòng cấp trên thôi ạ! Ông trẻ tính, cứ lỗ và nợ mãi, cả nền kinh tế sẽ đổ thì lấy gì nuôi nhau? Lại còn hộp xanh, hộp đỏ, hộp vàng nữa chứ!
– Cậu nói xanh đỏ trắng vàng cái gì?
– Bà con nông dân nông ta bây giờ có hai cái sợ ông bà ạ. Thứ nhất là, thiên tai không sợ bằng không tiêu thụ được đầu ra. Thứ hai là sợ các khoản trợ cấp kếch xù ở các nước tư bản dành cho nông phẩm của nước họ. Báo chí ta cho biết khoản trợ cấp này thường là một phần năm đến một phần tư giá thành. Thưa ông trẻ, ta làm sao mà địch lại được ạ? Suýt nữa cháu là chủ một trang trại lớn trồng đỗ tương 300 hécta, thuận lợi thì sau 5 năm mở rộng gấp đôi, một nông trường đã thoả thuận hợp tác với cháu 25 năm, thực chất là cho cháu thuê đất 25 năm, mọi chuyện tính toán xong xuôi hết rồi, đầu ra cung cấp cho sản xuất thức ăn gia súc trong nước không xuể, thế nhưng năng suất và giá thành không sao địch lại được đỗ tương nhập từ Mỹ! Cháu đành bỏ cuộc.
– À à, chuyện trợ cấp như thế này mình có lần nghe đến loáng thoáng ở đâu đó, nhưng không ngờ nó lại liên quan trực tiếp đến nông dân nước mình! Xem ra bầu trời của mình mới chỉ bằng cái vung… – Ông Lê Hải gần như tự nói với mình.
– Hoa quả của ta xuất đi Trung Quốc bây giờ cũng gay go lắm ông bà trẻ ạ, trong khi đó hoa quả của Thái Lan vào Trung Quốc thoải mái, vì hai nước này đối xử với nhau với tư cách đều là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới. Thái Bình vừa rồi cũng khối anh phá sản vì bệnh SARS đấy ạ, nhất là những trại nuôi lợn sữa xuất đi Hongkong. Đột nhiên Hongkong không nhập nữa vì dịch bệnh này và vì kinh tế ở đấy xuống dốc.
– Thời nào nghề nông cũng khổ Tịch nhỉ.
– Như thế là bà trẻ vẫn thông cảm với nông dân đấy ạ, bằng bất kỳ giá nào cũng phải đổi nghề cho nhanh bà ạ. Ngay trong nước thôi, càng đi, cháu mới càng biết là thiên hạ khôn hơn dân Vĩnh Bảo ta nhiều lắm ông bà ạ. Chuyện Thái Bình 5 tấn là chuyện cổ tích rồi, bây giờ phải là 15 tấn. Sống mãi với chuyện cổ tích thì nghèo to, bây giờ bà con ở đây đang lo chuyện cánh đồng 50 triệu! Ông bà thử tưởng tượng xem, làm gì để thu hoạch được 50 triệu đồng một năm trên một hécta ở đồng đất này! Cánh đồng 5 tấn thì giỏi lắm mới chỉ được trên dưới chục triệu đồng một hécta thôi! Mục tiêu này rất khó, nhưng không đạt được thì nghèo mãi! Thế mà đã có nhiều hộ làm được mới tài chứ ạ. Tỉnh đang cố đẩy thành phong trào. Có thể nói nông dân đang tìm cách vắt đất ra tiền, ông bà trẻ ạ. Đã có những đồng ruộng chuyên canh 15 tấn thật, nào là cá, nào là hoa hồng, cây cảnh.., có cả những hộ riêng lẻ chăn nuôi lớn, có trại lợn tới nghìn con nuôi theo phương thức công nghiệp hẳn hoi.
– Nghĩa là một anh nông dân bằng cả cái nông trường chăn nuôi ngày xưa?
– Vâng, đúng thế ông ạ. Thái Bình có bao nhiêu nông dân thì có bằng ấy cái đầu ngày đêm suy nghĩ đánh vật với đất!
– Người đánh vật với đất? Cháu ví von hay quá. – Bà Hậu khen.
– Không thể nói khác được ông bà trẻ ạ. Nhưng đánh đấm kiểu gì cũng vẫn chỉ là quẩn quanh trên mảnh đất ba sào thôi ạ, nghĩa là vẫn trong phạm vi kinh tế hộ. Nhảy sang kinh tế trang trại thực sự thì phải có chính sách khác về đất đai, không thể luồn lách chui lủi mãi như hiện nay được. Vì cứ tạm bợ thuê gom đất của nhau thì nói ông bà tha lỗi, bố bảo cháu cũng không dám đầu tư lâu dài hay là làm gì cho ra tấm ra món được ông bà trẻ ạ. Kinh tế hợp tác xã cần lắm, nhưng không phải là cái thứ hợp tác xã ta đã cố ý dựng lên. Cuộc sống đang chấp nhận một kiểu hợp tác xã sinh động hoàn toàn khác, phong phú vô cùng. Song câu chuyện đau đầu nhất ngay bây giờ cho lãnh đạo tỉnh này là tiêu thụ đầu ra thế nào! Đâu đâu cũng tôm, cũng cá, cũng lợn như thế này, thứ nào cũng từng mớ, từng mớ, bán khối lượng lớn, bán đi xa là không được, xuất khẩu lại càng không được! Lại còn đẻ thêm vấn đề môi trường nữa chứ! Dân thì đông, đất đai chật hẹp, chạy đằng trời cũng không thoát khỏi công nghiệp hoá ông bà trẻ ạ. Nhưng ông bà tính xem, công nghiệp hoá theo cách nào? Làm như đang làm thì sớm muộn dứt khoát không ổn! Đây là một ví dụ nữa là chúng cháu rất cần sự mở đường, sự hậu thuẫn của Nhà nước. Không lo dần đi, càng xoay xở càng sớm đi đến ách tắc lớn!
– Theo cậu, năm khu công nghiệp của Thái Bình có mang lại hy vọng nào cho tỉnh không? Mình thấy ti vi và báo của tỉnh đang ca ngợi chuyện này nhiều lắm.
– Cháu hy vọng ông ạ. Tỉnh đang trải chiếu hoa mời khách tứ phương đến đầu tư! Ưu đãi hết chỗ nói. Năm khu công nghiệp có thể thu hút vài vạn lao động nếu thu hút tốt đầu tư nước ngoài và trong nước, tạo ra vô khối việc làm phụ khác cho cả tỉnh và các tỉnh lân cận. Như thế may ra tỉnh sẽ đột phá được một lối đi khác. Nhưng khó một nỗi làm được hay không thì lại là câu chuyện của cả nước ta đối với thế giới bên ngoài ông bà trẻ ạ, không còn là chuyện riêng của Thái Bình nữa.
– Thế là thế nào?
– Bà trẻ tính, đầu ra của 5 khu công nghiệp chủ yếu sẽ phải tiêu thụ ở nước ngoài, dự kiến nào là hàng may mặc, giày dép, nào là đồ nhựa, hàng tiêu dùng lâu bền, nào là linh kiên phụ tùng, đồ điện… Cháu nghe tỉnh giới thiệu thấy mê lắm, nhưng tỉnh cũng thừa nhận phải có thị trường xuất khẩu, mà nước mình cứ lẩm cẩm mãi như thế này lấy đâu ra thị trường! Mới đây cá basa của ta đi Mỹ bị áp thuế một cách vô lý, rồi đến quota hàng may mặc… Nghe nói ta đang đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới để có thế mặc cả, nhưng còn trầy trật lắm.
– Ghê nhỉ, xã đội trưởng Tịch năm nào còn là anh nông dân cày sâu cuốc bẫm, thế mà bây giờ cũng phải quan tâm đến những chuyện quốc tế nhỉ? – Bà Hậu khen.