Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Ăn nói gì mà linh tinh thế? – Lê Hải hỏi.

– Sự thật là thế đấy ông trẻ ạ, cháu không nói sai.

– Anh chàng này muốn tư sản hoá Đảng hả?

– Tùy ông trẻ quy kết ạ…

– Được sự bảo vệ của chính quyền địa phương có tốn kém không?

– Được chính quyền địa phương bảo vệ thì yên tâm quá 50% rồi ông trẻ ạ! Còn lại 50% là làm đúng pháp luật.

– Thế có phải thường xuyên làm luật không? – Bà Hậu hỏi.

– Em hỏi gì mà anh nghe không hiểu? – Lê Hải ngơ ngác hỏi vợ.

Bà Hậu không trả lời mà chỉ ôm mặt cười về câu hỏi ngây ngô của chồng, rồi chỉ chỉ vào Tịch, giục trả lời thay.

– Bà trẻ hàng ngày phải đi chợ có khác, rành hơn ông trẻ nhiều ạ. Cháu gọi đấy là công tác dân vận cho nó sang. Sống ở đâu mà chẳng phải làm công tác dân vận ạ. Tốn kém nhất là lúc vạn sự khởi đầu nan. Cháu qua đoạn này rồi, còn bây giờ mọi chuyện đã vào nề nếp, nghĩa là làm luật vừa phải thôi ạ.

Lúc này Lê Hải mới vỡ lẽ, gật gù một lúc rồi hỏi tiếp:

– Hồi nông dân Tiền Hải nổi dậy cậu không làm sao à?

– Dạ không, đấy là chuyện của mấy ông cán bộ xã và huyện với bà con nông dân. Ông bà tính, tham nhũng trắng trợn quá, dân đánh cho, phải bồng bế nhau bỏ làng bỏ xới đi tứ xứ rồi, không dính gì đến doanh nhân chúng cháu.

– Sao cậu lại không dính?

– Ông bà trẻ ạ, với cháu gay nhất là khâu đền bù giải tỏa cho bà con nông dân. Thỏa thuận được với nhau ký kết đàng hoàng rồi là quân của cháu đeo hàng ba-lô tiền đi, đưa tận tay đến từng hộ, xã huyện đừng hòng xơ múi vào! Cái gì phải chia phần cho xã và huyện thì cháu chia đứt đoạn trước rồi, không để cho họ lòng thòng với bà con nông dân.

– Chịu chơi nhỉ! Bây giờ cậu lo gì nhất?

– Ông bà trẻ ạ, cứ ổn định chính sách cho chúng cháu vài chục năm, nước ta giàu to cho mà xem. Cháu chỉ lo nhất mỗi đoạn này thôi.

– Cỡ tư bản như cậu Thái Bình có bao nhiêu rồi?

– Thưa ông trẻ, cháu còn lâu mới được lên tư bản ạ? Cháu mới chỉ là tỷ phú tiền Việt thôi, chưa phải là tỷ phú đô la ạ. Cỡ như cháu trở lên Thái Bình có khoảng vài chục… Nhưng có lẽ Thái Bình không thấm tháp gì cả về tài và lực so với Hà Nội của ông trẻ!

– Có ăn ốc nói mò không đấy? – Bà Hậu hỏi Tịch.

– Dạ thưa bà trẻ không ạ. Ví dụ như các ông Đạo “bia”, ông Việt “sen”, ông Hoài “điên”… mà cánh làm ăn ai cũng biết… Riêng cháu hiện đang canh ty với sáu, bảy vị như thế ở Hà Nội. Họ có khối công việc ở ngay Thái Bình chúng cháu. Có điều là ở gần Trung ương quá nên các đại gia này thích sắm vai anh hùng “núp”(*) [(*)Đồng âm khác nghĩa với tên nhân vật lịch sử anh hùng Núp.] hơn. Có vị còn nói chỉ để tóc dài ba phân thôi để không bị túm!

– Ý cậu muốn nói là tiềm năng trong dân có thể phát huy còn lớn lắm? – Ông Hải hỏi tiếp.

– Ôi, hỏi được như thế là ông trẻ có đầu óc thoáng lắm đấy ạ! Nhà nước cho chúng cháu hai chữ bình yên, nếu tốt hơn nữa thì hậu thuẫn cho chúng cháu, xin bảo đảm với ông bà, chúng cháu không sợ Tây, Tàu nào cả.

– Cậu dám cả quyết như thế?

– Vâng ạ, từ khi có luật cho các doanh nghiệp tư nhân, tụi cháu đi được một bước dài trong cạnh tranh với bên ngoài. Chúng cháu gọi vui đấy là cái luật khoán hộ trong công nghiệp ạ. Nếu bây giờ bảo cháu đi chùa thắp hương cầu khấn trời đất phù hộ thực thi suôn sẻ luật này, cháu sẵn sàng, mặc dù xưa nay cháu chúa ghét lễ bái!

– Tại sao cậu lại đi vào nhiều ngành nghề thế, không chuyên vào một thứ?

– Khác với thằng Vĩnh, cháu không muốn chuyên vào một ngành nghề nào đâu ạ, mỗi người có cái mạnh riêng của mình không ai giống ai cả ông bà trẻ ạ. Phần cháu, cháu chỉ quan tâm đến làm cái gì dễ kiếm được nhiều tiền. Nhưng chụp giật thì bấp bênh lắm, không phải cái mạnh của cháu. Chuyên sâu như thằng Vĩnh cháu cũng không có tài. Đối với cháu, chỉ có thị trường mới định đoạt được cháu nên lựa chọn sản phẩm gì… Nếu tính có lãi là cháu làm, sản phẩm nào cũng phải đi đến cái đích duy nhất này, ông bà trẻ ạ. Hễ vài ba tháng mà cháu không tìm ra được sản phẩm mới, nghĩa là không tìm ra thị trường nào mới, là cháu lo sốt vó, không thiết ăn thiết uống gì nữa! Lúc nào trong đầu cháu cũng phải luôn luôn đi tìm thị trường mới cho sản phẩm mới!

Ông Lê Hải mắt tròn xoe:

– Ai dậy khôn cho cậu thế?

– Thị trường, ông trẻ ạ. Chỉ có thị trường là quyết định! Chúng cháu khác hẳn với quốc doanh ở điểm này, xoay chuyển nhanh hơn đứt quốc doanh ở điểm này. Trại nuôi tôm 120 héc-ta của cháu là như thế. Cách đây khoảng chục năm, khi nuôi tôm bắt đầu manh nha ở miền Nam, cháu đã bò ra đây nhòm ngó bãi hoang này rồi. Tỉnh ra điều kiện nếu đầu tư làm công trình tưới tiêu của huyện thì đồng ý cho thuê bãi bồi này. Dự án làm công trình tưới tiêu có rồi, hết 22 tỷ đồng nhưng chưa có vốn. Làm việc ở tỉnh chưa đầy một giờ, cháu ký kết biên bản nhận ngay. Sáng hôm sau cháu đi thế chấp xí nghiệp đồ sứ của cháu để vay ngân hàng cổ phần và huy động một số nguồn khác, còn vốn của cháu thì để đập trực tiếp vào trại tôm cho sớm ra sản phẩm… Trước khi khởi công, cháu cho thẩm định lại toàn bộ dự án công trình thuỷ lợi và cho đấu thầu lại, dự toán công trình chỉ còn 20 tỷ! Thế là chưa làm tỉnh đã lợi ra được hai tỷ! Kết quả là huyện có công trình thuỷ lợi, còn cháu có trại nuôi tôm. Đương nhiên nếu tôm không trúng thì cháu mất sạch và phải ngồi tù. Quốc doanh không thể mạo hiểm như cháu được ông bà ạ, vì giám đốc quốc doanh chỉ có được và chẳng bao giờ mất, lại càng không có cái gì để mà mất! Nhưng cái được quan trọng nhất của cháu là lãnh đạo tỉnh công nhận cháu là đảng viên gương mẫu! Thế có hay không ạ? Phải bạo phổi lắm đấy ạ. Công việc của cháu có thanh thế từ đấy.

– Tôi nhớ đã có lần cậu đã theo học một lớp ngắn ngày ở Hà Nội, có được việc gì không?

– Ông bà trẻ biết đấy, cách đây hơn hai năm cháu về ở nhà ông bà mấy tuần. Hồi ấy cháu bỏ tiền túi theo học lớp bồi dưỡng ngắn ngày cho các chủ doanh nghiệp, do AIT(*) [(*) Học viện Công nghệ châu Á (Asian Institute fof Technologic)] tổ chức. Kể ra học như thế cũng đáng đồng tiền, ông bà ạ, nhờ thế cách làm ăn của cháu từ đấy có bài bản hơn. Cháu cũng hiểu sâu thêm tầm quan trọng của vấn đề môi trường và cách xử sự nó nên cháu không ngại nó nữa… Cháu tự học quanh năm ngày tháng chứ đâu chỉ có đến lớp, chỉ có điều cháu không học lấy bằng thôi.

– Hiện giờ có theo học lớp nào không?

– Mấy hôm nay cháu đi chơi với ông bà trẻ nên coi là ngoại lệ đấy ạ. Còn tối nào cũng khoảng từ 10 giờ đến 11 giờ là giờ học của cháu, bất khả xâm phạm, thầy dạy là mấy tờ báo và các thông tin cháu tìm trên mạng. Nghề thực của cháu là đi và nghĩ. Trong nước, ngoài nước cháu đi khá nhiều. Chỗ nào có cái gì hay hay là phải đến dòm ngó ngay. Vốn từ bé quen cái lối năng nhặt chặt bị, cháu không chê loại sản phẩm nào, mà chỉ xem nó đáng cho mình kinh doanh hay không thôi. Nhiều lúc vợ cháu bảo cháu tuổi Sửu nên phải làm việc như trâu, nhưng được cái là cô ấy cũng thông cảm. Hai con cháu thì gọi cháu là cái rô bốt biết nghĩ.

– Giàu vì bạn, sang vì vợ, các cụ dạy thế có đúng không?

– Quả là thế, bà trẻ ạ. Nhà cháu bỏ nghề dạy học từ khi sang bên này, bây giờ là trung tâm thông tin của cháu. Bởi vì công việc nào bắt đầu vào guồng là cháu giao hết cho giám đốc – do chính tay cháu đi thuê, cháu quản các đơn vị qua những thông tin gửi về cho vợ cháu. Giám đốc phụ trách công trường xây dựng bên Hải Dương của cháu lĩnh lương 20 triệu đồng một tháng đấy ông bà trẻ ạ. Số sinh viên mới tốt nghiệp bây giờ cũng nhiều anh giỏi đáo để.

– Lương gì mà cao thế? – Bà Hậu ngạc nhiên.

– Cũng đáng đồng tiền thôi bà trẻ ạ. Tiến độ công trường kéo dài thêm một ngày, cháu sẽ phải chi thêm mỗi ngày hai mươi triệu đồng. Cháu trả lương hai mươi triệu, nhưng thực vào túi anh ta chỉ khoảng mười bốn mười lăm triệu thôi, vì mỗi tháng anh ta cũng phải tự chi phí hết khoảng năm, sáu triệu tiền xăng dầu, khấu hao ôtô của anh ta, tiền điện thoại di động và một số khoản lặt vặt khác. Nếu không được việc cháu thay giám đốc khác ngay. Lúc nào cháu cũng phải có sẵn người thay thế trong túi áo.

– Cậu định làm gì ở Thái Bình nữa?

– Nếu nhà nước bảo đảm cung cấp khí đốt lâu dài trong vòng hai mươi (20) năm hoặc hơn nữa, cháu định làm cho Tiền Hải sẽ có một cái tên tương tự như Bôhêm (Boheme).

– Cậu nói cái gì? – Ông Hải nghe chưa thủng.

– Ông bà trẻ hôm qua đã đi thăm xí nghiệp thuỷ tinh pha lê của Tiền Hải rồi đấy ạ. Xí nghiệp có năm trăm (500) công nhân mà sản phẩm không đủ bán, cũng là của một tư nhân. Ông bà trẻ thấy đấy, đồ pha lê ở đây chẳng kém Bôhêm là bao, cứ tạm cho điểm là một tám một mười đi. Từ tám phần mười Bôhêm làm sao nâng lên cho đủ mười phần mười Bôhêm mới là chỗ để cho cháu có thể hái ra tiền.., và đấy mới là bí quyết để hái ra tiền. Chính điều này đã thúc giục cháu đi Tiệp, đến tận Bôhêm. Đoạn đường tám phần mười Bôhêm đã có người đi hộ cháu rồi, đoạn đường còn lại cho đến đủ mười phần mười mới đích thị là công việc của cháu.

– Ngày xưa ngù ngờ, dùi đục chấm mắm cáy! Sao bây giờ khôn thế? – Lê Hải thán phục cháu mình.

Tác giả: