Vì quá bất ngờ, Lý Lam ngây đơ như khúc gỗ, nhưng cũng kịp trấn tĩnh lại ngay, mắt gằm gằm nhìn thẳng vào mắt Lễ.
Một sức mạnh hay một điều gì đó gần như bản năng ập tới trong Lễ. Bỗng dưng toàn thân Lễ tê dại, vết thương sâu kín nhất trong lòng toạc máu. Lễ toan đấm thẳng vào mặt Lý Lam nhưng cánh tay tự nhiên cứng ngắc. Bất giác Lễ buông Lý Lam và chợt hiểu ra mình không thể xử sự như thế này. Cũng lúc này Thảo đã kịp chạy tới kéo Lễ trở về chỗ ngồi. Lễ đi theo vợ như một người máy. Lý Lam vẫn đứng yên tại chỗ, hai tay vuốt lại tóc tai áo xống, mắt không rời Lễ.
Vào chỗ ngồi, Lễ còn đứng dậy một lần nữa, nhìn chằm chằm vào Lý Lam. Không khí cả gian chùa đột ngột căng thẳng. Một lát sau Lễ nói tiếp, nhưng giọng nói đã bình tĩnh trở lại:
– Nếu người làm nên cái ngày ba mươi tháng Tư không phải là Hà Nội, mà là Sài Gòn, là những người như ông, ông thử hình dung xem cái Quốc gia mà ông coi là tổ quốc sẽ xử sự với những người phe cộng sản Hà Nội như thế nào? Ông cố nhớ lại những tội ác của lính Quốc gia, những trại giam Chín Hầm, trại giam P42 ở Sở Thú và hàng trăm, hàng trăm trại giam khác khắp miền Nam, các chuồng cọp… Ông nhớ lại đi, chế độ Cộng hoà của chúng ta đã đối xử với Việt Cộng như thế nào? Làm sao ông chóng quên thế?!
– Ông Lễ nhầm rồi, lúc đó đang chiến tranh! – Lý Lam bật lại ngay. – …Chiến tranh có luật riêng của chiến tranh. Ông bị mê hoặc nhiều quá rồi đấy, đại tá… ạ! – Lý Lam toan gọi Lễ là đại tá hụt nhưng còn kịp ghìm lại.
– Lý Lam, ông lại nhầm nữa. Ông bảo những người theo đạo Phật chúng tôi bị cộng sản mê hoặc. Ông cho mình là người ngoan đạo, như thế chắc ông còn nhớ ai là người đã đưa ra khẩu hiệu cho giáo dân miền Nam là “Thà mất nước, chứ không chịu mất Chúa! Phải diệt Cộng!” Ông còn nhớ người đưa ra khẩu hiệu này chứ? Tại sao Dụ số 10 của Tổng thống Cộng hoà Việt Nam chỉ thừa nhận Thiên chúa giáo là tôn giáo, còn mọi đạo khác thì đều bị coi là các thứ hội chứ không phải tôn giáo? Ông Diệm, ông Thiệu có giải thích cho ông rõ vì sao không? Trong khi đó cộng sản Hà Nội lại đề ra phong trào “kính Chúa yêu nước” cho đồng bào công giáo. Chẳng lẽ ông không biết chuyện này?
– Xem ra nước Mỹ mãi không cho ông Lễ nhập cư là rất đúng, nhưng rồi lại cho ông nhập cư là rất sai! Người Mỹ kém sáng suốt ở chỗ này. Lẽ ra chỉ nên cho toàn những người theo đạo Thiên chúa hay đạo Tin lành nhập cư thôi, đừng cho bọn người bên lương hai mặt như các ông!
Tiếng cười chế nhạo ran lên.
– Ông vơ cả nước Mỹ vào câu chuyện của chúng ta rồi! Như thế chẳng còn gì để nói. Xin chào tất cả các chư vị. Đã khuya rồi, tôi xin phép… – Lễ chủ động đứng dậy, cúi đầu chào mọi người theo kiểu nhà Phật để tránh phải bắt tay Lý Lam…
– Ông Lễ hãy nán lại tí đã, chúng ta có đấm nhau đâu mà phải tránh! – Lý Lam giơ hai tay khua khua để ngăn lại. – …Xin ông Lễ và các vị ngồi đây hãy nghe rõ cho. Ông Lễ và tất cả các vị ngồi đây đều mang quốc tịch Mỹ hết thảy rồi đấy! Các quý vị không mê ngủ đấy chứ?..
Lễ lại thấy như bị điện giật, bất giác hai bàn tay nắm lại, hai hàm răng nghiến chặt. Câu nói của Lý Lam như lại xé toạc một nỗi đau khác nữa của Lễ và hình như của cả nhiều người khác. Cả gian chùa im bặt… Lý Lam cười ha hả thưởng thức chiến thắng của mình:
– Ô hay, các vị có cái gì trong đầu thì nói lên đi chứ! Có ai thôi miên các vị đâu mà im như thóc cả vậy?
– Không có câu trả lời.
– Các vị quên mất cả quốc hận thật! Không sai vào đâu được!.. – Giọng Lý Lam san sát, miệng nói, tay chỉ chỉ vào mặt mọi người. – …Cái cờ cắm ở giữa sân chùa này cũng là cờ Mỹ! Chẳng lẽ đạo Phật của các vị không dạy dỗ người tu hành và các phật tử của mình đạo lý ăn cây nào rào cây ấy hay sao!..
– Lý Lam! Đồ súc sinh! – Một tiếng quát lên ở đâu đó vang lên rất to.
Trong tiếng cãi cọ ồn ào, Lễ nhổ nước bọt xuống đất, chẳng nói chẳng rằng, dứt khoát đứng dậy bỏ ra về. Cũng đúng lúc này Thảo đứng dậy kéo Lễ đi…
…Đêm hôm ấy, tức là vào lúc buổi sáng ở Việt Nam, Lễ nói chuyện với ông Nghĩa hơn một giờ đồng hồ qua điện thoại về chuyến đi thuyết pháp của Hoà thượng Thanh Tự tại Mỹ, sự phấn chấn của bà con người Việt, sự quậy phá của đám Lý Lam. Lễ kể rất nhiều, hình như hơi thở cãi cọ với Lý Lam xen vào từng chi tiết những điều Lễ kể cho anh mình…
Ông Nghĩa có thể hình dung nhiều khía cạnh sâu xa của buổi thuyết pháp. Bất giác ông lại nhớ đến buổi tranh luận lần đầu tiên với Lễ hôm nào khi từ trại cải tạo về thăm nhà…
Lễ còn nói nhiều nữa, hỏi nhiều nữa… Điều Lễ không kể, nhưng ông Nghĩa nhận biết rất rõ là sự phấn chấn của chính bản thân Lễ, những thay đổi đang trỗi dậy trong Lễ, thể hiện rõ nhất qua sự bộc bạch của Lễ về những lo lắng trong thâm tâm trước biết bao nhiêu vấn đề đất nước đang phải đối mặt… Ông Nghĩa lo gấp nhiều lần nỗi lo của em mình, những chuyện chọc ngoáy của Lý Lam chìm nghỉm trong nỗi lo này.
…Về cuối, khi Lễ trong điện thoại nhắc đến mẹ, ông Nghĩa bất giác với với đưa tay ra muốn ôm lấy em mình… Một giọt nước mắt tự dưng lăn xuống trên má. Không ôm được Lễ bên kia nửa trái đất, cánh tay ông với với đón lấy giọt nước mắt…
Đêm hôm đó ông Nghĩa tâm sự với vợ:
– Nguyệt ạ, sau một phần tư thế kỷ đất nước thống nhất, anh và Lễ đang ngày một gần nhau hơn, có phải thế không Nguyệt nhỉ? Phải chăng sự thống nhất trong lòng dân tộc đến chậm hơn chúng ta mong mỏi rất nhiều? Em có nghĩ như vậy không?
– Em lại nghĩ hơi khác, anh ạ. Nói cho thật khách quan, em thấy chú Học, Lễ là những người có nhân cách. Dù theo chính kiến nào thì trong con người của chú Học, của Lễ ngoài tình máu mủ ruột thịt ra vẫn có một phần quê hương đất nước. Đòi hỏi chú Học và Lễ chấp nhận chế độ của chúng ta là không tưởng anh ạ. Vì ngay bản thân anh cũng phê phán kịch liệt những tha hóa vẫn còn hiện diện trong chế độ ta! Nhưng chú Học và Lễ có bao giờ đòi hỏi hay chờ đợi anh cũng phải chung một chính kiến đâu? Em muốn nói đây là sự chuyển dịch của hai phía trong những bước đi chung của đất nước anh ạ.
Ông Nghĩa ngẫm nghĩ một lúc rồi ôm lấy vợ:
– Ôi Nguyệt!.. Ngồi sát em thế này mà anh vẫn ngỡ là em đang đứng trên bục giảng bài!.. Em mãi mãi là cô giáo của anh.
– Anh không giận em chứ?
– Không. Em nói thật lòng! Đúng là phải nói đây là sự chuyển dịch của cả hai phía em ạ! Chuyển dịch trong bước đi chung của đất nước! Anh cũng thấy từ khi đổi mới mới có sự chuyển dịch này. Nhưng một phần tư thế kỷ sau khi đất nước thống nhất rồi mới bắt đầu rục rịch được như thế thì vẫn là chậm quá, có phải thế không em?
– Quả là như vậy, đến bây giờ là ba thập kỷ rồi anh Nghĩa ạ.
– Trước khi trở về Mỹ, chú Học nói đi nói lại với anh mấy lần về chuyện này, tiễn chú ở sân bay, chú vẫn còn nhắc lại… Đất nước mình bây giờ có một cộng đồng máu mủ ruột thịt gần ba triệu người ở nước ngoài, một vết thương lớn của dân tộc, chỉ có thể chữa lành bằng cách làm cho thực tế đau lòng này trở thành một cơ may… Thành một cơ may em ạ…
– Ôi, suy nghĩ của cái tâm, anh Nghĩa ơi!.. – Bà Nguyệt thốt lên, ôm chặt lấy chồng vì xúc động.
– Em ạ, chú nói với anh là Đảng của cháu đứng trước sự lựa chọn: Hoặc là làm cho thực tế đau lòng này trở thành cơ may không một quốc gia nào trên thế giới có thể có được, làm cho cộng đồng người Việt ta ở nước ngoài trở thành cánh tay cho đất nước vươn ra bên ngoài, bắt tay với thế giới bên ngoài, cầu nối của đất nước với thế giới…
– Vâng!.. Thật là Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài…
– Chú Học là người có thể hiểu được vết thương lớn này anh ạ!
– So với suy nghĩ của Tân, anh thừa nhận em lúc nào cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc của con. Em còn nhớ những suy nghĩ của con về Đảng, về dân tộc mình chứ? Mai thế mà chững chạc hơn Tân nhiều em ạ…
– Chị thì phải hơn em chứ!.. Nhưng mà anh Nghĩa ạ, con cháu chúng ta bây giờ hiểu rộng, biết nhiều, song rõ ràng chúng ta còn phải hỗ trợ con cháu nhiều về mặt đạo lý… Anh cứ để ý xem bà con người Việt ở nước ngoài về làm ăn trong nước ngày càng nhiều sẽ thấy rõ điều này. Trước đổi mới làm gì có chuyện này.
– Đúng thế em ạ!
– Em nhớ thím Học đã có lần kể cho em nghe một bí mật của chú Học. Lúc đầu thím cứ ướm đi ướm lại chưa kể, em cứ đinh ninh là chú Học có bồ hay có bà hai gì đó… Nhưng câu chuyện hoá ra là trước khi về thăm đất nước lần đầu tiên, một ông bạn thân của chú nhất mực khuyên chú không nên về, thậm chí còn sẵn sàng đánh cược bảy nghìn đô la nếu chú Học về nước không bị bắt và vẫn có thể trở lại Mỹ bình an.
– Chú Học được cược chứ?
– Em không biết, nhưng chú Học cũng khác trước nhiều, anh có nhận thấy thế không?
– Về con người, anh thừa nhận những người như chú Học nhà mình, bà Sáu Nhơn… là những con người luôn luôn giữ được chỗ đứng của mình trên đường đời, những con người thực sự tự do… Làm người như vậy quả thực là khó em ạ, và phải có bản lĩnh…
– Hay lắm, thế là anh tự thú nhận mình là người thiếu bản lĩnh!.. Tự anh thú nhận đấy nhé!