Bây giờ tất cả thành chuyện cổ tích rồi!..
Bây giờ nói với mình, anh ta một điều: …Ông nên nhớ rằng… Hai điều: Ông cần phải biết tỉnh ngộ…… Hình như một thời hai Hân có quan hệ đi lại gì đó cả với bọn “Ma-ác”(*) [(*)MAAG: Military Advisory & Assistance Group: Nhóm cố vấn quân sự và viện trợ Mỹ, có mặt ở Sài Gòn từ đầu những năm 1950 – khi Pháp không còn đủ lực một mình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam do Mỹ tiến hành. MAAG lúc đầu là bộ phận tiền thân và trá hình thuộc Bộ chỉ huy quân đội Mỹ, làm cả một số việc của CIA.] … Thế mà bây giờ là cán bộ cải tạo mới ghê chứ!.. Hay Hà Văn Hân là Việt cộng nằm vùng? Ai mà biết được! Tổ chức bí mật của cách mạng trong lòng Sài Gòn giỏi lắm, điều này ai cũng phải thừa nhận… Sau ngày 30 tháng Tư ông thấy trong chính quyền mới có nhiều khuôn mặt quen thuộc thật không ngờ.
…Sao Hai Hân chỉ đáng tuổi con cháu, mà bây giờ lên mặt, ăn nói với mình cứ như là người trên nói với kẻ dưới? Ngay cả ông bà Học cũng không bao giờ nói trống không với mình… Nhưng thôi, điều quan trọng nhất là còn bắt phải nói hay kê khai những gì nữa đây? Thật là cá nằm trên thớt không bằng!.. Đã mắc cái tội làm thuê cho tư bản mại bản rồi, nếu lại thêm cái phận tay sai nữa thì chết đứt…
Tư Cương lạnh toát người khi bước vào phòng họp thấy người được mời đến chỉ có mỗi mình ông ta, còn lại toàn cán bộ. Thế này thì nghiêm trọng thật rồi… – ông nghĩ thầm.
– Xin giới thiệu với ông Trần Ngọc Cương, hôm nay ngoài tiểu ban chỉ đạo ra, có ông Đoàn Danh Tiến, thay mặt cho Trung ương xuống làm việc với khu phố, nhằm giúp khu phố xử lý dứt điểm trường hợp nhà tư sản mại bản Phạm Trung Học. Khu phố chúng ta đang phấn đấu trở thành lá cờ đầu của thành phố hoàn thành nhiệm vụ cải tạo xã hội chủ nghĩa. Vì đây là trường hợp điển hình của khu phố ta, nên Trung ương về tận nơi làm việc… – giọng Hân nghiêm trang, dằn từng đoạn để nhấn mạnh.
Tai Tư Cương ù lên, chân tay run lẩy bẩy. Ông lắp bắp và nói nhịu mấy lần trong khi báo cáo lại một lần nữa từ đầu tới đuôi về nhà in Tia Sáng. Ông nhẩm trong bụng: Đây là lần báo cáo thứ sáu…
Ông già Tư Cương thuộc mặt hết các thành viên trong tiểu ban chỉ đạo cải tạo của khu phố. Ban có năm người thì ông Tư đã biết ba từ trước ngày 30 Tháng Tư. Nghĩa là ngoài Hai Hân ra ông còn biết Ba Khang, nguyên là kế toán hãng xe đò đường dài “Cánh Nhạn”, và Bảy Dự vốn là giáo viên trường trung học tư thục Nguyễn Trãi. Sự quen biết Ba Khang hoàn toàn tình cờ, vì tháng tháng chạm mặt nhau lúc chờ đợi ở Sở Tài chính để nộp thuế. Dần dà Ba Khang tôn Tư Cương lên làm thầy, vì được Tư Cương bày cho cách làm sổ sách đúng luật lệ để cánh chi cục thuế không hạch sách được. Sau đó bà sáu Nhơn còn nhờ Tư Cương làm cố vấn về kế toán trong nhiều năm, vì tay nghề của Ba Khang giỏi về tháo vát chứ không giỏi về sổ sách và các chứng từ. Còn thầy giáo Bảy Dự là người ông đã đến gặp mấy lần tại nhà riêng để lo việc dạy học thêm cho con trai Mạnh. Thằng bé này bị đuổi học mấy lần vì tội trốn học nhiều quá. Bảy Dự là cán bộ nằm vùng được Ba Khang che chở. Bộ ba này quen nhau từ lâu.
– Ông Trần Ngọc Cương, một lần nữa tôi yêu cầu ông nghĩ lại, còn điều gì quên chưa khai báo không? Tôi thấy ông không nói được điều gì mới – Hai Hân hỏi gặng, sau khi Tư Cương dứt lời.
– Dạ thưa không, nhà in có vậy thôi. Năm lần trước tôi cũng báo cáo chính xác như vậy. Cả thảy có 78 người vừa nhân viên kỹ thuật, vừa công nhân và tạp vụ, trừ tôi ra là quản lý chung quán xuyến mọi việc. Toàn bộ thiết bị là 3 cỗ máy in cho các loại công việc in khác nhau, một máy đóng sách. Các máy chi tiết, nguyên vật liệu còn lại, máy điện thoại, máy teletif, 4 cái xe đạp, 3 ô tô tải mini tôi đều ghi rõ trong bản kiểm kê. Không thiếu đến một cái bàn, một cái ghế đẩu. Các quạt trần trong xưởng còn đầy đủ. Sổ sách tôi đã nộp không thiếu quyển nào kể từ khi ông Học đi Mỹ cho đến ngày giải phóng. Báo cáo kết toán thu chi và chứng từ hoàn toàn khớp với sổ cái. Kiểm toán của Sở Tài chính hàng năm xác nhận đầy đủ. Gia sản ông Học ngoài cái nhà in ra chỉ có mỗi cái nhà tôi đang vừa ở vừa trông coi hộ.
– Ông Tư, tôi cảm thấy ông vẫn chưa giác ngộ vai trò kẻ làm thuê của mình. Hình như ông đang nhầm lẫn với vai trò đại diện cho chủ mình. Nếu tự cho mình là đại diện cho chủ thì ông cũng bị cải tạo đấy. – Hai Hân dồn ông Tư.
– Chết, chết. Tôi thực sự được ông Học thuê ạ. Làm công ăn lương, sổ lương rành rành năm này qua năm khác, không họ hàng liên quan gì cả. Chẳng qua tôi làm ăn cẩn thận, thực thà, nên ông Học phó thác cho mọi công việc mà thôi, kể cả giữ quỹ. Không phải tôi muốn leo cao lên địa vị gì ngoài cái việc làm quản gia của mình đâu ạ. Trước đây tháng tháng ông ấy chỉ xem báo cáo công việc, sổ sách kết toán, đối chiếu các chứng từ, rồi quyết định bảo tôi làm thêm việc này, bớt việc kia. Từ ngày ông Học sang Mỹ công việc của tôi vẫn như lúc ông ấy còn ở nhà, chỉ khác một điều là bây giờ ông ấy đọc các bản sao, giao việc mới bằng thư hay điện thoại, đôi lúc có việc gì gấp thì gửi telex. Tiền nong thì qua chuyển khoản, chứng từ giao dịch tổng hợp cụ thể hàng tháng liên tục cho đến ngày giải phóng. Tất cả tôi đã nộp đầy đủ cho Ban cải tạo…
Hai Hân thấy bí. …Tư Cương còn nói nhiều điều chi tiết hơn mình biết về cái nhà in này, không thể bắt bẻ vào đâu được. Hai Hân chuyển hướng:
– Tại sao dự trữ giấy in cho xí nghiệp chỉ còn đủ dùng cho khoảng hai tháng? Một nhà máy in không lý gì chỉ có ngần ấy giấy! Ông nhớ kỹ xem có còn cất giấu của cải ở đâu không? Bây giờ khai ra thì không bị coi là ngoan cố.
– Thưa như thế là quá nhiều chứ ạ. Vì thực tế từ đầu năm 1975 cho đến ngày 30 tháng Tư hầu như không có nơi nào thuê in nữa. Các ông xem sổ kết toán cũng sẽ thấy. Trong thời gian này cả thành phố có còn ai lo đến làm ăn nữa đâu. Lúc bình thường xí nghiệp cũng chỉ duy trì mức dự trữ giấy, mực in và các phụ tùng khác cho máy móc tối đa hai đến ba tháng là cùng. Có khi chỉ một tháng thôi ạ. Để kho nhiều hơn nữa, sẽ nhiều vốn chết và phải trả thêm nhiều lãi cho ngân hàng. Làm ăn như thế có thể lỗ to. Kinh doanh là phải tính toán chi li từng xu ạ.
– Ông quả là rất trung thành với ông Học. – Hai Hân chộp ngay câu nói cuối cùng của Tư Cương. – …Thảo nào toàn bộ quyền sinh quyền sát của xí nghiệp này nằm hết trong tay ông.
– Chết, xin các cán bộ đừng hiểu lầm. Ông Học trả lương cho tôi là để làm tất cả những việc như vậy. Nếu không, ông Học sẽ thuê người khác ạ. – vừa nói ông già Tư Cương vừa vuốt mấy giọt mồ hôi lăn trên mặt.
Hai Hân lại bí, đưa mắt nhìn các cán bộ khác, hàm ý nói rằng các anh tranh thủ hỏi đi. Nhưng các cán bộ khác, kể cả ông trung ương, vẫn ngồi yên, vẻ mặt chăm chú, đầy suy nghĩ. Có người còn mím chặt môi, chắc nghĩ ngợi điều gì căng thẳng lắm. Ông Tư Cương trộm đảo mắt quan sát tất cả để còn định liệu, trong lòng chỉ lo lỡ miệng thì khốn.
– Ông Học tham gia tổ chức chính trị nào? – Ông trung ương Đoàn Danh Tiến đĩnh đạc.
Tư Cương bật đứng dậy như bị điện giật, hai tay vê vê hai bên ống quần cho đỡ run. Trời ơi, hỏi thế bố ai trả lời được! Đích thân cái ông trung ương hỏi câu này thì gay to rồi!.. Lưỡi Tư Cương cứng đơ.
– Nói đi, ông Học có mối quan hệ gì với Mỹ và nguỵ quyền? Hôm nay có đại biểu Trung ương dự, ông phải nói hết. – Hai Hân tìm cách phá vỡ sự im lặng.
Tư Cương choáng váng.
– Ông cứ ngồi xuống mà nói. Câu hỏi khó quá phải không ông Tư? – Hai Hân tra khảo.
– Quả thực tôi không biết gì để trả lời câu hỏi này. – Tư Cương lúng búng.
– Con trai làm đến thiếu tá mà lại không có quan hệ chính trị gì với Mỹ – nguỵ sao được? Mà ông lúc nào cũng kè kè bên cạnh ông chủ. Tôi còn lạ gì nữa.
– Tôi chỉ gặp ông chủ khi công việc bắt buộc thôi ạ. Ông Hai cũng làm việc ở xí nghiệp này, có quan hệ rộng hơn tôi, lại hoạt động bí mật, ông Hai biết rất rõ quan hệ giữa ông Học và tôi ạ.
Thôi được, ông không muốn nói thì tôi nói cho ông nghe, rồi về suy nghĩ cho kỹ. Bây giờ ông chỉ trả lời có hay không thôi.
– Xin vâng. – Tư Cương lật bật như đứng trên lửa, lúc này vẫn chưa dám ngồi xuống.
– Thời còn Ngô Đình Diệm ông Học có tiếp một số khách của Cần Lao Nhân Vị tại nhà, có đúng không?
– Đúng ạ, nhưng đấy là…
– Tôi đã nói là ông chỉ cần nói đúng hay không thôi mà. Người của Hội đồng Quân lực Sài Gòn vẫn thường đến gặp trung tá Lễ và thiếu tá Mạnh tại nhà này, có đúng không?
– Vâng đúng, điều này có gì là lạ ạ?
– Ngày ông Học ra đi còn có nhiều người của Quốc hội Sài Gòn đến đây tiễn có đúng không.
– Vâng, đúng, nhưng khổ quá…
– Tôi gợi ra sơ sơ như vậy thôi. – Hai Hân gạt phắt đi. – …Ông về suy nghĩ xem những quan hệ ấy là quan hệ gì! Nghĩ thật kỹ hãy trả lời, không nói đi nói lại được đâu. Tôi không hỏi ông về các cuộc tiếp khách thương nhân của ông Học. Bây giờ ông nói cho tôi biết tài sản của ông Học còn những gì nữa?