Dòng Đời – Nguyễn Trung

Kết thúc phần thuyết pháp Hoà thượng Thanh Tự nói:

– Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã, Niết bàn tịch tịnh. Nghe kinh là để hiểu đạo trời, để hiểu tu thân tích đức theo Phật là tại tâm. Như vậy phải kiến tính mới có kiến tâm, có kiến tâm mới có tâm mong đạt tới tức tâm tức Phật được. Nói Phật tại tâm là tự thắp đuốc tìm đường cho mình đi tới Phật. Tức tâm tức Phật là như vậy. Vì thế cõi Niết bàn không phải là nơi nào đó trên chín từng mây cao xa, cũng không phải là cõi Trời Đầu suất nơi đức Phật Di Lặc đang ngự(*) [(*) Cõi trời Đầu suất, trong kinh Phật, kinh Tusita. Theo Phật lịch thì còn hơn 7 triệu năm nữa đức Di-lặc (Maitroya) mới xuất hiện.]. Niết bàn là cõi ngay trong tâm hồn ta khi ta đã kiến tính kiến tâm đến mức độ Phật ở ngay trong tâm ta, tâm và Phật chỉ là một. Hiểu như vậy Phật là tại tâm, tại trí, mà suy cho cùng tại trí là nhằm vượt qua vô minh để đến với ngộ, để kiến tính kiến tâm cho tâm mình trong sáng hơn. Tu thân tại tâm theo Phật như thế không có gì giống với mê tín dị đoan cả. Phật – Tâm ca của Tuệ Trung Thượng Sỹ dạy:

Khi tâm sinh ấy, tức Phật sinh

Nếu Phật diệt cũng là tâm diệt

Diệt tâm còn Phật chuyện không đâu

Diệt Phật còn tâm bao thuở hết?

Muốn biết Tâm – Phật, Tâm diệt sinh

Hãy chờ về sau, Di Lặc quyết(**)

[(**) Nguyên văn chữ Hán:

Nhược tâm sinh thời thị Phật sinh

Nhược Phật sinh thời thị tam diệt

Diệt tâm tồn Phật thị xứ vô (Diệt tâm còn Phật không đâu có)

Diệt Phật tồn tâm hà thời hiết (Diệt Phật còn tâm lúc nào xong)

Dục trí Phật tâm, sinh diệt tâm

Trực đã đãi dương lai Di Lặc quyết.]

Người theo Phật cần ghi tâm khắc cốt: không có tâm thì không bao giờ có Phật, có tâm thì trước sau sẽ tìm được đến Phật, đâu có phải chờ cho đến lúc Di Lặc xuất hiện, định quyết và thuyết pháp.

Hỏi:

– Bạch Hoà thượng, chúng sinh sống nơi đất khách quê người. Chùa chiền không phải nơi nào cũng có. Kinh kệ không, người giảng cũng không. Lòng muốn theo Phật, nhưng trí tuệ vô minh, chỉ còn biết mồng một ngày rằm thắp hương tâm tâm niệm niệm, nhưng cũng không biết khấn vái thế nào. Chúng sinh nương tựa vào đâu được ạ?

Đáp:

– Đức Phật dạy thị tâm tức Phật, tâm tức thị Phật, chẳng kể phân biệt tâm của kẻ phàm phu hay tâm của Phật. Kinh Phật giảng: Tâm, Phật, cập chúng sinh, thị tam vô sai biệt. Nghĩa là: Cả ba Tâm, Phật và chúng sinh trong thị tâm chẳng có gì khác biệt nhau. Sách Phật còn nói: Rõ gốc biết tâm. Biết tâm là thấy Phật, tâm ấy tức Phật, Phật ấy tức tâm. Niệm Phật tâm, Phật tâm niệm Phật, tự quán tự tâm biết Phật trong tâm ta, không hướng bên ngoài kiếm tìm. Tâm ấy là Phật, Phật ấy là tâm. Hiểu như thế, chính tự tâm mình làm thầy giảng cho mình, là chỗ nương tựa của mình. Hiểu như thế, đều có thể tu tại gia, tu tại chùa, tu thân ngay trong ý nghĩ và việc làm trong đời sống hàng ngày của mình. Hiểu như thế sống ở đâu mà không tu thân được? Mình học được như thế, dĩ tâm truyền tâm, mình cũng có thể giúp người khác cầu học được. Phải học để hiểu kinh Phật, cố tạo mọi điều kiện để học. Nhưng lại chỉ lo học tìm theo ngữ nghĩa sáo mòn trong kinh điển thì là học cái không đáng học. Học như thế có khác nào mổ cá tìm ngọc trai, có bao nhiêu kinh kệ để làm gì? Học như thế khác nào người vô cảm không thấy mùa xuân ấm áp, học làm sao hiểu được ý nghĩa đào lý trổ hoa? Học như thế chỉ là chôn vùi nếp tổ tông và gọi yêu ma về lộng hành! Đường đời cũng dạy si tâm quy Phật thì chỉ rước được ma quái về để tôn thờ… Tà tâm làm sao tự thắp đuốc lên được cho mình để tìm đến Phật? Lễ bái để cầu mong thỏa lòng tham, trắng đen được khỏa lấp, thiện ác bất minh, phúc mình họa người… Chăm lo cho đạo như thế sẽ chỉ còn lại tà đạo. Ngẫm lại, còn phải nói: Nếu không vững lòng tin tưởng Tâm là Phật, mà lại tà tâm chấp định tu hành hư tướng để cầu công đức cho ứng dụng, thì chẳng qua là giai thị vọng tưởng, dữ phật tương quai, nghĩa là vọng tưởng làm trái ý Phật. Tu như thế đâu còn gì là tu hành! Vậy đừng lo tâm không có nơi nương tựa…

Hỏi:

– Bạch Hoà thượng, người ngay kẻ xấu không dung hoà được nhau, chúng sinh cùng tha phương cầu thực nhưng vẫn phải sống giữa vòng đố kỵ nhau, người yêu kẻ ghét, thù oán cũ không nguôi, việc mới không hiệp lực được, hoà mình vào bản xứ còn khả dĩ hơn cùng nhau tụ hội lại, đất nước chung cùng xa cách mà ghét yêu lẫn lộn, tâm trạng biến động khôn nguôi, làm sao cầu xin được Phật tổ gây dừng cho chúng sinh lòng vị tha, sống hài hoà một mối vì Phật, vì tổ tông đất nước?

Đáp:

– Hỏi như vậy là đã có tâm. Làm người theo sách Phật dạy phải biết phản quan tự kỷ bổn phận sự bất tùng tha đắc, nghĩa là phải luôn luôn xem xét lại cái phần gốc của chính mình không thể theo cái gì khác được. Một khi tự kỷ với tất cả tâm mình, sẽ tự mình biết được điều hay lẽ dở của chính mình, cái thiện cái ác ngay trong mình và của mình. Tự kỷ như thế sẽ hiểu được hay dở, thiện ác ngoài đời. Phàm là người không ai có thể tránh né sự phán xử của chính mình. Hiểu được như thế, tự phán xử được như thế, sẽ tự xoay lại được chính mình, mới có tâm, có chí và có trí nhận lấy trách nhiệm của chính mình giữa vô minh và giác, giữa hay và dở, giữa thiện và ác. Nhận chân được thiện ác mới tự trau dồi thêm được cho mình chơn tính tu tập đức hạnh của đạo Phật để trở thành chơn ngã. Thành tựu được hạnh chơn ngã mới có bản lĩnh tìm đường đi tới vô ngã, mới dám sống vì mọi người, tự nguyện gánh vác trách nhiệm chung, đẩy lùi dần mọi tỵ hiềm riêng tư, gây dừng lòng vị tha, sống hài hoà về một mối của lý tưởng chung, gìn giữ tinh thần độc sáng của giống nòi Việt là hiểu biết tôn trọng nhau, cùng nhau vì sự nghiệp phụng sự Tổ quốc. Tự kỷ như thế chính là trên đường đi tới Phật như Phật dạy trong kinh Dhammapada: Phải tu lập Tâm mình thành nơi quy hướng cho chính mình. Cũng vì thế kinh còn nói tới Tự kỷ Phật trong mỗi người. Sử sách còn cho thấy vua tôi đời Trần hiển hách ba lần thắng ngoại xâm Nguyên Mông. Sức mạnh ấy chỉ có thể tìm được ở Diên Hồng, vua tôi hoà đồng một lòng cứu nước, vì đạo lý của Phật cũng là lẽ sống của vua và thần dân. Không có được Tâm, Phật, cập chúng sinh thị tam vô sai biệt như đã nói, không lấy đâu ra hồn thiêng chung của đất nước mà giữ nước và dựng nước. Phật Dân Vua thị tam vô sai biệt như thế, Lẽ đời, Đạo, Phép nước thị tam sai vô biệt như thế, tất cả tạo thành hồn thiêng chung của đất nước. Hồn thiêng chung ấy của đất nước không phải ngày một ngày hai mà có được, càng không phải khi giặc ngoại xâm đến mới có. Hồn thiêng chung ấy của đất nước nảy nở từ truyền thống của tổ tiên, được hun đúc lại trong lời của Quốc sư Trần Tung dạy vua trong những ngày đầu lập nghiệp: “Phàm là đấng nhân quân thì phải biết lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình và tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình…” Vua là của dân và vì dân như thế, ý thức dân chủ thấm nhuần sâu đậm như thế, non sông đất nước này vững chãi mãi ngàn thu. Cho dù cực thái suy thịnh luân hồi, hồn Việt này mãi mãi soi sáng cho thế hệ con cháu mình mai sau… Mỗi người biết tự kỷ như thế, cả dân tộc mình biết tự kỷ như thế, đạo lý của Phật chẳng ngời sáng lắm sao?..

Hỏi:

– Bạch Hoà Thượng…

…Bụi trần ai như được quét sạch. Phật và người, người và Phật như chỉ là một trong lời thuyết pháp của Hoà thượng. Non sông đất nước xa vời vạn dặm bừng sáng trong tâm hồn, sưởi ấm lòng những người con xa cách.

Khi ông bà Học, vợ chồng Lễ – Thảo cùng với tín đồ, phật tử bừng đứng dậy cúi đầu tạ từ Hoà thượng Thanh Tự, thành phố đã lên đèn…

Mọi người trong ban tổ chức đưa Hoà thượng từ chùa đi xe ra thẳng sân bay. Riêng Lễ ở lại vì đảm nhiệm giải quyết mọi công việc thu dọn sau buổi lễ và buổi thuyết pháp. Mọi người tham gia việc thu dọn cảm thấy như được tiếp thêm sức sống mới, ai lo việc nấy rất hồ hởi. Từ ngoài sân, đến trong nhà Tam Bảo, trên hai hành lang của chùa.., mọi người tay làm miệng nói, chỗ nào cũng chỉ trầm trồ xoay quanh một ý về buổi thuyết pháp mỹ mãn.

– Hòa thượng giảng giải chí lý quá.

– Đúng là tâm có sáng thì mới ngộ được đạo…

– Ở trong nước từ Bắc chí Nam, Hòa thượng đi thuyết pháp nhiều nơi lắm, buổi nào cũng có hàng nghìn người dự.

– Ước gì mỗi tháng được nghe Hòa thượng thuyết pháp một lần vào tuần ăn chay nhỉ!

– Mong Hòa thượng sống lâu gìn giữ đạo cho đời…

Khi vợ chồng Lễ – Thảo đứng dậy chia tay mọi người trong ban tổ chức ở nhà ngang, Lý Lam từ đâu lù lù bước vào.

– Cửa Phật rộng mở, tôi vào được chứ ạ? Xin chào tất cả các chư vị. Chào bà Thảo.

– Chào ông Lý, chắc ông Lý đến yêu cầu chúng tôi làm báo cáo kết quả buổi lễ của Hoà thượng Thanh Tự có phải không ạ? – Lễ hỏi.

– Không dám. Tôi đến đây xin thương lượng hai việc nhỏ. – Lý Lam đáp.

– Lại còn thế nữa? Biết vậy sáng nay tôi đề nghị ông Lý ra lệnh cho Túc cụt đừng đưa người đến phá đám chúng tôi. – Lễ nói phủ đầu luôn.

– Vâng, mọi việc cũng hơi quá đà một chút, nên tôi phải đến ngay vào giờ này.

Lễ rót cho Lý Lam chén nước:

– Xin mời ông Lý nói đi.

– Một là xin các chư vị chùa Đức Trụ có lời với báo chí, đừng để họ nói quá về sự lỡ trớn của các đàn em sáng nay. Hai là có mấy người bị phun mực chiều nay đã phát đơn kiện chúng tôi, mong chư vị có cách nào bảo họ rút đơn kiện được không? – Lý Lam đỡ chén nước nhưng chưa uống.

Tác giả: