Bà Sáu vẫn ngồi yên, tâm trí như đang ở đâu đâu. Cả nhà im lặng chờ đợi. Một lát sau bà nói:
– Các con à, bản Tuyên ngôn này đến tay ta cuối năm bốn bảy, chừng hai năm sau khi ta giục Hai Phong đi kháng chiến… Khi đọc xong ta đã khóc. Bây giờ nghe lại ta cũng muốn khóc, nhưng yếu quá rồi, không còn sức khóc… Ta đã đọc nó nhiều lần, đọc đến thuộc lòng… Giấu nó đằng sau chân dung của ông nội các con, ta vẫn đọc được… Đã bao nhiêu lần ta ngồi một mình ngước nhìn chân dung ông nội các con và trong lòng thầm đọc cho mình nghe… Rồi mỗi lần có điều gì ưu phiền ta lại ra ngồi như thế… Ta nhớ rõ lắm.., một cán bộ Việt Minh, người Hà Nội, cũng thuộc lớp người Nam tiến như Lê Hải, nhờ ta giấu hộ bản Tuyên ngôn này… Lo cho người cán bộ này, hồi ấy ta càng lo cho Hai Phong…Chừng mươi hôm sau đã thấy báo đăng ảnh đầu người cán bộ này bị bêu ngay trước cửa chợ Bến Thành… Cái chết lúc nào cũng lơ lửng trên đầu…
Cả nhà im phắc, hồi hộp chờ đợi, nhưng không ai dám giục bà nói tiếp vì chỉ sợ bà mệt. Bảo Vân ngồi kề bên tiếp tục bóp bóp hai vai, hai tay cho má, thỉnh thoảng lại xoa nhẹ trên lưng cho má đỡ mỏi, có lúc dừng tay tiếp má uống một vài thìa sâm…
– Hồi đó …một mình má với bốn đứa con nít tụi bay… – Bà Sáu nói thong thả, hơi nói yếu đi nhiều, nhưng giọng nói vẫn điềm tĩnh lạ thường. -…Ngay sau Tết Mậu Thân, Nguyễn Ngọc Loan(*) [(*) Tướng cảnh sát ngụy, đã tự tay bắn chết trên đường phố Sài Gòn một chiến sĩ Giải phóng bị chúng bắt, chuyện xảy ra trong chiến dịch Tết Mậu Thân.]cho người đến lục soát… Út Thạnh và bé Thơ không còn nữa… Các con biết không, giấu Tuyên ngôn này, ta đã đem tính mệnh, danh dự và tài sản cả nhà mình ra tuyên chiến với chúng nó!.. Sau Ba mươi tháng Tư, ta đã toan giao cho Viện Bảo tàng… Nhưng lòng ta thấy có cái gì không ổn… Từ đó ta nghĩ mung lung lắm… Hôm các con lũ lượt bỏ nhà bỏ cửa kéo nhau đi di tản, ta nuốt nước mắt… Rồi trong nước còn bao nhiêu là chuyện… Những lúc buồn tủi, ta lại ngồi đọc Tuyên Ngôn trong đầu… Không thể đưa vào Bảo tàng… Chưa được!.. Đây là điều duy nhất nội chưa yên lòng… – Bà Sáu Nhơn hướng về phía Vũ – …Nội giao cho Vũ giữ bản Tuyên Ngôn này… Thay nhau cha truyền con nối… Cho đến khi…
Bà Sáu mệt, bỏ lửng câu nói.
– Thưa nội… Con xin phép dán liền hai mảnh lại thành một có được không ạ? – Vũ hỏi má Sáu.
– Thôi… Cứ giữ nguyên như thế… Đó là một kỷ niệm buồn các con à…
Bà Sáu lại nghỉ… Uống mấy thìa sâm nữa từ tay Bảo Vân, rồi đột nhiên bà gọi:
– Hai Phong đâu?
– Thưa má con đây ạ. – Ông Hai Phong đến đứng sát bên má.
– Đưa tay đây cho má!
Ông Hai Phong hai tay run rẩy ôm ấp bàn tay mẹ. Nước mắt trào ra không sao cầm lại được.
– Hai Phong.., có lần má hứa sẽ giảng cho con nghe thế nào là lẽ mất còn ở đời… Chắc hôm nay con hiểu… – bà ngủ thiếp dần đi…
Cả nhà khóc oà lên. Ông Hai Phong quỳ xuống, gục đầu vào mẹ, nước mắt thấm lên áo bà…
Chờ một chút cho cơn xúc động dịu đi, ông Lê Hải đến dắt ông Hai Phong ra ngoài, tay ra hiệu cho mọi người yên tĩnh để bà Sáu nghỉ.
Lúc này có thêm bà Võ Sang vừa mới đến, tất cả cùng với Bảo Vân đỡ cho bà Sáu nằm nghỉ rồi ngồi túc trực quanh bà. Ông Lê Hải ra hiệu mời mọi người lui ra phòng ngoài…
– Bây giờ anh mới hiểu hết lòng mẹ của chúng mình các em ơi… – ông Hai Phong không nén được xúc động.
– Có lẽ má hiểu hơn chúng ta về những gì chúng ta còn mắc nợ, còn chưa làm được, sau mấy chục năm ròng… – Ông Lê Hải nói với mọi người.
Trong phòng khách lớn, dưới phòng ăn, ngoài vườn… chỗ nào mọi người cũng chỉ nói với nhau về bản Tuyên Ngôn và những suy nghĩ thầm kín của bà Sáu. Mấy hôm gần đây, vào giờ hơi muộn như thế này lại có thêm vợ chồng ông bà Tư Cương, cánh Ba Khang và Bảy Dự, vợ chồng Hai Hân…
Đám anh em thế hệ Vũ cũng thành một tốp riêng. Vợ chồng Tín Kim vừa thay nhau ẵm cho con ngủ, vừa tham gia nhóm này. Nhưng riêng Vũ xin lỗi các em, rồi lên gác ngồi một mình trong phòng mẹ Ngân suốt cả buổi tối…
Đến ngày thứ mười hai, bà Sáu ngủ vĩnh viễn không bao giờ dậy nữa. Bà ra đi trong sự bình yên, thanh thản, giữa tình thương yêu vô bờ bến của con cháu…
Mấy ngày sau lễ tang, Vũ được thay mặt gia đình đi gặp đồng chí bí thư Thành ủy để cảm ơn sự thăm viếng và sự quan tâm của Thành uỷ về đám tang bà SÁU Nhơn. Vũ còn được bố mẹ giao cho một việc trọng đại là trân trọng biếu Thành uỷ bản sao bản Tuyên Ngôn Độc Lập mà bà nội Vũ vẫn giữ kín mấy chục năm sau khi sự nghiệp độc lập và thống nhất Tổ quốc đã hoàn thành.
Tại phòng tiếp khách của bí thư, Vũ phải chờ khá lâu. Vũ giết thời giờ bằng cách đi đi lại lại ngắm nghía tỉ mỉ mọi thứ có thể thấy được trong phòng. Từ mấy bức tranh sơn mài, đến lọ hoa pha lê, bộ salon gụ kiểu cổ có trạm trổ và có đệm, các dãy ghế hai bên, mấy chùm đèn, so sánh màu thảm đỏ với màu tường vàng chanh, màu nâu của bộ salon cổ với màu đệm, màu thảm… Hết bước vào gần rồi lại lùi ra xa để ngắm nghía cho kỹ, chốc chốc Vũ lại giơ tay xem đồng hồ. Một cảm giác khó tả, cái bực của chờ đợi, sự lạ lùng trước cảnh bài trí của phòng khách… Vũ lục lọi mãi trong đầu không biết xếp loại trang trí này như thế nào: Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc? Tân thời? Nửa cổ nửa tân thời?..
Vị bí thư vẫn chưa xuất hiện.
Người cán bộ lễ tân lần thứ ba từ phòng bên tạt vào động viên Vũ:
– Đồng chí vui lòng nán chờ, bí thư đang kết luận một vấn đề quan trọng trong cuộc họp.
Vũ không trả lời, vì gần như không tự kiềm chế được mình nữa, chỉ giơ tay xem đồng hồ: Hai mươi bảy phút!..
– Thường thường bí thư không tiếp… – Người cán bộ lễ tân biết mình lỡ lời, nhưng tự chữa được ngay – …Thường thường bí thư rất ít tiếp khách, nhưng đã nhận lời thì thế nào đồng chí ấy cũng đến.
Nghe thấy tiếng giày lộp cộp từ xa, người cán bộ lễ tân chạy vọt ra ngoài. Một lát sau thấy bí thư bước vào, người cán bộ lễ tân đứng cách xa vài bước về phía sau, hai tay xun xoe lễ phép chắp vào nhau. Bí thư cười nói vui vẻ, chủ động bắt tay Vũ:
– Tôi được nghe danh bà Sáu Nhơn từ lâu, nhưng hôm nay được trực tiếp gặp hậu duệ của cụ… Thỉnh thoảng tôi có dịp được gặp ông Hai nhà…
– Xin chào đồng chí bí thư. Thú thực với đồng chí, tôi đã định bụng chờ thêm hai phút nữa cho đúng nửa tiếng, nếu đồng chí không đến là tôi đành bỏ về. – Vũ cố gượng cười để làm nhẹ bớt câu nói của mình.
Bí thư lặng đi mất vài giây vì bị bất ngờ, song cũng giành lại thế chủ động ngay, hai tai hơi đỏ lên:
– Cuộc họp kéo dài hơn dự kiến. Nhưng tôi đã hẹn là giữ lời.
– Nếu thế đồng chí bí thư nên thay thư ký của mình đi, anh ta xếp lịch như thế là không đủ trình độ làm việc, dễ làm ảnh hưởng uy tín của đồng chí. – Vũ cố nén sự bực tức trong lòng vì không thấy bí thư xin lỗi về sự chậm trễ của mình.
– Sự thẳng thắn của đồng chí rất gây ấn tượng đối với tôi. Bây giờ đồng chí giải tỏa nỗi bực của mình đi. – Giọng bí thư cởi mở, nhưng vẫn chưa thấy câu xin lỗi.
– Vâng, tôi xin lỗi là nói năng lỗ mãng. Bệnh nghề nghiệp mất rồi đồng chí ạ.
– Đồng chí nói bệnh gì?
– Tôi nói thực lòng, bệnh nghề nghiệp đồng chí ạ. Ở nước ngoài thì tôi nhịn nhục được, ở trong nước thì tôi không tự kiềm chế được. Tôi thành thực xin lỗi đồng chí.
– Nhưng mà đồng chí nói là bệnh nghề nghiệp? – Bí thư muốn truy hỏi.
– Là đại diện giới doanh nhân, tôi nhiều lần được tham gia các đoàn đàm phán kinh tế của các thứ – bộ trưởng ta ở nước ngoài đồng chí ạ, chủ yếu là vấn đề quota và thuế suất. Nhiều khi đoàn chỉ được vụ trưởng hay đại diện của bộ trưởng nước chủ nhà tiếp thôi, thế mà cũng phải chờ đợi khốn khổ. Ngồi tiếp mình mà chủ nhà có khi còn gác chân lên bàn nữa chứ! Nói xin lỗi đồng chí, có lúc tôi cảm thấy nhục như con chó, chỉ muốn giơ tay tát một cái gì đó, đấm một cái gì đó… Cả đoàn chịu bấm bụng nhẫn nhục vậy… Nhưng bước chân ra khỏi phòng đàm phán, tôi muốn nổ tung… Trưởng đoàn có khi phải động viên chúng tôi: Vì cơm áo gạo tiền của người lao động trong nước, phải cắn răng lại mà chịu nhục các đồng chí ạ, còn nước còn tát!.. Kỳ kèo xin bớt từng xu thuế!
– Bây giờ thì tôi hiểu.
– Đi xin nó nhục như thế đấy đồng chí bí thư ạ!..
Không khí chuyện trò dịu dần.
Sau khi nghe Vũ trình bày tỉ mỉ về bản Tuyên Ngôn này, xem kỹ bản sao, ông bí thư hỏi:
– Nguyên bản là bản chép tay hả đồng chí?
– Không ạ, đây là bản in li-tô (litho), bản chính là màu mực tím, photo copy màu nên bản sao này trông như bản chính ạ. Bản này bà nội tôi đã bảo vệ và gìn giữ từ khoảng năm 1947 cho đến nay…
– In litho hả?
– Thưa vâng, chính tôi cũng không biết, phải nhờ ba tôi giải thích. Bây giờ chúng ta không còn khái niệm in li-tô (litho) nữa. Ba tôi nói hồi đầu Cách mạng Tháng Tám, việc in ấn các văn bản để truyền thông chủ yếu là nhờ vào cách in litho, nghĩa là viết ngược đặm mực lên mặt đá rồi in. Không có mặt đá thì viết lên mặt bột, vì hồi ấy lấy đâu ra nhiều máy đánh chữ hay máy in như bây giờ, nhất là trong chiến khu.
– Theo đồng chí, tại sao cụ nhà đã giữ bản Tuyên Ngôn này lâu vậy mà bây giờ lại dặn không cho đưa vào bảo tàng?