Một lúc sau Vũ và Quân quay lại, cả hai cùng mếu máo… Mãi một lúc sau Vũ đánh bạo nói:
– Thưa nội, chúng con lỡ tay làm vỡ tấm kính bức tranh của ông nội rồi ạ!
Bà Sáu cười tiếng cười yếu ớt, không thành tiếng:
– Không phải vậy đâu, do chính nội làm vỡ đấy. Hai con có tìm thấy gì không?
– Thưa nội có ạ. – Vũ hai tay đưa cho bà Sáu một bì thư bằng giấy thiếc.
Bà Sáu không cầm lấy, mà lại nói:
– Vũ mở bì thư ra. Con đọc cho cả nhà nghe. Đọc thong thả thôi. Nội cũng muốn nghe.
Mọi người gần như nín thở.
Vũ lần lần mở phong bì, khi mở đến lần giấy bọc trong cùng, một tờ giấy đã úa vàng lộ ra. Tờ giấy như được xé ra từ một vở học trò… Lần giở nữa ra, tờ giấy rời ra thành hai mảnh như bị ai xé…
– Thưa nội, đây có lẽ là một bức thư ạ… Có lẽ lâu ngày quá, thư đã bị rách làm hai rồi ạ… – Vũ thưa.
Bà Sáu nằm yên, ngước mắt nhìn lên trời, một lúc sau mới nói:
– Không phải thư đâu… Con ghép lại mà đọc đi! Đọc to cho cả nhà nghe…
– Thưa cả nhà, con xin đọc ạ: Tuyên Ngôn Độc Lập. Hỡi đồng bào cả nước! “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”… – Vũ đọc rất trang nghiêm, nhiều lúc cứ nghẹn lại…
Một không khí thiêng liêng bao trùm lên mọi người. Những người lớn tuổi như ông bà Hai Phong, ông bà Lê Hải, ông Võ Sang… là những người đã nhiều lần từng được nghe giọng Hồ Chủ tịch và được nhìn hình ảnh của Người khi đọc Tuyên ngôn này trong những phim tư liệu lịch sử, hôm nay có cảm nghĩ như đang được nghe lời núi sông…
Hình như cuộc đời gắn bó với sự nghiệp cách mạng của đất nước, hôm nay, vào giờ phút này, đang giúp mỗi người cảm nhận sâu sắc hơn thế nào là người dân của một quốc gia độc lập. Họ hiểu rõ giá trị này qua những tháng năm chiến đấu hy sinh gian khổ của chính bản thân họ, qua những mất mát khôn kể xiết của chính gia đình họ, quê hương họ, những đồng chí đồng đội của họ… Bao đau thương, buồn tủi, bao nhiêu chặng đường đầy máu và nước mắt đã trải qua… đột nhiên dồn về trong tâm khảm họ…
…Tiếng đạn đại bác cùng với sấm sét trong đêm mưa bão năm nào vang nổ ầm ầm trong ký ức ông Hai Phong. …Tay vuốt mưa rát mặt, ông quỳ xuống ôm hai chân mẹ, nức nở: Lạy má, con đi!.. Đến bây giờ ông vẫn còn nhớ những tia chớp sáng nhìn rõ được hình dáng mẹ mình giữa những tiếng nổ dữ dội. …Đêm ấy, mẹ vẫn đứng nhìn con mãi, chờ cho đến khi con đi khuất… Ông đứng yên nghe con trai mình đọc, nước mắt rưng rức…
Ông Lê Hải nhớ lại rõ lắm… Hôm đó ông tham gia đội bảo vệ đứng dưới chân khán đài Ba Đình… Ông Lê Hải phải vịn vào vai bà Hậu để có thể đứng vững, mấy giọt nước mắt lăn trên má…
…Trời ơi, mẹ đã cưu mang che chở ta, đã gây dựng cho ta với Út Thạnh.., lại cũng là người gìn giữ bản Tuyên Ngôn Độc Lập này, ngay trong lòng cái chết?… Xem binh tình giặc bố dữ thế này, phải lo kháng chiến lâu dài con ạ… Mẹ là mẹ của các con… Lê Hải rùng người nhớ lại những trận rà bố khủng khiếp suốt từ thời Diệm và các chính quyền nguỵ sau đó… Không có má chắc gì mình sống được đến hôm nay… Ôi lời nói năm nào của Bác trên Quảng trường Ba Đình… Bác đã nói lên bao nỗi niềm, khát vọng và ý chí của cả dân tộc và của chính ta! Từ chiến khu trở về, ta lại ra đi, để lại bố mẹ, Tấm, Sơn, để lại tất cả họ hàng quê hương.., ta đã lên đường Nam tiến cho Tuyên Ngôn Độc Lập, cho đến hôm nay… Ôi đất nước ngàn vạn đau thương… Bốn cuộc chiến tranh liên tiếp mới có được ngày hôm nay… Ai biết được, ai hiểu được những hy sinh mất mát của dân tộc này? Bao nhiêu sinh linh, bao nhiêu tàn phá!.. Máu chảy ruột mềm, người nào ngã xuống thì cũng là máu của dân tộc này chảy! Còn bao nhiêu dư chấn tai ương khác… Trời đất, ai gìn giữ, ai phản bội những gì cả dân tộc này phải đánh đổi bằng xương máu, bằng mồ hôi nước mắt của bao nhiêu thế hệ? Ai nhớ, ai quên con đường đầy đau khổ của chính ông bà mình, cha mẹ mình, của đồng bào, đồng chí và đồng đội mình… Mới ngày hôm qua thôi!.. Còn sự phản bội nào lớn hơn sự làm ngơ, sự lạm dụng, sự chà đạp lên tất cả những hy sinh mất mát cả dân tộc đã phải chịu đựng? Sự hy sinh đó là xứng đáng? Là vô ích? Ta vẫn hiểu đấu tranh nay chưa phải là trận cuối cùng… Đồng minh của nó là ngu dốt, là những kẻ đầu hàng, tha hóa…
Biết bao nhiêu gian truân khốc liệt đã trải qua làm cho đầu óc Lê Hải căng lên nhức nhối. Ký ức nổi sóng những nghịch cảnh mà chính bản thân ông vừa là tác nhân, vừa là nhân chứng suốt dọc đường đời. Ông lấy hai tay ôm chặt lấy đầu mình, hai bên thái dương đang giật mạnh…
Cánh Ba Tước, Tư Quang, Năm Thịnh xưa nay vốn không quan tâm đến chính trị. Trong đời mình, họ đã nghe biết loáng thoáng đâu đó về Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng chỉ coi đó là công việc tuyên truyền. Đơn giản là làm chính trị ai mà không tuyên truyền!.. Họ cũng có bề dày từng trải nhất định, nên khó bị thuyết phục hay bị lừa lọc về chính trị… Hễ cứ đụng đến chính trị, nếu là trong khi nói chuyện với bất kỳ ai, không bao giờ họ nói được đến câu thứ ba, nếu là trên trang báo, trang sách thì giỏi lắm chỉ đọc xong được cái tít đề… Họ quá biết Lê Hải là ai và hiểu chính kiến của bà Sáu. Họ khâm phục những chiến sĩ như Lê Hải và có cảm tình với cách mạng… Thế nhưng lúc tiến hành cải tạo, họ đã bỏ ra đi… Hôm nay, nghe Tuyên Ngôn họ cảm nhận nhiều điều mới lạ. Họ càng nhận thức rõ hơn họ ra đi là vì muốn xa lánh, vì không thừa nhận chế độ này, chứ không bao giờ họ muốn xa cách đất nước mình, không muốn chia lìa khỏi dân tộc mình… Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi… Một quốc gia độc lập có chế độ chính trị tự do và bình đẳng của con người như thế thì chế độ ấy cũng là của mình chứ? – Năm Thịnh vừa nghe, vừa tự hỏi mình như vậy. …Là con người, ai còn mong gì hơn thế?.. Hay là Tuyên Ngôn bao giờ cũng chỉ là tuyên ngôn thôi? Dù là của Mỹ, của Pháp đi nữa… Năm Thịnh còn nhớ lại những trận cãi nhau nảy lửa với Hai Hân hôm nào, đã từng mắng Hai Hân là đồ ăn cháo đá bát… Bây giờ thù hận với Hai Hân cũng qua rồi, họ lại kết bạn chơi bời với nhau như cũ, giúp nhau việc này việc khác. Năm Thịnh cũng thấy mẹ mình đối xử với Hai Hân khác ngày xưa, nghĩa là mới cách đây mấy năm thôi… Tất cả những chuyển biến này Năm Thịnh hiểu được. Song tất cả những hiểu biết vừa mới thu lượm đựợc này chỉ làm khó khăn thêm câu hỏi trong đầu Năm Thịnh: … Tại sao một Đảng đã viết nên được Tuyên Ngôn Độc Lập như thế, mà hễ ai còn cảm thấy mình là người Việt Nam thì không thể không tán dương, không thể không quy thuận.., tại sao một Đảng đã làm nên sự nghiệp lấy lại đất nước như thế, mà lại để xảy ra bao chuyện đau lòng? Năm Thịnh thừa nhận xây dựng một xã hội như thế không dễ. Những năm sống ở Mỹ càng làm cho Năm Thịnh thấm thía điều này, chính vì thế ông vẫn giữ mối gắn bó với đất nước… Năm Thịnh tin rằng mẹ còn hiểu điều này sâu sắc hơn mình nhiều, thế nhưng vì sao chính mẹ lại cất giấu Tuyên Ngôn này, bất chấp cái chết kề bên? Mẹ có bản Tuyên Ngôn này từ bao giờ? Ai trao cho mẹ? Sao mình không hay biết tý gì… Vì sao mẹ còn giữ kín Tuyên Ngôn đến ngày hôm nay… Đất nước đã giành được độc lập thống nhất đến ba chục năm rồi… Càng nghe, Năm Thịnh càng thấy còn nhiều điều hệ trọng quá, những điều nằm trong suy nghĩ của mẹ mình, của chính đất nước mình… Ôi còn bao nhiêu điều mình chưa hiểu được!..
Bốn anh em Vũ đã được nghe, được đọc, được học Tuyên Ngôn trong những ngày còn ngồi ở ghế nhà trường miền Bắc, trong những năm tháng nhà trường sơ tán tránh bom Mỹ. Ngồi cạnh hầm tránh bom nghe thầy giáo giảng về Tuyên Ngôn Độc Lập, thỉnh thoảng thầy lại phải ngừng giảng vì kẻng báo động, học sinh nhao nhao xuống hầm, tiếng bom đạn nổ, nhiều khi rất gần, ngay trên đầu… Chỉ riêng cái khung cảnh này đủ hỗ trợ học sinh hiểu thấm thía từng câu từng chữ trong Tuyên Ngôn…
Thế nhưng hôm nay Vũ vẫn bị choáng, vì quá bất ngờ. Tuổi trưởng thành đọc Tuyên Ngôn Độc Lập khác với tuổi học sinh. Nhà trường hồi ấy đã dạy cho Vũ biết đây là tuyên ngôn thứ ba trong lịch sử dân tộc mình, kể từ Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư…, ba đỉnh cao bất hủ của sự nghiệp đấu tranh anh hùng giành lại độc lập của Tổ quốc. Thế nhưng ở vào chặng đường hiện tại của đất nước, nghĩa là chỉ sau khi ý thức rõ rệt hơn sự hy sinh to lớn của những thế hệ đi trước, hiểu được những gì đất nước đang bị đánh mất hay bị đánh cắp, Vũ mới thấu hiểu thêm cái giá dân tộc phải trả cho độc lập tự do của đất nước mình hôm nay. Hồi còn đi học, Vũ cảm nhận Tuyên Ngôn Độc Lập như một lời hịch hoành tráng, hào hùng, đọc lên là thấy tâm can mình rộn lên tha thiết, bừng bừng… Hôm nay, có lẽ lần đầu tiên Vũ đọc Tuyên Ngôn với những nhận thức mới về những thách thức mất còn mà một dân tộc có phẩm giá bắt buộc phải suy ngẫm, phải chấp nhận… Trong lòng càng cảm phục bà nội mình bao nhiêu, Vũ càng nhận rõ những thách thức này bấy nhiêu, những thách thức đất nước đã trải qua, những thách thức hiện tại và phía trước…
Khi Vũ đọc xong, cả nhà im phắc.
Mãi Vũ mới nói lên lời, hai tay áp bản Tuyên Ngôn vào ngực mình:
– Thưa nội, hồi còn là học sinh tụi con đã được học về Tuyên Ngôn Độc Lập, nhưng hôm nay con tưởng rằng lần đầu tiên con được đọc bản Tuyên Ngôn này… Thật bất ngờ quá ạ…