Cuối cùng bà Chín đồng ý cho đứt vợ Tấn một ngôi nhà ba tầng ở đường Lê Văn Sỹ và một trăm cây vàng làm lưng vốn… Tất cả lại cũng do Bạch Liên xui khiến.
Lúc thở dài vì trút được mọi gánh nặng lo âu, ông Chín mới sực nhớ đến lời phán của thầy Bỉnh sau cái chết của bố ông.
…Sáu con giáp tới là từ thuỷ chuyển sang hoả, rồng thức, rồng quẫy, không yểm được thì nhẹ là mất chức, nặng là trùng tang đơn trùng tang kép…
…Trùng tang coi như là xảy ra rồi. Mới trùng tang đơn thôi, còn trùng tang kép? Còn mất chức nữa? Đù mẹ, bói với toán gì mà nghe cứ như là đọc án tử hình và tù chung thân cho nhà người ta thế! Sắp tới ai chết? Mình bao giờ mất chức?..
Nghĩ đến đây toàn thân ông Chín rùng rùng nổi gai vì sợ. Ông Chín không mê tín dị đoan, luôn mồm chỉ trích bà Chín về chuyện này, trừ cái chuyện cầu tự thì ông nhiệt liệt hoan nghênh. Thấy cán bộ cấp cao cấp thấp đi lễ xem bói, xin thẻ, tạ ơn thánh mẫu, làm lễ giải hạn.., ông chế nhạo. Mấy cậu cán bộ dưới quyền ông còn để cả bát hương trong phòng làm việc, ông đã vài lần hạ lệnh dẹp gọn mà không xong. Chỉ sau khi City Tower bị cháy, cái lệnh cấm để bát hương trong phòng làm việc mới được thực thi triệt để… Nhưng bây giờ ông lại thấy lời thầy Bỉnh cứ như đinh đóng cột…
…Chết là hết, ông trời đánh vào ai người ấy chịu, tránh cũng không được. Nhưng mất chức? Nghĩa là còn sống để chứng kiến sự nghiệp cả đời mình tiêu tan, để cam chịu ê chề tủi nhục, để hưởng mọi phỉ báng, bêu riếu của người đời, để cho những thằng trời đánh thánh vật quẫy đạp vào mặt mình… Biết đâu đấy, mất chức làm dao thì phải xuống làm thớt, người đời thiếu gì kẻ bới lông tìm vết, từ một chính khách mình sẽ trở thành phạm nhân như chơi?.. Thằng Bỉnh đã nói đúng một, chắc sẽ đúng hai, mình cứ phớt lờ cái thế giới tâm linh là không ổn! Không tin không được… Cái mồm con Bạch Liên đêm ấy tự nhiên thế nào lại nói gở: khi nào trong nhà có đám ma thì lại gặp nhau. Cái đêm hôm ấy… Nhưng như thế chẳng lẽ Bạch Liên đã linh cảm trước về cái chết của thằng Tấn à? Sao lại có thể trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ vậy?.. Trời đất, có thế giới tâm linh thật sao? Nếu thế liệu có ác giả ác báo không? Cái này mới là cái chết thực đây! Nếu đúng là có ác giả ác báo, mà mình mất chức thì sẽ ra làm sao? Nhưng mình đã làm những gì ác cơ chứ? Không giết người, không cướp của, thế thì không thể có gì là ác! Mình có hạ gục kẻ này, dìm kẻ kia, trù úm người khác. Đấy là những việc có thật, nhưng thuộc về nghề nghiệp! Mình cất nhắc thằng bất tài vô đức để nó hầu hạ mình, phò ông này ông kia để tạo thanh thế cho mình, dại gì mà không làm? Đã gọi là công việc nhà nghề, thì không phải là ác, thằng đếch nào chẳng làm!.. Cũng như nghề mổ lợn là sát sinh nhưng không thể là gọi cái thằng cha mổ lợn là ác được!..
…Hay là tại mình quá tham? Mình được hưởng lộc, được chia phần trong phi vụ này, phi vụ khác. Đấy là những chuyện thật. Nhưng đời này ai làm công không cho ai bao giờ? Mình có tính háu gái thật, mần được là mần tuốt! Nhưng sao lại không nhỉ? Trời đã sinh ra cái thằng đực trong mình nó như thế thì mình làm thế. Thế có gì là ác? Nếu đấy là ác thì trời mới là thủ phạm của cái ác này chứ! Mà như vậy thì ai quả báo ông trời? Không thể có chuyện ác giả ác báo như vậy ở đây được!..
…Thế nhưng trùng tang xảy ra rồi, có thể mất chức nữa. Chẳng phải là có ác giả ác báo là gì?.. Bỉnh ơi, mày xui tao cái chuyện yểm đất. Bao nhiêu khốn khổ đểu cáng tao mới bịt được mắt thiên hạ để làm việc này. Cái mồm mày sơn sớt: Cả một thiên nhiên non nước thế này, có đến ba hay bốn con rồng thức giấc quẫy đuôi cùng một lúc cũng vô tư đi!.. Con ông chết thì mày vô tư được, nhưng ông thì vô tư thế đếch nào được! Nó đang ăn nên làm ra ầm ầm… Thế mà cái mồm thối của mày chõ vào… Ông còn có thể mất chức nữa, thế thì ông vô tư thế đếch nào được!… Thà ta bị trời đánh chết còn hơn là sống để chứng kiến cái cảnh ta mất chức! Không đời đời
Khác với thường lệ, bốn năm ngày liền sau đám ma Tấn, Bạch Liên vẫn qua lại chỗ Chín Tạ, lại trở nên cởi mở ân cần như xưa… Nhiều lúc hai người ngồi nói chuyện riêng rất lâu trong phòng kín, chủ yếu là Bạch Liên giục chín Tạ phải ép vợ chia một ít của cải cho con dâu để vãn hồi hoà bình trong cái nhà này và làm tiếp mọi việc cần thiết khác để dứt khoát không vạch áo cho người xem lưng… Nhưng quan trọng hơn cả là để che kín các tổ con chuồn chuồn…
Cách lý giải như vậy của Bạch Liên mang lại kết quả mỹ mãn. Song cứ mỗi lần cái máu “dê” của Chín Tạ tìm cách hướng câu chuyện về đề tài cầu tự thì Bạch Liên lại khéo léo gạt nó ra ngoài chương trình nghị sự! Chuyện cầu tự trước sau vẫn đi vào ngõ cụt…
…Riêng cái lô-gích cái gì phải đến sẽ đến trước sau vẫn để lại cho Chín Tạ một đe doạ mới… Chín Tạ rầu lòng đến mức đã bỏ lỡ nhiều dịp có thể nhắc nhở Bạch Liên nhớ lại lời hẹn của cái đêm ấy…
Bây giờ mọi chuyện đã êm êm. Thăng bằng đã trở lại trong đầu Chín Tạ. Nhưng chỉ chờn vờn Bạch Liên được tí teo rồi cô nàng lại mất hút.
Một thời gian sau vụ cháy City Tower, trên Việt Bắc lại xảy ra một hoả hoạn lớn, báo chí đưa tin lần này là cháy kho, hàng trăm nhà dân bị vạ lây. Người thì bảo tại thời tiết nắng nóng đột ngột và gay gắt hơn bình thường, người thì bảo do sơ suất trong phòng cháy chữa cháy. Xen vào những hoả hoạn lớn này lúc này lúc khác là những hoả hoạn xảy ra do chập điện ở các khu dân cư. Do trời, do người, do gì thì do, mỗi lần hoả hoạn như thế là một lần cộm lên trong lòng nhiều người dân câu hỏi nhức nhối: Có cách gì giảm bớt những hoả hoạn như thế không?
Riêng Thắng dặn Bạch Liên:
– Từ nay đừng đến ăn tại nhà hàng Thiên Thai nhé.
– Tại sao vậy?
– Nhà hàng này nhiều đặc sản thật, nhưng tít trên tầng thượng là lầu 7, chỉ có mỗi cầu thang độc đạo. Cháy nhà là thành chả nướng hết với nhau đấy!
Hôm nay bước sang ngày thứ tám bà Sáu Nhơn không ăn một chút thức ăn nào và không bước ra khỏi giường, con cháu ngày đêm thay nhau túc trực bên cạnh… Cách đây khoảng một năm, sức khoẻ bà đã có hiện tượng này, nhưng chỉ năm sáu hôm thôi và cũng không ngủ thiếp đi nhiều như bây giờ. Hồi đó bà vẫn có lúc thấy đói, còn ăn được bát cháo con con…
Đôi ba lần, vì quá thương con cháu nài ép, bà bảo nâng mình lên, bà cố uống thử một thìa sữa, nhưng mới chỉ ngậm trong miệng đã phải nhổ thốc đi, mặt đỏ tía lên rồi nhạt bợt ngay ra, toàn thân run rẩy. Cơ thể bà Sáu nhất định không chịu tiếp nhận. Con cháu lại đành phải đặt bà nằm xuống. Sau mấy lần như thế, cả nhà không ai dám nài ép nữa. Khi cảm thấy khát, bà Sáu chỉ gọi lấy chén sâm, nhấp nhấp vài ngụm nhỏ, rồi lại bảo đặt nằm xuống. Một hai ngày đầu từ khi nằm liệt giường, bà còn hỏi han việc này việc khác, có lúc còn bắt con cháu kể chuyện công việc đang làm. Sau đó bà bắt đầu ngủ thiếp đi, nhiều lần thiếp đi ngay trong lúc còn đang nghe con cháu nói chuyện, tiếp theo là những giấc ngủ như lịm dần, không theo một giờ giấc hay trình tự nào nữa… Mỗi lần thức dậy là một lần bà yếu đi, giọng nói cũng nhẹ dần. Tuy thế bà vẫn tỉnh táo, không nhầm lẫn. Bà vẫn gọi đúng tên từng cháu, chắt Đức và hai chắt mới nữa đang ở Mỹ… Cặp mắt nhăn nheo của bà tuy ngày càng bé lại, nhưng vẫn lanh lẹn, trong sáng, hiền hòa…
Có lẽ mấy ông bác sĩ nói đúng, bà hoàn toàn không có bệnh tật gì ngoài thể trạng ngày một yếu đi của tuổi già. Con cháu hỏi bà trong người có cảm thấy đau chỗ nào không, bà nói chỉ thấy mỏi khắp người, mỏi rã ra và không thấy thèm ăn uống gì, hai chân bắt đầu lạnh… Hay là bà giấu cho con cháu khỏi lo, khỏi sợ… Song nhìn khuôn mặt thanh thản của bà, cặp mắt nhỏ lại nhưng còn thần sắc của bà, nhịp thở đều đều lúc bà ngủ thiếp đi… con cháu như được an ủi phần nào: …Có lẽ bà chỉ ngày một yếu đi thôi, trong người không đau đớn gì thật. Con cháu thay nhau xoa bóp cho bà đỡ mỏi, bình chườm nước nóng cho hai chân phải thay liên tục nhưng bà vẫn cảm thấy cái lạnh leo cao dần, từ hai bàn chân đã lên tới cả hai chân…
Tính theo dương lịch, bà Sáu đúng tuổi chín mươi, nhưng theo âm lịch là chín mốt. Con cháu trong nhà và mọi người thân quen đều thán phục bà rất minh mẫn và không bệnh tật gì. Song từ năm ngoái, sau bận nằm khuỵu xuống mấy hôm, bà đã phải bỏ hẳn việc tập đi bộ buổi sáng trong vườn. Bà bỏ luôn các cuộc hội họp được mời. Sang đầu năm nay bà bắt đầu biếng cơm, hầu như chỉ sống bằng cháo hoặc sữa, thân thể ngày càng teo đi nhanh chóng. Nhiều lần Hội Người cao tuổi, lãnh đạo Thành phố, Hội Lão thành cách mạng… cử các bác sĩ giỏi đến khám sức khỏe cho bà ngay tại nhà. Các thầy thuốc đều xác định bà không bệnh tật gì ngoài tuổi tác. Ông Tám Việt đã nghỉ hưu rồi, nhưng vẫn nhờ bác sĩ riêng của mình đến thăm bệnh cho bà, bác sĩ này cũng cùng chung một chẩn đoán như vậy.
Ông Hai Phong hiểu đã đến lúc phải chuẩn bị hậu sự cho mẹ mình. Từ hai tháng nay vợ chồng ông Lê Hải giao nhà cho người cháu ở Kiến An coi hộ để vào Thành phố cùng với vợ chồng ông Hai Phong chăm sóc bà. Vợ chồng Võ Sang cũng thường xuyên sang thăm bà. Có lúc ông bà Võ Sang bế cả cháu ngoại cún bông sang chơi với bà. Chắt cún bông đang tuổi học nói làm bà Sáu rất vui.