Một ngày, má Sáu nói với Lê Hải:
– Má thương con như Hai Phong của má. Nó nói đi tập kết hai năm ra Bắc rồi vợ chồng nó sẽ dắt nhau về. Quá hai năm lâu rồi, tình hình này hai đứa về sao được! Ngoài Bắc bây giờ là quê của hai đứa, ở đây má là má của con. Ba Tước, Tư Quang và Năm Thịnh ai nấy đã lập nghiệp riêng của mình. Chỉ còn Út Thạnh sống với má. Nếu hai con ưng thuận với nhau, thì nên thành vợ thành chồng. Cung cách Mỹ Diệm đàn áp thế này chắc phải lo kháng chiến lâu dài con à…
Gần một năm sau, gia đình má Sáu có lễ cưới để Lê Hải chính thức trở thành con cháu trong dòng họ. Nhưng từ năm 1960 anh phải thường xuyên đi đi về các tỉnh miền Đông Nam bộ, làm nhiệm vụ bí mật tổ chức các lực lượng vũ trang địa phương. Việc kinh doanh của má Sáu rất thuận tiện cho anh thực hiện nhiệm vụ này. Năm 1962 tổ chức quyết định phải rút Lê Hải ra khỏi thành phố để tránh bị lộ, khuyên đem cả vợ con đi cùng, lấy cớ là ra ở riêng đi làm ăn ở tỉnh khác để che mắt mọi người. Má Sáu chấp thuận, cho Út Thạnh ít vốn để liệu bề tự kiếm sống.
Sau những tháng ngày nay đây mai đó ở nhiều tỉnh dưới hình thức làm nghề buôn chuyến, cuối năm 1963 tổ chức bố trí cho gia đình Lê Hải vào nằm vùng ở Cần Giờ. Trong những năm tháng lặn lội chuyển sang hoạt động tại các tỉnh miền Tây Nam bộ, thỉnh thoảng Lê Hải vẫn có dịp ghé về thăm vợ con. Cũng may Thạnh là người tháo vát, anh hoàn toàn không phải lo cho đời sống kinh tế của gia đình. Thỉnh thoảng anh còn được má Nhơn và vợ cho tiền, cho ít thuốc men, mua giúp thứ này thứ khác các đồng chí của anh đang cần.
Giữa năm 1964 anh được trên điều động ra chiến trường Tây Nguyên, lúc này bé Thơ đã bắt đầu võ vẽ học chữ, do mẹ dạy. Từ đây, Lê Hải sống bằng những tin tức gia đình chuyển qua đường dây liên lạc, hoạ hoằn kèm theo mảnh giấy với những dòng chữ non nớt, ngây thơ và đầy yêu thương của bé Thơ… Từ 1965 các trận đánh của quân ta trên chiến trường miền Trung có quy mô ngày càng lớn. Lê Hải được điều ra tham gia bộ chỉ huy mặt trận Quảng Trị – Thừa Thiên – Huế – Quảng Nam. Đó là các tỉnh thuộc quân khu I của nguỵ quyền và cũng là vùng chiến tranh ác liệt nhất trong thời gian này, nhất là từ khi có quân Mỹ, Hàn Quốc, Úc và Niu Di-lân trực tiếp tham chiến.
Kể từ khi Nam tiến, chưa bao giờ Lê Hải vấp phải những vấn đề quân sự nan giải như thời kỳ này: cường độ hoả lực của địch cực kỳ ác liệt, tốc độ cơ động nhanh, kỹ thuật quân sự hiện đại nhất, lối đánh “tìm – diệt” và đánh dứt điểm… Mặc dù ở bộ chỉ huy mặt trận miền Trung, nhưng anh tham gia trực tiếp nhiều trận đánh, với mục đích phải cùng nhau sớm tìm ra cách đánh phù hợp. Báo cáo đi, báo cáo về, báo cáo ra Quân uỷ Trung ương… Không ít những trận ta “mất trắng”. Chiến tranh với kẻ giấu mạnh nhất thế giới là như vậy! Cuối cùng tư tưởng “nắm lấy thắt lưng địch mà đánh” được Quân ủy Trung ương đúc kết thành tư tưởng chiến lược. Đấy là một phương thức tác chiến bám sát rất quan trọng, cự ly giữa ta và giặc được rút ngắn tới mức làm giảm thiểu đáng kể nhiều ưu thế lợi hại của giặc về phi pháo và tính cơ động. Lê Hải tiếp tục lặn lội trên mọi chiến trường, đúc kết ra bao nhiêu kinh nghiệm tổ chức chiến đấu và tác chiến… Cho tới khi nhận chỉ thị mới trong tay, cùng với tin dữ đến từ Cần Giờ… Lê Hải đột nhiên gầy rộc đi, tóc bạc nhanh, gần như câm lặng.
Trên đường ông ra Bắc, các đồng chí đi hộ tống cứ ngỡ là mình đang chuyển một bệnh binh ốm nặng về hậu phương…
– Hậu, sao tự nhiên em khóc? – Lê Hải sững sờ, hai bàn tay ôm ấp má vợ.
– Không, em có khóc đâu.
– Em giấu anh thôi, nước mắt đang lăn trên má em đây này.
– Em không khóc thật. Mỗi khi nhìn anh như thế này nước mắt tự nhiên trào ra thôi. Anh đang ưu tư điều gì? Em đã nhiều lần nhìn thấy cả cuộc đời anh trong mắt anh… Ôi nếu anh được gặp bố em thì hay biết mấy, người em xót thương nhất trên đời này!..
– Em… – Lê Hải định hỏi điều gì, song kịp dừng lại không dám hỏi.
– Làm sao có thể nhầm lẫn đến mức như vậy hả anh?
– Ôi Hậu! – Lê Hải ôm xiết lấy vợ vì không trả lời được.
Hai vợ chồng ông thì thầm mãi không ngủ. Trong câu chuyện đêm khuya, hai người cùng dắt tay nhau trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình…
– Thấm thoắt chúng mình cưới nhau được gần 4 năm rồi. Thế mà thỉnh thoảng anh vẫn tự hỏi nhờ ai chúng mình nên vợ nên chồng?
– Đúng ra phải hỏi nhờ ai chúng mình bây giờ mới có cuộc sống cho chúng mình anh ạ… Thành vợ thành chồng rồi, dần dà em mới hiểu, rồi mới bắt đầu yêu anh… Em càng thương chị Tấm, chị Thạnh…
– Như thế em phải yêu anh bằng cả Tấm, Thạnh và em cộng lại?
– Còn hơn thế anh ạ. Vì nếu thím anh, các bác các cô chú bên em, nói cho đúng hơn là nếu cả làng ta không hết lòng tác thành cho chúng ta…
– Thì em nhất định không lấy anh?
– Thì em nhất định không đi lấy chồng. Vì em quyết thế từ lâu rồi.
– Thật vậy sao?
– Đời thuở nhà ai phụ nữ, nông hội, các bà mẹ chiến sĩ… đều đến làm công tác tư tưởng cho em. Lại cả bí thư chi bộ thôn ta cũng đến thuyết phục em lấy anh. Đi vận động em lấy chồng mà lời lẽ cứ như là xã đội trưởng giao nhiệm vụ tác chiến cho dân quân du kích trong xã. Lúc đầu em vừa tức mình, vừa buồn cười.
– À, xã đội trưởng Tịch phải không?
– Nghe đâu chú ấy cùng họ với anh?
– Ừ, nhưng chi khác, phải gọi anh bằng ông trẻ đấy.
– Thảo nào. Cháu không vun vào cho ông trẻ thì còn vun vào cho ai nữa?
– Cậu ấy nói những gì?
– Nhiều lắm, làm sao em nhớ được… Nào là: Đây là tình nghĩa quân dân, là nhiệm vụ của hậu phương. Nào là: Chị thoái thác là trốn tránh nhiệm vụ, là có tội với cách mạng!.. Em cãi lại: Chú hãy về mang tất cả chỉ thị nghị quyết chú có trong tay ra đây, chỉ cho tôi xem có chỗ nào bắt tôi phải đi lấy chồng không nào!
– Em nói thế thì anh cũng bí, chứ đừng nói đến cậu Tịch!..
– Anh Hải à…
– Gì em?
– Anh cố mời thím Mão ra sống với chúng mình đi. Thử lần nữa xem sao.
– Lần nào về quê anh cũng nói chuyện này. Thím đều gạt đi, chê ngoài thành phố ồn ào. Anh đang tính một kế khác.
– Kế gì hả anh?
– Bây giờ thế này, em về quê mời thím ra. Nếu thím không ra em nhất định không ra, cho đến bao giờ thím chịu mới thôi.
– Có lẽ ráo riết như thế may ra được đấy. Em sẽ cố…
– Nếu không có má Sáu, nếu không có thím…
– Các bà mẹ của chúng ta… Em có thể được làm mẹ không anh?
– Ôi nếu được như vậy…
…Hôm ấy, tới Hà Nội, đại tá Lê Hải xin miễn việc đưa ông đi an dưỡng. Ông xin được về thăm quê ngay tức khắc, mặc dù lúc này đường 5 và khu vực Hải Phòng ngày đêm bị máy bay Mỹ đánh phá ác liệt.
Về đến làng trời gần tối. Chào ông đầu tiên là ngôi mộ lớn trên mảnh ruộng đầu làng, được xây một cách trang trọng và có hàng tường hoa thấp bao quanh. Sau này hỏi ra mới biết đó là nơi chôn cất những người trong làng bị giặc Pháp sát hại trong trận càn quét sau vụ sân bay Cát Bi bị bộ đội ta tập kích. Bố mẹ, vợ con Lê Hải và một người em trai của ông cũng yên nghỉ trong đó. Trong trận càn quét này, giặc bắt dân làng gom tất cả những người bị giết lại một chỗ rồi tưới xăng vào đốt… Đứng trong khu đất cũ của nhà mình, mãi ông vẫn không nhận ra được làng mình. Không tìm đâu được nhà cửa vườn tược xưa kia nữa. Họ hàng ruột thịt của ông hiện sống trong làng chỉ còn mỗi thím Mão, vợ người em trai út của bố ông. Những người họ hàng ruột thịt khác, hoặc phiêu dạt đi bốn phương, hoặc không còn nữa.
Làng xóm vắng tanh vì nơi này là trận địa phòng không, nhiều người phải đi sơ tán. Ngày đầu, sáng chưa rõ mặt người, thím Mão đưa ông ra ngôi mộ lớn. Thắp hương xong, ông nằm phủ phục, mặt gục vào ngôi mộ. Không khóc thành lời, nhưng nước mắt đầm đìa. Sau đó trở về nhà. Cả ngày ông không bước chân ra khỏi cửa. Thậm chí mấy lần báo động ông cũng chẳng buồn chạy ra vườn để xuống hầm. Ngày hôm sau cũng vậy. Nỗi đau về mất mát và niềm xúc động vì được trở về quê cha đất tổ quá lớn đối với sức chịu đựng của ông. Nhiều chi tiết ông cứ hỏi mãi, bắt thím mình kể đi kể lại, trong lòng đứt từng khúc ruột. Song cũng có chỗ ông van thím Mão thôi đừng kể nữa, nhất là lúc Sơn bị giặc giật khỏi tay mẹ, Tấm bị giặc hãm hiếp trước mặt dân làng rồi bị bắn chết… Sáng sớm ngày thứ ba ông mới đi chào những người ở lại trong làng. Lúc này cả làng mới biết ông là người con của làng sau 25 năm xa cách bây giờ trở về. Từ hôm đó, tối tối gần như cả làng thay nhau đến thăm ông, kể cho ông nghe không biết bao nhiêu chuyện.
Rồi chuyến về thăm làng lần thứ hai.
Chuyến về thăm làng lần thứ ba…
Ông rất năng về thăm quê khi thời gian cho phép, để làm dịu bớt nỗi đau của mình.
Không hiểu thím Mão đã nói những gì với cả làng, trong chuyến về thăm lần thứ tư, và từ đó trở đi, thím Mão và cả làng chỉ bàn mỗi một việc là khuyên ông lập gia đình. Cô dâu làng sẽ gả cho là cô giáo Hậu. Đấy là người con gái đã chiếm được sự mến mộ của cả làng vì lòng hiếu thảo với mẹ.
Gia đình Hậu là một gia đình nền nếp, vốn được tiếng cả vùng quê Vĩnh Bảo. Ông nội Hậu là một cụ đồ Nho có uy tín, sau chuyển thành thầy giáo làng dạy chữ quốc ngữ. Bà nội Hậu làm ruộng, nhưng khi tháng ba ngày tám lại biết chạy chợ, nhờ vậy cuộc sống tạm ổn. Trong cái làng hầu hết là nhà tranh vách đất, ngôi nhà xây ba gian hai trái ở cái mức tạm gọi là nhà ngói cây mít của ông bà nội Hậu làm nổi bật sự phong lưu của gia đình – với nghĩa là đủ bát ăn. Bố Hậu là bí thư chi bộ của xã, lãnh đạo xã mình kháng chiến chống Pháp trong những năm toàn huyện bị giặc Pháp chiếm đóng. Không may trong cải cách ruộng đất, gia đình bố mẹ Hậu bị quy oan là địa chủ. Ông nội Hậu bị bức tử, vì không chịu khai báo theo mớm cung của đội cải cách. Bố Hậu còn bị tố oan là “quốc dân đảng”, là tề chỉ điểm, làm tay sai cho giặc thời tạm chiếm. Ông bị xử tử cuối năm 1956, lúc đó Hậu 16 tuổi.