– Nếu thế câu chuyện chỉ còn tuỳ thuộc vào sự nghiêm minh của pháp luật thôi.
– Anh ơi năm sáu năm trước đây Năm Cam bị bắt rồi mà còn được thả. Người ta đồn rằng từ trại cải tạo hình như Năm Cam được chuyển sang diện tạm giam rồi được thả hẳn, mãi gần đây mới bị bắt lại. Như thế anh vẫn tin tưởng vào sự nghiêm minh của pháp luật chứ?
Vũ suy nghĩ một lúc:
– Phải chờ xem. Nhưng hy vọng việc bắt lại Năm Cam có nghĩa là pháp luật kỳ này sẽ ra tay quyết liệt.
– Em xem báo chí tường thuật việc bắt lại băng nhóm Năm Cam cứ như là đang đọc các truyện bố trí đặc công đi bắt giặc thời chiến trong vùng địch hậu có chết không chứ! Chứng tỏ bọn này đã lũng đoạn trật tự và an ninh xã hội đến mức quá xá.
– Cũng có nghĩa là bộ máy quản lý hỏng đến mức quá xá!
– Câu chuyện là thế đấy.
– Anh tạm hoãn đi Mỹ, để ở nhà cùng với các em lo xong việc này nhé?
– Không được anh ạ, Một là anh không được thất hứa với Hiệp hội Thuỷ sản, vì công ty của chúng ta là một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội này, anh lại là người đàm phán chủ lực của Hiệp hội. Bộ Thuỷ sản cũng có thư yêu cầu công ty Ngọc Vân hỗ trợ tích cực. Hai là để tự cứu mình, anh phải làm tốt chuyến đi đàm phán này.
– Anh cứ phải làm mãi cái việc ăn cơm nhà vác ngà voi thế này hả em? Riêng cái đoạn túm được mấy chuyên gia Mỹ và Pháp về làm việc cho nuôi cá basa ở An Giang hai năm qua đã làm anh hết hơi rồi!
– Em biết là anh tức thì nói thế thôi. Nhờ cái việc ăn cơm nhà vác ngà voi cho ngành dệt và cho Hiệp hội Thủy sản công ty Ngọc Vân mới được hai hiệp hội này bảo vệ và mới tồn tại được đến hôm nay đấy anh ạ. Thế mà em vẫn còn phải bị tạm giam như thế này.
– Nghĩa là cái thằng lịch sử đã trao cho anh sứ mệnh này, không trốn được, có phải không?
– Nếu vu oan giá hoạ cho cái thằng lịch sử mà anh đỡ tức thì cũng được.
– Ở nhà một mình, em và vợ chồng Quân có lo được mọi chuyện không?
– Hôm nào anh phải đi?
– Theo lịch là thứ năm tới. Nghĩa là anh còn ở nhà được bốn hôm nữa. Ngồi đây nói chuyện bất tiện quá, để anh thử hỏi xem có được phép ra ngoài cho thoải mái không.
Vũ và Ngọc kéo nhau đến người trực ban của trại. Sau một hồi thương lượng khẩn khoản với lý do Vũ vừa đi châu Âu về, có những việc của công ty cần bàn gấp, trực ban đồng ý để cho Bích Ngọc được ra ngoài một giờ, với điều kiện Vũ phải để lại hộ chiếu của mình. Vũ cảm ơn bằng cái lót tay người trực ban hai tờ giấy bạc năm mươi nghìn.
Bước ra khỏi khu tạm giam có mấy bước chân Bích Ngọc đã thốt lên:
– Đúng là nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại! Em cứ tưởng là mình lúc này đang đi trên miền đất xa lạ nào!
Vợ chồng Vũ ngó nghiêng một lúc rồi chọn cho mình cái quán giải khát gần nhất:
– Lần đầu tiên trong đời hai ta được ngồi uống nước âm thầm trong quán với nhau thế này, có phải không em?
– Vâng. Em hy vọng sẽ làm được một việc gì đó bất ngờ trước khi anh đi Mỹ, nhưng em chưa nói vội. – Bích Ngọc nói luôn vào công việc.
– Anh chờ.
– Bây giờ anh phải giúp em làm một việc rất khó. Em đếm từng giờ đợi anh về.
– Em nói đi.
– Ngay chiều nay anh đi An Giang hộ em, nhờ phân hội cá basa bên ấy chuẩn bị cho em vay nóng 15 tỷ. Công ty mình xuất xong hai chuyến cá basa trong hai tháng tới sẽ thanh toán lại ngay. Anh đích thân đi mới được, nên em nán chờ anh về mới nói với anh việc này.
– Anh sẽ cố.
– Tiền phải sẵn sàng, khi nào cần là có ngay, nếu không thì hỏng việc anh ạ.
– Anh hiểu.
– Chúng ta đã giúp họ nhiều, em hy vọng bây giờ họ sẽ giúp chúng ta. Nói rõ đầu đuôi việc em bị tạm giam cho họ nghe. Cùng hội cùng thuyền với nhau, em hy vọng họ không bỏ rơi chúng ta lúc này.
– Em chuẩn bị cho tình huống xấu nhất?
– Phải như vậy anh ạ. Anh hứa đi ngay chiều nay chứ? Lẽ ra em phải bắt anh nghỉ ở nhà một hai tuần cho lại sức… – Bích Ngọc ôm xiết lấy chồng, chỉ muốn khóc.
– Đừng lo cho anh…
Vợ chồng Vũ không để ý đến mấy người chung quanh đang ngơ ngác nhìn họ…
Cuối cùng thì hai vợ chồng Vũ vẫn có chút thời giờ tâm sự với nhau về cuộc sống gia đình. Đã mấy lần Ngọc giục Vũ về nhà nghỉ lấy sức, để chiều nay còn phải đi An Giang. Nhưng thấy đồng hồ còn giờ, Vũ cứ luấn quấn mãi không nỡ ra về.
– Em ạ, nếu không vào trại tạm giam thế này, có lẽ vợ chồng mình kẻ trên trời, người dưới đất, không có thời giờ tâm sự với nhau lấy một phút!
– Nhiều lúc em nhớ anh vô cùng, đành cắn răng chịu. Đôi khi em tự an ủi một cách nực cười, nhưng biết sao bây giờ…
– Em tự an ủi thế nào?
– Em nghĩ dù sao chúng mình rất may là còn có Đức. Vợ chồng Quân còn khổ hơn chúng ta, bận tối tăm mặt mũi đến nỗi tịt cả đẻ!
– Ngọc ơi là Ngọc! – Cả hai cùng bật cười.
– Đức bây giờ là con chung của bốn anh chị em chúng mình, nên vợ chồng Quân cũng đỡ buồn.
– Mọi việc dạy dỗ Đức hầu như anh đành khoán trắng cho em và vợ chồng Quân. Phương pháp sư phạm của Quân khá lắm, thầy giáo số một và toàn diện của Đức đấy em ạ.
– Em cũng nghĩ thế. Có một tin rất vui, em chắc anh biết rồi: Đại học New Jersy có fax về báo cho chúng ta là họ đã nhận Đức nhập học. Con thi Toefl(*) [(*) Test of English as foreign Language: Thi kiểm tra ngoại ngữ Anh.] và thi nhập học với điểm khá cao. Xét xong các hồ sơ và làm một số tests(**) [(**) Những bài kiểm tra học lực.] , họ đồng ý cho con vào thẳng học kỳ 3, nghĩa là tiết kiệm được một năm!
– Anh biết, Đức gọi điện thoại khoe với anh lúc anh vừa mới đến Bruxell. Con cho biết các tests con làm tốt, gây ấn tượng với các thầy chấm bài. Nhà trường hứa giảm ngay 3/4 học phí cho hai học kỳ đầu tiên, nếu kết quả học tốt có thể được miễn hoàn toàn học phí cho các học kỳ tiếp theo.
– Trước hết đấy là công lao của Quân về tiếng Anh và về toán.
– Con đã tính toán là mỗi năm chỉ xin bố mẹ nhiều nhất là năm nghìn đô, nếu thiếu con sẽ kiếm thêm việc làm ngay trong trường để bù vào. Nhưng hình như con chưa biết em bị tạm giam.
– Cả nhà không ai muốn để Đức biết chuyện này. Anh cũng nên thu xếp đi Mỹ sớm để kết hợp gặp con, cố khuyên con ý chí tự lập.
– Chúng mình quá hiếm thời giờ riêng cho nhau, có phải thế không em?
– Em cứ nhớ mãi hôm trao chiếc gậy thần cho chúng mình, nội dặn thế hệ bố mẹ chúng mình đã xả thân cứu nước, đến lượt thế hệ chúng mình phải lập nghiệp xây dựng đất nước. Nội giao cho cháu chắt của nội nhiệm vụ nặng nề quá!
– Anh thực không hiểu vì sao nội có thể hun đúc cho chúng ta một ý chí như vậy!
– Tại nội yêu nước hay là tại máu làm giàu bẩm sinh của nội hả anh Vũ? Chẳng lẽ nói với đồng chí Vũ là tại dòng dõi của nội thì nghe nó phi chính trị quá!.. – Ngọc vừa hỏi vừa cười.
– Em đố anh đấy à?
– Không, em hỏi thực đấy.
– Là em, em tự trả lời thế nào? Anh cũng hỏi nghiêm túc đấy. – Vũ không muốn thua vợ mình.
– Em trả lời: Tại vì nội là nội của chúng ta!
– Thế thì anh chịu, không bắt bẻ vào đâu được! Nhiều lúc anh cứ tưởng nội là nhà tiên tri của chúng mình. Từ những ngày làm sữa chua bỏ cho các nhà hàng…
– Em nghĩ nếu không có sự dạy bảo của nội, có lẽ bốn anh chị em chúng mình đã lao vào đường mòn. Đại thể là nhờ ba má dựa vào thân quen tìm một chỗ nào đó trong biên chế, tháng tháng ba cọc ba đồng, tuần tự vi tiến…
– Đúng là nội đã chuẩn bị hành trang cho chúng ta bước vào con đường này.
– Cứ nghĩ đến nội là em hết nao núng.
– Thú thực có lúc anh đau dạ dày mệt quá gục xuống bàn, lòng tự hỏi: Mình cố gắng đến kiệt sức thế này vì lẽ gì? Chúng mình đâu có đói? Chúng mình đâu có thiếu thốn? Ai được hưởng những thành quả của chúng mình?.. Làm ăn mà nhiều lúc cứ như là đi ăn xin, kẻ làm người phá
– Em tặng anh danh hiệu “nhà tư bản đỏ”, được không anh? Vì anh là đảng viên?
– Nếu thế em phải sang tên công ty cho anh!
– Em cho anh tất đấy!
– Anh chẳng là nhà gì cả Bích Ngọc ạ. Anh yêu nước mình và muốn thử ý chí tự do của mình. Trước đây anh xin vào Đảng vì những hoài bão anh mơ ước. Bây giờ anh nghĩ khác.
– Bây giờ anh như thế nào?
– Thực tế hơn, lì lợm hơn.
– Anh không định xin ra khỏi Đảng chứ? – Nét mặt Bích Ngọc đầy lo âu.
– Bây giờ thì chưa!
– Không hay là chưa?
– Em hiểu thế nào cũng được.
Bích Ngọc ôm riết lấy chồng mình, một lúc sau mới nói:
– Nhà nước của anh đã đưa anh ra khỏi biên chế. Rồi sẽ có ngày Đảng của anh khai trừ nốt anh nếu anh còn là anh.
– Em nghĩ đến mức vầy à?
– Em còn đủ tỉnh táo để biết điều hơn lẽ thiệt. Song em vẫn có quá nhiều lý do phải tự hỏi mình: Nếu cái thiện nhưng bất cập và cái ác cứ lặp đi lặp lại hoài, cuối cùng cái thiện trong xã hội này sẽ còn lại bao nhiêu?
– Em lo lắng cho các đơn vị kinh doanh của chúng ta?
– Còn hơn thế anh ạ. Ba lần bị đánh phá tan hoang chứ không phải một lần! Em xót xa cho mình và cho đất nước! Đảng viên như anh muốn gọi đấy là phản ứng giai cấp cho đúng quan điểm lập trường của Đảng anh thì cứ việc!