– Thú thực với anh, nhiều lúc quẫn quá tôi cứ lướng vướng trong đầu: Dân tộc này đã hy sinh chiến đấu mấy thế hệ mà vẫn chưa đủ thấm để hiểu nổi cái nhục nước nghèo hay sao?
– Mỗi người chúng ta,và đặc biệt là người cầm lái cho con tàu đất nước phải luôn biết tự trọng để trả lời câu hỏi này anh Vũ ạ.
– …
Đứng trên chiến tuyến xa đất nước vạn dặm, thay mặt cho đất nước giành giật từng xu thuế, cầu cạnh bán từng sản phẩm cho mặt hàng dệt may của đất nước, cuộc chiến trí tuệ căng thẳng là thế mà vẫn không xua tan được nỗi tê tái của hai người về những sự việc đang xảy ra ở hậu phương.
…Bích Ngọc là linh hồn, là ngọn cờ của công ty Ngọc Vân. Ba chìm bẩy nổi Bích Ngọc vẫn cùng các em mình giữ vững được cơ đồ… Nhưng lần này? Bây giờ là tạm giam… Rồi sẽ đi đến đâu nữa. Lại tái diễn một trận cuồng phong mới? Lại tái diễn kịch bản xoá sổ xí nghiệp 23-9, xoá sổ khu trồng bạch đàn Kiên Phong? Từ hai năm nay sức khoẻ của Ngọc giảm sút rõ rệt…
Vũ cảm thấy lửa đang táp vào mặt mình, vào nhà mình…
Khu tạm giam nằm tại một nơi hẻo lánh trong quận 9. Đấy là hai dãy nhà vừa mới xây, thoạt trông, gần giống như một doanh trại rộng, được bao quanh bằng hàng rào dây thép gai, có công an gác hai mươi bốn giờ trên hai mươi bốn giờ. May cho Bích Ngọc, khu tạm giam mới này chưa xong nghiệm thu, còn nguyên mùi vôi vữa, nhờ vậy khá sạch sẽ so với các nơi tạm giam khác. Vì quá mới, nên số người bị tạm giam ở đây còn ít, cũng đỡ phức tạp.
Những người bị tạm giam ở đây được phân loại vào từng khu như: khu tội phạm hình sự, khu tội phạm kinh tế, khu các loại tội phạm xã hội.., có giờ cho phép người nhà đến thăm hàng ngày… Tuy nhiên sự phân loại cũng chỉ là tương đối, bởi vì số bị tạm giam liên quan đến tội phạm hình sự hay tệ nạn xã hội thường khá đông. Bích Ngọc bị tạm giam cùng một buồng với một phụ nữ bị bắt vì tội bán dâm, để tiện việc cho người quản lý. Khi mới vào trại, tai Ngọc rát lên về những lời xì xào, có khi người ta chủ ý nói rất to cho Ngọc nghe thấy:
– Trông gia giáo thế kia mà cũng làm nghề bán hoa à?
– Không biết đây là Tú Bà hay là nàng Kiều nhỉ? Nếu là nàng Kiều thì xuân xanh quá đứng bóng, là má mì thì lại sang trọng quá!..
– …
Cũng may buồng của Bích Ngọc lúc này chỉ có hai người, Ngọc lại được mang theo đầy đủ màn chiếu đồ dùng cá nhân, nên cũng sống tạm được. Ngọc không bận lòng về những điều bàn tán của những người chung quanh. Ngày đầu Bích Ngọc hầu như không chợp mắt, tính toán, sắp xếp trong đầu từng ly từng tí mọi tình huống, mọi việc phải làm. Quân và Bảo Vân suốt ngày thay nhau đi đi về về bàn bạc với chị để chuẩn bị đối phó với mọi bất trắc. Ngày tiếp theo Ngọc ngồi thiền và thở khí công, với mục đích duy nhất là bắt mình ngủ. Thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, đi lại một chút thay tập thể dục, ăn uống xong lại thiền, lại ngủ. Ngọc tự nhủ với mình: Sống chết cũng phải ngủ, ngủ bằng được để có sức chống lại vụ việc đê tiện này. Thật bõ công lao tập thiền… Có lúc Quân và Bảo Vân vào thăm, thấy chị mình đang ngủ rất say, không nỡ đánh thức, chỉ để lại các thứ đem đến và mấy chữ… Sang ngày thứ ba Ngọc ngủ một cách dễ dàng, không chật vật như hôm đầu.
Người gái điếm ở chung với Ngọc có lúc hỏi dò:
– Em thấy hình như chị mắc bịnh ngủ?
– Chị thèm ngủ lắm.
– Chị có thần kinh sắt! Ngủ say, không thở ngắn than dài như em. Ruột gan em cứ như lửa đốt vì ba bà cháu ở nhà.
– Có lẽ tại chị mệt quá.
– Cái nghề ăn đêm của chúng mình nó khổ vậy, có phải thế không chị?
…
Bích Ngọc đã bắt đầu thở đều đều trong giấc ngủ sâu…
Đến ngày thứ tư, cái thèm ngủ không còn nữa. Ngọc bình tĩnh suy xét lại mọi việc đã làm, tính tiếp các việc phải đối phó sắp tới, nhất là sau mỗi khi Quân và Bảo Vân vào thăm và kể cho Bích Ngọc nghe thêm những diễn biến mới. Việc mới nhất là công ty Ngọc Vân phải mở sổ cái cho ban kiểm tra tài chính của Sở đến làm việc tại chỗ, công việc kéo dài hai ngày liền…
Tuy vậy Bích Ngọc vẫn còn chút thời giờ tìm hiểu cô gái ở cùng phòng tạm giam với mình.
– Cả Thành phố này ai mà không biết công ty Ngọc Vân hả chị. Thế mà em cứ tưởng chị là…
– Tưởng là gì cũng được. Tôi đã tự nói về tôi cho cô nghe rồi. Bây giờ cô tự kể về mình đi.
– Em không ngờ, một bà tổng giám đốc một công ty to như chị mà lại rất thông cảm với em…
Khó mà lấy cái khổ của người này so với cái khổ của người khác, nhất là những người đã rơi vào hoàn cảnh mà Victor Hugo đã đặt cho họ cái tên chung: Những người cùng khổ. Nhưng họ có một cái chung bao trùm tất cả: Nỗi khổ của họ không sao nói hết được, dù họ là một cá nhân nào trong đội quân này.
Cô gái này cũng thế, sinh sống ở Củ Chi. Bia liệt sĩ của đài tưởng niệm khu căn cứ địa đạo Củ Chi có tên bố cố ta. Lẽ ra cô ta có một cuộc sống hạnh phúc như muôn vàn gia đình nông dân bình thường khác. Cô có hai con, một trai một gái, đứa lên sáu và đứa lên bốn. Mọi người bảo như thế là có nếp có tẻ, không còn gì bằng. Chồng là người cùng xã, cũng làm ruộng, khoẻ mạnh. Thời buổi bây giờ không có chuyện chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa, vì đã có máy công nông, có bơm nước, có tổ lao động của hợp tác xã… Gia đình cô sống thanh bình, có bát ăn bát để, vì ngoài ruộng khoán còn nhờ vườn cây ăn quả của bố để lại. Cách đây hai năm, đùng một cái, không biết nghe ai xui ngon dỗ ngọt, chồng cô ta đem cầm hết nhà cửa vườn tược, lấy tiền đi đào vàng.
– Đất nước đi con đường đổi mới, gia đình mình đổi đời bằng đào vàng.
– Anh đem tính mạng của cả nhà đi cầm cố đấy!
– Đừng lo, giấy phép anh cầm trong tay rồi, lên Tây Nguyên. Xem đây này…
Đúng là giấy phép của tỉnh hẳn hoi, nhưng là giấy chui, có ngày tháng, ghi rõ tên lô đất, có số giấy phép, có chữ ký thoắng, nhưng không dấu, không đề rõ tên người ký…
Tất cả thành chuyện đã rồi. Vườn ruộng đang dưng thành vườn ruộng của người ta. Nhà cha mẹ để cho đang dưng thành nhà mình xin ở nhờ…
Khoảng chín tháng sau, người chồng gửi từ Kontum về cho vợ 24 triệu đồng, vừa đủ trả lãi và chuộc lại nhà, chưa chuộc lại được vườn và ruộng. Còn dư lại được chút ít cho bốn mẹ con bà cháu cầm cự trong mấy tháng tiếp theo. Ba tháng sau nữa, cô ta nhận được thư của chồng dặn tìm xem trong làng ai bán đất thì ướm trước và đặt cọc ngay, chuẩn bị xây nhà mới…
Thư chồng cầm chưa nóng tay, công an sở tại đã về tận nhà điều tra. Chồng cô ta và hai chủ “bưởng”(*) [(*) Chủ một khu đất thuê được để đào vàng.] khác đã bị giết chết trong một vụ tranh chấp đẫm máu giữa các bưởng. Riêng vụ này xảy ra 6 án mạng, loạn cả một vùng rừng núi… Chất thải xi-a-nuya trong khi đãi vàng làm hỏng nguồn nước cả một vùng. Chuyện này lớn quá, các nhà chức trách địa phương không truy cứu trách nhiệm cho ai được, đành bỏ qua, cũng không báo cáo lên trên…
Đúng một năm sau khi tiêu tán hết cả gia sản vào việc chồng đi đào vàng, cô ta bị xô đẩy vào cuộc đời làm nghề mãi dâm để cứu mẹ và hai con…
– Tôi hoàn toàn hiểu được và thông cảm hoàn cảnh của cô.
– Em khổ lắm chị ơi… – Cô gái gục đầu vào vai Ngọc, nấc lên từng câu đứt quãng, nước mắt lã chã. – Bán thân, bán xác được đồng nào thì thằng ma-cô, thằng bảo kê, mụ chủ chứa giựt mất gần hết!
– Đừng kể nữa! – Ngọc kêu lên, ôm riết cô gái vào lòng, mình cũng khóc lúc nào mà không biết.
– Xin cảm ơn chị. Cuộc đời em coi như là chết rồi. Nhưng còn mẹ em và hai con em… – Người gái điếm nước mắt sướt mướt.
– Cô có quyết tâm thử sức mình một lần không?
– Vô phương, chị ạ! Hoàn toàn vô phương. Nếu em một thân một mình thì em chết quách cho xong. Chết bằng cách nào cũng được…
Bích Ngọc nắm lấy hai tay cô gái điếm:
– Nếu cô quyết tâm thử sức mình, tôi sẽ giúp. Mặc dù bây giờ ngồi đây, tôi chưa biết sẽ có thể giúp cô như thế nào.
Người gái điếm không nói không rằng, chỉ ôm lấy Bích Ngọc, nức nở.
– Đây là địa chỉ của tôi, khi nào ra khỏi trại thì tìm đến tôi, rồi chúng ta sẽ bàn. – Bích Ngọc đưa cho cô gái điếm tấm danh thiếp của mình.
Ngọc đã sống ở đây sang ngày thứ 6.
Máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ sáng. Bay một mạch suốt đêm từ Paris, Vũ không ngủ được, người mệt bã. Chạm chân xuống đất, Vũ bảo người lái xe đưa mình đến thẳng nơi Ngọc bị tạm giam. Trên đường đi Vũ điện thoại chào bà nội và bố mẹ, mong mọi người thông cảm. Quân và Bảo Vân đã lo xong mọi thủ tục xin phép cho Vũ đi thăm Ngọc… Vũ đi một mình, vì hai người còn bấn lên trăm thứ việc trong cơn sóng gió.
Khi Vũ chạy đến ôm chầm lấy vợ, Vũ ngạc nhiên thấy Ngọc rất bình tĩnh, không một chút lo lắng sợ sệt. Chỉ riêng cảm nhận này đã trút cho Vũ gánh nặng lớn.
Thấy Vũ đến, người phụ nữ cùng phòng tạm giam với Bích Ngọc hỏi thăm mấy câu xã giao rồi bỏ đi ra ngoài cho hai người được tự do. Lúc này Vũ mới dám hôn vợ những cái hôn như hôm hai người lần đầu tiên tỏ tình với nhau… Ba chìm bảy nổi họ đã trải qua kể từ ngày ấy hình như chỉ làm cuồng nhiệt thêm những cái hôn hôm nay… Họ yêu nhau, nhưng cuộc sống lại quá khắt khe với họ, luôn luôn giằng xé họ đi mỗi người mỗi ngả trong trăm công nghìn việc, dìm sâu họ trong muôn vàn lo toan…