Ngồi tư lự một mình, mãi ông Tiến mới đứng dậy, lơ đễnh với lấy cái túi để giở ra xem Bạch Liên cho quà gì:
– Trời ơi, cái gì thế này? – Ông Tiến đụng vào bọc tiền mà người nảy lên cứ như chạm phải điện. Ông giở ra, dấp tay nước bọt, đếm đếm… Rồi ông hét to – …Những một nghìn đô la? Bài báo đáng giá một nghìn đô la! Trời đất ơi! Con mụ này không phải của vừa!.. Nó bỏ ra một đống tiền như thế có nghĩa ta là một giáo sư có thực tài?!.. – Ông Tiến chạy đi chạy lại quanh quanh cái bàn: – …Ta là giáo sư có thực tài!.. Ta có thực tài!.. Có nghĩa là sản phẩm của ta được cái xã hội này công nhận? Ôi… Vì thế Bạch Liên muốn giữ ta ở lại? Thế mà suýt nữa ta đã bỏ mất ta! Trời đất… như thế là ta và hai thằng người trong ta vẫn đang còn sống nhăn ra đây này! Chết cha ta rồi… Ta bỏ thằng nào, vương thằng nào bây giờ đây?.. Dứt khoát phải bỏ một thằng hay sao?.. Tại sao ta lại phải có cái thân phận phân lập, tam lập chó chết này hả trời? Không… Không thể bỏ được thằng nào cả!.. Không thể được… Như thế là ta không thể là ta được nữa rồi… Trời đất ơi, chẳng lẽ ta không bao giờ còn là ta được nữa? Không thể cứu vãn được nữa?.. – Ông Tiến đứng dậy cầm mớ bạc giơ cao chọc chọc lên trời, hai chân giậm giựt bành bạch, rồi kêu ầm lên giữa nhà – …Bắt tôi sống một lúc với hai thằng người thế này làm sao tôi chịu nổi! Trời đất ơi! Thà chết còn hơn! Sao ông trời lại hại tôi đến thế này!..
Cứ thế, dưới ánh đèn trong đêm khuya, ông Tiến lúc độc thoại với chính mình, lúc đối thoại tay ba với hai thằng người mờ mờ trước mặt, lúc dùng bạo lực với chúng, vò đầu bóp trán, vật vã, đấm ngực mình thùm thụp…
26.
Trong khi đang họp ở Bruxell thương lượng với cơ quan thương mại của EU (Liên minh châu Âu) về cô-ta (quota) cho hàng dệt may của Việt Nam, Vũ được tin Bích Ngọc ở nhà bị tạm giam cùng với một số doanh nhân khác. Giữa mùa băng tuyết đi hết cơ quan này đến cơ quan khác của EU đóng tại Bỉ để đàm phán, mà trong lòng Vũ cứ như có lửa đốt. Là thành viên của đoàn Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Vũ không thể bỏ dở cuộc đàm phán này, hơn nữa Vũ lại là người thông thạo nhất trong đoàn cả về ngôn ngữ cũng như luật lệ, khả năng đàm phán.
– Phải hai ngày nữa may ra mới xong việc ở đây. Anh cố nán lại được không? – Ông trưởng đoàn hỏi Vũ.
– Tôi cố, nhưng tôi lo quá, không hiểu chuyện gì đã xảy ra ở nhà.
– Anh đã nói chuyện được với chị Ngọc chưa?
– Chưa anh ạ, nhà tôi không được mang theo điện thoại cầm tay vào nơi tạm giam. Các em tôi gọi điện cho biết nguyên nhân chính là ngân hàng cổ phần Việt Phát phá sản, giám đốc và mấy người trong hội đồng quản trị bỏ trốn, nhiều con nợ lớn cũng bỏ trốn, gây xôn xao cả thành phố. Dân hoang mang đến ngân hàng đòi rút tiền cứ như đi biểu tình!..
– Thôi chết, ngân hàng làm ăn như thế có khác gì phản quốc!
– Công ty của vợ tôi là một trong những người vay lớn của ngân hàng này. Song tôi nghĩ không thể liệt công ty của nhà tôi vào loại vỡ nợ. Chính vì thế tôi càng không hiểu tại sao vợ tôi lại bị bắt!
– Đàm phán xong ở đây, anh về ngay giúp chị ấy, còn việc đàm phán song phương ở Paris và Berlin, chúng tôi tự lo lấy vậy.
– Xin cảm ơn anh, nhưng ngay sau việc này tôi lại phải đi Mỹ, thăm dò trước cho việc kiện cáo nhau về cá basa. Không biết nhà tôi một mình sẽ chèo chống ra sao.
– Còn anh Quân và chị Bảo Vân, tôi nghĩ hai người này không chịu khoanh tay ngồi yên đâu.
– Vâng, tôi hy vọng như thế. Nhưng chính vì tôi biết tất cả, nên tôi rất lo.
– Như thế là thế nào?
– Không thể có một sơ suất gì về phía công ty Ngọc Vân được anh ạ. Tình hình tài chính của chúng tôi có thể nói là lành mạnh, đây là nguyên tắc hàng đầu của chúng tôi. Lúc nào chúng tôi cũng phải đề phòng từng ly từng tý. Điều này chắc anh không lạ đối với doanh nghiệp tư nhân. Như vậy gần như chắc chắn việc vợ tôi bị bắt là do một ý đồ nào đấy liên quan đến đổ vỡ của ngân hàng cổ phần Việt Phát. Âm mưu gì, ý đồ gì? – Ngồi đây tôi mù tịt!
– Lại một vụ ngân hàng cổ phần Việt Hoa mới chăng? Sự đổ vỡ nối tiếp của các AP-Bank, Ngân hàng Nam Đông, Saigon Exim-Bank..? Hình như tôi chưa thấy một ngân hàng cổ phần nào làm ăn đứng đắn cả! Thế là tại cái gì hả anh?
– Có lẽ tại nhiều thứ lắm! Luật lệ có tốt đến mấy cũng khó lại được! Có nước nào mà người kinh doanh không cần đến ngân hàng? Cái chính vẫn là sự yếu kém của thực thi pháp luật, của bản thân ngành ngân hàng, tệ nạn tham nhũng và không có sự công khai minh bạch trong đời sống kinh tế anh ạ. Kẽ hở cho những kẻ như Tăng Minh Phụng – Phạm Nhật Hồng(*) [(*) Một vụ trọng án kinh tế phức tạp trong những năm 1990.] chui lách là ở đấy…
– Anh nghĩ thế hả anh Vũ?
– ??? – Vũ trợn ngược hai mắt, không hiểu câu hỏi của ông trưởng đoàn.
– Anh có nghĩ rằng đôi khi trong kẻ tử tù có một nửa là danh nhân không? Nhưng mà thôi, chuyển đề tài! – Ông trưởng đoàn không muốn nghĩ tiếp và quyết thay đổi dòng câu chuyện.
– Tôi không hiểu trong chuyện này anh định nói cái gì! – Vũ ngơ ngác.
– Đã bảo là chuyển! Chuyển!
– Thôi được. Chuyển!
– Như vậy đi Mỹ về cá basa anh sẽ cãi thế nào? Bộ Thương mại Mỹ đang vin vào những chuyện đại loại như anh vừa nói để lập luận kinh tế Việt Nam không phải là kinh tế thị trường, còn bao cấp và độc quyền nhà nước… Na ná với những luận điệu họ viện ra để nâng thuế đánh vào nhập khẩu gỗ xây dựng Canada, vào đồ gỗ nội thất Trung Quốc.
– Bắt bẻ nhau thì thiếu gì cách hả anh. Ở đây còn có những nguyên nhân chính trị ngay trong nội bộ Mỹ, có nhiều phe nhóm lợi ích khác nhau lắm anh ạ, nhóm muốn làm ăn với ta, nhóm phá ta…
– Người mua bao giờ cũng là thượng đế, mà thượng đế Mỹ còn muốn làm cha các thượng đế khác. Làm ăn với thằng khoẻ, thằng khổng lồ là bán được nhiều hàng, nhưng lại có những cái mệt riêng của nó, có phải thế không?
– Cả cái thế giới này hình như ai cũng có lý do của mình để không thích Mỹ, nhưng ai cũng cần thị trường Mỹ anh ạ. Sự đời nó oái oăm thế. Mấy năm nay tôi đọc các luật, các hiệp định đến vỡ đầu, dắt nhau đi Mỹ mấy chuyến rồi, học mãi thế nào là lobby, gặp nhóm này họ chê bai nhóm kia để tranh mối, đến bây giờ vẫn cứ như là người lạc vào rừng. Chỉ cần sơ ý một tý là phạm luật như chơi, là rơi vào những điều tai tiếng (scandales) cho báo chí ở Mỹ làm rùm beng chống ta.
– Anh không nhờ được Việt kiều nào hỗ trợ hay tư vấn giúp?
Tôi có một vài người quen, nhưng tìm được người có thể giúp mình trong việc này thì chưa. Anh có thể hình dung như thế này: lobby cho những sản phẩm xuất khẩu khác nhau vào Mỹ là những việc làm khác nhau, liên quan đến các nhóm lợi ích khác nhau. Những gì tôi biết được, hình như chỉ có cộng đồng người Canada và cộng đồng người Hoa sống ở Mỹ là có nhiều điều kiện nhất hỗ trợ cho sản phẩm xuất xứ từ nước mình. Công ty Ngọc Vân phải chi cho các chuyến đi khảo sát của tôi khá nhiều tiền. Mỗi chuyến đi của tôi là mấy nghìn đô, nghĩa là một chuyến đi thừa sức nuôi con tôi học tại đấy một năm! Chưa kể công sức và chất xám mấy năm ròng của riêng tôi. Thú thực với anh, nhà tôi bây giờ lại bị tạm giam, tôi không còn đầu óc nào mà nghĩ đến chuyến đi Mỹ sắp tới nữa… Tôi cố xung trận với các anh ở đây vài hôm nữa rồi về thôi. Muốn bỏ cuộc lắm rồi! Mấy năm nay tôi đau dạ dày vì quá căng thẳng…
– Cố lên, anh Vũ. Vì đất nước này! Anh còn nghĩa vụ đảng viên nữa. Đúng là chúng ta vừa phải chiến đấu ở tiền phương, lại vừa phải chống đỡ những trận đánh tập hậu ở hậu phương!.. Cái mặt trận trong nước khó hơn nhiều!..
– Thú thực với anh, mỗi lần thấy một đơn vị kinh tế đổ vỡ, dù là trong hay ngoài quốc doanh, mỗi lần nghe xảy ra một vụ tham nhũng lớn, tôi phân vân lắm anh ạ. Nơi nào không có đảng viên, không có đảng bộ? Bộ nào, tỉnh nào, huyện nào, cơ quan xí nghiệp nào không có đảng bộ trong sạch vững mạnh? Nơi nào không có đại biểu quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân? Thế mà tham nhũng tiêu cực và biết bao nhiêu sự việc phi pháp khác không hề bớt đi. Trấn được đợt này, ít lâu lại rộ đợt khác, cứ như là chém đầu Phạm Nhan vậy!
– Hay là chính sự chồng chéo trong cơ chế này mới tạo ra được nhiều cái đầu Phạm Nhan như thế?
– Vâng, tôi cũng nghĩ như anh. Luật cứ tiếp tục ra, nhưng tội phạm leo thang ngày càng lên các cấp cao hơn mới chết chứ!
– Những kẻ bị lộ chắc cũng mới chỉ là cái mỏm băng nổi lên của cả tảng băng thôi anh Vũ ạ, va đập vào đâu là tàn phá đấy…
– Qua đàm phán với EU lần này, tôi cảm nhận thấy các điều kiện hội nhập ngày càng khó hơn anh ạ. Bây giờ cạnh tranh với hàng may mặc của Campuchia đã mệt rồi. Sắp tới quota đối với Trung Quốc, Ấn-độ và các nước đang phát triển khác sẽ được bãi bỏ hết vì họ là thành viên WTO, còn trơ khấc lại mỗi mình nước ta! Làm ăn với Mỹ còn khó nữa.
– Càng nghĩ càng lo. Thế mà cứ đứng mãi bên rìa cái chợ thế giới này thì chết đầu nước anh ạ. …Làm sao biến cái lo này thành cái lo của từng người dân trong nước được hả anh Vũ?..
– Việc đầu tiên là từng ông Bộ trưởng và từng ông đầu tỉnh, ông giám đốc, từng ông bí thư chi bộ và từng đảng viên phải biết lo nỗi lo này anh ạ.
– Tôi cũng hiểu thế, nhưng hình như chuyện này ở nước ta xa vời lắm, hiếm tìm được một ý chí quyết liệt, từ lãnh đạo cao nhất trở xuống… Thú thực với anh tôi có cảm giác Trung Quốc xin vào WTO là do lãnh đạo của họ ý thức dứt khoát được một ý đồ chính trị, lấy ngoài ép trong đẩy mạnh bằng được cải cách. Họ quyết chiếm lĩnh thị trường cả thế giới. Còn ở ta thì hình như chỉ do tình thế bắt buộc, nên chỗ nào cũng một thái độ bất đắc dĩ!.. Anh cứ để ý mà xem, đâu cũng muốn kéo dài bảo hộ. Nhận xét như thế có quá lời không anh Vũ?