– Thế còn lệnh truy nã của công an?
– Tổng thống Mỹ ra lệnh thu hồi rồi bố ạ.
– Sau sự việc này cô không khuyên bảo nó điều gì à?
– Có chứ ạ. Nhưng nó nghĩ theo cách của nó.
– Nó nói với cô cái gì?
– Nó nói: Vô tư đi mẹ ơi!.. – Lúc này Kim Hồng bật ngón tay tành tạch cùng một nhịp cả hai tay.
– Nó nói cái gì? – Giọng ông Tiến gằn hẳn lên.
– Nó nói “Vô tư đi mẹ ạ!”… Nhưng mà ông làm sao thế? – Kim Hồng trố mắt ngạc nhiên về thái độ cáu bẳn của bố chồng.
– Mẹ vô tư đi đằng mẹ! Con vô tư đi đằng con! Chúng mày bây giờ là cái hạng người nào thế này mà cùng một giuộc nói năng như nhau thế hả?!. – Tay chân ông Tiến giẫy giụa, hai hàm răng rít lại.
Kim Hồng cười nhạt, chờ một lúc cho bố chồng nguôi ngoai rồi mới nói tiếp:
– Con thông cảm… Bố lạc lõng quá xá trên đời này mất rồi!
– … Hm… Hm… – Ông Tiến định nói điều gì đó nhưng không sao mở miệng được.
– Bố đừng buồn… Cuộc sống ngày nay ai cũng vậy… Thế mới sống được bố ạ… Trừ mấy ông đạo đức giả như bố, bây giờ cả nước mình nó thế…
– Có nghĩa là cô cũng xui tôi vô tư đi? – Ông Tiến nhìn vào tận mặt Kim Hồng.
– Vâng! Bố không hiểu sao? Cả nước mình bây giờ nó thế mà!.. Lọ mọ làm việc, suốt đời gò vào khuôn phép như bố để làm gì!..
Ông Tiến vẫn ngồi im.
– À quên, con chưa nói cho bố biết, sau khi một đứa chết, bọn cái bống đã quyết định đổi tên G10 thành G9 ạ.
– Thế thì còn trời đất nào nữa! Cái bống đâu? Gọi nó xuống đây!.. – Ông Tiến như bị một cái lò xo đẩy bật lên khỏi ghế.
– Nó ở trên gác, đang sửa soạn đi đâu đó.
– Gọi nó xuống đây, bố muốn nói chuyện với nó.
– Thôi đi! Để cho cháu khi khác ông ạ. Chúng nó đã có hẹn với nhau… Đang bàn nhau chuyện đi chơi Bangkok…
– ???
Ông Tiến vật vã ngay trên bàn ăn. Ngay trong bữa cơm tối hôm ấy, ông bảo con dâu thuê tạm một nơi nào đó cho ông ở riêng.
– Thần kinh của bố bây giờ yếu lắm.
– Ăn thua gì hả bố. Những chuyện của thằng Cuội còn ly kỳ rùng rợn hơn nhiều.
– Nó cướp của giết người à?
– Không đến nỗi như thế ông ạ. Đầu năm nó đánh bạc mất luôn cái ô tô của con. Trong hai năm nay nó hai lần nó đua ô tô bị đâm, nhà con phải thay xe hai lần. May là không có tai nạn chết người.
– Nó có chích hút không?
– Con nghi lắm!
– Trời đất ơi, thế mà các người đòi làm bố làm mẹ à! Sao tôi lại có những đứa con đứa cháu như thế này?
– Con thông cảm, bố là người thế hệ khác mất rồi…
– Sống trong cái nhà này, chúng mày làm tao vỡ tim mất!
– Bố phải quen đi! Trừ mấy ông đạo đức giả như bố ra, bây giờ cả nước mình nó thế mà!..
– Láo!.. – ông Tiến đổ khuỵu xuống sàn nhà.
Ngay sáng hôm sau Kim Hồng giao cho ông Tiến một điện thoại cầm tay, đích thân cùng vệ sĩ lái xe đưa ông đến chỗ ở mới. Đấy là một căn hộ tại chung cư Văn Thánh. Kim Hồng đã mua căn hộ này từ lâu, sửa sang và trang bị lại nội thất rất sang trọng, với mục đích cho người nước ngoài thuê hay khi nào được giá thì bán. Thỉnh thoảng Kim Hồng cũng có việc riêng cần sử dụng căn hộ này vài hôm. Kim Hồng còn cẩn thận dặn dò thằng nhỏ trông nom căn hộ này phải hầu hạ ông Tiến cho chu đáo.
– Thích ăn uống gì bố cứ sai thằng nhỏ. Đi đâu bố cứ gọi tắc-xi. Bố cầm lấy tiền, khi nào hết bố gọi điện thoại, con sẽ cho người mang đến… – Kim Hồng dúi vào tay ông Tiến một tệp bạc còn nguyên số série không biết bao nhiêu tờ 100 nghìn.
… Mỗi lần vứt đi cái giẻ rách, một cái khăn cũ trong nhà mình còn đắn đo chán. Thế mà chúng nó quăng mình ra đây nhanh quá! Trời ơi, trong khi đó mình đoạn tuyệt với mình mãi không xong!..
Cái máu nông dân Vũ Yển hun đúc cho ông Tiến một đức tính kiên trì hiếm có. Ra khỏi nhà Thắng, cuộc sống Sài Thành như tăng thêm sức lôi cuốn ông. Sự kéo co này, một bên là cái trạng thái thần kinh phân lập của ông, một bên là cuộc sống đầy khêu gợi của Sài Thành.., chưa biết ai thắng ai bại. Sự dằn vặt phai nhạt dần. …Thật là trăm lạy ông trời! Nếu không thì ông không biết làm sao sống tiếp được… Nhất là từ sau cái hôm lần đầu tiên được Thắng đưa đi thăm trung Tâm Bình Tiến và được gặp Bạch Liên. Ngày ngày đi đâu, có việc được nhờ hoặc không có việc gì, ông cũng tìm cách tạt vào trụ sở trung tâm Bình Tiên. Một lực hấp dẫn lạ thường…
Dần dần trong ông Tiến lại sống lại cái háo hức như những tuần lễ đầu tiên khi ông đến công trường làm đường. Trong thâm tâm, ông thầm cảm ơn không biết bao nhiêu lần cái bản năng nam tính bất diệt của mình…
…Hay là tại Bạch Liên trông ngon quá? Chỉ nghĩ đến cũng đã đủ thèm rồi!.. – ông Tiến tự hỏi mình như thế không biêt bao nhiêu lần.
…Vào dịp Bạch Liên bận đi công tác nước ngoài, Thắng nảy ra ý kiến nhờ bố đến coi trụ sở giúp Bạch Liên, vừa là để tỏ thiện chí với Bạch Liên, vừa là để bố có dịp hiểu biết thêm những ngóc ngách khác nhau của cuộc sống Sài Thành. Thâm ý của Thắng còn là muốn tận dụng mọi cơ hội không để cho Bạch Liên lọt ra ngoài tầm kiểm soát của mình… Kể từ khi bị tụt xuống chức tên nô lệ đầu bảng, Thắng biết mình đã vĩnh viễn bị loại khỏi vòng chiến. Thắng đã lao vào các phiêu lưu khác, nhưng vẫn không muốn mang danh là kẻ tự ý cắt cầu… Hơn nữa Thắng cũng muốn nhân dịp này nhắc khéo Bạch Liên cái Trung Tâm Bình Tiến cũng là của Thắng, tuy là đã cưa đứt đục suốt…
Vỏ quýt dày, móng tay nhọn, Bạch Liên đi guốc trong bụng Thắng, vui vẻ nhận ông Tiến đến giúp cho ít bữa, Trung tâm thiếu gì việc.
…Thắng ơi, sự đểu cáng của ngươi và sự bao cấp của Nhà nước dành cho ngươi, cả hai thế mạnh này của ngươi bây giờ chỉ đáng để ta cho vào sọt rác. Ta đã nắm chắc Trung tâm Bình Tiến trong tay ta. Ta sẽ sử dụng ông già người theo cách của ta…
Ngoài cái việc gọi đúng tên là trông nhà, Bạch Liên giao cho ông một vài việc, làm quen một vài người, tiếp một vài khách…
Khi ở Thụy Sĩ về, Bạch Liên thấy mọi việc giao cho đều được ông Tiến thực hiện chu đáo. Có đôi ba việc tiếp xúc Bạch Liên thấy giao cho ông Tiến vừa tiện lợi, vừa được việc.
– Là học giả nhưng chú hiểu nhiều về văn hoá kinh doanh đấy. Cháu thấy cách giao tiếp của chú như thế là được. – Bạch Liên khen ông Tiến. Giữa hai người đã có một sự thân quen nhất định, nhất là nhờ vào cái tính thẳng thắn của Bạch Liên và cái tính dễ bảo của ông Tiến.
– Từ những ngày còn đánh khăng đánh đáo ở nhà quê, bố mẹ chú đã dạy là đàn ông phải như con dao pha, việc gì cũng phải làm được.
– Cái dáng giáo sư bệ vệ của chú cũng rất có lợi cho giao tiếp. Trung tâm của chúng ta được trang điểm thêm tên tuổi, bộ mặt của chú thế mà hay…
– Cả một đời người tu tỉnh theo khuôn phép tôi mới rèn luyện được cho mình cái tính mô phạm này đấy.
– Cháu thừa nhận chú không đóng kịch. Ở chú mọi thứ đã phát triển thành bẩm tính.
– Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe một nhận xét xác đáng.
– Chú xứng đáng được nhận xét như vậy…
Ông Tiến không nói gì thêm, nhưng sướng lắm. Càng gần Bạch Liên, cái dằn vặt hệ luỵ nhân quả trong ông càng xa vời dần… Cái ham muốn phía trước khích lệ ông, cám dỗ ông, làm cho ông cảm thấy có lẽ lần này mình thực sự đang trên đường tìm lại được mình. Ông thấy mình trẻ lại, từng ngày, từng ngày… Ông lao vào mọi việc Bạch Liên giao cho.
…Ôi, ở đâu ra cái ái lực mạnh mẽ đến thế hả Bạch Liên!?.. Ta minh mẫn hẳn lên! Ta đã được giải toả khỏi nỗi ám ảnh của tình trạng thần kinh phân lập rồi! Ta thoát rồi! Ta đã bắt đầu tin vào chính ta…
Ông Tiến ra sức thi thố cái tính mẫn cán hồi còn đương chức để không mất đà lấy lại được mình, trong ông lấp ló cái đích mới… Bạch Liên sai ông lúc đi gặp Chín Tạ, lúc đến lãnh đạo Thành phố, lúc đến làm việc tại Sở này Sở khác… Tuy toàn làm những việc trong đời sống ngầm của kinh tế, nhưng quá trình tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa của ông Tiến ở Sài Thành trước đây, cái danh tính nguyên phó Trưởng Ban… là cái danh thiếp rất có giá trị, tạo cho ông nhiều thuận lợi làm các việc Bạch Liên giao cho. Ông Tiến hăm hở, vừa được làm nhiều việc, vừa có nhiều dịp quanh quẩn bên cạnh Bạch Liên. Một sự hấp dẫn ngấm ngầm từ Bạch Liên đã lan toả dần dần vào các vi ti huyết quản của ông, trở thành dòng máu của ông… Thỉnh thoảng có dịp được quệt vào Bạch Liên một tí, dù chỉ là cái tà áo, hay vài sợi tóc, hay cảm được cái mùi đầy quyến rũ.., ông Tiến thấy như trong mình đang sinh ra một thằng người mới. …Ông bắt đầu hiểu tại sao mình bị thôi miên ngay từ hôm đầu Thắng đưa ông đến Trung tâm gập Bạch Liên… Ông mải mê đến nỗi chưa có dịp nào đến thăm Hai Hân. Đôi ba lần ông tự trách mình về điều này nhưng rồi tặc lưỡi cho qua…
Một lần hai người ngồi ăn trưa với nhau trong phòng làm việc, ông Tiến thấy Bạch Liên bữa nay ăn uống có vẻ uể oải:
– Cô Bạch sống quên mình vì Trung tâm. Hôm nay cô có vẻ hơi mệt.
– Sinh ư nghệ, tử ư nghệ mà chú!
– Cô cũng phải sống cho mình nữa chứ? Tôi đã khổ sở cả một đời vì không biết sống cho tôi…
– Chú định nói gì?
– Tôi định khuyên cô đừng sống như tôi.
– Chú không hoàn toàn vô lý. – Giọng nói Bạch Liên thành thật, tay Bạch Liên vỗ vỗ lên bàn tay ông Tiến trên bàn, nắm nắm một cách tự nhiên… Bạch Liên tỏ lòng biết ơn sự thông cảm của ông dành cho.