Khi chờ mọi người lên xe, Thắng đứng lại nói chuyện với bố một lúc:
– Đi săn là cách giải trí tốt nhất, làm cho đầu óc minh mẫn, kết hợp với thể dục, bố ạ.
– Biết. Biết.
– Chuyến này đi một mạch bốn ngày, riêng đi và về mất một ngày hai đêm, coi như được ở Ea Kar trọn vẹn ba ngày.
– Săn gì ở đấy?
– Bò rừng bố ạ.
– Nước mình còn nhiều bò rừng thế à?
– Chỉ còn trong rừng cấm quốc gia thôi bố ạ.
– Các anh vào săn trong rừng cấm?
– Có đi chặt cây đâu mà sợ hả bố? Bố có đủ sức đi cùng không?
– Sao anh không nói trước với tôi?
– Bố ơi, công việc của con khó định trước được. Việc nào tới là làm luôn. Sáng hôm qua Ban giám hiệu tuyên bố các học viên nghỉ ở nhà một tuần viết thu hoạch. Chiều hôm qua con mới điện lên đây tổ chức chuyến đi săn này.
– Học xong chưa?
– Sau viết thu hoạch là xong.
– Ai viết thu hoạch cho anh?
– Sai mấy thằng thợ viết, việc gì phải dính tay dính chân vào cho mệt xác…
– Anh đang lắp bắp cái gì thế?
– Bố không hiểu à? Học chính trị đại trà bây giờ cũng công nghiệp hoá đủ mọi công đoạn bố ạ. Từ in bài, phát bài, giảng bài, đề cương thảo luận tổ, gợi ý viết thu hoạch… Cái gì cũng có mẫu có chuẩn hết.
– Viết thu hoạch cũng theo mẫu à?
– Không biết. Nhưng viết thì đã có thợ viết, thuê rẻ lắm mà bố. Mó máy vào làm gì cho mệt xác? Đi săn về con còn dư ít nhất hai ngày nữa.
– Học xong tốt nghiệp cái gì?
– Đại khái trình độ trung cao gì đấy… Bố hỏi con mãi như thế mà không chán à? Bố đi với con chứ?
– Thôi, để khi khác. – Ông Tiến tự ái vì cách mời của Thắng, tự ái vì nó coi việc học chính trị là trò đùa. …Thà mày đá vào mặt tao một cái còn hơn!..
– Con thấy bố có vẻ êm êm, chịu chịu cái môi trường ở đây đấy. Gần hai tháng rồi còn gì nữa phải không bố?
– Phải.
– Công trường này thích hợp với bố lắm, thay đổi được bố đấy!.. Chỉ cần bố chịu khó một tý… – Dứt lời Thắng bắt tay chào ông, không chờ ông trả lời…
Thắng, ông giám đốc công trường và hai người đẹp bước lên cái Landcruiser cuối cùng. Người cần vụ tranh thủ đút thêm một thùng bia Heinecken nữa vào sàn xe rồi nhảy lên cái ghế bên cạnh tài xế. Anh ta vừa đóng cửa xe, vừa nói giữa trời – Thừa còn hơn thiếu!..
Đoàn xe ra khỏi cổng, sự yên tĩnh trở lại trên sân trụ sở công trường.
Nhìn thấy ông Tiến, anh cán bộ quản trị ngơ ngác:
– Ô hay! Con tưởng bố đi cùng? Con đã để sẵn mọi thứ cho bố trên xe thứ hai.
– Lần này tôi chưa sẵn sàng.
– Tiệc sáng hôm nay có ngon không bố?
– Tôi… i… a… Toàn những đồ… nếu không nhạt thếch thì lại tanh ngòm… Mà này… rượu gì trông sang thế?
– Bố ơi một hai năm nay sếp Thắng học ở đâu rất nhiều mốt, bây giờ sành điệu lắm, vì thế mới rước con về đây đấy bố ạ. Đặc sản, hải sản mãi chán rồi. Đổi bữa lúc giở Tây, lúc giở Tàu. Sáng hôm qua sếp điện lên chỉ thị là khách thích ăn Tây, thế là cả ngày hôm qua con bảo tài xế đưa đi lùng khắp Sài Gòn.
– Sao, tiệc sáng hôm nay cũng có khách mời à? Tôi mới đến, chẳng biết ai vào ai.
– Chuyến đi săn nào cũng có khách bố ạ. Con trai bố giàu lòng mến khách lắm, quan hệ rộng lắm. Cái đôi trai gái ngồi trước mặt sếp trong bữa tiệc là khách VIP đấy. Còn lại là mấy vị ăn theo.
– Thế còn cô mắt xanh môi đỏ ngồi cạnh sếp Thắng của anh là ai?
– Ô! Cố vấn của sếp đấy.
– Các anh dùng từ hay nhỉ. Cố vấn phải làm cả công việc bón thức ăn cho sếp hả? Nhõng nhẽo chảy nước ra!
– Thế mới hay chứ bố!
– Nó có lẽ cũng chỉ trạc tuổi cháu gái tôi thôi!
– Bố ơi, con bộ trưởng đấy! Bộ trưởng loại nặng ký chứ không phải chuyện đùa. Vì thế mọi thứ đều phải xịn. Riêng hai chai rượu vang của con sáng nay đã 6 triệu rồi bố già ạ.
– Đắt kinh thế?
– Ăn thua gì. Nếu là tiệc tối con sẽ vác về hai chai Lu-i (Louis), cỡ khoảng năm, sáu chục triệu một chai cơ!
– Cán bộ quản lý công trường mà cậu thạo ăn nhậu thế à?
– Con đổi cái chân sếp bếp ô-ten (hotel) lấy cái chức này đấy, bố đừng coi thường. Sếp Thắng còn phải dỗ ngon dỗ ngọt mãi và thêm khối tiền con mới chịu đấy.
– Ham tiền à?
– Cái khoản kia của con ác chiến lắm, nên con mới chịu bỏ cái ô-ten về đây để có đất dụng võ. Hy sinh cái nọ phải được cái kia chứ, đời bao giờ chẳng thế hả bố!.
– Thầy trò nhà anh ngưu tầm ngưu mã tầm mã!
– Nói như thế bố là nhà đạo đức học mất rồi, không so được với chúng con.
– Anh cũng biết đến đạo đức học à?
– Xin lỗi bố nhé, con tốt nghiệp đại học nấu bếp, không phải chuyện đùa đâu. Đạo đức học chỉ là môn con học chơi thôi, để chuyện trò khi giao tiếp cho nó rôm rả, ví dụ như nói chuyện với bố lúc này chẳng hạn. Nhưng bố thì hiểu gì về đạo đức học mà lại hỏi con như vậy?
– Gớm nhỉ.
– Con nói thật đấy. Đạo đức học phải bắt đầu từ hiểu đối tượng, hiểu môi trường của đối tượng đang sống. Bài đầu tiên của đạo đức học là bài học nhận thức. Điểm này bố có chịu không nào?
– Này, giữa hai chúng ta ai là thầy giáo, ai là học trò nhỉ? – Ông Tiến vừa cảm thấy khó chịu, vừa hơi ngài ngại, muốn chặn đứng câu chuyện đi vào hướng này.
– Nếu thế bố để con đóng vai thầy giáo cho. Câu hỏi đầu tiên về nhận thức con xin hỏi bố là thế này: Con và cái khác nhau thế nào?
Ông Tiến cắn răng.
– Bố thấy chưa!
Miệng ông Tiến vẫn cạy không ra một tiếng.
Anh chàng nấu bếp khổ người cao lớn, đen, lừng lững như cột nhà cháy đứng trước mặt ông Tiến, càng được thể khoa chân múa tay, miệng khoe hai hàm răng trắng nhởn:
– Thôi, bí rồi à? Để con giảng cho bố nghe nhé. Chân lý là vô cùng đơn giản, bố ạ. Đơn giản hơn bố nghĩ nhiều. Bố học không đến nơi đến chốn nên làm cho chân lý phức tạp thêm thôi… Phàm là những gì di động được, tung hoành được, xông lên lui xuống được, tính tình biết cương nhu tuỳ thời, lúc khô, lúc ướt… thì gọi là con… Bố nghe rõ chưa?.. … Phàm là những gì cố định một chỗ, đặt đâu nằm đấy, có vận động như thế nào chăng nữa theo sự vận động của vật chất thì vẫn chỉ là sự vận động tại chỗ, cái ấy gọi là cái. Bố chịu chưa? Phải bắt đầu từ bài học nhận thức đơn giản này, bố già ạ… Học không đến đầu đuôi là vô học!..
Ông Tiến tức vì bị mắng mà vẫn phì cười, nhưng đổi sắc mặt ngay, ông sợ tiếp tục rơi vào bẫy của cột nhà cháy:
– Ea Kar có gì mà săn những bốn ngày?
– Khoan khoan bố ơi, con đang giảng bài mà. Bố tìm cho con một ví dụ để chứng mình bố hiểu bài con vừa mới giảng nào!
– Trong đầu toàn thứ bậy bạ, mồm nói ra toàn thứ hôi thối! – Ông Tiến mắng át đi.
– Bố thế là không fe-plây (fair play)! Nếu bố không tìm nổi ví dụ thì để con giúp bố.
– Mồm tôi không phải là để nói ra những thứ tục tĩu như anh nghĩ!
– Bố dám chắc là bố biết con nghĩ gì à?
– Thì tôi đã bảo là anh chỉ có toàn những thứ tục tĩu hôi thối trong đầu thôi mà. – Ông Tiến rất cả quyết, miệng nói, chân giậm xuống đất như để đánh dấu câu nói của mình.
Cột nhà cháy cười oang như cái lệnh vỡ, mãi mới nói tiếp:
– A ha, thế là trong đầu giáo sư toàn là những thứ tục tĩu hôi thối! Con bắt quả tang rồi bố ơi!.. Ví dụ con định kể cho bố nghe chẳng tục chút nào, đó là con thoi và cái khung cửi bố già ạ. Hoàn toàn không tục như bố nghĩ đâu! Quê con có nghề dệt lụa mà, hễ lúc nào con thoi hay cắn chỉ là phải quệt lên nó ít dầu nhờn, kinh nghiệm làng nghề tổ truyền đấy, không phải chuyện đùa.
– Đồ quỷ sứ! Không nói chuyện mất dạy ấy nữa. Anh không bịp được tôi đâu. Nói đi, Ea Kar có thú gì mà săn những bốn ngày?
– Thôi được, bài học tạm dừng ở đây. Ea Kar thú thì có đấy, nhưng săn mãi thế này chắc gì còn nhiều… – Cột nhà cháy trở về với giọng bình thường.
– Tôi thấy khuân lên xe toàn là hai nòng ca-líp đui(1) [(*) Súng săn hai nòng, cỡ đạn Calibre douze, 12 ly.] hẳn hoi. Tôi biết loại súng này từ hồi tôi đi theo các thủ trưởng của mình.
– Nhưng bướm ở đấy thì vô thiên ủng bố già ạ. Bướm thì bắt bằng tay và súng khác chứ không cần các súng ấy. – cột nhà cháy vừa nói vừa cười ranh mãnh.
– Thế mà gọi là đi săn?
– Ea Kar có cả động tiên nữa bố ơi.
– Này, đừng có lỡm tôi nhé. Vùng này làm gì có núi đá lớn mà hang với động.
– Thế thì bố lạc hậu to rồi. Bố không nhìn thấy các lều bạt con chất lên xe à? Đưa thật sâu vào trong rừng, chỗ chỉ còn lại toàn khỉ với người thôi, dựng lều bạt lên là thành động tiên ngay. Tất cả khỉ và người tha hồ thi nhau làm trò khỉ. Tiên thời nguyên thuỷ cơ, không phải thời hàng tơ lụa và hàng giả như bây giờ đâu bố nhé!
– Cán bộ quản lý công trường mà ăn nói linh tinh thế hả?
– Thôi, bố không biết nói chuyện rồi. Để con bảo lái xe đưa bố về lán nhé?
– Bao nhiêu lâu lại có một cuộc đi săn như thế này? – Ông Tiến muốn nghe nhiều nữa.
– Tùy bố ạ, nhưng hồi này hơi nhiều, vì sếp nhiều khách. Riêng từ đầu năm đến giờ mới hết quý hai mà tính ra đã bốn năm cuộc rồi, khi thì Đầm Dơi, khi thì U Minh thượng, U Minh hạ, rồi lại lên Tây Nguyên…
– Anh có đi theo lần nào không?
– Có bố ạ, nhất là kỳ nào đi săn nai rừng. Món chiên bồ dục nai của con cứ là vô địch bố ạ. Nhưng phải chuẩn bị trước đến cả tháng, không thể cứ bóp còi đánh toe một cái là đi được.