– Nghe anh kể những cái mới anh thấy ở quê anh bây giờ, ở những nơi anh vừa mới đi thăm về, thú thực đôi lúc tôi có cảm tưởng nghe anh kể về nước ngoài… Tôi thật khó hình dung Hưng Yên của anh đang bước lên con đường trở thành một tỉnh công nghiệp… Năm nào, tháng nào tôi không đi đi về về trên đường 5, thế mà tôi không thấy gì… Hồi còn đương chức tôi quá để tâm vào những chuyện khác! Rồi còn bao nhiêu nơi khác anh vừa kể nữa… Tôi lạc hậu quá mất rồi.
– Mày mò như thế, cái vui nhất là tôi hiểu được thêm đôi chút những điều mình muốn tìm hiểu, vừa ít nhiều làm được cái gì đó có ích cho đời, anh Tiến ạ. Trong đại gia đình anh em chúng tôi, cứ mỗi lần chú bác cha con bạn bè gặp được nhau là một cuộc đại luận chiến tung đất, tung trời, về đủ mọi thứ đề tài. Hiểu biết của bọn trẻ bây giờ đi xa lắm anh ạ, tôi e thế hệ mình không theo kịp, mà cuộc sống bây giờ vô cùng phong phú…
– Anh có định viết sách không?
– Sách gì?
– Ví dụ viết hồi ký?
– Không, không bao giờ. Mình là cái thá gì mà viết hồi ký hả anh Tiến? Tôi chỉ mong có đủ trí tuệ đối thoại được với thế hệ trẻ là hạnh phúc lắm rồi! Nếu cổ vũ bọn họ được điều này điều khác thì tôi sung sướng lắm…
– …
Tiễn khách ra về, Nghĩa vào nhà gọi điện thoại ngay cho Lê Hải, chia sẻ với bạn nỗi mừng của mình là đã làm được cái việc đào sâu chôn chặt câu chuyện Thạch Thất trong khi tiếp khách…
– Lâu nay anh có nghe tin tức gì về Thạch không? – Lê Hải hỏi Nghĩa.
– Ngoài cái tin anh ta đã nghỉ công tác từ lâu, tôi chỉ biết thêm Thạch cũng chỉ là bí danh của anh ta trong khi thụ lý công việc của tôi hồi ấy thôi.
– Cùng một cách nghỉ hưu hay nghỉ việc như chúng ta?
– Chịu, không biết được. Có lẽ là như thế!
– …
Tại nhà tướng Lê Hải, ông Tiến tìm thấy một khung cảnh khác. Ở đây không có những giá sách đầy ắp, cái dàn vi tính, những kẹp tài liệu khá ngổn ngang trên bàn dưới đất như ở nhà đại tá Nghĩa… Thay vào đấy là một khung cảnh bài trí nho nhã, không khí gia đình ấm áp của hai vợ chồng như mới cưới nhau hôm qua… Chỉ thoáng nhìn trong nhà ngoài vườn, thoáng nghe tiếng nói cười đôn hậu trong căn nhà, thoáng ngửi thấy mùi thơm ngát lên từ tách chè ướp hoa mộc khi ngồi đối diện với chủ nhà.., khách đã hiểu ngay đây là một gia đình thanh bạch, tràn đầy hạnh phúc.
– Nếu không biết anh Lê Hải, tôi sẽ không thể tưởng tượng được đây là nhà của một ông tướng về hưu! – Ông Tiến thốt lên.
– Đơn sơ đạm bạc quá, có phải thế không anh Tiến?
– Tôi không nghĩ thế, anh Lê Hải ạ. Tôi đã ngắm nhìn và muốn nói là trong căn nhà này tôi không thấy còn vương vất tí gì của cát bụi chiến tranh, của quá khứ. Cả đến cái bằng huân chương, cái ảnh anh mặc quân phục, cái mũ sĩ quan… tôi cũng không thấy…
– Chúng tôi ít thời giờ lắm, anh Tiến ạ. Anh Hải tôi không cho bày biện bất cứ cái gì không cần thiết, vì sợ tôi phải lau chùi dọn dẹp vất vả. – Bà Hậu giải thích cho khách.
– Anh tính, nhà tôi tham gia Hội khuyến học của quận, còn tôi đã được nghỉ công tác khu phố rồi, nhưng lại suốt ngày bận bịu với Hội Chữ thập đỏ và Hội Cựu chiến binh, chẳng còn lúc nào nhàn rỗi. Thời giờ đi thăm bạn bè cũng ít. Nói thực tình, tôi không ngờ được anh đến thăm đấy. Tôi hẹp hòi và vẫn còn nghĩ xấu về anh, có phải thế không anh Tiến?
– Sao mà suy nghĩ của anh và anh Nghĩa giống nhau thế! Bây giờ tôi đứng chung một hàng ngũ với những người về hưu các anh rồi.
– Đến thăm anh Nghĩa, anh thấy anh Nghĩa sống thế nào?
– Ở nhà anh Nghĩa, cũng như tại đây, cảm nghĩ đầu tiên của tôi là các anh các chị sống cho hiện tại, cho tương lai. Còn tôi vẫn chưa bước ra khỏi quá khứ.
– Có lẽ tại anh mới nghỉ hưu thôi, chưa dứt ra được khỏi quán tính của cuộc sống khi còn đương chức. Vài ba năm nữa tự anh cũng sẽ hình thành cho anh một guồng sống mới thôi. – Lê Hải an ủi khách.
– Tôi biết anh là người chủ xướng cái thuyết nổi tiếng về quán tính của lịch sử. Phải đợi đến lúc nghỉ hưu tôi mới phát hiện ra tôi là nạn nhân của một thứ quán tính do tôi tự chuốc lấy. Tôi chưa bước ra khỏi được quá khứ của mình chính là vì cái quán tính quá sâu nặng này anh ạ…
– Ôi hôm nay tôi đang nói chuyện với một anh Tiến khác! Chỉ riêng lý do này cũng đủ uống với nhau một chén rượu lạt!..
Ông Tiến thực sự xúc động về sự chân tình của chủ nhà. Câu chuyện giữa khách và chủ cởi mở, tự nhiên, tự nó lôi cuốn nó…
Nhưng quái ác thay, câu chuyện càng chan hoà, ông Tiến trong lòng càng tin chắc cái bệnh thần kinh phân lập của mình không cứu chữa được nữa rồi… Nhất là ông càng tin mình vẫn hoàn toàn tỉnh táo…
…Nghĩa và Lê Hải có đủ các lý do để sống cho hiện tại, cho tương lai. Còn ta? Ta có cái gì? Ta chỉ có đủ các thứ “không”, ngoài ra là các cơn “quẫn”!
…Ta còn có gì khác nữa? Ta có thể nghi ngờ hết thảy mọi thứ ta có. Bằng giáo sư, nhà cửa, tiền bạc, danh vọng… Nhưng chắc chắn ta có một thứ không thể nghi ngờ được. Đó là sự bất lực trong việc đoạn tuyệt với cuộc sống ngày hôm qua… Phải chăng vì thế ta bất lực sống cho hiện tại và cho tương lai?..
Khi ngồi võ võ một mình ở nhà, những câu hỏi như thế thay nhau dày vò ông Tiến. Càng ngẫm sâu cảnh ngộ của mình, ông càng không thể ngờ rằng lời an ủi của tướng Lê Hải lại làm cho ông tỉnh ngộ về cái quán tính tự ông tạo ra, rồi tự ông buộc vào người mình…
…Ta bây giờ người không ra người, ngợm không ra ngợm! Ta muốn quậy, muốn phá, muốn hành động mọi thứ con người có thể quậy phá, có thể hành động! Ta muốn tìm lại ta! Nhưng ta bây giờ làm được gì?!
…Thân thế ta, con người ta bây giờ có khác gì con gà trống cảnh được nuôi trong ống nứa! Ta đã thấy những con gà trống cảnh như thế của dân thuyền chài ngày xưa trên sông Thao, khi ta còn cởi truồng ì ụp lăn lội đuổi nhau với trẻ làng sau mỗi buổi chăn trâu… Cái khuôn ống nứa và quán tính của thời gian đã làm cho thân con gà dài đuỗn. Đủ chân đủ cánh, đôi cựa dài ngoẵng, thế mà nó không đi không đứng được. Mấy con gà mái đi quanh nó ba vòng bảy lượt, nhặt hết các hạt thóc nó nhường lại, nhưng bản thân nó cũng chỉ cục cục được cái mỏ xuống sân gạch một cách vô vọng! Cái mào đỏ to oai vệ, bộ lông đẹp mã, cái đuôi dài đen biếc rất phong tình, tất cả những thứ này cũng chẳng giúp được gì hơn… Nghĩ đến nó, ta càng ngán cho mình. Suy bì nữa ra, ta còn khổ hơn cả con gà trống cảnh, bởi vì nó vô tư, nhưng ta không làm sao vô tư được như nó. Chẳng trách gì tổ tiên ta xưa nay vẫn nói ở bầu thì tròn, ở ống thì dài, lựa chọn cái gì thì suy cho cùng ta và nó vẫn chung một số phận thôi!.. Khác chăng là con gà trống cảnh rất hạnh phúc, nó vẫn cục cục gọi mái và không cần biết cái khổ nó đang chịu đựng! Nó cũng không cần ý thức về cái thể trạng thần kinh phân lập của ta, về cái quán tính gông cùm ta suốt đời!..
…Ôi là một hoạn quan có khi còn hạnh phúc hơn cái kiếp làm người của ta gấp ngàn vạn lần!
Cũng như còn gà trống cảnh còn giữ được cái bản năng gọi mái cục cục, ông Tiến vẫn còn cái bản năng muốn phá, muốn quẫy, muốn trả thù đời… Cũng như thân phận con gà trống cảnh chỉ cục cục được cái mỏ xuống sân gạch, cái bản năng của ông Tiến luôn luôn bị cái quán tính đè bẹp, đánh bại… Tuy vậy, trừ phi người ta đem con gà trống cảnh đi cắt tiết, chừng nào còn sống, dù là nằm trong ống nứa hay được đặt trên sàn thuyền, con gà trống cảnh vẫn sớm sớm cất tiếng gáy vang lừng đánh thức đời, cả ngày vẫn gọi mái cục cục vui vẻ… Ông Tiến cũng thế, trừ cái tâm trạng ý thức được mình ra… Cái quán tính có thể đè bẹp, có thể đánh bại cái bản năng của ông… Nhưng chừng nào ông còn sống, cái bản năng nhục dục này là bất diệt, vẫn giục giã ông quậy phá, còn thức tỉnh ông trả thù, nhưng ông không làm sao xác định được phải trả thù cái gì…
Nhưng càng uất ức muốn trả thù, ông càng hiểu mình đang khao khát tìm lại chính mình…
Với ý thức đầy đủ về những cơn quẫn mới, ông Tiến nuôi hy vọng mới! Ông quyết tìm bằng được cái thằng người trong ông đã bị đánh mất. …Không, ta không đánh mất nó! Ta đã giết nó!.. Ta đã giết nó cho thằng kia trong ta sống!..
Thắng rất thông cảm với bố mình ở vào tuổi về hưu mà phải sống cảnh cơm niêu nước lọ hoặc lê la các quán ăn. Năm lần bảy lượt Thắng điện giục ông Tiến chuyển vào trong Thành phố, hoặc là sống với gia đình Thắng, hoặc là Thắng mua cho một căn hộ ở riêng, miễn là có bố có con cùng một chốn khi tắt lửa, khi tối đèn… Nếu còn sức hoạt động, Thắng sẽ tạo điều kiện để ông Tiến tham gia việc này việc khác, cái chính là để ông không cảm thấy trống trải quãng cuối đời.
– Nếu bố còn khả năng hoa lá cành, con là con xin bố cứ khẩn trương, thoải mái…
Thắng cười hềnh hệch nói rành rọt với ông như thế qua điện thoại, vì Thắng đủ hiểu biết để dẹp bỏ ý định khuyên bố sang sống với mẹ. Ngay từ khi bà Hà chưa sang Đức, hai ông bà đã rơi vào cảnh ông chẳng bà chuộc bao nhiêu năm ròng.
Suy đi tính lại, ông Tiến chỉ đồng ý một nửa với đề nghị của con trai.
Ông cho rằng người Sài Thành thoáng hơn người Hà Thành, có thể thuận lợi cho đổi mới môi trường sống của bản thân. Ông muốn lập lại cuộc đời. Trước hết ông muốn thắng lại cái quán tính tự ông đã chuốc lấy vào người. Ông biết quỹ thời gian của mình không còn nhiều nữa, bây giờ không quẫy lên tìm lại mình thì chẳng bao giờ quẫy được nữa…Ông định bụng vào trong đó thay đổi không khí và quậy phá một thời gian xem sao. Ưng ý thì ở hẳn trong đó theo sắp xếp của Thắng, không ưng ý ông lại tìm đường trở ra. Bây giờ là quậy phá, là sống để trả thù đời chơi chứ không phải để ép xác, để gò mình vào một khuôn sáo nào… Vì thế ngôi nhà mới được phân, ông không đem bán như Thắng khuyên, mà nhờ người trong họ trên Phú Thọ về trông coi trong thời gian ông đi vắng.