Dòng Đời – Nguyễn Trung

…Ôi những lời xé lòng!..

Mỗi lần gặp đám anh em Vũ là một lần những khát vọng mới và những lo lắng mới của họ xâm chiếm tâm hồn ông…

…Làm sao đọc được những suy nghĩ bên trong của Thắng, của Bạch Liên khi miệng họ nói lên những lời thề thốt khi gia nhập Đảng!.. Ôi, chẳng lẽ phải đợi đến lúc bị những chín Tạ, những Thắng, những Bạch Liên đánh bại ta hết keo này đến keo khác, mãi đến lúc phải xin nghỉ hưu ta mới bắt đầu bị day dứt về những điều này hay sao?.. Sự thức tỉnh muộn mằn?..

…Thế hệ ta đã nối gót các thế hệ tiền bối. Tiếp theo thế hệ ta chẳng lẽ là thế hệ những Chín Tạ? Tiếp theo thế hệ Chín Tạ sẽ là thế hệ Thắng, thế hệ Bạch Liên? Mình còn chưa biết bọn con cháu của Thắng, của Bạch Liên bây giờ được giáo dục nuôi nấng như thế nào!.. Đấy là sự chuyển giao thế hệ đang diễn ra trong Đảng ta? Tự giác hay không tự giác? Làm gì để sự chuyển giao này đặt lên vai thế hệ những đàn em đàn cháu của cô Ba, của những Nguyễn Bá, những anh bạn tóc muối tiêu, những anh bộ đội phục viên nuôi tôm, đặt lên vai những con cháu bà đảng viên Nguyễn Ngọc Sương, những Huỳnh Thái Vũ? Làm gì để sự chuyển giao này không rơi vào tay đội quân Chín Tạ?..

Ai thắng ai trong sự chuyển giao thế hệ này?

…Trời đất! Cả đời mình đi theo Đảng, câu hỏi ai thắng ai? bây giờ đột nhiên bùng lên thiêu đốt tâm can mình. Cuộc đấu tranh ai thắng ai? này đang xảy ra không phải trên trận địa đấu tranh giai cấp nơi nảo nơi nao mà đang nổ ra ngay trong con người mình có chết không chứ! Giữa mình và sự hèn nhát của chính mình! Vào ngay lúc này! Sau ba mươi năm giành lại đất nước và thống nhất!.. Cuộc đấu tranh này đang diễn ra không phải trong thế giới hai phe ba phe đâu đâu mà ngay trên sân nhà mình! Mình có đủ tỉnh táo để nhận ra điều này không? Mình có cách gì đánh bại bằng được đội quân Chín Tạ không?…

Nghĩ đến đây ông Tám rùng mình. Ông đứng dậy, pha thêm nước nóng vào ấm tràø, uống một ngụm dài để tỉnh táo nghĩ tiếp.

…Cách mạng nước ta giành được những thắng lợi kỳ vĩ, trước hết là vì Đảng ta đã mở ra con đường thực hiện khát vọng giải phóng của dân tộc, cùng với cả dân tộc mình đi tiên phong trên con đường ấy. Hiện tại và trong tương lai Đảng càng phải như vậy chứ! Cũng chính vì thế Đảng không bao giờ được trừu tượng hoá hay thần thánh hoá để biến thành một đấng thiêng liêng hay tín ngưỡng nào! Phải chăng đã đến lúc Đảng phải tự nhận thức lại chính mình? Nghĩa và Lê Hải nói đúng, tất cả các thứ hàng mã xanh đỏ sẽ chẳng giúp được gì!

…Si tâm quy Phật, Phật sinh ma!(*) [(*) Dịch nghĩa: Theo Phật với tấm lòng u mê thì Phật trở thành ma quái, trong bài thơ Đài đá chia kinh của Nguyễn Du.]

Ông Tám nhẩm lại cho mình câu thơ của Nguyễn Du rồi bước ra bàn thờ thắp một nén hương, hai tay chắp trước ngực:

– Con cúi đầu trăm ngàn lạy Người đã cho con lời răn sâu sắc! – Ông Tám khấn trong đầu.

Bao giờ cũng thế, cứ mỗi lần thắp hương, ông lặng đi hồi lâu, tự đắm chìm vào sự hồi tưởng trong ký ức…

Đêm nay, làn khói hương mong manh đưa những suy nghĩ của ông trở về với tất cả những gì đã gắn bó thiêng liêng sâu nặng với cuộc đời của ông. Ông liên tưởng đến những người thân thương không còn nữa, đến những hy sinh mất mát của chính gia đình mình, của đồng chí, đồng đội… Ông nhớ lại lời tuyên thệ của mình trong buổi lễ kết nạp Đảng. Những suy nghĩ sâu lắng trong tâm khảm ông lại trào lên, lại nổi sóng…

Ông Tám phải lấy sức cố bước lê ra ngồi trước bàn nước, hai tay ôm đầu, khuỷu tay chống lên mặt bàn. Ông thốt lên thành lời:

– Tám Việt, mày là thằng đảng viên hèn nhát!

Ông Tám không rõ ông đang tự mắng mình, hay lương tâm ông đang mắng ông.

Cứ như thế ông vò võ một mình với tách trà giữa đêm khuya. Bây giờ ông mới nhận ra chung sống với cái hèn này là thử thách lớn nhất trong cả cuộc đời ông kể từ ngày đi theo Đảng…

…Thì ra tù tội, tra tấn, chuồng cọp mình đã trải qua… chẳng thấm tháp gì so với cuộc đấu tranh ai thắng ai? ngay trong con người mình!.. Cuộc đời chẳng lẽ oái oăm đến thế hay sao?

Ông mong sao trời chóng sáng và sớm gặp được đám Nghĩa – Hải để trao đổi mọi chuyện cho ra lẽ…

– Trời ơi, đang giữa đêm sao ông lại ra đây ngồi thế này! – Bà Tám chạm tay vào cánh cửa cho ông Tám khỏi giật mình rồi mới nói, giọng bà đầy lo lắng. Bước vào đến giữa phòng, bà ngửi thấy mùi hương ngào ngạt, bà ôm lấy chồng: – Ông ưu phiền nhiều quá, lại còn thắp hương nữa?!.

Ông Tám vẫn ngồi yên.

Bà Tám lâu nay vẫn thầm hiểu và thông cảm những điều đang dày vò chồng mình. Bà tôn trọng sự yên lặng của ông, ôm chặt lấy ông vào ngực mình như muốn san sẻ mọi ưu tư của ông. Một lát sau, bà nhè nhẹ nâng ông đứng dậy:

– Gần sáng mất rồi, không ngủ được thì ông cũng phải nằm nghỉ đi. Thức trắng đêm thế này hại người lắm ông ạ…

Ông Tám lò dò bước theo vợ như một người máy…

Khi trời bắt đầu sáng, ông Tám không sang phòng bếp ăn sáng như thường lệ, ông bảo bà Tám pha cho mình cốc sữa rồi mang về phòng riêng của mình.

Đến gần trưa, ông thay quần áo rồi đi bộ ra bưu điện bỏ thư. Ông đi những bước ngập ngừng, như thể cố kéo dài con đường từ nhà đến bưu điện. Ông cần có thêm thời giờ trang trải những dằn vặt trong lương tâm. Ông Tám không nhớ đây là bức thư thứ mấy ông gửi lãnh đạo Đảng và Nhà nước trình bày những suy nghĩ riêng của mình, nhưng có lẽ đây là bức thư đầu tiên ông viết với một cách nhìn nhận khác… Đúng hơn, bức thư này là sự đúc kết những nhận thức mới của hơn một năm trời lang thang “vi hành” trên nhiều miền của đất nước.

Ông cảnh báo, bằng những sự việc thật, con người thật, các số liệu ông thu thập được. Ông nêu câu hỏi:

…Phải chăng chúng ta đang nhắm mắt làm ngơ sự huỷ hoại những thành quả cách mạng? Phải chăng chúng ta cam chịu để cho quốc nạn quan liêu tham nhũng ngày đêm đẩy đất nước đi dần tới cái ngã ba quyết liệt? Đảng ta phải có quyết định dứt khoát?

Nhưng trên hè đường, bước đi của ông Tám vẫn ngập ngừng, có lúc như lơ đễnh…

Mở nắp thùng thư lên, ông Tám cho bì thư vào thùng. Ông toan thả xuống nhưng tự nhiên lại rút thư ra. Bàn tay bỗng nhiên không theo sự điều khiển của ông nữa. Trước thùng thư, một tay buông thõng, một tay cầm lá thư, ông đứng ngay đơ hồi lâu như người bị tê liệt. Ông muốn nhấc chân lên quay về, nhưng cả hai chân ông như đã bị ai chôn vào lòng đất…

…Chẳng lẽ ta đã trở thành kẻ nô lệ không ai giải phóng được rồi sao!

…Chỉ vì bây giờ ta là nô lệ của chính ta?!.

Ông Tám ngây dại về sự dằn vặt trong lòng mình. Một con người Tám Việt nào đó đang chất vấn người đảng viên cộng sản Tám Việt. Gay gắt, nhức nhối…

Ông không mảy may lo nghĩ đến số phận mình có thể bị hệ luỵ điều này điều khác vì bức thư trong tay, nhưng ông không thể tự giải thoát mình khỏi tâm tư sâu nặng chỉ bằng mỗi cái việc viết một bức thư như vậy…

Ông cảm thấy như đang rơi vào một hố đen mung lung. Từ một góc sâu kín trong tâm khảm, những lời mắng nhiếc ông cứ vang vọng lên mãi. Chát chúa… Rỉa rói…

…Tám Việt! Mày đã quên mất lời tuyên thệ khi gia nhập Đảng!

– …Tám Việt! Mày là một tên cộng sản hèn nhát!..

– …Bác Tám ạ, chúng cháu yêu nước chắc gì đã thua kém bác! Đảng là cha mẹ ruột thịt của cháu… Nhưng nếu Đảng ta…

Ông Tám lã chã mồ hôi, phải đưa một tay vịn vào thùng thư rồi nhắm nghiền hai mắt. Ông hồi tưởng lại các chặng đường đời của mình. Ông nghĩ đến cuộc sống ông đang nhìn nhận lại, những điều chính ông mắt thấy tai nghe trong cuộc vi hành của kẻ về hưu…

Gần như theo một bản tính đã được rèn luyện từ lâu, một lúc sau ông mở mắt ra, ráng hết sức nâng nắp thùng thư lên…

25.

Phó trưởng ban “vớt” Đoàn Danh Tiến đã nghĩ đến con đường đoạn tuyệt với một cái gì đó mà chính ông cũng không rõ. Nhưng cái ý chí đoạn tuyệt thì lại rõ lắm, dứt khoát lắm!

Ông Tiến có quá nhiều thứ ông muốn đoạn tuyệt.

…Nhưng nếu đoạn tuyệt tất thì chỉ có một đường là quyên sinh! Nhưng ông Tiến lại có lập trường nguyên tắc bất di bất dịch:

…Mình sinh ra không phải là để quyên sinh!

…Ông nhất quyết phải đoạn tuyệt, đoạn tuyệt bằng được với cái gì mình ức nhất, căm tức nhất, để chứng tỏ mình coi thường, mình không thèm, mình khinh bỉ mọi cái làm mình uất ức, mọi cái làm mình căm tức…

Ông cần chứng minh mình là thằng Tiến, chứ không phài là hòn bột, là cục đất, ai muốn nhào nặn thế nào thì nhào nặn. Ông nhất quyết vứt bỏ mọi khuôn vàng thước ngọc để đòi lại bằng được cái thằng người của mình…

Càng quyết tâm, ông Tiến càng không biết lựa chọn cái gì cho đích đáng.

…Ôi mình muốn tìm lại mình sao mà khó thế!..

Trong cơn quẫn nào ông Tiến cũng rơi vào cái mung lung đen ngòm như vậy.

Không biết đây là đêm thứ mấy trong cơn nổi quẫn này…

Mới có hai ba giờ sáng, ông Tiến đã sùng sục từ trên giường tụt xuống đất. Ông bật đèn. Ông đi quanh giường, đi quanh bàn, đi vòng tròn trong phòng… Có lúc ông giậm chân trái, giậm chân phải, nạt nộ thành lời, hai bàn tay nắm lại như định sắp đấm vào một ai đó, có khi là vào cái bóng đang đổ ngang đổ ngửa của chính ông…

Tác giả: