Trong thâm tâm, ông Tiến không muốn trực diện chê bai hay lên lớp những người như Lê Hải, Nghĩa, đồng chí trưởng Ban. Ông thừa biết họ hơn mình mấy cái đầu, nên tự nhủ phải cố tỉnh táo để khỏi thất thố, song kiềm chế cái thói quen luận chiến sao mà khó thế!
Hình như mình chỉ vừa mấp máy cái mồm là cái tật khẩu chiến xổng ra liền!
… Nếu họ nhìn xa trông rộng hơn ta, thì ta phải động não nhiều hơn. Nhưng nếu đấy là dấu hiệu của sự mệt mỏi thì ta không được bỏ lỡ thời cơ. Ai cũng có thời của mình, bây giờ là đến thời của ta. Có cách gì khẳng định được điều này không nhỉ?
Xe đỗ xịch trước nhà.
Lúc này ông Tiến mới bước ra khỏi những suy tư lan man.
Ông bước vào đến giữa nhà mà cứ như là đi vào chỗ không người, mặc dù vào giờ này mọi người đều ở nhà. Sau mấy câu chào hỏi chiếu lệ, mọi người ai làm việc nấy. Ngó quanh một lúc, ông đi tìm dây và giấy báo buộc tập truyện lại thành một gói gọn ghẽ, định bụng sáng mai sẽ trao cho thư viện của Ban.
Truyện thì mình đọc rồi, nhà này có ai ngó ngàng đến sách vở đâu!..
Ngắm lại bọc truyện thấy gọn ghẽ, ông mới quay ra cất cặp, thay quần áo, chuẩn bị đi tắm…
…Cái lão Lê Hải này tinh tướng, chỉ được cái nói đúng… Chân thật, đầy cảm nghĩ xúc động! Chính mình cũng không ngờ có thể viết nên bài giới thiệu rung cảm lòng người như vậy… Thế là ít nhiều trong con người mình cũng có cái máu văn chương, có một tâm hồn, có một con người khác nữa – những suy nghĩ trong cái tắm mát rượi làm cho ông Tiến khoan khoái hẳn lên, quên mọi bực dọc trong phút chốc về sự lạnh nhạt trong gia đình.
Khi dội đến gáo nước cuối cùng trong nhà tắm, cái nóng ẩm ẩm oi oi chung quanh lại dần dần chiếm lấy con người ông. Lời khen của Lê Hải về tài văn chương của ông lúc này vẫn còn đủ mạnh níu lại những cảm giác dễ chịu trong con người ông thêm đôi ba phút nữa. Song khoảnh khắc này chẳng được lâu bền cho lắm…
Không hiểu sao, những so sánh ông nghĩ ra cho mình tự bao giở bao giờ, những điều ông đem thân phận ông ra đối chiếu với Lê Hải, với Phạm Trung Nghĩa, với trưởng Ban, với bao nhiêu người khác, giờ đây lại bị cái nóng oi ả kéo về thức tỉnh ông. Trong thâm tâm lúc này lúc khác ông đã ấm ức khi nhiều khi ít về những điều tự mình so sánh với người như thế. Ông cố tìm cách quên đi, nhưng hình như lần nào cũng chỉ làm cho những ấm ức tự mình gây ra cho mình hằn sâu thêm, càng nung nấu thêm trong tâm can ông một điều gì đó…
Có lúc ông tặc lưỡi: Cái máu tiến thủ trong người mình nó hay so đo như thế!..
Sau cái tắm mát rượi, những cái ấm ức không gọi mà về ấy lại bỗng dưng ập tới… Lần này nhanh quá, ông chưa kịp mặc xong quần áo, một chuyện nhức nhối khác đã xâm chiếm đầu óc ông. Khi cài xong khuy áo cuối cùng, cái dư vị ngọt ngào lâng lâng của lời Lê Hải khen bỗng dưng trở nên đắng ớ trong miệng. Miệng ông Tiến làu bàu, cứ tự nó buột ra thành lời:
– Vợ với chẳng con! Bố tiên sư khỉ, thật là cái nợ đời!
Chuyện đã xảy ra đã từ mấy tuần nay, công việc cuốn đi thì thôi, nghĩ đến ông lại nẫu ruột nẫu gan. Đúng là thế, ông thấy mình không lầm vào đâu được.
Đến giờ phút này mà vợ ông vẫn chưa hé răng nói nửa lời về việc ông sắp vào Nam nhận công tác mới. Hai đứa con ông thăm hỏi ông đôi câu chiếu lệ, trong bụng hình như chúng nó cũng thờ ơ chẳng kém gì mẹ chúng.
Tắm xong rồi, nhìn trước nhìn sau không thấy ai bắt chuyện, ông giậm chân giậm tay giữa nhà, buông thả sự bực dọc của mình trong giây lát cho đỡ ấm ức:
– Thật là kỳ lạ! Cái nhà này vợ con quái gì mà như thế này! – lần này ông chủ ý nói to giữa trời.
Không một ai đáp lại.
Suốt bữa cơm tối, bà Hà, vợ ông, cũng không hỏi ông lấy một câu về chuyện mấy ngày nay ông đi chào bạn bè, càng không nhắc gì đến công việc mới của ông sắp tới. Ông chủ động kể lại đôi ba ý về các buổi đi chào, về sự lưu luyến của người này người khác. Bà Hà cứ ngồi yên ăn cơm, chẳng biết có nghe hay không. Hôm nay, mãi đến khi buông đũa buông bát, bà mới lần đầu tiên nói mỗi một câu cụt lủn:
– Ông nhớ mang giấy cắt lương thực đi. Vào trong ấy chẳng ai người ta cho ông ăn không đâu.
Câu nói của bà Hà làm ông Tiến nghẹn ứ.
Thắng, con trai ông, đang học đại học Kinh tế quốc dân năm thứ 3, hạ một câu:
– Nghe nói trong Sài Gòn hiện nay xe Honda và quạt Nhật rẻ lắm. Nhà mình đang cần.
Lợi, con gái ông, năm thứ nhất đại học Ngân hàng, phản đối:
– Không, bố vào trong ấy gửi ra một cái tủ lạnh. Vừa giữ được thức ăn, mùa hè có đá uống nước chanh.
Ông Tiến chan thêm mấy muôi canh vào bát cơm để nuốt trôi sự lạnh nhạt của vợ và những suy nghĩ quá thực dụng của hai con.
… Sắp đi xa mà câu chuyện trong bữa cơm nhấm nha nhấm nhẳng. Chưa chi đã mua cái nọ, sắm cái kia… Đồ chết giẫm!
Thực ra gần như bữa cơm nào ở nhà ông Tiến cũng diễn đi diễn lại cái cảnh ngồi chung mâm, nhưng không nghĩ chung hướng. Hôm nào ngoại lệ thì nổ ra tranh luận – thường là chỉ giữa mấy bố con với nhau, bà Hà chỉ ngồi nghe hoặc bỏ đi chỗ khác. Hoạ hoằn khi nào có những việc gì thật là đại sự, tỷ như bàn tính làm thêm cái gác xép, nới thêm chỗ nấu bếp… Bữa ăn mới mang bầu không khí gia đình. Nhưng làm gì có nhà nào ngày này qua ngày khác chỉ bàn mỗi chuyện làm gác xép hoặc cơi nới thêm cái bếp…
Một hôm đã lâu, cũng vào lúc chung quanh bữa cơm tối như thế này, tự dưng Thắng đưa ra ý kiến muốn bỏ nhà xin vào ở nội trú trong trường – với lý do để tập trung mọi suy nghĩ cho học tập. Để Thắng vào nội trú có nghĩa mọi chi tiêu trong nhà đột nhiên tăng nhiều, đào đâu ra? Bà Hà lo như vậy, mặc dù ông Tiến hưởng lương cấp vụ. Nhưng nỗi lo của ông Tiến lại đi theo hướng khác: Đã sẵn lông bông rồi, bây giờ lại nội trú nữa sẽ tha hồ mà đua đòi! Gớm thật!
Tưởng rằng câu chuyện này êm êm dần, vì bốn năm ngày liền không thấy Thắng nhắc lại nữa. Không dè trong bữa cơm tối hôm qua con gái ông, cũng răn đe cả nhà:
– Anh Thắng được vào ký túc xá, con cũng xin vào. Ở nhà với ông bà bô khô như gỗ, làm sao chịu nổi. – Lợi thường gọi bố mẹ như vậy khi có điều gì không bằng lòng.
Điều làm cho bà Hà ngao ngán nhất là ông Tiến lúc nào cũng chỉ say mê nói chuyện chính trị. Thói quen này bắt đầu phát triển từ lúc học sinh Đoàn Danh Tiến làm cán bộ chi đoàn hồi học trung học phổ thông ở Văn Bán, lúc bấy giờ thuộc tỉnh Phú Thọ. Thói quen ấy phát triển thành một khả năng nổi trội, đám con trai trong xã là bạn đồng niên với ông nhiều khi phát ghen. Rồi chính nhờ khả năng nổi trội ấy, Tiến trở thành cán bộ thanh niên tỉnh đoàn sau khi học xong trung học phổ thông, Cái lý lịch thành phần trung nông lớp dưới và khả năng nhạy bén về lý luận của ông tạo cho ông nhiều thuận lợi. Hà Nội được giải phóng ngày 10-10-1954, cán bộ tỉnh đoàn Đoàn Danh Tiến được trên cử về tham gia tiếp quản thủ đô, làm công tác vận đông thanh niên. Sau đó ông trở thành cán bộ thanh vận của Hà Nội. Thỉnh thoảng Tiến về thăm bố mẹ, đám trai làng ngày xưa xúm lại xuýt xoa:
– Nông dân sệt từ đầu đến chân như mày, thế mà vừa được công tác ở Hà Nội, vừa lấy được vợ áo dài tóc phi-dê hẳn hoi. Sướng thế!
– Tao biết tỏng gia phả họ tộc mày làm ruộng từ đời ông bành tổ. Thế là mày được đổi đời rồi!
– Chúng tao phục mày chuyển hướng chiếm lĩnh trận địa mới. Cứ như chúng tao thì không ra khỏi luỹ tre làng.
– Thêm vài thằng cu cái đĩ nữa như bọn tao là chấm dứt chương trình!
– Thỉnh thoảng chịu khó về làng dậy khôn chúng tao một tý!
– Cả cái xã Vũ Yển này, cả cái huyện Lâm Thao này, mày xem có thằng nào cùng lớp tụi mình mà lại tốt số như mày không?
Ông Tiến nghe không biết chán và nhớ rất lâu những câu nói dễ chịu ấy. Thỉnh thoảng nhâm nhi những câu ấy trong đầu, ông tủm tỉm cười một mình.
Các lớp bổ túc nghiệp vụ báo chí và bồi dưỡng chính trị làm cho ông trở thành cây lý luận thực thụ. Được đề bạt làm vụ trưởng ở tuổi ngoài bốn mươi trong Ban là chuyện hiếm hoi đương thời, có thể là quá trẻ so với nhiều vụ trưởng đương chức trong Ban, nhưng đúng là ông đang có sức bật. Thỉnh thoảng ông được mời tham gia một số đề tài nghiên cứu chính trị tầm cỡ quốc gia.
Bà Hà, vợ ông, là con một gia đình thương nhân phố Hàng Đường, tương đối khá giả, nhưng do một điều may ngẫu nhiên nên chưa đến mức thuộc diện cải tạo tư sản sau 1954. Nhà của bố mẹ bà cũng không thuộc diện cải tạo nhà cửa. Trước giải phóng Thủ đô ít lâu, bố mẹ bà Hà không buôn bán gì nữa, đơn giản là muốn nghỉ ngơi. Cửa hàng biến thành chỗ ở chứ không cho thuê, tài sản chỉ có mỗi cái nhà. Hai anh lớn của bà Hà là công chức lưu dung, đã có gia đình riêng, được bố mẹ chia cho mỗi gia đình một phòng. Như thế là nhà cửa cũng chẳng có gì để mà cải. Nếu cứ giữ nguyên cái cửa hàng như trước khi giải phóng chắc sẽ gay go với cải tạo. Đã thế lại có cô con gái tích cực tham gia công tác khu phố, đó là bà Hà.
Phố hàng Đường nằm trong khu vực ông Tiến phụ trách lúc tiếp quản Hà Nội.
Vì lý lịch gia đình không thuộc diện cải tạo, nên bà Hà được chính quyền khu phố giao cho nhiều việc. Chính bà Hà lúc ấy đã từng trầm trồ ca ngợi những buổi thuyết giảng của ông Tiến về tiền đồ của thanh niên và đất nước, thán phục cái tài của ông vận động thanh niên trong khu phố mình tham gia vào đủ loại công việc thành phố giao cho: làm vệ sinh khu phố, trang trí trụ sở, treo khẩu hiệu, treo cờ hoa trên đường phố nhân các dịp lễ Tết, xây dựng phong trào văn hoá, tổ chức cho thanh niên học khiêu vũ.