– Có vấp váp hay đụng độ nào không? – ông Tám hỏi.
– Thưa anh Tám, đụng độ thì không thể tránh khỏi ạ, nhưng Thành uỷ kiên quyết lắm. Khoảng hơn hai năm trước ai cũng nghĩ việc di dời một loạt nhà và xí nghiệp tư nhân 23-9 là không thể làm được, nhưng bây giờ mọi người đều thấy là làm được, nhờ tiếng nói hỗ trợ của anh Chín em đấy ạ. – Thắng liến thoắng.
– Đó là một ví dụ tuyệt vời anh Tám ạ. Bên Đảng ra tay hỗ trợ chính quyền, em thấy việc khó mấy cũng có cách giải quyết ạ! – Bạch Liên lúc này mới lên tiếng, bổ sung ý kiến của Thắng.
…Bạch Liên ơi, thế là rõ… Có lẽ đây là câu nói “hớ” nhất của cô trong bữa cơm tối nay… Ông Tám nghĩ vậy, nhưng tiếp tục hướng câu chuyện theo ý định của mình:
– Xí nghiệp 23-9 là của ai?
– Của cháu nội bà Sáu Nhơn ạ. Tuy là cơ sở cũ của ta trong Thành phố, nhưng hãng xe đò của bà ta bị cải tạo, ba doanh nghiệp lớn của ba con trai bà ta cũng bị cải tạo… Những người này bỏ trốn sang Mỹ ráo trọi rồi. Chỉ mấy năm sau đổi mới, cháu nội bà ta đã cho ra đời một doanh nghiệp tư nhân, nói toạc ra đó là chủ nghĩa tư bản! Anh Tám có thấy không, đúng là rau nào sâu ấy. – Ông Chín tranh thủ cơ hội chứng minh sự hiểu biết của mình. – Quán triệt chính sách nền kinh tế nhiều thành phần, Ủy ban chỉ bắt xí nghiệp này di dời đi chỗ khác để thực hiện quy hoạch đô thị thôi ạ.
– Các địa phương chung quanh có chịu khó học tập kinh nghiệm của Thành phố không?
– Theo em chắc chắn là có ạ. – Bạch Liên thấy đã đến lúc cần trổ tài. – Em lấy ví dụ, cái mạnh của Thành phố là phát huy ý chí tự lực tự cường, công trình kinh tế nào tự làm lấy được thì không cần liên doanh với nước ngoài, đúng với quan điểm phát huy nội lực của Đảng!.. Học tập kinh nghiệm này của Thành phố ta, đề án liên doanh trồng bạch đàn ở Kiên Phong đã bị thu hồi để nhân dân tự làm, nhờ thế đẩy mạnh được chương trình xoá đói giảm nghèo ở Kiên Phong đấy ạ…
– Chuyện này thì tôi biết, cô Bạch ạ. Lúc tôi chuẩn bị nghỉ hưu thì nhận được đơn kiện của phía Đài Loan về việc này. Họ cho là Chính phủ ta tự vi phạm luật của ta, vi phạm cam kết đã ký với họ.
– Thưa anh Tám, có nhà tư bản nào chịu khoanh tay nhìn mồi ngon bị tước mất đâu ạ? Em cho đấy là lẽ thường tình ạ. Em còn biết các anh lãnh đạo tỉnh bên ấy ý kiến lúc đầu cũng chưa thống nhất, chỉ sợ vi phạm cam kết như anh vừa nói. Biết em nắm được tình hình cánh đầu tư Đài Loan, các anh ấy có tham khảo ý kiến em, em đã góp ý: Cái gì có lợi cho ta thì ta cứ làm, họ còn nhiều cái lợi khác, họ không vì thế mà bỏ thị trường nước ta đâu mà lo… Sự việc hai năm qua đến nay đang diễn ra đúng như em nói…
– Vậy là chính cô Bạch cũng tham gia phá đề án này? – ông Tám hỏi.
– Anh Tám muốn quy kết cho em như vậy cũng được… Tai em nghe quen rồi. Nhưng vì lợi ích quốc gia, vì cần phát huy nội lực, em không thể làm khác được. Giả thử anh Tám lúc ấy có hỏi ý kiến em, em cũng sẽ trả lời như vậy… – Bạch Liên không hề tỏ ra lúng túng.
– Về hưu rồi, hôm nay tôi mới biết tại sao đề án bạch đàn Kiên Phong bị xoá sổ. Nhưng trước khi nghỉ hưu, tôi đã phải thay mặt Chính phủ ta cam kết đền bù và hoàn lại những gì họ đã đầu tư vào đó.
– Có phải đền nhiều không anh Tám? – Bà Chín phát hoảng khi nghe đến chuyện đền bù.
– Tôi không biết, vì tôi nghỉ ngay sau đó. Tôi ước tính cũng phải đền khoảng một chục triệu hay hơn một chục triệu đô-la đấy cô Bạch ạ.
– Em nghĩ tỉnh yêu cầu huỷ bỏ đề án, thì tỉnh phải lo trang trải món nợ này… – Bạch Liên không một chút bận tâm về câu chuyện trả nợ.
Càng nghe ông Tám hỏi, Bạch Liên càng tin là ông Tám không biết mảy may gì vì sao đề án này bị huỷ bỏ, càng cảm thấy đắc thắng đối với anh em Vũ khi tranh luận với họ về Kiên Phong… Mỗi lần nhớ đến những lời đối đáp của Bảo Vân và Bích Ngọc trong một vài cuộc chạm trán với nhau chung quanh đề tài này, Bạch Liên lại cảm thấy nóng điên như bị rôm sảy đốt khắp người…
…Trong lần chạm trán cuối cùng hôm đó, Bạch Liên hết lý lẽ, phải dùng đến ngón võ đao to búa lớn:
– Để tự trồng là phát huy nội lực, là có lợi cho đất nước. Đem cái lợi này đi làm liên doanh như thế có khác gì hành động bán nước không!?
Nhưng cánh chị em Bích Ngọc – Bảo Vân cũng không vừa:
– Đề án này do Chính phủ duyệt, có phải chị định nói Chính phủ này bán nước không? Phải nói chị đang hành động phá hoại đất nước mới đúng!…
– Hai chị hám lợi nên quên mất nhiệm vụ xoá đói giảm nghèo của Kiên Phong!
– Không thể nói năng võ đoán như vậy được. Chị thử tính đi, để công trình này tồn tại sẽ tạo ra được bao nhiêu việc làm, xé lẻ công trình này ra chia về các hộ sẽ tạo ra được bao nhiều việc làm…
– … – Bạch Liên ắng ra.
Bạch Liên nghĩ có lẽ đến chết mình cũng không quên được trận đấu khẩu ấy… Hôm ấy Bạch Liên bị dồn vao chỗ bí, tuy vẫn xưng hô với nhau lịch sự, nhưng chỉ còn thiếu kiên nhẫn chút nữa cả hai bên sẽ đứng dậy xé xác nhau ra…
…Ngồi nghe Bạch Liên nói, trong lòng ông Tám ước ao: …Giá mà lúc này mình có một quyền lực tối cao nào đó, mình sẽ tống giam ngay lập tức tất cả bọn này… Cách đây mấy tuần ông đã đến Kiên Phong, cả một vùng đất bạt ngàn trồng bạch đàn đang bị chia nhỏ ra, cây bé cây to cây cao cây thấp khấp khởm, những công trình như đường sá, kênh mương và một số công trình kết cấu hạ tầng khác đang có nguy cơ xuống cấp…
Nhưng ông Tám lừng danh không còn nữa, ông Tám về hưu phải dằn lòng tiếp tục câu chuyện với tư cách là người đã về hưu. Ông tự nhủ phải đóng thật tốt vai kẻ về hưu trong màn kịch này:
– Giữa Trung ương và địa phương mà không thống nhất được với nhau là hại bạc tỷ đấy. Cái đề án Khu công ngiệp II ở Tân Chánh Nhất bị vỡ cũng cùng một nguyên do này. Bây giờ tôi rút được kinh nghiệm thì quá muộn rồi… – giọng ông Tám có vẻ đầy than vãn.
– May quá, anh Tám nói được như thế là em đỡ áy náy. Hồi ấy em chỉ tiếc là quy hoạch khu dân cư cụm 9 xây dựng gần xong rồi thì Thành phố mới nhận được chỉ thị về khu công nghiệp II. Chẳng qua là địa phương thì quá năng động, Trung ương thì quá thận trọng, có phải vậy không anh Tám? – Chín ông tìm cách xoa dịu.
– Có thể là như vậy.
Bạch Liên nhìn về phía chín Tạ, nghĩ thầm: …Khá lắm! Học trò của ta chỗ này khá lắm! Đúng với phương châm chủ động tiến công…
– Anh Tám đừng nghi ngờ bọn em. Xem lại thì hoá ra đề án xây dựng khu dân cư cụm 9 đã được lãnh đạo Thành phố duyệt cách đây hơn mười năm rồi anh ạ. Đó không phải là cái đề án duy nhất cho khu này đâu. Chỉ có điều là lúc bấy giờ ngân sách Thành phố eo hẹp quá nên tạm gác lại.
– Chín ơi, thanh minh lòng vòng làm gì. Tất cả đã thành chuyện đã rồi, đừng phí lời nữa… Tôi đã hai lần đến thăm cụm 9, lần trước cách lần sau phải đến bảy tám tháng. Ngang dọc tất cả phải còn đến khoảng hai chục cây số đường trong cụm và ngoài cụm phải xây dựng mà vẫn chưa thấy đổ được lấy một xẻng cát, thế là thế nào? Càng để chậm, mặt đường càng bị lấn chiếm. Tiền bán đất ở đấy không đủ chi cho làm đường à?
– Cái này là thiếu sót cố hữu của Thành phố anh Tám ạ. Thành ủy chỉ cho chủ trương, Ủy ban thì ra quyết định để thực hiện. Người thi hành lại là các cơ quan chức năng như Sở địa chính, Văn phòng kiến trúc sư trưởng… nên không tránh khỏi nhiều trục trặc anh Tám ạ. Hơn nữa Ủy ban trù bị kinh phí không sát và không rót về kịp.
Bạch Liên ngồi im, khẽ gật gật…
– Nghĩa là Thành phố vẫn phải bỏ ngân sách ra chi? – ông Tám hỏi.
– Một phần đáng kể anh Tám ạ, vì số hộ đến ở thuộc diện chính sách nhiều quá…
Thế là mọi chuyện đều rõ với ông Tám. Ông rơi vào một tâm trạng khó tả. Trong ông hừng hực ý nghĩ muốn tống giam ngay tức khắc những người ngồi trước mặt ông, nhưng đồng thời ông cũng cảm thấy vô cùng chán ngán vì bất lực, vì phải tiếp tục ngồi nghe những lời nói dối vô cùng trơ trẽn của họ…
Ông Tám lừng danh không tồn tại nữa, ông Tám về hưu cứ phải tiếp tục tham gia câu chuyện bất đắc dĩ…
…Bị bắt quả tang mà còn chạy án, xoá án được, còn những điều mình thấy được, mình nghe được như thế này thì có nghĩa lý quái gì?…Tay không, quyền không, chân không đến đất cật không đến trời, mình bây giờ làm gì được bọn này?..
– Em thấy anh Tám phung phí thời giờ quá, anh là tài sản quý hiếm của Đảng, của quốc gia. – Chín Tạ xoay câu chuyện sang hướng mới.
– Chín nè, sao không gọi mình là động vật quý hiếm của rừng quốc gia?
– Anh lại giỡn em rồi. Lẽ ra người như anh không cố vấn nơi này thì cũng giúp nơi khác. Anh không có quyền phí phạm năng lực và kinh nghiệm tích luỹ được. Đó không phải là tài sản của riêng anh.
– Bắt buộc phải thế à?
– Bắt buộc thì không anh Tám ạ. Trong này một số vị như anh người thì làm cố vấn cho Hội Nhà văn Thành phố, người thì làm chủ tịch danh dự Hội Nghệ thuật tạo hình, chủ tịch quỹ này quỹ nọ, người tham gia viết sử Đảng… Làm to như anh, rất xứng đáng thủ một vai cố vấn. Đi lang thang đây đó dễ hư người lắm đó anh Tám!
– Già như mình còn hư được không?