– Tự nhiên bao giờ cũng đày rẫy bí ẩn và ẩn số.
– Ý cậu thế nào?
– Công trình nào mà không phải tính đến rủi ro hả anh? Bên cạnh việc đánh giá riêng lẻ từng thông số kỹ thuật, cần đặt từng thông số vào tổng thể các thông số khác của cả công trình anh ạ, kể cả những yếu tố liên quan đến an ninh chính trị, quốc phòng, thiên tai, sinh thái… Trong mọi cuộc tranh luận về Sơn La, em đều kiên định bảo vệ phương pháp luận này và làm gai mắt nhiều người… Đương nhiên em thừa nhận làm theo ý em thì gian khổ hơn, tốn kém hơn.
– Kinh nghiệm dày dạn và bảo thủ thường tranh chỗ của nhau đấy.
– Có thể em sai. Em không thể quên những điều em tự rút ra cho mình về thuỷ điện Thác Bà. Đất đai và môi trường tự nhiên là vấn đề số một anh ạ… Mặc dù em dự tính trong vòng 15 – 20 năm tới nước ta phải có một sản lượng điện gấp ba hay bốn lần hiện nay thì mới đáp ứng yêu cầu phát triển.
– Hay là cậu còn thiếu cái bằng tiến sĩ, giáo sư gì đó, nên ý kiến của cậu kém trọng lượng?
– Cũng có thể như vậy anh Tám ạ, mặc dù không ít công trình nghiên cứu của em được trích dẫn trong một số đề tài khoa học đứng đắn. Sơ sơ em có hơn một chục công trình như thế đã công bố trong nước ngoài nước.
– Thế cậu còn ngần ngại gì không tiến lên một bước nữa trên con đường hàn lâm?
– Anh Tám ơi, ngoài đời bây giờ có quá nhiều tiến sĩ rởm và giáo sư rởm. Đời này có thêm một vài cái bằng thật đi nữa thì người đời cũng khó mà phân biệt được ai là thật, ai là rởm, mà em thì lại không muốn được thơm lây vì những của rởm ấy!
– Chà, chúa kiêu ngầm!
– Ngoài ra dự án thuỷ điện ra, còn có còn biết bao nhiêu yếu tố kinh tế, xã hội, văn hoá, dân tộc, các vấn đề chính trị đối nội và đối ngoại có liên quan của Sơn La nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung, phải kết hợp tốt với phát triển vùng nữa anh ạ… Tất cả phải xem xét kỹ và giải quyết đồng bộ anh Tám ạ. Những vấn đề này anh rành hơn em!
– Vì thế cậu không đi Sơn La mà đến Na Hang?
– Công trình trọng điểm quốc gia, vinh dự lắm chứ ạ!.. Nhưng không hẳn thế, có lẽ vì em bây giờ là công dân của Na Hang!.. Anh nói đúng, em đã từ chối tham gia công trình này. Em không thích cộng tác với một số người quá nhiệt tình trong nhóm chuyên gia. Có thể em sai.
– Biết là mình có thể sai mà vẫn nghi ngờ?
– Vâng. Làm khoa học phải như thế.
– Hoặc là cậu nghi ngờ oan cho họ, hoặc là nhiệt tình này của họ là một tội ác, tại sao cậu không đi đến một kết luận dứt khoát?
– Nói về Thác Bà thì em chứng minh được lợi và thiệt, nói về cái chưa có thì em chỉ có thể dựa vào khoa học để phán đoán thôi. Em thực sự cầu mong quyết định không đi Sơn La của em là sai lầm, nhưng em rất ngán cộng tác với những cái đầu không tranh luận được với nhau tới cùng…
– Cậu ngán người ta, vậy người ta thích cậu à?
Anh bạn tóc muối tiêu cười:
– Có thể họ rất ghét em…
– Thế mà cậu vẫn khư khư ý kiến của mình?
– Em chỉ chưa thuyết phục được chính mình thôi. Vả lại về một công trình hệ trọng như Sơn La, ý kiến trái nhau là chuyện hiểu được anh ạ, là cần thiết, là điều tốt nữa là khác… Đường dây 500 kilô von chẳng bị phản đối lên phản đối xuống là gì. Bây giờ thì cả nước ca ngợi…
– Mình quên chưa hỏi, cậu đã được kết nạp Đảng chưa?
– Em vẫn còn suy nghĩ ạ! Nếu người hỏi em câu này không phải là anh, em sẽ tự ái đấy!
– Hỏi thực lòng, sao cậu vẫn mãi cái tính ương bướng thế?
– Tự câu hỏi của anh đã trả lời anh rồi còn gì nữa.
Đi hết một vòng lên đến tận Na Hang ông Tám mới quay trở lại Thành phố. Lang thang khắp nơi như vậy, ông càng tin là mình đang đi khám phá cái mới, nghĩa là những cái ngay bây giờ và sắp đến cần làm tiếp hoặc cần làm khác đi. Bà Tám xót xa vì thấy ông trở về sạm nắng, người sắt lại, có vẻ ôm ốm chút ít so với trước, nhưng bà lại hỏi ông chuyện khác:
– Khăn rằn ai tặng mà đẹp vậy?
– À… à, đó đây vẫn còn kẻ nhớ người thương mà…
– Thế… nghỉ vài hôm lại người rồi hành hương tiếp chứ?
– Tôi biết bà sẵn lòng cho phép mà…
Bà Tám đành cười trừ:
– Tôi nghĩ không sai mà, tra khảo ông thật khó!..
Ông Tám sướng lắm, cười thật to, vì biết là mình đã thoát hiểm, khiến bà Tám cũng phải bật cười theo. Câu chuyện cái khăn rằn cũng dừng ở đây…
Những điều thu thập được trong chuyến đi thôi thúc ông Tám đến thăm bà SÁU Nhơn và cánh anh em Vũ một lần nữa…
Ông được nghe thêm nhiều chuyện và hiểu rõ hơn nhiều chuyện. Qua những dẫn chứng của Bích Ngọc và Bảo Vân, chuyện buôn lậu của Công ty xuất nhập khẩu của Trung tâm Thắng – Bạch Liên rõ mười mươi, hải quan và các cơ quan an ninh kinh tế hình như nhắm mắt làm ngơ, việc Bạch Liên tham gia phá liên doanh trồng bạch đàn Kiên Phong… Lần này ông được anh em Vũ kể cho nghe khá tỷ mỷ. Mọi tai hoạ cứ như là từ trời quang mây tạnh giáng vào công ty Ngọc Vân, những việc họ đã làm để cứu cơ nghiệp của mình. Riêng câu chuyện mảnh giấy viết tay của Chín Tạ cất trong két sắt thì bốn anh em Vũ vẫn giữ kín với ông Tám.
Ông Tám thầm phục sự chèo chống anh em Vũ.
…Cả nước có biết bao nhiêu nghị lực như thế này bị phung phí, bị huỷ hoại? Có biết bao nhiêu ý tưởng, bao nhiêu hoài bão bị bóp chết từ trong trứng?.. Nếu như mọi nghị lực này được hướng vào chiếm thị trường mới, hướng vào những sản phẩm mới! Nếu như hệ thống bộ máy nhà nước đứng hậu thuẫn phía sau những nghị lực này! Nếu như những nghị lực này được toàn xã hội cổ vũ, tôn vinh, giám sát!..
– Bác Tám ạ, cháu xin hỏi, theo bác xí nghiệp tư nhân 23-9 của chúng cháu có gì khác biệt lớn nhất so với một xí nghiệp quốc doanh tương tự? – Bảo Vân hỏi ông Tám.
– Bảo Vân, em quen mồm mất rồi, phải gọi xí nghiệp 23-9 là xí nghiệp dân doanh chứ! – Bích Ngọc chữa lại câu nói của em mình.
– Chúng mình hỏi ý kiến bác Tám, chứ có viết báo đâu mà phải quanh co hả chị Ngọc! – Bảo Vân đáp lại.
– Hai chị em cô này ghê thật, chanh chua hết chỗ nói!.. Ngày hôm qua bác vừa mới đến thăm xí nghiệp 23-9 mới ở Nam Lái Thiêu của các cháu rồi. Câu trả lời của bác là như vậy đấy! – Ông Tám không trả lời thẳng vào câu hỏi.
– Chết thật, bác đến thăm lúc nào mà chúng cháu không biết? – Bích Ngọc và Bảo Vân cùng kêu lên vì ngạc nhiên.
– Bác đang đi vi hành mà! Bác hỏi thăm rồi ngồi xe ôm đi tới. May quá, gặp ngay anh thường trực cũ ở cổng, anh này nhận ra bác, thế là anh ta kiếm cho một người dẫn bác đi xem…
– Cháu chịu bác là người tinh đời. Quả thực nếu là xí nghiệp quốc doanh thì xí nghiệp 23-9 bị khai tử rồi, không thể từ đám gạch vụn ở Thới Trạch để mọc ra xí nghiệp 23-9 ở Nam Lái Thiêu được bác ạ. – Bảo Vân khâm phục sự thành thật của ông Tám.
– Thưa bác Tám, cháu cứ phân vân vì sao cùng trong một nền kinh tế mà lại có con đẻ, con nuôi, con dì ghẻ, con vỗ béo, con để thịt thế hả bác? – Vũ chưa chịu để ông Tám yên.
– Câu chuyện này còn dài, cháu ạ.
– Anh Vũ ơi, đất nước ta là đất nước của “vì sao?” mà! Em nói trước nhé, sẽ còn nhiều “vì sao?” đấy cho mà xem. Mà những vì sao trên trời thì không ai đếm được! Thưa bác Tám, cháu trả lời anh Vũ hộ bác như thế có được không ạ?
– Bảo Vân, con đanh đá quá đó! – Bà Sáu Nhơn từ đầu chỉ ngồi nghe, bây giờ mới lên tiếng can cháu mình.
Trước khi ông Tám đứng dậy ra về, bà Sáu Nhơn phàn nàn với ông:
– Thành phố ta hình như ngày càng bẩn ông Tám ạ! Bẩn nhất là có nhiều người làm việc nhà nước sống bẩn quá, ăn dơ quá…
Ông Tám chết lặng trong lòng.
Nỗi lo trong ông Tám càng day dứt.
Lòng vòng thế nào ông Tám gặp Hai Hân, được Hai Hân mời vào thăm xí nghiệp in liên doanh. Ông đã cắt băng động thổ hay khánh thành nhiều công trình liên doanh kiểu như thế này. Song bây giờ có thời giờ, ông hỏi Hai Hân nhiều điều và đi xem rất kỹ. Đôi lúc ông ngờ rằng có một Hai Hân nào đó hoàn toàn khác đang đối diện với ông, chẳng giống cái anh chàng nắm lấy tay ông, chú chú cháu cháu khẩn khoản xin gặp ông mười lăm phút nhưng ông đã cho gặp hẳn cả nửa giờ năm nào…
– Bây giờ gặp tôi, cậu định xin cái gì?
– Chú bây giờ chẳng có cái gì để cho cháu xin cả.
– Vẫn giữ được cái bộc trực xưa nay, tôi rất mến cậu vì lẽ này. Giả dụ tôi còn đương chức, cậu sẽ xin điều gì?
– Cháu chỉ xin chính sách phải ổn định, nếu có sửa thì nhất thiết chỉ theo một hướng là thoáng hơn!
– Cậu nhất quyết chống cái gì bây giờ?
– Sự tù mù ạ.
– Luật pháp, chính sách ngày càng được chấn chỉnh đấy thôi. – ông Tám cố khơi cho Hai Hân nói.
– Sửa đổi thế nào cũng vẫn cứ tù mù nhập nhèm được chú ạ, vì nhiều thứ đã được cài đặt sẵn trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật của các cấp thừa hành. Cháu gọi đấy là các văn bản hướng dẫn tham nhũng theo pháp luật!
– Đảng viên mà ăn nói thế à?
– Không ạ, người thực thi nó cố ý làm như vậy ạ! Bắt đầu từ cái anh thảo văn bản thi hành luật ạ…
Hai Hân lục ngăn kéo rồi đưa cho ông Tám một bài báo cắt:
– Chú ơi, đây là bài báo làm cháu vừa tức vừa buồn cười. Chú ạ, công-ten- nơ tiêu chuẩn quốc tế là 30 tấn, theo quy định đã ban hành thì phải chặt công- ten-nơ ra làm ba chú ạ, với cái lý là bảo dưỡng đường sá! Cháu giữ lại bài này làm nhân chứng lịch sử vì nó biết nói ạ!