Tiễn Đoàn Danh Tiến đi rồi, trưởng Ban không khỏi phân vân: …Tiến hồi này hiếu thắng quá. Lúc nào đó phải kìm cương cậu ta lại một chút! Con ngựa này háu đá!..
Ra về, Đoàn Danh Tiến hỉ hả về những đánh giá cao của trưởng ban dành cho mình, song không khỏi băn khoăn về mấy câu dặn dò cuối cùng. Tuy nhiên ông đủ tỉnh táo để nhận ra yếu điểm kinh niên của mình là tính hiếu thắng. Nó đã từng đưa ông lên cao, nhưng cũng làm ông mất khối bạn.
Suy cho cùng nhận xét của trưởng Ban không sai, chứng tỏ ông ta thiện chí với mình…
Ông Tiến cảm thấy yên tâm.
Về đến phòng làm việc, hãy còn nhiều thời giờ. Ông Tiến điện thoại muốn đến chào tướng Lê Hải. Thiếu tướng vui vẻ nhận lời. Xe đưa ông Tiến đánh loáng đã tới nơi.
Câu chuyện giữa hai người loanh quanh thế nào lại đụng chạm đến bài báo nổi tiếng của ông Tiến ngầm phê phán quan điểm của Viện.
– Anh Tiến vào trong đó, tôi thiếu vắng một người luôn luôn gây cho tôi nhiều cảm hứng để tranh luận.
– Có như thế mới vỡ vạc ra anh Hải ạ.
– Nói thế nào nhỉ? Đứng về mặt cổ vũ phong trào, tôi thấy bài báo của anh tốt lắm. Song tôi tự hỏi cuộc sống ngày nay quá rắc rối, chúng ta có nên giữ mãi cách tuyên truyền giản lược như thế không? Khi đất nước phải đối mặt với thực tế phức tạp hơn nữa thì sẽ tính sao?..
– Anh nói thế thì tôi yên tâm, nghĩa là không có chuyện hiểu lầm nhau. – Ông Tiến cố giấu sự không hài lòng của mình.
– Anh Tiến ạ, báo cáo của Viện tôi là để sử dụng cho công tác nghiên cứu, nhất là đối với những người tham gia hoạch định các chủ trương chính sách trong thời bình. Nhưng dù sao nội dung báo cáo cũng chỉ là những đánh giá chủ quan của Viện tôi thôi. Còn phải chờ thực tế kiểm nghiệm.
– Theo tôi điều cực kỳ quan trọng lúc này là phải nắm vững tư tưởng chủ động tiến công, thừa thắng xông lên anh Hải ạ. Phải lấy cái đà thắng này át hết mọi chuyện. Tinh thần lúc nào cũng phải được lên dây cót, để chùng xuống là sinh chuyện ngay!
– Về mặt tư tưởng, anh cố chủ động như vậy là điều hiểu được. Nhưng mới có mấy tuần thôi, tình hình phức tạp nhanh hơn so với khi chúng tôi gửi báo cáo. Anh Nghĩa và tôi vẫn e rằng còn nhiều điều chưa lường hết.
– Cứ cho là như thế đi. Dĩ bất biến ứng vạn biến là phải giữ vững tư tưởng chủ động tiến công. Nghe nói anh Nghĩa xin giải ngũ, có phải thế không anh?
– Có chuyện ấy.
– Không thể tin được!
– Hoàn cảnh gia đình anh Nghĩa có nhiều chuyện éo le quá, bản thân lại là thương binh nữa anh Tiến ạ…
– Khó khăn thì không bao giờ hết. Nhưng đã thắng được Mỹ thì việc gì ta cũng làm được. Nói lên điều này với một vị tướng như anh là thừa. Điều tôi quan tâm bây giờ là giữ vững tư tưởng chủ động tiến công trong thời bình như thế nào?
– Vâng. Đây là vấn đề thời sự.
– Trong các nghị quyết của Đảng về công tác chính trị tư tưởng cũng nhấn mạnh điều này. Thời bình điều này mới khó, anh Hải ạ. Không biết anh có hay trao đổi với anh Nghĩa không?
-Nhiệm vụ người lính chúng tôi làm xong rồi, chúng tôi có quyền nghỉ ngơi. Bây giờ cờ đến tay những người như anh đấy. – tướng Lê Hải cười vui, đẩy quả bóng trở lại phía ông Tiến.
– Chúng tôi đâu dám thoái thác. Nhưng chắc chắn bọn cầm bút chúng tôi còn phải trông chờ nhiều vào kho tàng kinh nghiệm chiến đấu của những chiến sỹ cách mạng cầm súng như các anh.
– Thế là anh chia chúng ta thành hai phe rồi đấy nhé!
– Người khơi mào là anh. Nhờ anh cho tôi gửi lời chào anh Nghĩa… Có lẽ anh cũng nên.
– Nên gì nữa hả anh Tiến?
– Chỗ anh em với nhau nói thật, anh nên có vài lời khuyên giải anh Nghĩa.
– Có chuyện gì hệ trọng không anh? – mắt ông Lê Hải rạn vỡ ra sau cặp kính.
– Anh nên khuyên anh Nghĩa xem lại ý định xin giải ngũ. Dư luận sẽ đánh giá không hay đâu.
– Thuần tuý vì lý do gia đình thôi mà. Có gì mà phải xem lại? – ông Hải thực bụng không hiểu.
– Quá trình trong quân đội của anh Nghĩa hiển hách như vậy, chiến công đầy người, thế mà lúc này xin giải ngũ thì uổng lắm. Sẽ bị mang tiếng là nhụt ý chí phấn đấu đấy. Thế là rơi vào thoái hoá, là khờ dại! Tôi không muốn dạy khôn anh Nghĩa, nhưng không nghe tôi, sẽ mất cả chì lẫn chài cho mà xem. Như thế thì tiếc cho anh Nghĩa lắm…
– Nhụt ý chí phấn đấu, thoái hoá… có khác gì đào ngũ không? Sao anh không nói thẳng ra như thế?
– Thế là anh hiểu đúng ý tôi. Đối với quân nhân cách mạng những khái niệm ấy là một, anh Hải ạ.
– Xin anh đừng quên, anh Nghĩa là thương binh nặng. Thà xin giải ngũ còn hơn là mang tư tưởng công thần chứ? Tôi lại cho đấy là một cử chỉ cao quý.
– Nhưng anh Nghĩa còn là đảng viên. Mà đảng viên thì phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Anh và tôi, tất cả các đảng viên đều được học như vậy, đều tuyên thệ như vậy trước khi xin vào Đảng.
– Vâng, nói thế thì chịu. Tôi sẽ nhắn lại Nghĩa.
– Anh nên ngăn cản anh Nghĩa.
– Gặp anh, lúc nào tôi cũng thấy một không khí sôi nổi. Bao giờ anh lên đường?
– Theo kế hoạch là đầu tuần tới.
– Cấp tốc thế? Hòa bình rồi mà cứ như thời chiến vậy!
– Tôi phải mượn câu nói nhà binh của các anh: Quân lệnh như sơn!
– Anh đúng là con người rất nguyên tắc! Xin anh chờ tôi một chút. – tướng Lê Hải rời sa-lông tiếp khách, đi ra chỗ bàn làm việc nhấc điện thoại nói chuyện với người thư ký của mình mấy câu rồi quay trở lại: – Anh nhận công tác mới đột xuất quá, anh Nghĩa và tôi chưa kịp trang trải với anh một món nợ lớn.
– Nợ nần gì thế?
-Để tôi châm thuốc cho anh đã rồi xin nói chuyện tiếp.
Tướng Lê Hải đánh diêm châm thuốc cho ông Tiến, rót tách chè mới, hỏi thăm ông Tiến về việc chuẩn bị cho công tác mới. Một lát sau người thư ký mang đến cho tướng Lê Hải một chồng sách mới in. Tướng Lê Hải ngó lại một lượt nữa rồi mới đưa cho ông Tiến:
– Xin biếu anh tập truyện ngắn mà anh đã vui lòng tìm giúp nơi xuất bản và viết bài giới thiệu. Công anh lớn lắm. Tôi phát hiện ra anh còn là một nhà bình luận văn chương nữa!..
Ông Tiến đỡ lấy chồng sách, đếm được năm quyển:
– Tiền nhuận bút cho bài giới thiệu của tôi đáng giá 5 quyển, có phải không? – ông Tiến cười vui, giơ một quyển lên ngắm nghía rồi đọc to: – …Truyện kể giữa những trận đánh – những giai thoại khi chiến trường im tiếng súng… Sách in trình bày trông cũng được đấy chứ. Tôi quên bẵng việc in ấn này.
– Công lao anh lớn lắm. Thực ra anh Nghĩa và tôi có biết gì về văn chương đâu. Cả hai chúng tôi chỉ là người kể truyện, viết thành truyện lại là một nhà văn trong Viện tôi. Anh ta nằng nặc đòi in thành sách, vì để thời gian lãng quên thì hoài, nhưng anh ta vác bản thảo đi mấy nơi mà không được in, chẳng nơi nào còn kinh phí.
– Thời buổi khó khăn mà.
– Vâng, nếu anh không giúp cho thì…
– Nhưng tác giả vẫn là tên anh và anh Nghĩa đây này. – Ông Tiến chỉ lên bìa tập truyện.
– Vâng, anh ta chỉ chịu ghi tên mình là người chép truyện thôi. Anh ta nói bài giới thiệu của người có tên tuổi như anh sẽ làm cho tập truyện gây được tiếng vang.
– Cũng như hai anh, văn chương đâu có phải là chuyện của tôi. Nhưng khi đọc bản thảo tôi thấy nhiều giai thoại rất lý thú và cảm động nên nhận lời giúp. Nhất là các truyện như Mất mũ cối, Cu Tý, Võng em bên võng anh, Cho em xin tý giống…
Có lẽ anh rất trung thực với cảm xúc của mình, nên bài giới thiệu của anh rất cảm động! Hiếm khi tôi được thấy một Đoàn Danh Tiến là của chính anh như thế. Anh Nghĩa và tôi đều sửng sốt. Phải cảm ơn anh nhiều lắm.
– Khi đọc xong bản thảo, tôi cứ tự nói mãi với mình: Đúng là bộ đội Cụ Hồ! Chỉ bộ đội Cụ Hồ mới có thể lạc quan yêu đời đến như vậy… Thế là tôi dựa vào cảm nghĩ đó viết bài giới thiệu. Cảm hứng mãnh liệt, nên viết một mạch, nhanh lắm! Tập truyện này là món quà quý anh và anh Nghĩa tặng tôi trước khi tôi vào Nam.
– Qua bài giới thiệu này, chúng tôi khám phá ra một anh Tiến mới! Chân thật với sự rung cảm của chính mình! Anh Nghĩa và tôi đọc đi đọc lại mãi. Cố giữ liên hệ với nhau thường xuyên nhé… – tướng Lê Hải chân tình.
Ngồi trong chiếc Lada trên đường về nhà, niềm vui về tập sách được biếu như đang nâng ông Tiến lên tầm cao mới.
Ông Tiến đọc nhanh lại một lượt bài giới thiệu do chính ông viết cho tập truyện. Bản thân ông cũng không ngờ mình đã có thể viết được một bài giới thiệu xúc động đến thế… Đầu óc ông lâng lâng những lời ca ngợi của Lê Hải. Ôi Lê Hải đã phát hiện ra chính ta! Trong ta còn có một con người rung động được lòng người…
Lời khen chân thành của Lê Hải làm cho ông Tiến càng tự tin vào mình. Niềm vui vì sắp được tung hoành trên miền đất mới được nhân lên nhiều lần trong lòng ông Tiến.
Tuy nhiên vẫn óc điều gì vương vướng. Trong thâm tâm ông Tiến có một điều không vui nho nhỏ: ông không thể chia sẻ với nhận xét ít nhiều có tính phê phán của trưởng Ban. Người làm chính trị phải luôn luôn nắm cái gốc của vấn đề, còn chủ trương biện pháp cụ thể là nhiệm vụ chiến đấu của giới chuyên môn, chỗ này trưởng Ban lấn sân người khác, mình nhất quyết không nhảy vào…
Ngẫm nghĩ kỹ, ông Tiến ngạc nhiên thấy trong suy nghĩ của tướng Lê Hải cũng có cái gì na ná như của đồng chí trưởng Ban, na ná như của Nghĩa.
…Những vị này nhìn xa trông rộng hơn ta?
…Hay là các đồng chí này đã có những dấu hiệu mệt mỏi, còn ta vẫn tỉnh táo, sung mãn?
…Chính tướng Lê Hải đã phải nói Nghĩa xin giải ngũ vì có liên quan đến hoàn cảnh gia đình éo le, đấy không phải là biểu hiện của mệt mỏi hay sao?..