Ông Tám phải đứng lại, gỡ tay cô ta ra:
– Cháu hỏi giờ thì bác đã nói rồi. Bây giờ đừng làm phiền bác nữa. Được không cháu?
– Bác nói thế thì cháu xin lỗi bác ạ. Cháu chào bác… – Cô ta nói rất lễ phép, rồi cúi mặt quay đi…
Hai chân ông Tám như chôn sâu vào lòng đất sau câu chào ấy. Ông chỉ biết khi ngẩng mặt lên thì không thấy cô gái kia đâu nữa…
…Người con gái này mới vào nghề, hay quá lành nghề? Gia cảnh cô ta thế nào? Nguyên cớ gì đẩy cô ta vào con đường này?… Ôi tại sao gái làm tiền mà có thể nói năng nhỏ nhẹ, lễ phép đến như vậy? Một người thất cơ lỡ vận? – Khác hẳn lời ăn tiếng nói quá ư hàng tôm hàng cá, quá ư mất văn hoá ông được xem trong chương trình Trận cười cuối năm trên ti vi đón Giao thừa Tết vừa rồi…
Ông cố nhấc chân được mấy bước, đã có hai em nhỏ đánh giày quỳ xuống chân ông:
– Giày của nội dơ quá, để con đánh cho.
– Không, nội để con đánh! Con đến trước thằng này!
Ông Tám lắc đầu, móc ví cho mỗi đứa một tờ hai nghìn đồng rồi tập tễnh đi tiếp như người không hồn.
Cả buổi chiều hôm ấy lòng ông nặng trĩu…
Ông Tám có nhiều bạn thuở hàn vi cũng như thời hoạt động trong vùng địch ở khắp đồng bằng sông Cửu Long, trên cao nguyên, và nhiều nơi khác nữa… Người đã hy sinh, người đã về với tổ tiên cũng nhiều. Người còn sống bây giờ đều nghỉ hưu từ lâu, một số không ít cuộc sống còn khá chật vật… Mỗi lần gặp được người này người nọ trong số còn sống sót, ông có cảm giác đấy là những giờ phút mình thật sự trở về với mình…
Có một lần ở Châu Đốc, ông hàn huyên với người bạn già bên cạnh chai rượu đế, đĩa đậu phộng rang… Quá khứ hào hùng sống lại, đồng thời hiện tại của vùng này cũng phơi bày ra trước mắt ông qua câu chuyện của người bạn già… Đó là đêm ngồi trắng đêm với Anh hùng lực lượng võ trang miền Tây Nam bộ Võ Viết Trản. Vài tháng sau ông được tin người bạn già này qua đời.
…Ôi nếu không gặp lại được anh Trản có lẽ mình sẽ ân hận suốt đời! Ảnh đã mấy lần chia lửa để cho mình thoát mấy trận bố của giặc…
Ông len lỏi lên Tây Ninh, nằm ở đấy mấy ngày với một chiến sĩ du kích cùng thời và dưới quyền chỉ huy của ông. Anh ta kém ông năm sáu tuổi, bây giờ cũng lên chức ông nội rồi, nhưng vẫn là một nông dân trồng mía bình thường… Ngoài những chuyện ngày xưa, ông hỏi kỹ câu chuyện trồng mía và nhà máy đường thuộc loại lớn nhất trong cả nước… Bây giờ thì ông hiểu, hiểu nhiều điều… Làm ăn thế này có ba đầu sáu tay lỗ vẫn hoàn lỗ thôi! Mà lỗ thế này ai chịu?..
Câu chuyện kéo dài suốt đêm.
Đến sáng, vừa ăn xong mấy bắp ngô luộc và uống bát nước chè xanh, khi ông đứng dậy từ giã gia đình người du kích này, bỗng nhiên có một xe ô-tô đỗ xịch trước nhà. Bước xuống xe là một phụ nữ đã luống tuổi, nhưng khoẻ mạnh, vẫn giữ được những nét đẹp thanh tú, cử chỉ chững chạc nhưng lanh lẹn, ăn vận quần áo bà ba đen, đội mũ cánh bèo, quàng khăn rằn. Nhìn thấy ông Tám, bà chạy đến ôm chầm lấy ông:
– Trời ơi, anh Tám. Anh về đây khi nào mà không cho em biết! – nước mắt vòng quanh trong khi bà nói.
– Trời! Cô Ba!… – Ông Tám không nói thêm được gì nữa.
– Em phải tìm bằng được cái mũ này, quàng cái khăn này đến thăm anh, vì em chỉ sợ anh không nhận ra cô Ba du kích ngày xưa của anh! – Trong khi nói, bà nhìn kỹ khuôn mặt ông, đưa hai tay ôm mớ tóc đã bạc trắng trên đầu ông, nước mắt trào ra… Bà đột nhiên ôm chặt lấy ông, thổn thức…
Ông Tám chết lặng.
Ông cứ đứng yên như thế, không nỡ gỡ tay người phụ nữ ra khỏi tay mình. Ông hiểu cô Ba muốn nói gì. Ông hiểu tất cả, ôm xiết cô Ba vào ngực mình…
Trong suốt mấy ngày sống với gia đình người chiến sĩ du kích năm xưa, ông Tám hỏi thăm rất nhiều về cô Ba, nhưng dặn đi dặn lại không được cho cô Ba biết ông đang ở đây. Rõ ràng chủ nhà đã tiết lộ bí mật…
…Hồi ấy, giữa hai người đã có mối tình sâu nặng, nhưng chưa có lấy một lần cơ hội tỏ tình với nhau. Tất cả vẫn chỉ là yêu thầm nhớ vụng, thế rồi chiến tranh đã cắt ngang tất cả. Ông phải chuyển sâu xuống đồng bằng miền Đông Nam bộ, còn cô Ba phải ở lại giữ làng, giữ hậu cứ… Nếu trên đời này có mối tình nào không thành nhưng vẫn là mối tình bất tử, có lẽ đấy là tình yêu của cô Ba dành cho ông Tám, lúc bấy giờ là một anh Tám đẹp trai, sôi nổi, nồng nhiệt, kiên cường và đầy mưu lược trong đánh giặc…
Cô Ba du kích đẹp nổi tiếng trong cả vùng, đánh giặc dũng cảm cũng nổi tiếng trong cả vùng. Trong một cuộc họp đại diện toàn vùng các lực lượng vũ trang hồi ấy, đồng chí đại diện lực lượng vũ trang Tây Ninh công khai khoe với cả hội nghị: “Thi đánh giặc thì chưa biết tỉnh nào ăn đứt tỉnh nào. Nhưng mình dám thách tất cả các tỉnh có được một cặp chiến sĩ nào đẹp đôi như Tám Việt và Ba Minh!..”
Lời thách đố ấy làm cho Tây Ninh trở nên vô địch, câu chuyện tình yêu TÁM Việt – Ba Minh đẹp như huyền thoại. Đau khổ khôn xiết là chiến tranh cũng làm cho câu chuyện tình này trở thành huyền thoại… Hòn vọng phu đội trời đứng mãi chờ chồng, còn cô Ba mang trong tim tình yêu chung thủy suốt con đường trường chinh của đời mình…
Chờ cho cô Ba nguôi đi, ông Tám nhẹ nhàng vuốt làn tóc đã điểm sương của cô Ba sang hai bên để nhìn cho rõ mặt nhau, ông ghé sát vào tai cô Ba, giọng thiết tha:
– …Xin em hiểu lòng anh cho anh! Mấy ngày nay anh hỏi rất nhiều về em… Trời còn thương anh… Trời còn cho anh được gặp em như thế này… Em ơi, hiểu lòng anh cho anh được toại nguyện… Ai thấu được nỗi lòng chúng ta, em ơi!..
Lúc này ông Tám khuỵu xuống, hình như ông còn đứng được là nhờ dựa vào cô Ba, hay là cả hai người còn đứng được lúc này là nhờ dựa vào nhau…
– Cho em ôm anh như thế này, và chỉ một lần thôi… Xin anh đừng nói gì nữa…
Hai con tim, cùng không có ý niệm về thời gian, cùng một nhịp thổn thức…
Hai vợ chồng người du kích già đứng ngay cạnh đó, ngây người ra nhìn. Họ cố im lặng để trân trọng giây phút thiêng liêng này… Khoé mắt người du kích già long lanh nước. Đây là hai con người ông thương cảm nhất trên đời, vì ông biết hết mọi chuyện của hai người…
Thời gian lặng lẽ trôi đi, như khóc thầm, như xót thương, như đồng cảm… Mãi ông Tám mới tự dứt ra được khỏi chính mình. Ông cố gượng gạo cười, chuyển sang nói chuyện khác:
– Trước khi chia tay, về công tác của em, anh chỉ xin góp ý: Em chọn cây mía để xoá đói giảm nghèo là đúng, nhưng phải đổi giống mía. Song về lâu dài, em cố làm cho Tây Ninh trở thành cửa ngõ giao lưu kinh tế với nước bạn, cửa ngõ xuyên Á… Không sống mãi với cây mía được đâu em à… Nhớ kỹ điều này cho anh em nhé… Cầu mong cho em mọi điều tốt lành!.. Cho anh đi nghen!
– …
– Chào em. Để cho anh đi em nhé… – ông Tám ngẩng lên, đắm đuối nhìn cô Ba một lần nữa…
Lúc này cô Ba mới buông ông Tám ra, lấy góc khăn rằn đang quàng lau nước mắt cho mình… Ôi cuộc đời riêng đã mỗi người mỗi ngả, …ngay từ ngày ông Tám rời chiến khu Tây Ninh…Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời cô Ba được thổn thức với người mình yêu… Cũng hôm nay, cô Ba thấu hiểu lòng ông Tám…
…Một với cương vị chủ tịch tỉnh, một với cương vị người phụ trách kinh tế của cả nước, cô Ba và ông Tám thỉnh thoảng cũng gặp nhau trong các hội nghị, trong các cuộc họp, trên cương vị chính thức của mỗi người… Đôi lúc hai người cũng có dịp nói chuyện với nhau, hỏi thăm nhau về cuộc sống riêng… Song có quá nhiều lý do, câu chuyện cứ diễn ra theo cương vị chính thức của mỗi người… Ông Tám vẫn cứ phải một điều gọi người mình yêu thầm nhớ vụng ngày xưa là đồng chí, là cô Ba, hai điều là đồng chí, là cô Ba…
Hôm nay là lần đầu tiên…
Cô Ba nắm lấy hai tay ông Tám, quàng lên cổ ông Tám chiếc khăn rằn của mình, lặng lẽ nhìn ông Tám, ôm ông một hồi lâu nữa rồi mới buông ra.
– Em lên xe đi. Xin em cho anh được đứng đây tiễn em… – Ông Tám cầu xin…
– Cố luôn luôn mạnh giỏi nghen anh Tám! Giữ gìn anh cho em… – cô Ba nấc lên, vừa nói vừa bước nhanh lên xe, cố nén những xúc cảm mà cô Ba lo không thể làm chủ được…
Xe đã đi ra khỏi khu rừng mía từ lâu, nhưng ông Tám vẫn đứng chết lặng một chỗ, ngơ ngẩn với chiếc khăn của cô Ba trong tay…
– Cô Ba du kích của chúng ta là thế đấy. Lúc anh đi khỏi chiến khu Tây Ninh, cô Ba tròn 19 tuổi, vì thế nên bây giờ… – Trong tâm trí người du kích già hình như quá khứ cũng cũng đang sống lại, mãi một lúc sau ông mới nói tiếp được: – …Không phải chỉ có kiên cường, trung hậu, đảm đang, mà còn là một bà chủ tịch giỏi, cả tỉnh này được nhờ, anh Tám à…
Lúc này ông Tám mới bừng tỉnh, ông phải vịn vai người du kích già một lúc…
Lại cái mũ vải trên đầu, cái túi toòng teng trên vai, chân đi đôi giầy thể thao, thêm cái khăn rằn ở cổ, ông Tám tiếp tục ra đi.
Lúc đi nhờ cả xe tải, bắt chuyện với anh tài xế loại đầu gấu, lúc lại trèo lên xe đò, có lúc lên cả tàu hoả… Đối với con người đã bao nhiêu năm lặn lội trong vùng địch hậu và trong chiến tranh, việc đi lại như thế quá dễ dàng đối với ông…
…Mấy ngày tại Hội Vang, ông Tám sống với ông bí thư chi bộ ngày xưa của mình hồi hoạt động ở Cần Thơ, bây giờ cũng là một lão nông. Ông bí thư chi bộ già đãi ông Tám món thịt nai ở vùng này và kể cho ông Tám nghe không biết bao chuyện đang diễn ra ở tỉnh từ khi có Nguyễn Bá lên làm chủ tịch. Trong họ, Bá phải gọi ông bí thư già này là ông trẻ. Chuyện đầu tiên ông Tám được nghe là chủ tịch huyện bị ông Bá đình chỉ công tác vô thời hạn, cử phó chủ tịch huyện lên thay. Ông Bá làm đúng lời hứa khi nhận chức:
– Những chuyện cũ gác lại hạ hồi phân giải. Nhưng kể từ nay, bất kỳ ai làm gì sai, tôi sẽ sử dụng hết mức quyền lực của mình…