Ông kiếm cái xe ôm quay trở lại chỗ bán hoá đơn, cũng hỏi mua một cái hoá đơn khống xem sao. Ông hỏi ngay cái người vừa bán lúc nãy, anh ta đang phì phèo điếu thuốc, thong dong lê dép quèn quẹt trên hè phố như người vô công rồi nghề.
– Anh ơi, sổ sách mình thâm thủng lớn. Làm ơn bán cho một hoá đơn đỏ để trám vào… Ra tay cứu mình đi…
Ông Tám đang nói vào cái tai điếc.
Mấy lần ông toan túm lấy vạt áo sơ-mi dài tới đầu gối của anh ta, nhưng ngần ngại. Ông đành lẵng nhẵng đi theo năn nỉ:
– Giúp mình một chút, anh bạn… Nếu không mình sẽ bị tù rũ xương mất thôi…
Đột nhiên người đi dép lê đứng lại, quả đấm của anh ta dí sát mặt ông Tám:
– Nè ông nội, thiếu tiền xài thì về bảo con cháu nó đưa cho. Già rồi mà ăn nói linh tinh có ngày dính đòn bể sọ đó!..
Nói xong anh ta vênh vênh đi tiếp, không thèm quay lại nhìn mặt ông Tám, chân lê dép quèn quẹt trên hè phố, tay thỉnh thoảng vẩy tàn thuốc lá vào bất kỳ đâu…
Tiếng dép lê quèn quẹt xa dần, thỉnh thoảng một cơn gió thổi bùng đuôi áo của người bán hoá đơn đỏ. Nhìn từ xa anh ta giống như một con tôm biết đi…
Ông Tám tần ngần một mình giữa phố, nhưng ông cũng dần dần hiểu thêm đôi điều…
Vài hôm sau ông đi sâu hẳn vào trong công trường, nơi ông biết là chỗ tiêu thụ các hoá đơn đỏ ghi khống… May mắn cho ông là được chuyện trò với một đội trưởng thi công. Anh ta là người tốt bụng và cởi mở. Hỏi tới hỏi lui ông biết công trường này là khu xây dựng các nhà cao tầng cho những hộ nghèo và những hộ phải đền bù vì di dời theo quy hoạch của Thành phố, giá cả đắt lẽ lưỡi, từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ cho một căn hộ… Nhà thì cái đang xây phần thô, cái mới xong phần móng, chỉ có một vài cái đã xây thô xong tới tầng chót.., thế mà toàn bộ các căn hộ ở đây đã được bán hết rồi. Ông nhớ đến chuyện có người xui con gái ông ghi tên mua bốn căn hộ cho gia đình ông trong khu này. Họ nói nhà ông Tám cả thảy có bốn người làm cho nhà nước, thừa sức được ghi tên mỗi người một căn hộ, chỉ mất công đi ghi tên thôi, nếu không mua họ sẽ biếu lại gia đình mỗi căn hộ từ năm mươi đến bảy mươi triệu đồng, tuỳ theo ghi tên mua loại căn hộ nào…
Dăm ba hôm sau lại rộ lên cái chuyện các cột móng của nhà cao tầng bị rút bớt thép… Rồi sau Năm Cam bây giờ lại đến vụ Hai Chi…
Ôi, lẽ ra nhiều việc phải làm khác đi!..
…
Cái ý lẽ ra nhiều việc phải làm khác đi ăn ngủ ngay trong đầu ông Tám, ngày đêm không buông tha ông Tám…
Chính đại tá về hưu Phạm Trung Nghĩa, đã đọc cho ông nghe ý này của Engels trong một lời tựa sau này viết cho Tuyên ngôn Cộng sản… Chuyện ấy đã lâu rồi, chẳng hiểu vì sao đoạn văn này ăn sâu tức khắc vào đầu óc tâm trí ông. Từ khi nghỉ hưu, các ý tứ của đoạn văn này càng nổi loạn, xông ra đối thoại với ông, chất vấn ông điều này điều khác – dù là tại bàn làm việc ở nhà, trên đường phố ông đang đi, hay là một nơi nào đó ông đến thăm, trên Tây Nguyên, tại các tỉnh miền Trung, trong những đêm mất ngủ…
…Ăng-ghen sau hai mươi nhăm năm Tuyên ngôn Cộng sản ra đời mới nhìn ra được vấn đề như thế. Còn mình, cả một đời người.., phải đợi cho đến khi đứng sang bên lề cuộc sống mới thức tỉnh được những điều cần thức tỉnh! Ôi, chẳng lẽ mình ngu lâu đến thế? Hay tại mình ôm cái ghế của mình lâu quá, yêu nó lâu quá nên mới chậm hiểu như thế? Chẳng lẽ phải chờ đợi lâu đến thế mới tỉnh được phần nào khỏi cái u mê của chính mình hay sao? Ôi sự chậm trễ chết người!..
Có cách gì làm cho tất cả cái đúng cái sai, cái xấu cái tốt, cái được cái không được…, tất cả cùng nhau phơi bày ra giữa thanh thiên bạch nhật, tất cả cùng nhau phô diễn công khai trước mắt mọi người, để người đời phán xét, lựa chọn, định đoạt… Ôi có cách gì thực hiện được lẽ phải đơn giản này không? Có cách gì luôn luôn tự cảnh giác được với chính mình? Tự mình sớm lôi được mình ra khỏi cái u mê của chính mình?..
Ông Tám Việt bây giờ có nhiều thời giờ để trăn trở, cũng có lúc để ăn năn nữa…
Dần dà ông nảy sinh ý nghĩ trù liệu cho mình một số việc, một số vấn đề ông muốn tìm hiểu với con mắt người về hưu. Một cuộc hành trình lang thang một mình, không bảo vệ, không bác sĩ, không thư ký…
…Càng đi lang thang, ông Tám càng cảm thấy hình như cùng một lúc trong con người mình có hai người khác nhau, đối thoại với nhau, đánh đấm nhau kịch liệt, đương nhiên là đánh nhau bằng lý lẽ…
Lại một lần nữa trong đời, ông Tám tự nghiệm thấy được sự đau đớn về tinh thần nhiều khi còn khổ sở hơn sự đau đớn về thể xác. Ông so sánh sự dằn vặt trong lương tâm mình hôm nay với đòn tù trong những ngày ở chuồng cọp(*)[(*) Một loại nhà giam cực kỳ dã man của Mỹ – ngụy.] mà sau này ông thoát ra được…
…Ôi một khi tự mình nhìn được những sai lầm của chính mình! Lúc còn đang đương chức đương quyền, cũng những nơi ấy, những sự việc ấy mình nhìn nhận với con mắt ấy, giờ đây mình lại nhìn lại với một con mắt khác!
…Lạ thật!..
…Bao nhiêu năm nay dọc ngang đất nước, hết công trình này đến công trình khác, bao nhiêu năm hết việc này đến việc khác qua tay, chưa bao giờ mình đích thực đi vào được cuộc sống như bây giờ. Thế là thế nào?
…Có lẽ gỡ bỏ đi những cảnh đón tiếp xe cộ rầm rầm nối đuôi nhau bụi mù đường sá, gỡ bỏ đi những buổi báo cáo long trọng lê thê của các địa phương, các cơ sở… Những cuộc họp đầy ắp những bản thuyết trình viết rất công phu, chữ dày cộp hơn nghĩa, những con số múa may quay cuồng đến hoa mắt, gỡ bỏ đi vô số mỹ từ, những cụm từ sáo mòn, gỡ bỏ đi mọi cuộc họp lê thê dằng dặc mà không bao giờ vượt qua được cái ngưỡng phô trương hỏa mù… Gỡ bỏ tất cả những thứ ấy đi, cuộc sống mình đang nhìn nhận với con mắt người nghỉ hưu hôm nay hình như có một diện mạo khác, hoàn toàn khác… Nhiều cái tốt nhìn chưa hết, nhiều cái tốt nhìn lại lại không hẳn như vậy.., nhất là nhiều cái yếu kém bây giờ mới lồ lộ ra..
Đúng là nhìn lại bao giờ cũng thấy có nhiều việc lẽ ra phải làm khác đi…(*).[(*) Trong lời tựa viết cho Tuyên ngôn Cộng sản nhân dịp 25 năm ra đời Tuyên ngôn này, Engels có viết một ý: Do tình hình thay đổi quá nhiều, nên Tuyên Ngôn lẽ ra có nhiều đoạn phải viết khác đi, nhưng vì trung thành với lịch sử nên tái bản lần này vẫn giữ nguyên bản như lúc mới xuất bản lần đầu.]
Đôi lúc chính ông cũng thấy lạ, khi còn là Tám Việt với đầy đủ chức danh của mình thì hình như đâu đâu cũng biết đến ông. Trong những năm tháng ấy, có lần ông chân ướt chân ráo vừa mới về đến nhà con gái mình ở Sài Gòn, lãnh đạo Thành phố cũng không biết ông về, thế mà lãnh đạo An Giang đã cho người sang xin báo cáo ông việc này việc nọ. Những lúc xong công việc, ông định trở ra Hà Nội, thường thường ông phải tiếp thêm một hai đợt khách đột xuất không hẹn trước từ nơi này hay nơi khác đến, khi thì Bà Rịa – Vũng Tàu, khi thì Tây Ninh, Sông Bé… Nhiều lúc ông nghi rằng người trợ lý tiết lộ chương trình và thời gian biểu làm việc của ông cho mọi người…
Nhưng bây giờ, trên đầu là cái mũ vải thường đội khi đánh ten-nít hàng ngày, cái túi vải toòng teng trên vai, bên trong là cái áo mưa, vài bộ quần áo thay đổi, cái bàn chải và kem đánh răng, quyển sổ tay, cái bút bi, cái chứng minh nhân dân… và cái ví lép kẹp đủ tiền tàu xe, chân mang đôi giầy thể thao… Cứ thế ông lang thang một mình hết nơi này đến nơi khác, cả thiên hạ không biết Tám Việt là ai.
Người ta quên? Người ta không nhận ra ông? Người ta không cần biết đến ông nữa? Tám Việt một thời lừng danh một cán bộ lãnh đạo dám quyết dám làm, một thần tượng… không tồn tại nữa..
Tất cả những câu hỏi, những suy nghĩ như thế chẳng gợi nên điều gì đối với ông. Ông còn cảm thấy thích thú là khác, vì chưa bao giờ ông được thấy cuộc sống thực lại ngang nhiên phơi bày ra trước mắt mình, không e dè đậy điệm, không thèm trang trí… Kể cả đôi lúc ông bị anh “ét” của tài xế xe đò hay anh công an hộ tịch, người gác cổng cơ quan, xí nghiệp… đối xử với ông lỗ mãng hay ăn nói xách mé đến nóng tai… Ông không hề bận lòng cho mình, nhưng ông không khỏi băn khoăn về cái kiếp thảo dân của bao người khác mà ông có thể trải nghiệm ngay ở bản thân mình trong chuyến lang thang này….
…Nhà nước ta sao bây giờ có nhiều người hỗn láo với dân như thế được nhỉ, từ cái anh gác cổng trở đi!?.. Nếu có việc gì phải lụy nữa thì chưa biết sẽ bị hành hạ như thế nào…
– Chết thật, phải làm dân mới biết thế nào là dân! – Ông tự nói với mình như thế không biết bao nhiêu lần.
Một lần, ông đang lững thững vừa đi vừa nhìn người, nhìn cảnh trên vỉa hè, có người vô ý đụng vào ông. Đấy là một cô gái còn trẻ lắm, ăn vận trang điểm thanh nhã. Cô ta xin lỗi rồi đi tiếp. Được một quãng lại chính cái cô vừa mới đụng vào ông quay lại. Cô ta hỏi:
– Anh làm ơn cho em hỏi mấy giờ rồi ạ.
Ông Tám lúc đầu không hiểu cô này nói với ai. Cô này trẻ quá, có lẽ còn ít tuổi hơn con gái ông, mà ông thì già thế, cách xưng hô thật lạ lùng. Ông đứng lại, xem đồng hồ rồi nói:
– Mười một giờ cháu ạ.
– Mời anh đi chơi với em đi, nhà gần đây thôi…
– Vào giữa trưa thế này?
– Anh yên tâm, bảo kê hoàn toàn, có đồ nhậu ngon lắm… – cô ta chưa hết lời, tay đã bám vào tay ông, như con bám vào tay cha…