– Đúng là nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò! – Ông Tám nâng cốc với nụ cười hiền hậu.
Còn bà Tám vừa cười rũ, vừa quay ra gọi người phục vụ ăn uống mang thêm bia và đồ nhắm. Ông Tám cũng gục đầu xuống bàn mà cười. Chờ cho tiếng cười lắng xuống, ông mới chậm rãi:
– Trên đời này ngoài mình ra có lẽ không ai được nghe điếu văn về chính mình. Người chết còn được chạm cốc với người sống nữa, thế mới hay chứ! Cảm ơn hai anh bạn!.. – Ông chạm cốc với hai bạn trẻ và bà Tám…
Bây giờ đến lượt hai anh sinh viên không còn đủ sức nhịn cười nữa, cả hai bắt đầu cười rũ ra, khiến cả bốn người lúc này cùng phá lên cười.
– Thế mà trong khi đọc điếu văn cháu chỉ sợ bác ném cái ly bia vào mặt cháu, vì cháu cũng tự biết là cháu nói hỗn quá!
– Sau Tết trở ra Hà Nội, chúng mình sẽ đi kiếm sống bằng nghề đọc điếu văn thuê đi!
– Nghĩa là càng nhiều người chết thì chúng mình càng sống?
Họ không để ý đến tiếng còi tàu báo hiệu sắp đến Huế. Mấy bàn ăn chung quanh ngơ ngác nhìn sang…
Khi trận cười của bài điếu văn tế sống ông Tám qua đi, anh sinh viên nọ nhấc ly bia lên, ngẫm nghĩ một lúc rồi lại đặt ly xuống, trên mặt thoáng một nét tư lự:
– Bác Tám Việt ạ, nghĩ đi nghĩ lại, cháu lại thấy là bác điên thật bác ạ!.
Ông Tám vẫn cười, nhưng cảm thấy trong người mình có một cái gì đó khựng lại. Ông không cảm thấy cả cái thế giới bên ngoài vẫn chạy ngược lại phía sau không nghỉ…
Thì ra cái việc chỉ vẻn vẹn ba chữ “hưu là hưu” quả là khó hơn ông Tám nghĩ. Đã chuyển xong xuôi vào thành phố rồi mà ông vẫn cứ mất vô khối thời giờ để từ chối, để thanh minh, để giải thích những việc như ông đã gặp trong hai năm cuối cùng vừa rồi ở Hà Nội.
Bây giờ tự dưng lại có một đám người nhân danh nhà báo, nhà văn và nhà xuất bản đến nằng nặc xin phép xuất bản sách viết về ông.
Lúc đầu ông Tám từ chối rất nhẹ nhàng:
– Các anh thông cảm cho, lãnh tụ tôi không phải, nghệ nhân cũng không, càng không phải là nhà khoa học hay nhà quản lý nổi tiếng gì. Công việc tôi làm có đôi ba việc tạm gọi là được thật đấy, nhưng vô khối sai lầm thiếu sót. Xin các anh miễn cho mọi việc viết lách… Đừng làm khổ tôi, nhất là đừng làm khổ người đọc…
– Anh ơi, bao nhiêu người mến mộ anh, ca ngợi anh là người dám quyết, dám làm, dám tự chịu trách nhiệm, là kẻ phá rào số một…
– Thôi, tôi van các anh. Đất nước còn nghèo lắm, đã có cái gì đâu để mà ca tụng nhau! Ngay cả những việc đã làm được cũng là nhỏ nhoi! Các anh cứ nhìn ra các nước chung quanh mà xem… Tôi van các anh…
Lời lẽ trao đi đổi lại mãi, ông Tám nhất định giữ nguyên ý kiến của mình, câu chuyện trở nên căng thẳng.
– Xin đề nghị anh viết hồi ký, anh không viết. Xin anh cho chúng tôi tự sưu tầm tài liệu viết về anh, anh cũng không cho. Thâm ý của anh là muốn chứng tỏ mình khiêm tốn còn hơn cả Bác Hồ! – Một người trong đám nhà văn nhà báo cùng cánh với nhau nói thẳng như vậy vào mặt ông Tám. Họ quá bực vì đề nghị của họ bị khước từ.
– Trời đất, các anh hiểu nhầm tôi hết trọi rồi! – Ông Tám giơ cả hai tay lên trời phân bua: – …Lịch sử của nhân dân thì đừng vơ vào cho mình các anh ơi! Tôi xin các anh đấy!..
Đám phóng viên ngơ ngác, một vài người gật gật, trong lòng chịu ông Tám có lý. Song anh chàng ngoan cố đầu bọn cứ lải nhải hoài:
– Cả nước chỉ có một Bác Hồ thôi anh Tám. Anh định làm Bác Hồ thứ hai thì không được đâu!
Câu nói làm cho ông Tám đứng bật lên. Ông xắn tay áo rồi chỉ vào người đang nói:
– Anh giả tỉnh giả say ăn nói với tôi như vậy, tôi xin mời tất cả các anh ra khỏi nhà tôi ngay tức khắc. Tôi sẽ còn yêu cầu Hội nhà văn nhà báo kiểm điểm các anh việc xúc phạm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh!
– Chết, xin anh Tám, em trót lỡ miệng… – Anh chàng lải nhải chống chế: – … Nhưng anh cũng phải thấy nghĩa vụ của mình giáo dục hậu thế chứ ạ! Anh còn là đảng viên lâu năm, anh cũng có nghĩa vụ làm đẹp lịch sử của Đảng, đề cao vai trò người đảng viên của Đảng chứ!
– Tôi thực tình không hiểu tại sao cứ phải mài mãi lịch sử ra mà sống thế hả các anh? Cuộc sống này chẳng có gì đáng sống, đáng viết nữa hay sao?.. – Ông Tám đã trở lại bình tĩnh.
– Em nói thế này anh đừng giận: Anh chẳng thức thời chút nào! – Vẫn cái anh lải nhải.
Ông Tám cảm thấy đôi co mãi thế này chỉ tổ mất thời giờ, đã đến lúc phải quyết liệt:
– Thế này nhé, ngoài việc dạy bảo con cháu tôi, tôi không có bất kể một nghĩa vụ nào như các anh nói. Các thế hệ mai sau không cần chờ đến sách của các anh mới biết cái gì là điều hay lẽ phải, cái gì là dở là xấu. Mà chắc gì các anh đã viết lên được điều hay lẽ phải? Lịch sử Đảng, vai trò của Đảng, hình ảnh người đảng viên cũng không phải nhờ đến sách của các anh vẽ lên thế nào thì người dân tin yêu như thế! Các anh có nịnh Đảng hay lừa dân, thì ngòi bút của các anh tài ba đến mấy cũng không đánh lừa được người đọc. Các anh có vẽ tôi thành ông thánh hay con ngáo ộp thì tôi vẫn là tôi!.. – Ông Tám nói một thôi một hồi.
Mấy ông nhà báo tạm ngồi im một lúc, sau đó một người đấu dịu:
– Anh Tám ạ, anh đã căng đến mức ấy, thì tụi em xin phép anh cho tụi em tự sưu tầm, tự viết về anh nhé.
– Quyền viết văn viết báo của các anh, các anh muốn làm gì thì các anh tự chịu trách nhiệm lấy. Nhưng tôi nói trước nhé: Hễ bất kỳ một quyển sách, một bài báo nào viết về tôi, thì ngay lập tức tôi sẽ có thư ngỏ nói công khai trên báo chí đấy là việc các anh tự ý làm và phải tự chịu trách nhiệm, trong trường hợp cần thiết tôi sẽ không tiếc lời phê phán những sai trái đâu…
Sau khi cuộc sống về hưu hoà nhập hẳn vào dòng chảy cuộc sống bình thường hàng ngày, ông Tám bắt đầu nhìn lại những công việc mình đã làm.
Ngày ngày ông nhấc chân nhấc tay làm đôi ba việc cho vui. Nếu không sửa cây cảnh, thì lại lúc chữa cái ghế, lúc sửa lại cái xe đạp tập thể dục cho bà Tám, chăm sóc cái vườn hoa con con phía trước nhà… Chiều chiều ông đến trường đón đứa cháu gái lúc tan học về. Trường không xa lắm, hai ông cháu cùng đi bộ, vừa có thời giờ hai ông cháu chuyện trò với nhau, vừa thay cho tập thể dục. Cũng có lúc ông cùng với cháu gái nhân tiện kết hợp đi chợ giúp bà mua thứ này thứ khác trên đường từ trường về nhà. Thời giờ rảnh rỗi một mình, lúc ông đi xe ôm, lúc ông đi bộ, có lúc ông leo lên xích-lô đi khắp mọi nơi trong Thành phố. Thành uỷ nói khi cần đi đâu ông cứ gọi xe cơ quan đến đón, nhưng đến bây giờ ông chưa cần đến…
Ngay từ ngày 30 Tháng Tư ông đã tham gia Ban quân quản Thành phố. Hơn một năm sau ông được điều ra Trung ương để bổ sung cho mặt trận kinh tế. Bây giờ ông có dịp nhìn lại. Một phần tư thế kỷ tạo ra cho ông khoảng cách cần thiết để nhìn nhận lại tất cả. Từ những ngày phải lấy cả bo bo bổ sung cho các khẩu phần lương thực để phân phối trong thành phố đến hôm nay thật quả là một chặng đường khó quên… Bây giờ về nhiều phương diện Thành phố là trung tâm lớn nhất, là đầu tầu kinh tế cả nước, đời sống khá giả hẳn lên… Hồi ấy không thể hình dung được ngày hôm nay, một chặng đường dài, gian khổ gập ghềnh, và biết bao nhiêu đau khổ nữa… Những chặng đường khổ ải sau chiến tranh không bao giờ quên!..
Đám các chiến hữu cũ của ông, trong đó có Hai Phong, rồi đến những người ông mới quen biết sau này như Hai Hân, Ba Khang, Bảy Dự, Tư Cương.., đám con cháu bà Sáu Nhơn… lại là những người giúp ông nhìn thấy nhiều khía cạnh trước đây ông không hề để ý trong đời sống của Thành phố. Cái được cũng nhiều, mà cái hỏng cũng nhiều. Đúng thời kỳ này lại có hiện tượng một loạt doanh nghiệp và công ty lớn trong thành phố theo nhau đổ bể, bao gồm đủ các lĩnh vực: xuất nhập khẩu, ngân hàng, kinh doanh địa ốc, công nghiệp gia công… Có quá nhiều chuyện chưa biết hư thực thế nào về các vụ đổ bể này…
– Lêgarment đổ là do ông nọ đánh ông kia!
– Đâu có, do giám đốc phạm luật!
– Đại gia Việt Hưng đổ cũng đáng đời, ô cụp rồi thì phải tự mình chịu trận thôi.
– Luật thuế cứ thay đổi như chong chóng thì bố Việt Hưng cũng đổ, ô với dù quái gì!
– Một xí nghiệp quốc doanh mà cõng đến ba bốn công ty nhánh của vợ con các chức sắc, thì có là hàng không mẫu hạm cũng phải chìm…
– …
Càng lặn sâu vào cuộc sống hàng ngày trong Thành phố, ông càng nghĩ lẽ ra nhiều việc phải làm khác đi…(*) [(*) Trong lời tựa của F.Engels cho Tuyên ngôn Cộng sản, được viết vào dịp xuất bản lúc Tuyên Ngôn này 25 tuổi.] Đôi lúc ông phải thú thực với chính mình: đời sống kinh tế của Thành phố có những mảng chẳng khác gì những trận đồ bát quái, ông càng lao vào, càng lạc lõng…
Ông đã mấy lần lảng vảng ở một góc đường hàng giờ, xem người bán và người mua những hoá đơn đỏ ghi khống, có dấu đỏ ký tên đàng hoàng. Có lúc ông nghe được rõ ràng họ mặc cả với nhau… Giá mỗi hoá đơn đỏ như vậy tuỳ thuộc vào con số ghi khống lớn hay nhỏ và nội dung cái dấu đỏ của nó. Hình như mỗi dấu đỏ có loại giá riêng…
Có lần ông leo lên xe ôm đi theo người mua hoá đơn ghi khống như vậy ra đến tận công trường… Nhưng đến đây thì ma dẫn lối, quỷ đưa đường, mọi thứ đều “lặn” hết vào các bên “B phẩy” không biết thứ bao nhiêu…