Ông Chín không muốn mất thời giờ về cái chuyện ông cho là tầm phào này, muốn kết thúc nó:
– Bà định bảo tôi trồng cây gì ở đấy?
– Tôi đã chọn được cây xoài, xoài tượng hẳn hoi.
Hai bàn tay ông Chín không vỗ bạch bạch nữa, mà quay ra ôm lấy cả cái bụng ông đang rung lên vì cười:
– Coi bộ bà đến lúc lên chầu trời vẫn thèm ăn xoài sao? Trồng cây lưu danh thì phải chọn cây đa cây đề gì đó chứ! Sao lại chỉ nghĩ đến ăn?
– Thấy chưa, mở mồm là rủa tôi chết! – Bà Chín đay nghiến chồng. – …Ừ ừ, nhưng ông có lý… Tôi lại không nghĩ ra… Mai tôi đến chùa bảo đổi cây khác ngay. Ông định bao giờ đi?
– Làm xong việc cầu tự thì việc trồng cây mới có ý nghĩa!
Câu trả lời nửa nạc nửa mỡ của ông Chín làm bà cho Chín ngây người ra tần ngần, vì bí. Bả không làm sao phân biệt được ông Chín nói thật hay nói đùa, nhưng không bắt bẻ được.
– Bà cũng đồng ý thế có phải không?..
– ???
– À này, tôi quên chưa hỏi. Bà làm lễ cho tôi ở chùa theo tuổi nào đấy? Tuổi sai thì lễ bái của bà là việc láo toét!
– Năm ngoái tôi đi làm lễ giải sao La Hầu cho ông theo tuổi nào thì năm nay tôi làm lễ theo tuổi ấy. Nghĩa là đúng cái tuổi ông sinh ra, chứ không phải cái tuổi khai trong lý lịch của ông đâu. Tôi không đến nỗi ngu như ông nghĩ!
Bây giờ đến lượt ông Chín cười trừ.
– Thôi được, cứ đứng đấy mà cười. Thế ông có biết đợt này đang có cái đại sự gì mà các chức sắc kéo nhau đi lễ đông thế không? Toàn những người quen nhẵn cả mặt!
Cái cười trên mặt ông Chín tắt ngấm, một câu hỏi văng ra rất nhanh:
– Toàn những thằng quen? Bà nói lại đi!
Ngay tối hôm đó, ông Chín bỏ cái lệ sau khi ăn cơm xong là ra ngồi trước tivi trong phòng ăn, vừa xỉa răng, vừa uống nước để cho cái bụng nó xuôi xuôi một chút. Ông cũng chẳng thèm hỏi bà Chín câu hỏi lâu nay đã thành lệ: “Tối nay tivi có chương trình gì hay không bà?”…
Khi ăn đã hùng hục, chẳng nói chuyện gì, đầu óc ông Chín hình như bữa nay để ở đâu đâu. Bà Chín gần như vừa ăn vừa nói một mình suốt bữa cơm.
Buông chén đũa xuống, ông Chín đùng đùng đứng dậy, gạt phăng cái ghế bên cạnh sang một bên lấy lối đi, chẳng nói chẳng rằng đi thẳng về phòng ngủ của mình.
Bà Chín ngơ ngác nhìn theo chồng, mà không sao đoán được chuyện gì đang diễn ra trong đầu ông Chín.
…Bạch Liên thì mình nắm chắc từ bao nhiêu năm nay rồi, ông ta không thể có cơ hội lơ tơ mơ trong đầu… Nó cứ ló mặt vào nhà là mình theo sát từng bước hoặc có việc kéo đi cùng ra khỏi nhà, nhất là hồi này có nhiều áp-fe (affairs) – Bạch Liên vẫn gọi công việc là như thế… Nhưng còn con ô-sin phây phây trong nhà…
Phải rồi, nhưng từ giờ trở đi sẽ khác… Sắp đến sẽ còn có cái chuyện cầu tự… Chuyện này mình đã chấp thuận rồi… Thế ổng còn đòi cái gì nữa?
…Mình có làm gì cho ổng giận không vậy? Cả ngày hôm nay, rồi suốt bữa cơm chiều nay, chỉ nói rặt chuyện lễ bái thôi, có đụng chạm đến công việc nào đâu? Có cái chuyện tệ hại nhất trong khi đi lễ thì mình đã ngậm tăm rồi… Hay là lại lên cơn thèm Bạch Liên? Hồi này hay giở chứng ra như thế… Mà chuyện cầu tự thì thầy Bỉnh đã nói rồi, mình đã bật đèn xanh, tự ổng phải đi thu xếp lấy chứ…
Bà Chín đã lâu không gần chồng…
Lâu lắm lắm rồi, chẳng làm sao mà nhớ được lần cuối cùng là khi nào nữa. Bao nhiêu tháng? Bao nhiêu năm?.. Nhưng cái đau rát buốt trong bụng xói lên ngực, rồi xiên lên óc… quên đi thì thôi, bất kỳ lúc nào nghĩ đến nó bà lại thấy sợ phát khiếp, khắp người nổi da gà… Ngay bây giờ cũng thế… Nhưng cái ghen thì không lúc nào quên, dù là đã phải chấp nhận lời khuyên của thầy Bỉnh… Thôi, phận mình đành chịu ngậm bồ hòn làm ngọt vậy… Cái cảm giác rát buốt xiên đến óc an ủi bà như thế…
Bà Chín ngồi một mình trước tivi, mải nghĩ, không biết là tivi đã bắt đầu chiếu tập 4 bộ phim “Mối tình Paris” của Hàn Quốc mà bà rất thích…
– Bà sang đây ngay với tôi! – ông Chín đột ngột bước vào, nắm tay bà Chín lôi đi xềnh xệch đi về lối phòng ngủ của mình.
– Ô hay, ông làm gì vậy?
– Đi vào đây! – Ông Chín một tay mở cửa phòng ngủ, một tay kéo bà Chín lên giường.
– Ông!.. Ông… – Bà Chín thấy quai hàm mình cứng lại, nói không ra lời, cái cảm giác rát buốt trong bụng từ bao giở bao giờ lại làm cho bà nổi da gà khắp người.
Ông Chín không nói không rằng, ẩy mạnh tay, làm bà ngã ngửa xuống giường. Cái cảm giác rát buốt trong bụng kéo bà Chín bật dậy theo bản năng, hai chân bà tụt vội xuống đất. Ông Chín lại ấn bà nằm xuống, bà lại bật dậy. Cứ thế lần sau bật dậy càng nhanh hơn lần trước. Ông Chín phát điên:
– Nằm yên! – Ông Chín quát to.
– Ông… ông…
– Đã bảo nằm yên là nằm yên! Đợi đã…
– Xin ông… Xin ông… – Bà Chín quá sợ hãi không nói được nữa, đành nằm chết cứng trên giường.
Ông Chín huỳnh huỵch một mình lúc nữa chung quanh cái bàn làm việc, bới tung bới toé các thứ trên bàn. Mãi một lúc sau ông Chín mới chỉ lên cái bàn trước mặt ngổn ngang các băng video, cầm một vỏ băng đưa ra trước mặt bà Chín:
– Tôi tìm gần chết mới thấy cuốn băng này.
– Bao nhiêu năm nay ông toàn rước những cái của nợ này về nhà…
– Tôi đã bảo bà nằm yên!
– Ông xem những cái băng độc hại này làm gì! Trẻ trung gì nữa đâu! Ông còn háo gì nữa!..
– Đừng nói linh tinh.
– Thế thì ông vác những cái của nợ này về nhà làm gì?
– Cái của nợ là để cho những chuyện của nợ.
– Những băng của nợ này tôi không xem đâu! – Bà Chín lắc đầu nguây nguẩy, bật ngồi dậy, hai chân đã chạm đất.
Ông Chín ấn vai bà Chín ngồi xuống giường:
– Bà phải xem cùng từ đầu đến cuối!.. Xem thật kỹ vào cho tôi!.. Hôm nay xem băng khác.
– Ông nói cái gì?
– Không hỏi nữa, xem thật kỹ vào. – Ông Chín mồm nói, tay ấn vai bà Chín ngồi xuống giường, tay bấm ri-mốt (remote).
Trên màn hình hiện lên cảnh buổi hội nghị về công tác tư tưởng đảng viên của Thành phố, tới đoạn ông Chín là diễn giả chính… bà Chín kêu lên:
– Tôi xem cái này trên tivi cách đây hai tuần rồi.
– Bà cứ ngồi yên xem đi. – Tay ông Chín vẫn đè lên vai bà Chín.
– Ôi, ông thì to ngang, lùn tè, họ kê cho ông đứng lên trên mấy cái ghế mà trông ông cứ lừng lững trên bục mi-crô thế này!..
– Yên!
– Tay lại còn vung lên vung xuống… Oai quá!
– Ngồi yên xem đi!
…Đảng viên là phải đi đầu gương mẫu thực hiện chính sách, thực hiện luật pháp! Ai phạm tội thì phải trừng trị! Trừng trị nghiêm khắc! Bất kể chức vụ gì! Bất kể quá khứ có công lao gì! Không như thế phép nước không nghiêm! Không như thế dân mất lòng tin! Bất kỳ ai! Không có cái chuyện chỉ đánh từ vai trở xuống!.. Các đồng chí nghe rõ chưa?.. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta một lòng xốc tới!..
– Ôi, ông nói oang oang hùng hồn quá!
– Đừng nói! Tôi biểu bà ngồi yên xem cho kỹ vào mà!
– Ủa tôi xem những thứ này làm gì? Ngoài kia phim bắt đầu chiếu rồi!
– Bà nhớ lại cho tôi trên màn hình này bà đã gặp mặt những thằng nào con nào trong các buổi bà đi lễ.
– Trời ơi, sao không nói ngay từ đầu! Bây giờ mới bảo làm sao tôi nhớ được!
– Thôi được, tôi tua lại băng. Nhận mặt được đứa nào trong các buổi lễ bà cứ xướng to lên. – Ông Chín miệng nói, tay bấm ri-mốt…
– Ông phải vặn cái loa nhỏ hẳn đi cho tôi đỡ rối!
– Được.
Trong phòng chỉ còn tiếng video quay rè rè nhẹ nhẹ.
Bà Chín như dán mắt vào màn hình nhỏ theo yêu cầu của ông Chín:
– … Bảy Tánh này, Tư Đớp… Kia là là… Năm Ngòi, bên cạnh là Hai Bội… Cạnh Hai Bội là … con mụ gì đã mua lại một mảnh đất của mình ở Cụm 9, mụ gì…?
– Út Bưởi! Chỉ kể những đứa đi lễ thôi nghen! – Ông Chín nhắc.
– Cả Hai Ngốn nữa kìa…
– Đừng bỏ sót đứa nào.
– Ông định kỷ luật hết những người đi lễ à?
– Bà hỏi vớ vẩn!
– Vậy nhận mặt những người này để làm gì?
– Toàn là những đứa đang có vấn đề với tôi.
– ???
Tập 4
Triều Dâng
24.
Không có ấn để tính cái ngày treo ấn từ quan, ông Tám Việt đành lấy ngày viết đơn xin nghỉ hưu thay cho sự kiện đáng ghi nhớ này vậy. Kể từ ngày ấy, đến hôm nay, nghĩa là đến khi ông làm xong mọi việc, nhất là những việc dang dở phải bàn giao, rồi việc làm thủ tục nghỉ hưu, di dời hộ tịch.., để hai vợ chồng ông chuyển hẳn vào Thành phố sống với tư cách là dân thường, đã gần hai năm trôi qua. Ông bà sống chung với vợ chồng con gái mình và hai đứa cháu ngoại trong căn nhà ông được cấp khi còn tham gia lãnh đạo Thành phố, nay vẫn còn do Sở nhà đất của Thành phố quản lý, chưa làm xong thủ tục bán hoá giá – nghĩa là quá muộn so với nhiều nhà khác đã bán hoá giá cho người đang ở.
Trong đám quen biết cũ ở Thành phố, người thì gọi ông Tám là lão thành cách mạng, người thì trêu trọc ông bằng cái tên phó thường dân VIP.
Riêng Tám Việt, ông chỉ quan tâm mỗi một chuyện là đã về hưu thì cống hiến đất nước theo nghĩa vụ của người về hưu, đơn giản là suốt đời gắn bó với sự nghiệp của dân tộc mình, của đất nước mình, ông không bao giờ cho phép mình nghỉ ngơi.
– Ông nói nghỉ hưu thì cống hiến theo cách của người nghỉ hưu nghĩa là thế nào? Thực lòng, bà Tám Việt muốn chồng thực sự được nghỉ ngơi.
– Bà thử đoán xem?
– Ông lại làm cố vấn cố veo, làm chủ tịch danh dự, đặc phái viên của ông này ông nọ… Tôi sợ ông sẽ rơi vào con đường này của bao nhiêu người đi trước…