– Thôi chết tôi rồi, lẽ ra bà phải hỏi ý kiến cô Bạch. Cần có ảnh có băng ghi hình lưu niệm thì bỏ ra mấy đồng thuê mấy thằng cha phó nháy có phải là đỡ rách việc không! Cái bệnh đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành của bà nó làm hại cả nhà đấy!
– Nhưng lúc ấy cô Bạch vẫn đang ở ngoài Bắc, đã về đâu mà hỏi! Chỉ giỏi mạnh mồm vu khống người ta!
– Thôi, không cãi nhau nữa! Có truy được thằng nào viết bài nào không?
– Đừng mất công làm chuyện này anh Chín à, họ ký bút danh hết. Đụng vào họ là thêm phiền nữa cho mình. – Bạch Liên can ngăn.
– Thôi được, tạm quên mấy thằng trời đánh này đi. Qua đám tang này tôi thắng lớn, nhẹ cả người.
– Ông thì lúc nào mà chẳng thắng lớn, thắng đơn thắng kép! – Đay nghiến chồng hình như đã trở thành thói quen của Chín bà.
– Thắng lớn thật mà, lâu nay có một số việc đấu đá nhức đầu một chút. Nhưng nhà có tang, bí thư đến viếng tận nhà, lại động viên tôi cố gắng giữ gìn sức khoẻ vì công việc sắp tới rất bận. Rõ ràng ổng chưa muốn loại tôi.
– Anh Chín quá lo xa đấy thôi ạ. Ai dám loại anh? – Thắng nịnh.
– Lời tự miệng bí thư nói ra, tôi nhẹ cả người. Đấy là thắng lợi thứ nhất. – Ông Chín giảng giải.
– Ông mà cũng sợ bí thư đến thế à? Ông vẫn bảo là chính tay ông vun vào và coi nó là đàn em của ông cơ mà… – Bà Chín khiêu khích.
– Khi còn ở “rờ” nó là đàn em thật, công lao vun vào cũng có. Nhưng bây giờ nó giữ cương vị bí thư thì lại là chuyện khác. Thắng lợi thứ hai của tôi là đẩy được Tuyến cò về nước. Bà muốn gọi là thắng lợi kép cũng được!
– Nó đang làm ăn với tôi yên lành, sao ông phải tống khứ nó đi?
– Bà chẳng hiểu gì cả, đi đâu nó cũng vác cái thư rởm đề nghị Thủ tướng uỷ nhiệm cho nó đi vay vốn nước ngoài, nó cuỗm được khối tiền của một số cơ quan chung quanh việc này… Biết đâu có thể tới bạc triệu…
– Triệu tiền Việt hả? – Bà Chín hỏi.
– Tiền Việt thì nói làm đếch gì! Công an kinh tế đã có ý kiến phải theo dõi. Nghe đâu ngân hàng cổ phần Việt Phát cũng bị nó làm một vố đau. Sự việc như thế là bắt nó đến nơi rồi, lệnh đã thảo rồi. Thế mà bà thì cứ dính chặt vào nó! – Ông Chín giảng giải.
– Này ông ghen hả? – Bà Chín nổi tam bành.
Nhưng ông Chín phá lên cười tưởng chừng cửa kính trong phòng vỡ hết, khiến bà Chín cụt hứng.
– Sao, ghen với bà hả? Nói chi mà kỳ vậy? Nếu thế thì phúc đức cho tôi quá! – Ông Chín phải nghỉ một lúc vì cười, – …Bà cứ dắt nó đi hết cơ quan này lại đến công ty khác… Chỗ nào bà chìa mặt ra mà người ta lại không phải giúi cho bà hay cho nó mấy đồng, hứa hẹn điều này điều khác? Bà có tính sổ là đã giúp nó moi được bao nhiêu tiền của nhà nước không?
Ngồi nghe mà Thắng rùng mình, càng khâm phục cái tài quyết đoán của Bạch Liên. Còn những khoản tiền Bạch Liên nhờ Tuyến cò để ở tài khoản nước ngoài chỉ có trời biết…
– Cô Bạch không mạnh tay tống khứ nó đi thì hậu quả khôn lường đối với cái nhà này. – Ông Chín càng được thể.
Bà Chín bị chồng thẳng thừng chế giễu nên lúng túng, mãi mới phản công lại được:
– Chỉ có thế thôi à? Ông còn thắng lợi gì nữa nói nốt ra đi? – Vẫn cái giọng đay nghiến chồng.
Trò đời có tật giật mình, câu hỏi vu vơ làm Chín ông chết ngắc.
Không rõ vô tình hay cố ý, đúng lúc này Bạch Liên mở ví đầm, dùng ngón tay cái và ngón chỏ nhón lấy chùm chìa khoá giơ lên gần trước mặt ông Chín cho mọi người nhìn thấy. Ông Chín chớp mắt mấy cái liền, rồi nghệt mặt ra.
Nhưng Bạch Liên tỉnh bơ:
– Em trao trả cho chị một nhân chứng lịch sử!
Bạch Liên đã nói hết câu, chùm chìa khoá đã gọn trong tay bà Chín, thế mà mắt ông Chín vẫn trợn tròn, mồm há hốc, toàn thân ngay đơ như bị ai đó điểm đúng huyệt cấm.
– Ôi cô Bạch nói năng văn hoa quá! – Bà Chín nhận chùm chìa khoá từ tay Bạch Liên.
– Nó xứng đáng là nhân chứng lịch sử đấy chị ạ! – Bạch Liên cười ranh mãnh.
– Tôi biết mà, cô giữ nó thì tôi yên tâm!
Khi hiểu ra, đến lúc này chính Chín ông lại muốn cười lắm, nhưng cố bấm bụng, không dám cười. …Ôi không thể nào quên… cái đêm hôm ấy… Bạch Liên ơi! Không thể nào quên! Câu chuyện trên bàn ăn ngắt quãng một lúc.
– Hai thắng lợi to thế mà bà chưa thoả mãn hả? – mãi Chín ông mới vớ được cái ý này để nói thành lời. -… Nhưng xem ra tôi thấy chi tiêu cho đám tang như thế tốn kém quá đấy.
– Chuyện vặt thôi anh Chín, Trung tâm trang trải xong hết rồi ạ. – Thắng đỡ lời.
– Vặt nhưng là bao nhiêu? Tôi cũng cần biết để có ý niệm về công việc. – Chín ông hỏi gặng.
– Anh khăng khăng hỏi thì em phải báo cáo. Nói tiền Việt thì nghe to lắm, tổng chi khoảng hai mươi nghìn đô thôi ạ. – Thắng nói thế, nhưng trong bụng cũng muốn cho Chín ông biết Trung tâm đã phục dịch nhà ông trong đám tang này tốn kém như thế nào… Còn công sức lao động chân tay và trí não thì không tiền nào tính được.
Chín bà lắc đầu, tính nhẩm ra là nhiều trăm triệu…
…Mình cho đem bán hai trăm mười bảy vòng hoa cườm để ở ngoài vườn mới được có hai triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng… Mả mẹ nó, lẽ ra là chẵn ba triệu, con mụ đồng nát kèo nèo bớt mất của mình năm mươi nghìn… So với tổng chi này thì chẳng bõ bèn gì… Bà Chín tìm cách đánh trống lảng, buột miệng: “ Tôi biết vì sao đám tang có một số trục trặc. Có thể có vận áo xám đấy!”
Ba người còn lại bỗng dưng ngơ ngác, có phần lo sợ. Để tăng thêm tầm nghiêm trọng của câu chuyện, bà Chín dừng một lúc mới nói tiếp:
– Ngay sau hôm đưa ma về Long Hồ, tôi đi gặp thầy Bỉnh. Tôi chưa nói gì mà thầy kể vanh vách từ đầu đến đuôi tự khi ông cụ nhà mình sắp mất, trối trăng điều gì, đám ma làm ra sao, ở Thành phố, ở quê, cứ như là thầy ngồi ngay trong nhà nhà mình vậy. Kinh nhất là tôi thấy thầy Bỉnh nói gần như đúng từng câu từng chữ những lời ông cụ dặn dò chỉ có ông và tôi biết. Nhất là những việc ông cụ dặn phải trang trải ở quê… Nói chung thầy cho là mọi việc đều tốt, còn tiếp tục phát tài phát lộc, ăn nên làm ra.
– Thế thì hay quá rồi còn gì nữa! – Chín Tạ chen ngang.
– Nhưng có một hai điều nguy hiểm, phải đề phòng, nếu không phòng được thì nhẹ là ai đó trong nhà mất chức, nặng là xảy ra trùng tang, không dưới một lần…
– Cái gì? Bói toán chó gì mà nghe cứ như là án tù hay án tử hình thế? Đã bao nhiêu lần tôi bảo bà là bà quên cái thằng cha thầy bói Hai Bỉnh này đi, toàn đồ nhảm nhí! – Chín ông nói cứng thế, nhưng trong lòng cũng run run thế nào ấy, toàn thân cảm thấy gai gai lạnh.
– Họ nói thế nào hả chị? – Thắng cũng run.
Chỉ có Bạch Liên vẫn thản nhiên ngồi nghe.
– Thầy Bỉnh nói, theo phong thuỷ và địa lý, long địa cơ quan ông nằm đúng chỗ đuôi rồng, sáu giáp vừa qua là thời kỳ con rồng ở đấy ngủ nên cơ quan ông vô sự. Thầy phán: “Từ đầu năm nay bước sang kỳ sáu con giáp mới, là thời kỳ con rồng thức, nó bắt đầu quẫy…”
– Trong cả sáu giáp? Nghĩa là… – Ông Chín tính trong đầu.
– Nghĩa là suốt bảy mươi hai năm tới. – Bạch Liên tính hộ ông Chín.
– Đấy, ông thấy chưa? – Bà Chín được thể: – Thầy Bỉnh nói, khởi đầu là những tiếng xì xèo chung quanh cái chức thủ trưởng của ông nhà, rồi đến cái đám tang ông cụ nhà ta – tức là bố ông đấy… Mà sáu con giáp tới là thời kỳ bốc hoả của khu đất này, nên sẽ xảy ra nhiều chuyện đột biến lắm.”
– Phán gì mà cứ đọc trong sách thế? – Ông Chín băn khoăn thực sự.
– Ông không lo việc này thì lại giống cái chuyện mấy ông giám đốc trường đại học Kiến Trúc ngoài Bắc thay nhau chết đột tử như cáo phó đã đăng ấy! – Chín bà nói tiếp. – …Thầy Bỉnh kể vanh vách từng người. Không chết vì bệnh tật khổ sở thì lại chết tai nạn… Thầy Bỉnh nói như thế đấy. Tin hay không tin mặc ông! Còn tôi thì tôi biết là ông mong tôi chóng chết! – Câu nói cuối cùng mắt Chín bà hướng về Bạch Liên. Nhưng cô Bạch tỉnh bơ.
– Bà chỉ được cái ác khẩu. Tôi rủa bà chết bao giờ? Thầy Bỉnh có bảo cách phòng ngừa thế nào không? – Ông Chín bắt đầu lo…
– Có. Thầy Bỉnh nói rồng thức vào thời kỳ bốc hoả, nên phải chặn đuôi rồng lại bằng cách đào một con mương xuyên dọc cơ quan ông. Phải làm sao cho có nước chảy liên tục. Tôi giãy nảy lên, ai lại đi đào một con mương hay cái cống xuyên dọc cơ quan ngay giữa thành phố bao giờ! Có ba đầu sáu tay cũng không làm được!
– Thế ý lão ấy thế nào? – ông Chín sốt ruột.
– Thầy Bỉnh thấy tôi có lý, hỏi gặng lại tôi: Hay là bà về khuyên ông Chín nghỉ hưu ngay bây giờ đi, không giải hạn được thì tìm cách thoát hạn vậy. Ý ông thế nào?
– Tôi không điên như vậy. – Ông Chín giãy lên. – …Thầy Bỉnh có nói còn cách nào khác nữa không?
– Tôi biết ngay mà, ông thà để vợ con mình chết chứ không bao giờ chịu về hưu. Khấn vái gieo thêm mấy quẻ mới, tính mãi các quẻ, thầy Bỉnh nói chỉ còn một cách cuối cùng là làm thế nào có nước phun liên tục dọc cơ quan để trị hoả. Đấy là kế sách cuối cùng.
Chín ông và Thắng ngồi vò đầu vò tai mãi. Bỗng dưng Bạch Liên chen vào:
– Em nảy ra ý nghĩ này: Làm một giàn phun nước thật đẹp mang tính chất trang trí suốt dọc tường phía trước của cơ quan. Chị Chín thử hỏi ông Bỉnh xem như thế có được không. Vì là giàn phun nước trang trí, nên có thể cho nước chảy suốt ngày đêm, miễn là nước phun sao cho đẹp.