Dòng Đời – Nguyễn Trung

4.

Bản đánh giá cuộc chiến tranh Khmer đỏ trên biên giới nước ta do tướng Lê Hải ký gây ra cho ông Đoàn Danh Tiến những ý nghĩ trái ngược nhau. Ban Tuyên huấn, nơi ông mới được chuyển đến từ chưa đầy một năm nay, thường được trên cung cấp những tài liệu quan trọng như vậy để tham khảo cho việc soạn viết bài giảng cho các lớp chính trị. Là vụ trưởng Vụ Biên tập của Ban, ông Tiến là người duy nhất trong Vụ được Ban cho phép tiếp cận những tài liệu ở cấp độ này. Cũng có lúc ông được thay mặt Ban dự những cuộc họp liên tịch nhiều cơ quan về các chủ trương chính sách mới. Song tại những cuộc họp này ông nghe là chính. Ông tự biện hộ: Nhiệm vụ của mình bắt đầu sau khi những cuộc họp này kết thúc…

Nghề làm báo lâu năm trước đây của ông tạo cho ông cơ hội quen biết nhiều nhân vật quan trọng, nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Cuộc sống đào luyện cho ông cách đối nhân xử thế thích hợp. Ông biết nhiều, đi nhiều và viết cũng nhiều. Sự lão luyện đã làm ông nổi danh trên nhiều tờ báo. Chính điều này khiến cấp trên bứt ông ra khỏi công tác làm báo để tăng cường cho công tác tuyên huấn, nhất là từ khi cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược đi vào thời kỳ kết thúc, đất nước đứng trước nhiều vấn đề mới…

Phân tích của Lê Hải về tình hình trong khu vực và âm mưu của Khmer đỏ có cơ sở xác đáng – ông Tiến thừa nhận Nhưng sao Lê Hải bi quan thế? – một quân nhân đã đi từ Bắc vào Nam rồi lại từ Nam ra Bắc… Đất nước là tuyến đầu chống chủ nghĩa đế quốc, là người đi tiên phong trong cao trào cách mạng thế giới, ai sẽ dám đụng đến ta nữa? Trong chiến tranh, cái đáng sợ nhất là tư tưởng hữu khuynh. Sau chiến tranh, cái đáng sợ nhất cũng là tư tưởng hữu khuynh. Bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội lại càng phải chống hữu khuynh… Là một quân nhân từng trải, sao Lê Hải lại có thể đưa ra những nhận xét bi đát như vậy?

Hay là Lê Hải ăn phải đũa Phạm Trung Nghĩa? Mình đã mấy lần tranh luận với tay này tại các hội nghị bàn về công tác tư tưởng trong thời bình. Anh chàng thương binh này hình như cũng bị chiến tranh làm bị thương cả ý chí chiến đấu. Anh ta lo lắng quá nhiều về các vấn đề sau chiến tranh.

Qua nhiều lần tiếp xúc với ông Lê Hải, ông Tiến còn biết việc Nghĩa đang xin giải ngũ. Nghiên cứu xử lý cuộc chiến tranh biên giới của Khmer đỏ, lại do một người bị thương về tinh thần chiến đấu chấp bút, thì làm sao có được tư tưởng tiến công? Chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ là tối thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Lại còn hoạ diệt chủng nữa, mỗi ngày hàng trăm hàng nghìn người dân Campuchia vô tội bị Khmer đỏ giết hại, ta khoanh tay ngồi nhìn được sao? Đã thắng Mỹ, chẳng lẽ không thắng được Khmer đỏ? Phải thừa thắng xông lên mới đúng chứ!

Bài chính luận của ông nhằm bác bỏ những quan điểm của ông Lê Hải mà không nêu đích danh Lê Hải ra đời trong bối cảnh như vậy.

Cả nước đang bừng bừng khí thế, bài báo tạo thêm hưng phấn lòng người và gây tiếng vang lớn. Nhưng trước hết bài báo đã đánh trúng lòng tự ái của một dân tộc vừa mới chiến thắng vẻ vang! Ông Tiến hoàn toàn bị bất ngờ về điều này, cảm thấy mình đang bay vút lên trời cao…

Ông tự rút ra cho mình một kinh nghiệm mới: Thì ra dư luận là một cái gì đó khá mong manh, dễ tác động nếu biết lựa chiều thích hợp! Từ ngày chuyển hẳn về Ban, ngót nghét một năm nay, qua bài báo này ông mới có dịp lại xuất hiện trở lại trên diễn đàn báo chí. Vốn là dân cầm bút viết chuyên mục chính luận, việc bác bỏ những ý kiến của Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa đối với ông không khó. Đồng thời nghề viết lách của ông cũng dạy cho ông sự khôn ngoan cần phải có. Ông tránh đụng chạm đến hướng xử lý vấn đề, chỉ đưa ra những lập luận đanh thép về toàn vẹn lãnh thổ, về chủ quyền quốc gia, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, giương cao ngọn cờ chiến thắng và nhiều lời bình luận cứng rắn khác.

Sự ra đời đúng lúc của bài báo, lại được nhiều báo chí đăng tải, trở thành một sự kiện báo chí. Những lập luận vững chắc tính lập trường nguyên tắc, tinh thần yêu nước cháy rừng rực trong bài báo, người đọc không bác bỏ vào đâu được… Sự tán thưởng làm cho danh ông Tiến nổi như cồn, tên tuổi ông trong Ban thêm rạng rỡ.

Khmer đỏ tiếp tục leo thang chiến tranh biên giới Tây Nam, cứ như là để tiếp tục thừa nhận những nhận định thôi thúc đầy tính chiến đấu của ông Tiến là đúng đắn. Ông càng cảm thấy hãnh diện, càng cảm thấy được cổ vũ đi sâu hơn nữa vào các lĩnh vực kinh tế, xã hội khác mới nổi lên sau chiến tranh… Không biết tự bao giờ ông đưa ra ngày càng nhiều ý kiến về những lĩnh vực quan trọng như cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng quan hệ sản xuất mới, cải cách giáo dục, con đường đi tắt đón đầu của đất nước công nghiệp hoá lên chủ nghĩa xã hội. Ông viết nhiều bài và được in thành tập “tài liệu tham khảo, lưu hành nội bộ, không phổ biến”… Ngôi sao Đoàn Danh Tiến chói sáng trong làng lý luận.

Công việc sau chiến tranh bộn bề, người làm được việc vô cùng thiếu. Đột nhiên Ban chỉ đạo cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam xin ông Tiến vào hỗ trợ công tác tuyên truyền. Đây là nhiệm vụ kinh tế và chính trị rất phức tạp. Có lẽ ánh sáng lấp lánh của ngòi bút lý luận Đoàn Danh Tiến đã thu hút sự chú ý của Ban cải tạo.

Mình ngồi chưa ấm chỗ mà đã có chỉ thị lên đường nhận nhiệm vụ mới! Tuyệt quá, thời cơ lớn đang đến với mình!..

Ông nhâm nhi niềm kiêu hãnh, đón tờ quyết định trên tay với tất cả lòng hăm hở.

– Tôi đến chào anh trước khi vào Thành phố nhận nhiệm vụ mới. Thưa anh, tôi đã sẵn sàng ra trận. – Ông Tiến đến chia tay ông trưởng Ban, thủ trưởng của mình.

– Mời anh ngồi. Thời bình mà anh rất khẩn trương.

– Quốc gia hữu sự, thất phu hữu trách mà anh.

– Đành là như thế… Rất tiếc đang lúc bận rộn nên cơ quan không liên hoan tiễn anh được. – Ông trưởng Ban vồn vã.

– Bày vẽ làm gì anh.

– Anh thông cảm thế là tốt. Tạm coi việc biệt phái này là chuyến đi công tác dài ngày. Tuỳ tình hình rồi sẽ liệu.

– Xin anh đừng quá bận tâm về tôi.

– Anh Tiến ạ, nếu công việc đòi hỏi, tôi sẽ giao cho tổ chức chuyển anh vào biên chế của Ban cải tạo, hoặc biên chế của Văn phòng Ban ta trong ấy. Lúc đó sẽ phải tính đến việc chuyển cả gia đình anh ngoài này vào.

– Được Ban quan tâm như vậy, tôi xin cảm ơn. Thật là một vinh dự lớn. Tôi cũng làm xong việc chuẩn bị tư tưởng cho gia đình. Bản thân tôi không đặt ra điều kiện gì.

– Nếu ai cũng nghĩ như anh thì công tác tổ chức cán bộ của Ban nhẹ biết mấy. Để anh đi bọn tôi trống vắng lắm, thiếu một cây bút lý luận dày dạn.

– Tre già măng mọc, lo gì anh.

– Hiển nhiên là vậy. Nhưng giữa lúc tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa tình hình trở nên phức tạp quá. Tự dưng nổ ra vấn đề “nạn kiều”(*)•[(*) Vấn đề người Việt gốc Hoa bỏ chạy ra nước ngoài, Trung Quốc gọi đấy là vấn đề nạn kiều.] . Cộng đồng người Việt gốc Hoa lũ lượt bỏ trốn ra nước ngoài. Vấn đề “thuyền nhân” ngày càng nóng bỏng. Khmer đỏ càng leo thang, càng nhiều nước công khai giúp nó chống ta.

– Ông bạn láng giềng lớn là người đỡ đầu số một. – Ông Tiến muốn tỏ ra mình nắm vững vấn đề.

– Thế mà Núi liền núi, sông liền sông… đấy! Mỹ đã quyết định cấm vận. Thái Lan ngoắt một cái bây giờ tự phong là nước tuyến đầu của ASEAN chống ta. Anh xem, công tác chính trị tư tưởng lúc này càng không đơn giản.

– Nhưng uy tín của nước ta sau khi thắng Mỹ lớn lắm anh ạ, không kẻ nào làm gì được đâu. Đụng vào Việt Nam bây giờ là đụng vào lương tri của thời đại!

– Cứ cho là thế…

– Anh ạ, đã thắng nổi Mỹ thì ta làm gì cũng được. Vì thế tôi cho đánh giá bên chỗ các anh Lê Hải và Phạm Trung Nghĩa là bi quan, là mất tính chiến đấu. Trái với cả với nhận định cơ bản của Đảng ta về nội dung thời đại chúng ta đang sống. Anh có nhận xét như vậy không? – trong khi nói hăm hở, ông Tiến vẫn nhìn thẳng vào ông trưởng Ban, cố tìm sự đồng tình.

Ngẫm nghĩ mãi ông trưởng Ban mới đáp lại:

– Diễn biến tình hình hiện nay phức tạp hơn cả nhận định của bên Viện anh Hải. Lúc Ban nhận được bản đánh giá của Viện anh Hải, tình hình chưa căng thẳng như bây giờ đâu… Báo chí xấu của nhiều nước đang rộ lên chiến dịch chống Việt Nam.

Đoàn Danh Tiến ngắt lời trưởng Ban:

– Xưa nay anh vẫn thích câu ngạn ngữ: “Chó cứ sủa, lạc đà cứ đi!”. Bây giờ anh chán câu này rồi à?

– Bây giờ tôi muốn thận trọng hơn. Hình như họ đang hùa nhau, thành một chiến dịch hẳn hoi. Người thì nói Cộng sản Việt Nam thắng trong chiến tranh nhưng sẽ bại trong hoà bình. Kẻ thì gọi ta là tiểu bá. Tệ hơn nữa là có kẻ còn nói Việt Nam đã từng giương cao ngọn cờ chống xâm lược, bây giờ là kẻ xâm lược…

– Chính vì thế phải chủ động phản công. Phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa với thế giới. Hàng ngũ trong nước phải xiết chặt hơn nữa, không được một giây phút hữu khuynh… – ông Tiến sôi nổi.

– Không được hữu khuynh, kể cả trong đối nội. Tôi đồng ý với anh điểm này. Đây là lúc càng phải đẩy mạnh chuyên chính vô sản và tăng cường chế độ xã hội chủ nghĩa. Về phương diện này anh hoàn toàn có lý. Chỉ có một điều là…

– Tôi cho rằng mọi việc phải bắt đầu từ nâng cao ý chí chiến đấu. Phải muôn người như một, tập trung dân chủ cao độ. Có cái chất này đã rồi mới bàn được mọi việc… Bây giờ là lúc dễ hữu khuynh hơn thời chiến… – ông Tiến vào cuộc ngay.

– Tôi thừa nhận anh có một tài năng bẩm sinh. Nói ra là thành văn một cách tự nhiên, cứ như là đọc chính luận… – ông trưởng Ban rót thêm nước cho ông Tiến. – Hùng biện lắm. Song đừng quên cánh tuyên huấn chúng ta thường yếu khi bàn về những chủ trương, biện pháp. Thiên hạ vẫn giễu chúng ta là “nói được nhưng không làm được”. Họ còn đặt nhiều chuyện tiếu lâm về chúng ta nữa.

– Kệ họ anh ạ. Có quyết tâm, không hữu khuynh. Như thế sẽ có tất cả. Đây mới là gốc của vấn đề. Anh thử hình dung, nếu hai cuộc kháng chiến vừa qua thiếu cái gốc này?

– Được lắm. Còn điều này suýt nữa tôi quên. Anh em trong đó nhiệt tình cách mạng rất cao, nhưng lý luận bài vở có hạn thôi. Phần đông là những người trưởng thành trong thực tế chiến đấu. Anh cần chú ý điều này. Nếu không sẽ dễ va chạm. Nhất là cần tránh việc lên lớp người ta, đừng để sinh ra mặc cảm…

Tác giả: