Cái anh chàng bảnh trai kia là người có tên trong danh sách đầu nậu mà cơ quan chức năng đang tìm hiểu.
Những chuyện nguy hiểm chết người như thế gần như liên tục suốt ngày, tàu con thoi phải mở hết công suất.
…Đã là tàu con thoi thì phải chạy cờ vòng ngoài vậy! – Thắng vừa tự an ủi mình, vừa phần nào cố dằn xuống trong lòng nỗi ghen tị với địa vị của Bạch Liên trong đám tang này. Đã thế ngày ngày nhìn thấy Bạch Liên, mà không sao sờ mó vào được, tức lại càng tức.
…Thời gian lúc này sao đằng đẵng thế!.. Mẹ kiếp, chết rồi mà vẫn làm khổ người khác!.. – Thắng chửi thầm trong bụng, oán cái đám ma.
Có lúc đang có khách viếng mà Chín bà phải tạm lánh ra một bên trao đổi với Bạch Liên:
– Em ơi, lãnh đạo Thành phố hỏi ý kiến đồng chí bí thư tối nay mới về kịp, nếu đoàn lãnh đạo Thành phố đi viếng hôm nay thì đồng chí bí thư không tham gia được. Nếu để đến ngày mai thì hơi chậm, gia đình có thắc mắc gì không? Ý em thế nào?
– Để đến mai chị ạ, vai vế của anh như thế, đoàn của lãnh đạo Thành phố vắng đồng chí bí thư coi bất tiện. Báo chí sẽ đưa tin, rồi miệng thế gian lại bình lung tung sự vắng mặt này. – Bạch Liên nói ngay, không cần suy nghĩ.
– Em nói đúng.
Bạch Liên không chỉ là cánh tay phải, mà còn là cái đầu của Chín bà trong lúc này.
Đôi lúc, giữa một hai phút vãn khách, Chín bà tấm tắc khen Bạch Liên:
– Em là nhà đạo diễn tài ba! Có em chị nhẹ hẳn người!
– Nhà này chịu ơn cô Bạch nhiều lắm! – Chín ông cũng phụ thêm vào, giọng nói rầu rĩ của người đang chịu đại tang.
Khách quan trọng đến viếng nhưng không phải là người họ hàng thì không nói làm gì. Vì ngoài ông bà Chín ra, họ không biết ai vào với ai trong những người túc trực bên linh cữu để đáp lễ. Nhưng họ hàng bề trên từ Long Hồ ra viếng, toàn những người vai vế ngang với bố ông Chín, cả nhà lại phải ra túc trực bên linh cữu. Họ không sao hiểu nổi ở đâu ra lại có cả một cô Bạch Liên bằng da bằng thịt hẳn hoi, chít khăn đại tang, lại cùng với cả nhà đứng đáp lễ, theo thứ tự đứng ngay sau ông bà Chín, nghĩa là đứng trên cả mấy anh chị em ruột của ông Chín ở Long Hồ ra… Trong khi đó vợ chồng Hai Tấn đi đâu biệt tăm ngay từ sau khi phát tang…
…Cô này là ai vậy? Có thấy mặt ở làng mình bao giờ đâu?
…Hay cô này là con rơi con vãi của cụ? Bây giờ mới ra mắt, thế nhưng tại sao lại đứng ngay cạnh bà Chín, trên cả vợ chồng ông Tám, vợ chồng ông Bảy…
…Chẳng lẽ cán bộ cỡ ông Chín mà lại phạm pháp có bà hai?
…Cô này đẹp quá, mặc đồ tang càng làm đẹp cái lưng ong…
Những người này viếng xong, ngồi trong xe trên đường trở về Long Hồ, cãi nhau mãi mà vẫn không sao hiểu ra người đẹp mặc đồ tang càng đẹp kia là ai…
Câu chuyện thực ra chỉ là sự sơ ý rất vô tình. Vì có quá nhiều đoàn quan trọng đến viếng, lúc thì Chín ông, lúc thì Chín bà phải nhờ Bạch Liên cố vấn cho điều này điều khác. Cả hai ông bà Chín đều bảo Bạch Liên đứng ngay cạnh mình để hỏi điều này điều kia cho tiện, đỡ lúng túng và đỡ mất công đi tìm. Đứng riết vào vị trí như vậy, vô hình chung Bạch Liên cứ như là người thứ ba của gia đình trong cách xếp hàng khi đứng đáp lễ khách đến viếng…
Dòng người, dòng hoa, câu đối, trướng phúng… vẫn cứ nối nhau nườm nượp, rồng rắn ngoằn nghoèo trên vỉa hè, nhiều lúc phải ngoặt đuôi vào cả hẻm bên cạnh. Chưa đến quá trưa ngày đầu tiên mà mọi người đã mệt rã. Riêng Bạch Liên lấy cớ bận điều khiển bộ máy điều hành tang lễ tại gia, lại có các phụ việc là những người cực kỳ tháo vát của Trung tâm, nên đôi lúc vẫn tìm được cách lỉnh về phòng, sửa lại son phấn, nằm nghỉ một lát, có lúc chợp mắt ngủ được một lúc, nên khoẻ re, trong đám tang mà mặt tươi roi rói.
Khách đến viếng là những người khác nhau, nên cảm nghĩ cũng khác nhau. Lúc ra về người thì trầm trồ cụ thân sinh ra ông Chín là tiên, cụ không hề ốm đau gì, nằm ngủ rồi quy tiên, thật là nhà đại phúc. Chẳng bù cho mấy cụ nào đấy, xuất huyết mạch máu não hay sự cố tim mạch gì đó, liệt giường liệt chiếu thối da thối thịt năm này qua năm khác mà không chết cho, nhà đã nghèo còn chật chội, con cháu hầu hạ cực nhọc…
Người thì lại trầm trồ nhà ông Chín gia cảnh thật là bề thế, cứ nhìn vào hàng người đứng cạnh linh cữu để đáp lễ, rồi ngước lên nhìn hoành phi câu đối trạm trổ cầu kỳ, nhìn bàn thờ là đủ nhận thấy ngay điều này. Người lại thầm khen nhà ông Chín khéo giữ gìn trật tự kỷ cương. Cái bàn thờ đồ sộ chiếm gần hết chiều ngang của buồng thờ, trên cao là ảnh con hổ dữ tướng, bên dưới là cái lư và hai cây nến bằng đồng sáng choé, dưới nữa là những bát hương to như những vại muối cà, khói hương khói trầm nghi ngút… – nhà này hẳn rất chăm lo việc cúng lễ tổ tiên… Trước bàn thờ là cỗ áo quan sơn son thiếp vàng, những cây nến cao, bát cơm quả trứng và hai chiếc đũa bông… Đầu linh cữu là cái kỷ lớn đặt bức ảnh truyền thần bố ông Chín cỡ lớn như mặt người thật – ông Chín đã cho chuẩn bị bức ảnh này và khung nạm vàng từ cách đây vài năm khi bắt đầu thấy sức khoẻ của cụ ngày một yếu đi…
Tất cả có một sự xắp xếp đúng cách, đúng chỗ… Rồi các bó hương chất cao như núi trên cái bàn rộng bên cạnh, càng làm cho nơi đặt linh cữu thêm trang nghiêm lẫm liệt. Riêng cái khay đựng phong bì chỉ là cái khay uống nước hàng ngày, hơi đầy một tý là lại có người bê vào đưa cho hai cô thư ký ngồi trong phòng bà Chín và đưa khay mới ra. Khách viếng nào quấn cả phong bì vào với bó hương đem viếng thì được gia nhân thân chủ giúp đỡ, gỡ riêng thứ nào ra thứ nấy, hương đặt lên bàn, phong bì đặt lên khay. Bàn để hương lúc nào đầy quá lại có người cất bớt đi… Các vòng hoa cũng được chăm sóc chu đáo, sau khi viếng có người khiêng ra vườn xếp lại thành hàng lối rất cẩn thận, vòng hoa tươi xếp riêng, vòng hoa tết bằng các hạt cườm xếp riêng…
Phần đông các khách đến viếng giữ được vẻ mặt đúng cách của người đi đưa đám, nghĩa là buồn buồn một chút, trang nghiêm một chút, ân cần với thân chủ một chút, lặng lẽ một chút… Cũng không hiếm khách không thể nào cưỡng lại việc liếc trộm một tý cái cô mặc đồ tang, mặt đã đẹp, cái lưng ong càng đẹp, nói năng như rót mật vào tai… Có khách ma quái hơn, lúc rời linh cữu để chia tay với thân chủ lẽ ra chỉ cần cúi mình đáp lễ là đủ, thì anh ta lại giở cái ngón Âu hoá là bắt tay, với dụng ý là để có dịp nắm lấy tay Bạch Liên một tý, nhìn sát tận mặt Bạch Liên một tý…
Trong số khách đến viếng có một anh chàng tỏ ra văn minh hơn đứt mọi người. Anh ta nhẹ nhàng ôm hôn Bạch Liên theo kiểu rất Tây, ngay trước cặp mắt u buồn nhưng vẫn loé chớp của Chín Tạ. Người ta bảo anh chàng Tây hoá ấy hình như chính là nhà thơ Nguyễn Hão…
Đoàn viếng của Trung tâm Bình Tiên rất trịnh trọng, không kém gì các đoàn viếng khác, dẫn đầu là tổng giám đốc tiến sĩ Đoàn Danh Thắng. Vì là đoàn người nhà, nên cúi đầu mặc niệm dài hơn, vái lễ cũng dài hơn, nhìn mặt người quá cố nằm trong linh cữu cũng lâu hơn. Riêng Thắng tự nhiên ôm lấy linh cữu, bật khóc…
Nước mắt giàn giụa, Thắng chắp tay vái lạy linh cữu mấy cái nữa rồi mới đi tiếp. Khi đến chia buồn, Thắng hai tay ân cần ôm từng người, nói những điều mủi lòng, nước mắt vẫn rưng rức, các thân chủ cũng nước mắt rưng rức… Nước mắt cũng rưng rức khi Thắng ôm lấy Bạch Liên, chỉ có ôm lâu hơn, chặt hơn một chút, thân thiết ghé sát mặt Bạch Liên, cứ như thể Bạch Liên cũng là thân quyến của tang chủ:
– Mãi không về, nhớ chết mẹ! – Thắng rên lên, đủ cho Bạch Liên nghe.
Có kịp đọc các dòng chữ viết trên các lạc khoản của vòng hoa thì mới biết được khách đến viếng là ai, từ đâu đến… Còn nếu nhìn dòng người không dứt thì chỉ thấy đông ơi là đông. Cũng may là nhà ông Chín thoáng và rộng, lại đúng luồng gió, nên không ngột ngạt… Cách sắp xếp của Bạch Liên quả là khoa học và thông minh…
Có một cụ ở khu phố đến viếng, ngày xưa nguyên là người cùng với ông Tám Việt kết nạp ông Chín vào Đảng, lúc ra về cứ ngây ngất vì cái cơ ngơi nguy nga của nhà ông Chín, chẳng bù cho căn hộ ẩm thấp tối om trong cái hẻm cụt nơi cụ đang ở. Cụ cứ vừa đi vừa lẩm bẩm với mấy ông bạn già bên cạnh: “Nhà cửa thênh thang thế này, chết cũng sướng cụ ạ…”.
Nhiều người đến viếng có chung một cảm nhận là ông Chín có vẻ già sọp đi, không biết là tại cái khăn tang hay tại bộ mặt rầu rĩ… Hai mắt đỏ hoe, râu không cạo trông lại càng sọp… Ai vái linh cữu thì ông Chín vái lại rất dài và cúi rất thấp…
…Chắc cái tang làm ông Chín đau đớn lắm! Trông vẻ mặt ông, trông ông cung kính vái đáp lễ, người đến viếng đoán rằng ông Chín hẳn là người con rất hiếu thảo… Chả thế mà cả nhà tám người con, mà ông cụ lại quyết định ra ở với ông Út Chín. Thái độ bà Chín, và những người khác… tất cả đều cung kính không kém… Tiếng nhạc nỉ non của tốp kèn nhị đám ma càng tăng thêm vẻ đau buồn rầu rĩ trên các khuôn mặt những người trong gia quyến đang túc trực… Thỉnh thoảng cái đám phường bát âm này nghỉ vì mệt, đám “bu-dích” kèn Tây rỗi hơi lại làm toáng lên một lúc nghe rất chướng tai…
Xen giữa dòng người dòng hoa vào viếng, lúc thì là các đoàn đại diện cho quân khu Thành phố, lúc thì là đoàn đại diện cho công an, đoàn đại diện lực lượng dân quân tự vê, đoàn đại diện bộ đội biên phòng, đoàn đại diện hàng không, đoàn đại diện Liên đoàn bóng đá Thành phố, đoàn đại diện Hải quan, đoàn đại diện lực lượng Phòng cháy chữa cháy… Tất cả những đoàn này có một nét chung là khi cả đoàn vào đủ thì đứng xếp thành hàng ngũ chỉnh tề trước linh cữu, mọi người đều mặc quân phục hay đồng phục riêng của đoàn mình, chào lễ có hô nghiêm hô nghỉ hẳn hoi theo kiểu nhà binh, trang ngiêm lẫm liệt…
Gần tối.
Tối hẳn.