Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Tuốt luột!.. Bà chị nhan sắc thì nghiêng nước nghiêng thành như thế này, ngoại ngữ Tây Tàu làu làu. Bà chị mà đi với cánh chúng tôi, nói thật cho bà chị biết nhé, không một thâm cung kín cổng cao tường nào trên cái đất nước này là chúng ta không ra vào được! Có trăm phương nghìn kế để tiếp xúc, để ra vào.

– Kể cả trại giam chứ! – Bạch Liên rót thêm rượu cho anh ta.

– Ôi dào, chuyện hoang đường!

– Bây giờ thì tôi tin là rượu đang nói rồi, anh bạn ạ…

– Bà chị mà thủ vai đi dí thì tuyệt trần đời!.. – Cái que củi mượn hơi rượu vòng tay qua bàn ôm lấy đầu Bạch Liên, nhưng Bạch Liên khéo léo gỡ ra, cử chỉ như giữa hai người bạn thân thiết.

Bạch Liên lại tiếp rượu.

– Không lằng nhằng nữa! Nếu không muốn canh ty với nhau thì xin cái hôn và uống hết ly rượu này lấy chỗ đi lại! – giọng nói của cái que củi đột nhiên sắc lên như tiếng dao chém. Anh ta ghì luôn lấy đầu Bạch Liên, hôn môi một cái thật dài, ngay trước mặt những người chung quanh…

– Thôi, hẹn gặp lại! Hồi này đấu tranh chống tiêu cực dữ lắm đấy… Hãy bảo trọng nhé… – Bạch Liên cố nói một câu thật mùi mẫn để thoát thân cho nhanh.

– Vô tư đi! “Ết” (HIV-AID) chẳng làm gì được anh thì đừng có luật pháp nào hòng với được tới anh!.. – Trong khi cái que củi lè nhè đưa tay với theo qua bàn, Bạch Liên đã thoăn thoắt bỏ đi, dúi vội vào tay người hầu bàn cạnh đó một tệp bạc…

Khi thoát ra được khỏi tay cái que củi, Bạch Liên giương to mắt nhìn lại. Cái nhạy cảm của chim ưng mách bảo có thể gặp nguy hiểm, Bạch Liên mừng thầm đã kết thúc câu chuyện đúng lúc.

…Ngồi lên xe trên đường về nhà, mãi Bạch Liên vẫn chưa thấy hết lợm giọng vì cái hôn nồng nặc. Nhưng dần dà nỗi sợ về câu chuyện B phẩy 13 át đi hết cả. Bạch Liên điểm lại trong đầu toàn bộ câu chuyện với cái que củi và các đường dây của hắn, các mánh khóe làm ăn…

Theo điều tra sơ bộ của các nhà báo, nhà chức trách, người đã xây xong nhà hoặc đang xây dở dang trong khu vực Cụm 9 này thường là người thứ ba hay thứ tư mua đi mua lại mảnh đất mà bây giờ họ tin là thuộc quyền sử dụng của họ… Trong số này có không ít người biết như thế là mua liều, nhưng họ lại có cái lô gích riêng của mình: Khi cả làng làm liều thì nhà nước cũng bó tay, cái liều thành cái hợp pháp trong cuộc sống…

Câu chuyện không phải từ trong không khí mà ra…

Chính quyền Thành phố trước đây để một phần đất khá lớn dự phòng cho việc mở rộng sân bay, nhưng bây giờ người ta thấy ở đấy những khu dân cư sầm uất, lan sát cận đến khu nhà ga sân bay… Quận N. ngay bên cạnh, vài năm trước đây có con số thống kê của điều tra xã hội học: cứ mười ngôi nhà mới xây thì chỉ có một đến hai nhà tạm gọi là có giấy phép – nói là giấy phép tạm thôi, vì chẻ chữ các văn bản này ra thì chưa hẳn đã được coi là giấy phép… Trong thành phố và khắp cả nước có không biết bao nhiêu ví dụ liều như thế khẳng định đanh thép cho lập luận của những người liều này. Khái niệm phạt và cho tồn tại vì thế trở thành một thứ luật hiệu lực hơn hẳn mọi luật…

Hỏi về lai lịch giá cả những mảnh đất này, hiếm có trí thông minh nào có thể tưởng tượng ra được con đường vòng vèo thăng thiên của nó… Một ăn mười? Một ăn một trăm? Một nghìn? Không biết! Không ai có thể biết. Nhưng cái “không biết” lớn hơn, không ai giải thích được cho ra ngô ra khoai là tại sao một khu dân cư lù lù như thế ngang nhiên mọc lên trong vòng hơn một năm trời, mà không một quan chức nào trong Thành phố đoái hoài tới.

Cái “không biết” đang làm nhức đầu nhiều người. Chính quyền Thành phố không biết nên xử lý vụ này như thế nào. Chẳng lẽ huy động hàng binh đoàn xe tăng, xe ủi đất giũi băng đi gần một nghìn ngôi nhà như thế này? Ủi luôn cả hàng nghìn hộ dân đã đến sinh sống ở đây? Có không ít những ngôi nhà xây được là kết quả làm ăn tích góp của cả một đời người… Túm tóc được gần 30 tên đầu nậu, nhưng xét hỏi kỹ, thì hoá ra toàn là những kẻ “chỉ trỏ” hay những công ty “chitromex”, mấy ông nhân viên chính quyền xã trót dại nhận sự phân công làm cái việc bán cái dấu triện đỏ cho các tờ giấy sang tên viết tay… Ngoài ra chẳng còn ma nào nữa! Chẳng lẽ dồn hết mọi tội lỗi lên đầu mấy cái ông bán cái dấu triện đỏ này rồi đem bắn?..

– Tao ấy à, tao cho chúng mày là đồ giẻ rách! Chúng mày cứ rườm lời, cậy văn hay chữ tốt, uyên thâm sử sách, đặt tên nọ tên kia làm chó gì… Cứ gọi mẹ nó cái khu này là cụm ông Chín là vừa hay, vừa dễ gọi…

– Chúng mày ngồi đây quyền cao chức trọng, tiền bạc như lá tre mà không nghĩ ra nổi cái tên này thì chỉ đáng là cái đồ ăn cháo đá bát!..

– Tao dám cược đây! Cược gì cũng chơi luôn!

– Cược về cái gì?

– Tẩy bay cái tên cụm ông Chín!

– Tao thách đấy!

– …

Mấy anh chàng cán bộ quận và phường lè nhè với nhau như thế trên cái chiếu trải dưới đất của quán thịt chó vừa mới khai trương trong khu này. Những lon bia 333 lủng củng quanh cái mâm nhôm đầy ắp các món và rau thơm… Trong số họ có một anh hộ tịch viên cứ để nguyên quân phục như thế ngồi bệt xuống đất mà đánh chén, cái mũ kê-pi nằm ngửa trên sàn nhà biến thành cái rổ đựng bánh tráng bên cạnh đùi anh ta…

Các nhà báo thính mũi xoáy ngay vào cái tên lạ hoắc Cụm ông Chín!

Mọi công sức bỏ ra chỉ tìm thấy những thứ không định tìm…

Từ rất lâu rồi, bốn năm năm trước khi khu công nghiệp Tân Chánh Nhất I ra đời, đã có ba chứ không phải hai đề án khác nhau về quy hoạch khu dân cư này, được phê duyệt hẳn hoi. Nhưng tất cả đều đã bị xếp vào kho lưu trữ hồ sơ. Chuyện lâu ngày quá rồi, không ai biết được vì sao chúng bị xếp kho lưu trữ. Nhưng đấy là những tài liệu thật, hồ sơ thật một trăm phần trăm, chỉ một hay hai người biết nó được chôn cất ở kho lưu trữ hồ sơ mà thôi. Một trong hai người đó là cái que củi… Cho đến bây giờ ông Chín vẫn chưa hay biết gì về những hồ sơ như vậy. Sau này người ta còn tìm thấy cả cái bản đồ photo copy mà dân chúng đã thì thào chuyền tay nhau lâu nay, hoặc mất tiền mới được xem. Bản sao tìm được này đã quá nhàu nát, mòn vẹt, xong vẫn còn đủ rõ để xác minh được nó là bản sao từ một trong những đề án đã bị mối mọt kho lưu trữ ăn thủng lỗ chỗ…

Một nhà sử học nổi tiếng lại tìm ra tung tích: …ngày xửa ngày xưa ở đây có đền thờ ông địa ở khu đất này, tên gọi là Chín Ranh. Các cụ tổ vẫn gọi khu đất này là hom ông Chín, vì khu đất giống hình cái hom đánh cá… Thế là cái tên mảnh đất hom ông Chín râm ran khắp nơi. Không ai biết được nhà sử học này dựa vào những sách báo hay tài liệu lưu trữ nào để nói lên những điều như đinh đóng cột như thế về cái hom ông Chín, nhưng cụm 9 thì ai cũng biết! Riêng Chín Tạ là cha đỡ đầu nhà sử học này thì chỉ một vài người biết. Nhiều năm về trước, nhà sử học này khi tốt nghiệp không dám mơ tưởng đến việc được đi dạy học, vì là đỗ “vớt”. Nhưng từ khi có người cha đỡ đầu, anh ta trở thành một nhà sử học được kính nể, hiện có trong tay cái chức tổ trưởng bộ môn sử trong trường mình, phát hiện ra cái hom ông Chín là thành quả khoa học sốt dẻo nhất của anh ta vừa mới được công bố ngay sau khi cụm 9 ra đời…

…Hay là cái tên Cụm ông Chín từ đấy mà ra?

Phóng viên N.T. của báo Trẻ đặt ra câu hỏi như vậy để đi đến phần kết bài báo của mình.

Bài báo kết luận: Trung ương cao xa trên chín tầng mây ban bố những điều gì tốt đẹp đến đâu chăng nữa, 5 chữ phạt và cho tồn tại đều vô hiệu hoá tất cả. Bởi vì trước đó và sau đó, 5 chữ này đã biến dạng, đã chi phối, thậm chí đã làm tê liệt tất cả các tổ chức và các bộ máy thực thi pháp luật từ cơ sở trở lên. Trên càng ban bố nhiều thứ, ở dưới, 5 chữ này càng phát huy hiệu lực…

Dân ở đây bây giờ đã trót quen mồm gọi nơi đây là cụm ông Chín mất rồi… Lại thêm một khó khăn mới cho chính quyền trong việc đặt tên cho cụm khu dân cư mới này.

Trên chất vấn vì sao để mất đất quy hoạch thuộc khu công nghiệp II, được dưới hồi âm: Vì thiếu sự phối hợp kịp thời và đồng bộ.., kiến nghị: xin tìm khu đất khác thay thế!..

Có ông nhà báo thất vọng, tự an ủi:… Quên cái chuyện “không biết” này đi. Báo cứ viết mãi cái chuyện hổng biết thế này, chó nó mua!

Trong khu này còn sót lại một cụ già gốc gác ở đây, biết rõ hết mọi chuyện từ đầu đến cuối. Cụ là cựu chiến binh Đoàn Ba Lẻ Bảy (307) và kiên quyết không cho con cháu mình bán mảnh đất tổ tiên để lại. Ngồi đâu cụ cũng chửi:

– Cha tổ chúng mày, gần một nghìn ngôi nhà lù lù trước mặt như thế mà cứ kêu hổng biết! Hổng biết! hoài… Thế coòng những chuyện hổng ai được biết thì sẽ hổng biết thế nào?..

Một nhà báo khác của Thành phố thạo về kinh tế tham gia cãi cọ với đồng nghiệp. Ông ta bình luận ráo hoảnh:

– Hom đất ông Chín thành cụm dân cư là đại phúc của Thành phố, kêu ca hoài sức làm chi. Tạo thêm bao nhiêu công ăn việc làm trong khi xây cất, dân thì có nhà ở, cán bộ lớn bé mỗi thằng đều kiếm chác được theo phận sự. Thế là thực hiện phân phối lại tuyệt vời rồi còn gì nữa!

– Nghĩ như mày thì phải thưởng huân chương cho mấy cái thằng cha đầu nậu chắc? Chí ít là chúng có công giơ đầu chịu báng thay cho các vị tai to mặt lớn.

Tác giả: