– Đẹp như bà chị, có thích đi cùng với bọn tôi không? Xin mời!
– Sợ không đủ tài, lại càng không thể mưu cao kế sâu như anh!
– Bà chị chúa khiêm tốn! Tôi kính nể, chứ tôi không coi thường như mấy cái ông giáo sư rởm, tiến sĩ rởm.
– Anh có quá tự cao tự đại không đấy? – Bạch Liên chủ động rót thêm cho anh ta một ly rượu nữa và lại giục “can-pê!”
– Nghề tự do của tôi phải biết chơi với mọi hạng người, từ con điếm cho tới ông bộ trưởng, đến nay tôi chỉ chưa vời được đến phó thủ tướng, thủ tướng! Nghề của tôi tự cao tự đại là hỏng việc liền. Có lẽ cái số tôi nó chỉ đến mức nấy! Tôi biết có mấy thằng cha leo cao hơn. Tôi bắt mình phải khiêm tốn, nhưng lại hết sức coi khinh mấy thằng cha trí thức rởm.
– Anh khinh họ thì họ yêu anh à? – Bạch Liên gợi chuyện để hiểu rõ con người này.
– Những người này nói, viết mà họ chẳng hiểu họ nói họ viết những gì. Toàn là những điều cóp nhặt được của nước ngoài, mà hiểu thì hời hợt. Họ nói bây giờ là thời đại kinh tế tri thức, nào là xã hội thông tin, nào là nước ta phải thế này, phải thế nọ để vươn tới… Nói thật với bà chị nhé, xã hội ta là xã hội thông tin từ lâu rồi, không có thông tin thì chúng ta sống và làm ra tiền bằng cái gì? Họ là những thằng ngu!
– Thế mà tôi lại coi anh là điếc không sợ súng đấy! – Bạch Liên khích vào.
– Để xem ai lành, ai điếc! Nói thẳng cho bà chị nghe nhé: Thông tin mà không có công nghệ cao, không có đầu óc táo bạo làm sao ra của cải? Thế có hơn gì bãi cứt trâu không? – Ấy chết, xin lỗi bà chị!
– Anh vẫn còn phải giữ ý với tôi cơ à?
– Nói được như thế là bà chị chơi đẹp đấy! Đầu tư cho công nghệ cao của mấy nhà khoa học rởm này có thể lượng hóa được, tính được thành tiền. Bọn tôi đi xa hơn nhiều, bà chị biết không?
– Bọn anh còn phải làm gì hơn? Anh càng nói tôi càng mê. – Lại thêm một chai vang được bật nắp.
– Đầu tư vào công nghệ cao của chúng tôi đi xa hơn nhiều, phải đầu tư cả đời mình vào đấy nữa cơ, tiền bạc không thể mua được. Nói thì cao siêu như thế, để bà chị dễ hiểu, tôi mô tả sơ sơ thế này: Cái công nghệ sơ lược nhất để đi từ đầu vào là thông tin, đến đầu ra là của cải, phải qua các khâu như… phải có thằng phê, phải có thằng ký, rồi …phải có thằng dí, có thằng bưng bê điếu đóm… Nghe thế bà chị có sáng lên tý nào không?
Bạch Liên hiểu, nhưng vẫn lắc đầu, tay rót thêm rượu cho cái que củi.
– Đúng là bà chị vẫn còn trong trắng quá!.. Thông tin phải biến thành một cái gì đó và tìm được người phê chuẩn nó. Sau đó lại phải tìm được cho ra cái thằng ký nó thành quyết định. Có được quyết định rồi mà không có người đi dí thì cũng chỉ là tờ giấy lộn thôi, không đi vào cuộc sống được đâu. Cái khâu dí này phức tạp lắm bà chị ạ. Muôn hình muôn vẻ! Cái dí đơn giản có thể là tiền, là lợi, là trao đổi một cái gì đó có lời lớn cho người mình đi dí. Đôi khi là một mảnh bằng đại học hay tiến sỹ gì đó, một cái ghế.., có khi là xóa một bản án…
– Khâu dí là quan trọng nhất có phải không?
– Từ từ, bà chị đừng sốt ruột! Không một đầu óc siêu việt nào liệt kê được hết các loại hình của công nghệ dí của chúng tôi đâu bà chị ạ. Bởi vì công nghệ dí phát triển cùng nhịp thở với cuộc sống, bà chị hiểu không?
– Cùng nhịp thở với cuộc sống?
– Phải. Hỏi được như thế là bà chị không đến nỗi có cái tai gỗ! Nhưng hãy nghe cho thủng đã… Một khi công việc đòi hỏi đến một cái dí tổng hợp, thì phức tạp lắm. Trong những trường hợp như thế, thường phải có những nghệ nhân tiếp sức. Chí ít đấy phải là nghệ nhân vào cái cỡ được báo chí tôn vinh cấp bậc đại loại như “dám đốc” Lã Lê Lai gì đó.., thì việc dí mới hiệu quả… Bà chị ơi, chung quanh cái dí có nhiều chuyện ly kỳ tuyệt trần đời bà chị ạ! Công nghệ mới bây giờ làm cho cái chuyện Lã Bố hí Điêu Thuyền ngày xưa hiện đại gấp ngàn lần, ly kỳ đến vạn lần… Chỉ cần nghĩ đến mà không tự kiềm chế được mình thì cũng đủ chết vì cười! – Cái que củi đã nhấc ly rượu lên mà lại phải đặt xuống, cười sằng sặc một mình, cười rũ rượi…
Không biết bao nhiêu con mắt ở các bàn chung quanh đổ xô nhìn.
Mặc! Cái que củi cứ cười toáng lên một mình, từng tràng, từng tràng dài..
Bạch Liên ngồi yên, nhưng mặt tự nhiên cũng đỏ ửng lên đến tận mang tai, rồi trên hai bên thái dương… Những cái nhìn chung quanh biến Bạch Liên thành chả nướng… Bạch Liên cố bặm môi lại.
– … Bà chị ơi, thực hiện xong được cái cung đoạn dí thì phải có một xâu một chuỗi những thằng bưng bê điếu đóm cho chúng ta như trong cái khâu chót của khu dân cư cụm 9 thì mới thu hoạch được! Ap-phe càng lớn, cái công nghệ này càng phức tạp. Cụm 9 của chúng ta mới chỉ là cái áp-phe thường thường bậc trung thôi bà chị ạ!
– Không thể ngờ được là nghề tự do của anh lại là nghề lao động cực kỳ nặng nhọc cả trí óc và thể xác!
– Ôi bà chị nhận xét hay quá! Chính xác tuyệt đối! Nhiều khi mệt chết rũ ra rồi mà vẫn phải bò lê bò càng đến chỗ này, đến chỗ nọ, chạy thi với thời gian. Người ta mới chỉ biết đến các ca sĩ chạy sô (show), một tối biểu diễn ba bốn nơi, nhưng bây giờ có công nghệ “play back” nên hát sô cũng nhàn rồi, ăn gian được.
– Khoa học và công nghệ bây giờ vẫn chưa nghĩ ra cách gì cho người làm nghề tự do có thể chạy sô (show) ăn gian được như đám ca sĩ nhỉ? – Bạch Liên tỏ ra đồng cảm.
– Ôi nghĩ được như thế bà chị thật là có tấm lòng! Bà chị tính, vừa mới nhậu nhẹt với đám bên A, tống chúng nó được vào mấy cái buồng karaôkê từ A đến Z, lại phải lao ngay đi nhậu nhẹt và làm đủ các trò từ A đến Z với đám bên B. Có khi đấu thầu chưa vào cuộc, chúng tôi đã buộc phải biết ai trúng thầu, nếu không thì ăn cám. Có khi phải hùn sức loại ngay từ đầu gói thầu nào đấy…
– Công nghệ cao siêu nhỉ?
– Bây giờ chúng tôi hiện đại hóa lên nhiều, làm cho A và B đều là họ hàng, là vợ chồng, là con cái của nhau, ngon lành hơn nhiều!
– Thế thì còn kêu ca gì nữa?
– Nhưng mà càng nhiều áp-phe cũng chết! Chị xem, tôi có thiếu gì tiền bạc, ăn uống có kham khổ gì đâu, thế mà người cứ gầy đét như que củi thế này!
– Vì trụy lạc trác táng quá có phải không? – Bạch Liên nói vui.
– Sinh ư nghệ, tử ư nghệ mà bà chị! Ngoài ra ăng-ten phải làm việc hai bốn giờ trên hai bốn giờ chị ạ. Dò la thu thập đủ loại thông tin vỉa hè. Gọi là vỉa hè thôi, nhưng quan trọng đáo để, sốt dẻo vô cùng. Ai ở ai đi, ai vào ai ra, ai rơi ai lên, ai đến ai về.., nhất là mỗi khi có Đại hội hay có cải tổ Chính phủ, đổi mới lãnh đạo Thành phố… Mệt lắm, nhưng cũng vui lạ bà chị ạ. Nghe nói ông thủ tướng Mahathir ở Malaysia đã phải bỏ ra nhiều tỷ đô-la để xây dựng siêu xa lộ thông tin, tôi dám cam đoan với bà chị tôi yêu thích cái vỉa hè thông tin của tôi hơn cái siêu xa lộ thông tin của ông Mahathir gấp nhiều lần!
– Rượu đang nói phải không?
– Vô tư đi! – cái que củi dứ dứ ly rượu vào sát tận mặt Bạch Liên. Anh ta bắt đầu chuếnh choáng rồi.
– Giỏi như anh, có lúc nào thua không?
– Thắng nhiều, nhưng thua cũng nhiều chứ. Làm gì có toàn thắng ắt về ta hả bà chị? Mấy nhà lý luận kinh tế cứ hô hào đất nước phải tăng khả năng cạnh tranh, nhà nước bỏ bao nhiêu tiền cho đoàn này đoàn nọ ra nước ngoài học cái võ này. Nói thực với bà chị nhé, phong cho tôi cái bằng giáo sư hay tiến sĩ gì đó, tôi sẽ dạy cho, chẳng phải đi Tây đi Tàu gì cả. Có những trường hợp chúng tôi thua hẳn rồi, vì phe cánh mình lép hơn, nhưng không đầu hàng.
– Một trăm phần trăm rượu đang nói! – Bạch Liên chủ ý tránh dùng từ “bốc phét”.
– Tôi chưa say đâu, bà chị yên tâm. Nghề tự do của tôi không có khái niệm đầu hàng. Nếu không chiếm được vị trí bên A thì chấp nhận làm bên B. Nếu thua không làm được B1 thì tụt xuống cố vớt làm B2, B3. Tiếng nhà nghề gọi là B một phẩy, B hai phẩy… Chị không tưởng tượng nổi tính ngoan cường của cánh làm nghề tự do chúng tôi đâu. Đã có lúc tôi chịu tụt xuống phẩy thứ 13 chứ không đời nào chịu ra về tay không!
– Anh nói sao, B phẩy 13 là thế nào?
– Có chuyện ấy đấy! Công trình siêu vĩ đại, thời gian hoàn thành thi công trên giao cho lại quá gấp, nên phẩy 13 cũng tốt chán!
– Toàn là rượu nói thôi!
– Bà chị khôn quá, bà chị toàn khai thác tôi. Bước chân ra khỏi nhà tôi đã biết ngay là bà chị đòi chủ chi thì hôm nay tôi lõm to rồi, thế nhưng cái máu vớt vẫn giục tôi ra đi. Bà chị xem tôi như thế đã đủ ngoan cường chưa?
– Sao anh tham lam thế?
– Bỏ mọi công việc để đi như thế này mà không lôi kéo được bà chị là lõm to.
– Hôm nay anh định vớt cái gì mà anh cứ kêu mãi là bị lõm vẫn cứ đi?
– Vớt bà chị! Quyết vớt bằng được! – câu trả lời tỉnh queo, không có một tý nào mùi rượu.
Bạch Liên ngả người ra sau mà cười, trong đầu nghĩ rằng đũa mốc mà chòi mâm son:
– Đường còn dài. Phải thử thách lòng chung thuỷ chứ!
– Bà chị ngoan, nhưng chưa khôn. So với bà chị, thì Lã Kim Cương chỉ là thứ nhà quê một trăm phần trăm. Phương pháp tư duy của bọn tôi là cái gì cũng phải tính theo phần trăm… – Anh ta làm một tợp hết cả ly rượu, rồi mới nói tiếp. – Bà chị xem nhé, Lã Kim Chi… hay Lã… Lã Lê Lai gì đó… Đù mẹ, sao báo chí đặt cho cái mụ này lắm tên thế… Nhớ rồi, Lã Kim Cương.., phải mụ Lã này văn hoá thì mới khoảng quá lớp bốn bao nhiêu phần trăm gì đó, nhan sắc so với chị thì chưa được lấy vài chục phần trăm. Tài nghệ thì được xếp vào loại cao thủ đấy, nhưng chưa biết hết tài nghệ của bà chị nên chưa đánh giá được là bao nhiêu phần trăm…
– Cái gì cũng phần trăm?