Dòng Đời – Nguyễn Trung

…Tình yêu giữa Nghĩa và Nguyệt thực sự nảy nở và đâm bông kết trái trong những năm sau đó. Đấy là những ngày tháng Nghĩa được huấn luyện gian khổ tại vùng Hoà Bình – Ba Vì – Vĩnh Phú, rồi sau đó chính Nghĩa lại tham gia việc huấn luyện hết đợt này đến đợt khác, chuẩn bị cho các đơn vị bộ đội đi B. Những buổi học chính trị, những ngày học những thao tác chiến đấu và sử dụng vũ khí, khí tài mới. Kết thúc một đợt huấn luyện thường là những ngày đeo đá, leo núi, đi bộ triền miên… bất kể thời tiết nào, ngày hoặc đêm, tập nhịn đói, tập chịu khát. Những cuộc tập trận, lúc chiến đấu cá nhân, lúc chiến đấu theo các đơn vị lớn nhỏ khác nhau. bất kể địa hình nào, tình huống nào… Một vài tuần, có khi hai ba tháng Nghĩa mới có dịp về thăm nhà một lần. Khi Nghĩa từ biệt mọi người thân yêu ruột thịt của mình để cùng đơn vị lên đường vào Nam, bé gái Mai lên bốn tuổi, cún Tân lên hai.

Những năm tháng quyết liệt và khắc khoải, cho đến khi cô giáo Nguyệt đón thiếu tá thương binh Phạm Trung Nghĩa từ Quân y viện 108 về nhà.

Cuộc sống tiếp tục có trăm nghìn điều phải lo toan, công việc đuổi theo ngày tháng. Thế nhưng vẫn có đêm Nghĩa ôm xiết vợ:

– Em ạ, không biết bao nhiêu lần, cho đến bây giờ, có lúc anh vẫn cứ sờ sợ trong tay mình chỉ là một giấc mơ… Về nhà mấy năm rồi mà nhiều lúc cứ ngỡ là anh đã mất em và các con, nghĩa là vẫn còn ngờ ngợ mình không bao giờ trở về nữa… Còn sống rành rành thế này mà cứ ngờ ngợ là mình đã chết, thật kỳ lạ!

– Bây giờ thì em chắc chắn là em còn anh! – Nguyệt ghì chặt lấy chồng.

– Anh là một người lính sợ chết, phải không em nhỉ? Không bao giờ trở về nữa. Không bao giờ nữa – chính Nghĩa cũng không hiểu mấy tiếng cuối cùng là mình nghĩ trong đầu hay đã nói ra thành lời.

– Không phải như vậy. Còn hơn cả giấc mơ anh ạ. Em vẫn nghĩ chúng ta không thể chết! Bây giờ thì em càng tin như vậy.

– Đúng là chúng ta sống nhờ vào niềm tin mãnh liệt.

– Có những đêm vò võ chấm bài, có lúc đang đạp xe trên đường, từ nhà đến trường hoặc đi sơ tán… Thỉnh thoảng em phải nắm chặt tay lại, tự nói với mình: Chúng ta không thể chết! Không được chết! Anh nhất định sẽ về! Khi là đào hầm cho hai con nơi sơ tán, khi là cún Tân qua khỏi bệnh sởi, khi thoát một trận bom… Vượt qua được một khó khăn, em lại tự nắm chặt tay, tự nói với mình những câu như thế. Thật là những năm tháng khó tin anh ạ…

– Chúng ta trở thành bất tử?

– Không bất tử, nhưng không thể chết. Đến ngày đón anh ở Quân y viện 108, chỉ kém sáu ngày là đúng 11 năm đằng đẵng!

– Ôi Nguyệt!.. Chúng mình còn sống, anh càng thương những anh em đã hy sinh.

– Trong cả nước mình có gia đình nào không mất mát hả anh?

– Khổ nhất vẫn là nông dân em ạ. Anh thấm thía nhất điều này trong những ngày ở Quảng Trị. Riêng các đơn vị anh phụ trách, theo dõi quân số anh thấy cứ mười chiến sĩ hy sinh thì phải có đến bẩy hay tám người là từ nông thôn.

– Hình như nông dân thời nào cũng khổ hơn những người khác, có phải không anh?

– Có lẽ như vậy. Không biết cho đến bao giờ… Sinh viên tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp hy sinh ở Quảng Trị cũng nhiều. Anh vừa mới tổng kết xong phần tình hình thương vong của chiến dịch Quảng Trị.

– Đúng ra mỗi ngày em phải nhận được của anh ít nhất một thư. Nhưng em hiểu, đấy chỉ là mơ ước. Thư anh gửi về không nhiều, kể cả những lá thư viết dở. Có những thư em đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần, nhất là các thư anh viết sau khi kết thúc chiến dịch… Những lá thư ấy là chỗ dựa của em…

– Đến bây giờ anh vẫn không hiểu nổi trong hàng trăm, hàng trăm đồng đội thuộc đơn vị anh trên chiến trường Quảng Trị, anh là người duy nhất còn lại trong cái cối xay thịt!.. Người chiến đấu vô cùng ngoan cường hy sinh đã đành, người sợ chết cũng không sống sót được, thật là khủng khiếp. Lính sợ chết cũng nhiều lắm em ạ, nhất là các lính bổ sung…

– Tất cả chúng ta là người chứ đâu có phải là sắt đá.

– Đành là thế, em ạ. Còn sống trơ trơ thế này mà nhiều lúc anh không tin là mình còn sống! Đến nỗi thỉnh thoảng anh phải tự véo vào da thịt mình, hay tự lấy tay đập đập vào người mình để xoá đi sự ám ảnh của mọi cảm giác ngờ vực, để biết mình thực sự còn sống…

Nguyệt ôm chặt lấy chồng, hôn rất lâu:

– Cái hôn này có là thật không anh?

Cả một quá khứ rực sáng trong ký ức của Nguyệt. …Tiếng đàn vỹ cầm nỉ non réo rắt năm nào Nguyệt chưa hề được nghe nhưng được Nghĩa thuật lại cho nghe từ con tim mình… Những lúc ngồi hầm cố ôm chặt lấy hai con để che chắn bom đạn cho chúng… Loáng thoáng câu chuyện về Natasa… Một chút ghen… Những lá thư đọc đi đọc lại đầy nước mắt mà vẫn chưa thấy Nghĩa về…

Có một đêm khuya, một đêm khuya duy nhất, Nguyệt thủ thỉ hỏi chồng:

– Anh quên Natasa rồi hay sao?

– Không!.. Em ghen à? thượng tá thương binh Phạm Trung Nghĩa đắn đo hỏi lại vợ.

– Không!

– Thật không?

– Thật, có lúc ghen nhưng thực ra là không.

– Vì sao ghen lại là không hả em?

– Vì Phạm Trung Nghĩa của em phần nào có công lao tác thành của Natasa!

– Trời ơi, Nguyệt của anh!

Trong cái giây phút duy nhất ấy, lần đầu tiên Nguyệt cảm nhận được sâu sắc nhất tất cả những gì không thể nói thành lời trong tình yêu của chồng dành cho mình… Câu chuyện này không bao giờ diễn lại nữa, nhưng tình cảm này thường bừng sáng lên trong ký ức Nguỵệt, vào những giây phút Nguyệt xúc động nhất. Tình cảm này giờ đây cũng làm cho bà xúc động như vậy:

-Anh nói đi, cái hôn này là có thật không anh!

Nghĩa ghì riết vợ, mãi mới nói được:

– Cái hôn tự nó trả lời rồi…

– Có lẽ sống chết cũng phần nào có số thật anh nhỉ?

– Anh nhớ như in, tỉnh lại sau khi bị cưa mất bàn chân phải, bác sỹ trạm xá kể cho anh nghe: Mấy thương binh mới đến cho biết người cõng anh về hậu tuyến đã hy sinh ngay sau khi trở lại vị trí chiến đấu. Vì chiều hôm đó toàn bộ khu công sự đơn vị anh chi chít các hố bom của B52… Anh đã kể cho em nghe rồi.

– Em biết…

– Trí nhớ của anh nhiều khi cứ bị đứt quãng, chiến tranh là thế em ạ. Bây giờ anh nhớ lại còn một chi tiết anh chưa kể: Ngay sau đó có một việc làm anh khóc, khóc thảm thiết.

– Cầu mong người anh hùng của em cũng biết khóc vì sợ!

– Không đến nỗi thế, em ạ. Hôm ấy, sau khi kể cho anh nghe về những thương vong mới ngoài hoả tuyến, bác sĩ đưa lại cho anh các giấy tờ còn sót lại trong bộ quần áo rách bươm của anh khi đến trạm. Dở ra xem, thấy trong đó có bức thư lạ, những dòng chữ đứt đoạn, vội vàng… Đọc xong, anh hiểu đấy là thư của người cõng anh muốn gửi về cho gia đình. Lúc này hỏi ra anh mới biết là của cậu ta, trung uý Lâm. Anh cầm chặt lá thư trong tay, thật ra đấy là hai mảnh giấy, những hàng chữ không đầu không đuôi, tự nhiên anh bật lên khóc, khóc xé ngực, vì mình còn sống, mà người cứu mình và nhiều đồng đội khác trong trận này không còn nữa…Đó là lần đầu tiên trong đời lính anh khóc.

– Lâm chắc không nghĩ rằng đấy là lá thư cuối cùng viết cho gia đình mình ở Hà Nội…

– Chắc thế. Trong những tuần cuối của chiến dịch Quảng Trị, quân số đơn vị anh phải bổ sung thường xuyên. Đến nỗi nhiều cán bộ, nhiều chiến sĩ anh chưa kịp biết mặt biết tên đã hy sinh… Trên vừa giao cho anh đại đội của Lâm lúc tảng sáng, nhưng mới đến xế trưa đại đội này đã thương vong gần hết, trên lại phải bổ sung lính mới… Khi được ra viện Tám, đến nhà thắp hương cho Lâm, lúc nhìn lên ảnh trên bàn thờ anh mới biết rõ mặt người đã cứu sống mình. Ôi, Lâm còn trẻ quá…

– Lúc em mang thư đến nhà Lâm, gia đình đã nhận được giấy báo tử. Cậu ấy tốt nghiệp kỹ sư Bách khoa, làm trợ giảng được ít lâu là ra trận ngay. Lúc này cả nước đang thực hiện “3 sẵn sàng”, nhất là trong thanh niên. Lá thư là thứ duy nhất Lâm để lại cho gia đình trước khi hy sinh. Vợ Lâm ôm lấy em mà khóc. Em kể Lâm là người cứu anh, thế là cô ấy cứ đòi đến thăm anh ngay trong bệnh viện, rồi cả em và cô ấy cùng khóc. Em nhớ con gái Lâm năm ấy vừa học xong lớp mẫu giáo…

– Từ chiến trường trở về, anh mới càng hiểu mẹ, hiểu em, hiểu tất cả các bà mẹ của đất nước ta. Những người phải chịu đựng nhiều nhất, hy sinh nhiều nhất. Phải từ chiến trường trở về mới hiểu được thấu đáo điều này em ạ.

– Anh còn nhớ hôm tiễn anh chứ? Cậu mợ, bố em, thím Tuấn, tất cả các anh chị em, các cháu có mặt đông đủ. Lúc anh đi, cả nhà đi theo. Em ngồi lại và ôm chặt hai con vào lòng mình. Trong đầu chỉ một ý nghĩ duy nhất: Chúng ta không thể chết! Trong nhà chỉ còn lại ba mẹ con. Hai con còn bé quá, Mai cứ hỏi tại sao mẹ khóc, còn Tân thì giãy ra đòi chạy theo ông bà…

– Anh nhớ và anh hiểu… Anh bế mãi bé Tân rồi đưa cho cậu mợ…

– Ý nghĩ không thể chết giúp em vượt qua tất cả. Cũng may là cậu mợ giúp em rất nhiều, nhất là những năm sơ tán…

Không gian tịch mịch trong đêm khuya tiếp tục lắng nghe câu chuyện thủ thỉ bên nhau giữa một người từ cõi chết trở về và một người với niềm tin không thể chết…

Tác giả: