– Còn anh thì chìm ngập trong cái siêu phàm?
– Em chỉ nhận xét tranh luận giữa anh và con cháu mình, chứ em có đòi anh thú tội đâu!
– Nguyệt ạ… Nếu nói là giáp mặt với cái chết, vật lộn giữa cái sống và cái chết, anh đương đầu nhiều hơn anh Chính chứ. Nhưng không hiểu sao anh Chính lại thực tế hơn anh… Nói như em là anh mộng mơ hơn anh Chính…
– Anh ạ, trong tranh luận tối hôm qua anh Chính thật sâu sắc. Viện dẫn cả chuyện tôn giáo ra để phân tích con người và xã hội… Cái chính là để nói lên cái đúng, cái sai. Quả là một góc nhìn cần thiết và thuyết phục.
– Anh thừa nhận anh Chính là người của tư duy, của thực tiễn…
– Anh xem, lẽ công bằng là tư tưởng chính của đạo Hồi. Thế mà anh Chính viện dẫn được lẽ công bằng lại đang là vấn đề lớn nhất trong xã hội nước ta bây giờ anh ạ.
– Em nói đúng. Anh thừa nhận không phải ngẫu nhiên anh Chính lại nói đến đạo Hồi giữa lúc chúng ta có bao nhiêu cách nhìn đầy thành kiến về tôn giáo này.
– Đúng là anh Chính cố ý, chọn một vấn đề khó cốt làm nổi bật những chủ đề anh ấy muốn nói…
– Qua câu chuyện của anh Chính viện dẫn đạo Hồi, anh có cảm tưởng lẽ công bằng hình như còn đi trước cả vấn đề dân chủ Nguyệt ạ.
– Anh có để ý không, anh Chính nói là thánh Alah cũng phải truyền đạt kinh Coran qua con người cụ thể là nhà tiên tri Môhamét (Mohammed). Không có cách nào khác được, vì con người không thể hình dung ra lý tưởng sống của mình nếu không nhìn trong đó thấy mình, không nghe được tiếng nói của tâm hồn mình… Rồi Alah lại phải viện dẫn kinh Koran để nói vai trò Môhamết đã kết thúc. Nghĩa là chính Alah cũng phải coi Môhamết dù siêu phàm đến đâu vẫn chỉ là con người bằng xương bằng thịt. Alah đòi hỏi con người và xã hội phải chuyển sang ứng xử theo những quy tắc, nghĩa là phải có các thể chế…
– Anh thừa nhận anh Chính nhìn ra mối liên hệ giữa lý tưởng và cuộc sống, cốt lõi của nó và những thiên lệch…Anh Chính có cái nhìn sắc sảo những yếu kém hiện nay trong xã hội nước ta.
– Em thừa nhận đó là những suy nghĩ chín chắn…
– Đạo và con người là hai vấn đề, nhưng lại là một em nhỉ! Câu chuyện anh Chính nêu ra đầy trí tuệ…
– Thế anh không nghe các cụ nhà mình ngày xưa vẫn nói à: Đạo mà xa dân đạo không thể thành đạo, đạo không có dân là đạo chết, đạo không tôn phụng dân trở thành đạo vô đạo!.. Em thấy triết lý cổ kim Đông Tây gặp nhau ở điểm này. Đảng của những nguyên tắc phải được xây dựng cho thành những nguyên tắc của con người bằng xương bằng thịt anh ạ, không thể chỉ bằng những điều mơ hồ…. Song đấy phải là những con người có tâm hồn… Anh có nhận ra điều này không? Anh Chính hơn đứt anh ở điểm này!
– Anh thừa nhận!
– Lê Vân và Khái còn đi xa đến mức nếu Đảng thực sự làm cho mọi quyền hành của dân nằm trong tay dân và làm cho dân có khả năng và bản lĩnh sử dụng quyền hành này thì cả hai chúng nó ngay lập tức xin gia nhập Đảng. Đấy chính là Đảng của lý tưởng, của những nguyên tắc, cho những con người có nguyên tắc! Anh xem, sự ngờ vực của chúng nó, hay sự khác biệt giữa anh và chúng nó lớn đến chừng nào! Cả hai Đảng như thế hiện đang cùng tồn tại trong Đảng ta anh ạ.
– Bây giờ thì anh hiểu thêm suýt nữa bọn trẻ cho anh đo ván… Nhưng trong Đảng đâu chỉ có một mình anh quá thiên về lý trí thuần khiết? Thế còn Đảng của em là gì? Là cả hai hay là một?
– Theo em là thế này, đội ngũ người tốt trong Đảng ta rất đông anh ạ… Bao gồm mọi thế hệ, điều này là chắc chắn. Từ anh Lê Hải, anh Trần Thu… cho đến Bân, đến Yến… Đấy là những đảng viên chúng ta biết được. Họ là một phần cuộc sống của chính chúng ta… Em nghĩ những đảng viên như thế có ở khắp mọi nơi, và thuộc mọi lứa tuổi… Chắc chắn là vậy! Nhưng anh có thấy cuộc đấu tranh giữa Đảng của lý trí, của những con người có nguyên tắc, và Đảng của những con người đầy bản tính bằng xương bằng thịt phàm tục đang diễn ra quyết liệt không?
– Phần thắng nghiêng về ai?
– Phần thắng hình như đang nghiêng về tha hóa!
– Trời đất!.. Chẳng lẽ phải đi tu hết hả em?
– Bắt đi tu cũng không được, mà muốn đi tu cũng không được anh ạ. Cuộc sống nào mà không gồm cả phần hồn và phần xác hả anh?
– Em định nói phải làm sao cho lý trí bớt viển vông, còn con người bớt cái bản tính bằng xương bằng thịt?..
– Đấy là điều đáng mong muốn anh ạ!
– Em định nói hiện thực lý tưởng nằm ở đâu đó giữa hai cực này?
– Anh muốn hiểu thế nào thì tuỳ. Em nghĩ sẽ là vô trách nhiệm, nếu chúng ta nhắm mắt nói bừa rằng tệ nạn tiêu cực hiện nay là vô phương cứu chữa và buông tay đầu hàng, tệ hơn nữa là đành chấp nhận trở thành nô lệ của tiêu cực. Nhưng sẽ còn vô trách nhiệm hơn nhiều lần nếu không truy nguyên nguồn gốc của tiêu cực và đấu tranh đến cùng.
– Thôi chết rồi, cứ nói đi nói lại một hồi là đụng vào hệ thống!.. Thế là thế nào?
– Tùy anh hiểu.
– Em nói lại đi.
– Bi kịch hay không bi kịch của Đảng, của đất nước sẽ là thua hay thắng trong cuộc đấu tranh này đấy anh ạ. Dứt khoát là như thế.
– Anh đâu có mộng mơ trong chuyện này!
– Anh chưa đủ tỉnh ngộ!
– Nhưng không tin như thế anh không còn là anh nữa!
– Anh thấy chưa!.. Em có chị bạn cùng dạy ở trường, lần nào đến thăm chị ấy cũng thở ngắn than dài về việc chồng mình từ khi về hưu suốt ngày cặm cụi viết thư lên Trung ương tố cáo hết chuyện này đến chuyện khác, phê phán điều này điều nọ… Có những việc to đùng! Chị ấy cho em xem các bản sao đóng thành một quyển sách dày cộp. Người thực việc thực hẳn hoi!
– Anh thừa nhận cuộc sống bây giờ có quá nhiều chuyện…
– Có lần em và chị ấy ngồi với nhau nhặt xong cả hai mớ rau rút mà chị ấy vẫn chưa hết lời ca thán chồng mình. Lúc nào chị ấy cũng chỉ ngay ngáy nỗi lo chồng mình có ngày mang vạ vào thân….
– Đến thăm nhau mà chỉ rặt một chuyện than vãn như vậy sao?
– Cuộc sống thực nó như thế đấy. Không phải người vợ nào cũng như em để cho anh tự do muốn làm gì thì làm đâu.
– Ôi Nguyệt!.. Thế em có lo nỗi lo của anh không?
– Không phải chỉ của riêng anh…
– Mọi chuyện còn đáng lo hơn mức chúng ta cảm nghĩ được, có phải thế không?
Bà Nguyệt hiểu nỗi lo của Nghĩa, muốn lái câu chuyện đi hướng khác:
– Hồi hôm nếu có vợ chồng Tín – Kim tham gia vào đám trẻ, hay là có Lễ và bố Yến lập thành một phe, thì chắc anh sẽ còn thua đậm nữa.
– Em còn nhớ chuyến tàu Bắc-Nam năm nào chứ?..
– Quên sao được hả anh… Ngày ấy lần đầu tiên em được biết chiều dài đất nước… Mấy năm chúng mình ra sức hùn vào cho mẹ Kim và anh Võ Sang, thế mà đến lúc ngồi suốt chuyến tàu hôm ấy em vẫn còn bán tín bán nghi không biết là Kim có thể chấp nhận anh Võ Sang là bố dượng của mình được không…
– Thật khó tưởng tượng bây giờ cô Trang và anh Võ Sang đã thành ông bà ngoại rồi!.. Vẫn cứ như là trong mơ, có phải không em?
– Cái dòng đời quanh co của anh đấy!
– Đừng giễu anh nữa…
23.
Chính Bạch Liên cũng không thể tự giải thích được tại sao tên họ của mình cả thảy dài đến tám chữ: Cù Huy Phán Tiêu Lâm Thuỵ Bạch Liên. Nhưng Bạch Liên cảm thấy chỉ riêng cái tên rất lạ tai này đã mang sẵn trong nó một sự quyến rũ huyền bí…
Bạch Liên không làm sao biết được mẹ mình là ai, ngoài bức ảnh chụp cách đây hơn một nửa thế kỷ. Trong ảnh là một người phụ nữ rất đẹp, trạc dưới ba mươi tuổi, có nhiều nét rất giống Bạch Liên. Chẳng ai giải thích, Bạch Liên cũng không đoán được bức ảnh này có trước khi Bạch Liên sinh ra là bao nhiêu năm…
Khi sinh Bạch Liên được mươi ngày, thì mẹ cô bị băng huyết nặng. Biết mình không sống được nữa, trong những ngày hấp hối, người thiếu phụ ấy trăn trối những lời cuối cùng với người tình của mình là Lâm Thuỵ. Ông này hơn cô ta gần ba mươi tuổi, là triệu phú người Việt gốc Hoa, một tay chơi nổi tiếng Sài Thành hồi đó là làm khai sinh đặt tên cho con em là Cù Huy Phán Tiêu Lâm Thuỵ Bạch Liên và đừng cho con bé biết tên mẹ nó. Trước lúc lâm chung, người sinh Bạch Liên còn cho Lâm Thụy chuyển giao tài khoản của bà vào tên người nhận nuôi Bạch Liên để đảm bảo điều kiện nuôi con bà trở thành người có học hành tử tế. Bà còn cắt nghĩa cho người tình cuối cái tên dài thườn thượt của con bé là do bà đã ghép tên cả 7 người tình mà bà không muốn quên và cả cái tên cha của con gái, bà cũng giữ kín và đem theo xuống mồ.
Nghĩa tử nghĩa tận, Lâm Thuỵ làm đúng lời mẹ Bạch Liên dặn.
Bố mẹ nuôi Bạch Liên chính là hai vợ chồng làm kế toán cho hiệu buôn của Lâm Thụy, cũng người Việt gốc Hoa. Lâm Thuỵ chọn gia đình này gửi Bạch Liên vì biết rõ họ là người tốt và thuận lợi hơn nữa là họ hiếm hoi, không đẻ được một mụn con nào.
Lâm Thuỵ cũng không cho gia đình hai vợ chồng già này biết mẹ Bạch Liên là ai, mặc dù ông ta biết đích xác mẹ Bạch Liên là một con hoang của một vị quan to xứ Nam Kỳ, bị đem cho các bà sơ(*) [(*) Seurs: các nữ di tu trong nhà thờ công giáo.] nuôi trong một cô nhi viện ở Sài Gòn. Lâm Thuỵ biết quá rõ cuộc đời mẹ Bạch Liên, một người đẹp kỳ lạ, với những ý chí cuồng phá khác người.., bắt đầu vào đời là nghề tự chọn làm một gái nhảy, rồi là nàng hầu, vợ ngoài giá thú, là người tình…
Các áp-phe ái tình động trời của mẹ Bạch Liên với một vị tổng trưởng, đại sứ nước châu Âu, một tỷ phú người Malaixia… đã một thời làm chao đảo cả Sài Gòn và Gia Định. Ngoài ra, người thiếu phụ này có nhiều người tình thuộc các quốc tịch Việt, Hoa, Á, Âu…