Dòng Đời – Nguyễn Trung

Bạch Liên không kể mấy chuyện “linh tinh”, càng không kể việc mấy ông cán bộ địa phương Kiên Phong thắng thế đã “lại quả” cho Bạch Liên một khoản đô-la kha khá, một lô đất đã cắm mốc và còn gạ giữ mối hợp tác lâu dài. Đây cũng là lý do thỉnh thoảng Bạch Liên lại đi vắng, có lúc một hai hôm…

Thắng làm đúng thoả thuận với Bạch Liên là không can thiệp vào công việc riêng của nhau.

– Cánh anh em Vũ bị hai quả này đủ chết mất ngáp. Khu chung cư Nam Lái Thiêu liệu có tan không em?

– Khó. Việc đã làm được là Văn phòng kiến trúc sư nêu vấn đề này ra với Viện quy hoạch của Thành phố theo tín hiệu của Chín bà bắn sang. Đã ra được công văn tạm đình chỉ để xem xét. Như thế là giỏi rồi. Thời hạn cứu xét cũng đã hết, nhưng không khui ra được sai phạm nào về tài chính, về xây dựng…

– Chúng nó đã phòng bị trước?

– Phải thừa nhận đám anh em Vũ kín võ. Tóm lại là chỉ gây khó dễ và làm tiến độ công việc của họ chậm lại chút chút.

– Nhưng dù sao uy tín của công ty Ngọc Vân cũng bị dư luận đánh dấu hỏi chứ?

– Đó là cái chắc! Có khôi phục lại được cũng phải mất hàng năm.

– Thế mà chúng nó không chịu sáp nhập!

– Ngọc Vân đang cuống cuồng đi chạy vốn.

– Dù sao cũng là thắng đậm rồi. Em giỏi lắm.

– Hôm nọ anh suy tôn Liên là Gia Cát Lượng đàn bà cơ mà!

– Đập tan một nhà máy, phá huỷ một đề án 4600 ha bạch đàn, dìm uy tín của công ty Ngọc Vân xuống bùn đen, như thế đâu có phải là chuyện đùa. Đánh thắng anh em Vũ, anh sẽ trở lại tính sổ cánh Huy – Minh.

– Không được nói chuyện này! Chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng.

– Sao? Thiếu thông tin?

– Không phải thế, khuya rồi. Thông tin thì ê hề, chỉ cần biết khai thác.

– Có thể, vì em là đàn bà, mà lại quyến rũ…

– Phải biết khai thác lợi thế trời cho chứ.

– Thế còn sợ gì nữa?

– Khoan, đừng háu ăn. Cái chính là phải biết khai thác sự tranh ăn và sự phá đám lẫn nhau. Có thông tin mà không có ô dù thì cũng vứt.

– Mảnh giấy viết tay… Dù sao cũng là bài học đầu tiên đấy…

– Bạch Liên cứ nhớ mãi cái hôm sang kiểm tra thợ xây lắp bồn tắm massage cho ông Chín, tỉ tê với thằng con trai ông ấy làm phó phòng Sở Địa chính, có thế mới vớ được cái tin quy hoạch của Thành phố.

– Trung tâm phải quyết toán cho cái công trình bồn massage này ngót nghét hai chục nghìn đô đấy đồng chí Bạch ạ! Gần như là làm mới toàn bộ khu nhà vệ sinh…

– Cứ ghi sổ hết đi. Đừng bỏ sót bất kỳ khoản nào, có khi cần tới đấy Thắng ạ.

– Nhất định là thế rồi.

– Hai Tấn lôi ra cho xem tất cả hồ sơ, bản đồ quy hoạch, các số liệu… Xem đi xem lại bản đồ quy hoạch, thấy con đường mới chạy ngang qua trước xí nghiệp 23- 9. Bạch Liên hỏi tại sao không quy hoạch con đường này rộng nữa ra cho khang trang, nó bảo muốn lắm, nhưng sợ không giải toả được xí nghiệp 23-9. Thế là Liên sang phòng bà Chín, rỉ tai bà ấy mấy câu, rồi nhờ bà ấy bắn vào tai ông Chín cái thông tin cần bắn đi, ông Chín gật liền.

– Chà, nhanh như điện. – Thắng thán phục.

– Ngay chiều hôm đó, một cú điện thoại của bà ta làm tan ngay cái xí nghiệp 23- 9. Anh thấy chưa? Bây giờ liệu mà tạ ơn thánh mẫu cho chu đáo nghen, đừng keo kiệt quá!

– Xin tuân lệnh bà chủ của anh.

– Giấy viết tay thì chỉ có ông Chín. Nhưng a-lô trực tiếp các lệnh của ông Chín thì phải là bà Chín! Thắng rõ chưa?

– Rõ. Chỉ một chút xíu nữa anh làm tiêu ma sự nghiệp!

– Nói được câu này hy vọng là thuộc bài. Tốt lắm!

– Điểm yếu của anh là vội thì hay quên. Phải nói là có cái mảnh giấy viết tay đầu tiên của trận đánh giáp lá cà, chúng mình mới có hôm nay. – Thắng nhăn nhó, vì cú đá hạ bộ lúc nãy nhói đau và vì cảm thấy mình lép vế. Rất may cho Thắng đêm đen làm cho Bạch Liên không nhìn thấy điều khổ sở này trên khuôn mặt Thắng.

– Anh hãy nghĩ lại mà xem, cả cuộc đời kinh doanh của anh đã có trận nào thắng đẹp như thế chưa?

– Biết tội rồi mà.

– Phân công như thế rõ chưa?

– Rõ.

– Ngay từ ngày mai phải tìm cách bắt dây bằng được với cánh mụ Tư Thanh, Giao thái thịt và Cường trán bóng. Bọn này mới có thể tạo thêm vây thêm cánh cho chúng ta. Đúng phương châm thêm bạn bớt thù. Rõ chưa?

– Rõ.

– Tuân lệnh chứ?

– Tuân lệnh.

– Bây giờ đi ngủ nhé. Chúc ngủ ngon…

Thắng chờ thêm một lúc nữa, hỏi thử mấy câu, nhưng chỉ nghe thấy tiếng ngáy nhè nhẹ và đều đặn của Bạch Liên. Thắng cũng thấy thấm mệt sau cơn điên loạn, đành nhắm mắt, cố ngủ…

Sáng.

Thắng là người thức dậy trước. Nhưng Thắng chỉ vừa mới cựa mình Bạch Liên đã đưa tay dụi mắt. Thắng ngồi nhỏm dậy, nhìn kỹ Bạch Liên trong bộ quần áo bị xé tả tơi trong cơn điên vô tích sự của mình tối hôm qua. Bỗng nhiên Thắng tủm tỉm cười, ít nhiều đượm vẻ chua chát.

– Sao, Bạch Liên trong mớ rẻ rách này trông buồn cười lắm hả?

– Anh sẽ đền em.

– Không tiền bạc nào đền nổi quần áo Bạch Liên đâu.

– Thế thì đền bằng gì?

– Bằng sự nô lệ trung thành suốt đời của anh.

– Xin tuân lệnh bà chủ của tôi! – Thắng ôm ghì lấy Bạch Liên, hôn lấy hôn để khắp thân thể người tình.

– Bà chủ cho bãi lệnh cấm thành chứ ạ?

– Bãi lệnh!

– Anh vẫn là người đầu bảng chứ?

– Tên nô lệ đầu bảng!

Cả hai cười như nắc nẻ, quần dượt nhau trong tiếng rên rứ liên hồi, với tất cả sinh lực của buổi sáng sau khi đã được ngủ đẫy giấc.

Giây phút tràn trề thoả mãn qua đi, nằm sóng đôi bên cạnh Bạch Liên, Thắng ngửa mặt lên trần nhà:

– Em xử ác với anh quá!

– Hãy còn đau hả?

– Thỉnh thoảng vẫn nhói lên.

– Đau nhiều không?

– Đau vì cú đá phần nào thôi, nhưng mất chức đau hơn nhiều!

Bạch Liên cười phá lên:

– Còn giữ được cái chức nô lệ đầu bảng là may mắn nhiều rồi đó!

– May mắn chỗ nào?

– Vẫn vị trí đầu bảng.

– Dù chỉ là nô lệ?

– Anh thông minh hơn Liên nghĩ…

Ít lâu sau, chuyện cái mảnh giấy viết tay được Viện kiểm sát giải thích công khai trên báo chí thành phố, có lý lẽ rành rọt:

Công an kinh tế có nhiều thông tin nghi vấn công ty Ngọc Vân có biểu hiện chạy nợ. Thời gian quá gấp, yêu cầu nghiệp vụ đòi hỏi phải chủ động ngăn chặn tình huống xấu nhất. Mảnh giấy viết tay là sự truyền đạt công vụ trong nội bộ cơ quan, điều sơ xuất là chưa kịp làm lệnh chính thức trước khi phát lệnh, cơ quan chức trách xin được thông cảm.

Đọc xong tin này, Vũ mỉm cười một mình hồi lâu với tờ báo: – “Đúng là cái lưỡi đám mafia! Thanh minh mà vẫn bôi nhọ được người ta!”.

Vũ bước ra tủ hồ sơ. Anh lôi ra mảnh giấy viết tay của Chín Tạ, đựng nó vào trong một phong bì plastic cùng với tờ báo, rồi cất cái phong bì plastic vào két sắt, khóa lại thật cẩn thận.

Phản ứng của dư luận công chúng về cái mảnh giấy viết tay chẳng khác gì một cái bọt lớn, vì một lý do gì đấy sủi bồng lên từ đáy sông, nhưng cũng bị trăm ngàn sự kiện hàng ngày của dòng đời nhanh chóng làm cho tan biến mất. Con người trong cuộc sống thị trường bây giờ mắc bệnh hay quên ngày càng nặng…

Vợ chồng Bân – Lựu và con trai trên đường từ Thái Bình trở lên Tây Bắc ghé lại Hà Nội mấy hôm.

Từ ngày bân lên nhận nhiệm vụ trên quân khu Tây Bắc đến nay đã suýt soát mười năm rồi. Đây là lần thứ hai hay thứ ba gì đó Bân có việc ghé thăm Hà Nội, nhưng là lần đầu tiên Bân có dịp đưa Lựu và con trai mình ra mắt những người thân quen đã trở thành một phần trong cuộc sống của chính mình.

Mặc dù trên Tây Bắc ngày nào cũng xem tivi, nhưng Bân thừa nhận mỗi lần về thăm, Hà Nội lại một khác, lớn rộng lên nhiều, đẹp lên nhiều. Nhưng bộ mặt chắp vá của thành phố cũng ngày càng lộ rõ, giao thông cũng lộn xộn hơn trước nhiều… Một sự rộn rã xốn xang nào đó dấy lên trong lòng, vì những thay đổi ở Hà Nội một phần, song có lẽ vì Hà Nội là nơi lắng đọng biết bao nhiêu kỷ niệm của một quãng đời dạt dào tuổi thanh xuân khi Bân mới bước vào đời… Hà Nội là nhân chứng những năm tháng bão tố trong tâm hồn Bân.

Người lái xe đưa Bân đi thăm lại những đường phố, những nơi Bân đã đặt chân tới không biết bao nhiêu lần, trong suốt quãng đời từ khi còn là sinh viên trường Đại học Quân y, cho đến khi cùng với Nam lên đường đi Campuchia, hôm đưa linh cữu Nam về Hà Nội, những năm tháng khắc khoải trong tình yêu tuyệt vọng… Cho đến lúc trở về Thái Bình cưới vợ, rồi từ đó cùng vợ con lên quân khu Tây Bắc nhận nhiệm vụ mới…

Không còn nữa những vườn đào vút mắt ở Phúc Tân. Khu trường cũ, K8, doanh trại, những con đường Bân thường đạp xe đi dạo với Nam, những khu phố và những con đường Bân đi lang thang năm này qua năm khác như kẻ vô hồn… Đường xưa nhà cũ vẫn còn đây, nhưng tất cả không còn như xưa. Tuy vậy Bân vẫn thấy rõ mồn một tất cả trong ký ức của mình, rõ vô cùng, sinh động vô cùng… Chính nơi đây, Yến đã nắm lấy tay mình, thiết tha: “Anh Bân, xin anh đừng bao giờ nói gì nữa. Mong anh hiểu cho em”.

Xe đưa Bân đi trên các nẻo đường xưa, nhưng Bân lại đi trong ký ức của mình.

…Bân ơi, khi nào trở về Hà Nội, mình với cậu sẽ lên đê sông Hồng, nằm ngắm trời ngắm đất cho thích mắt thì thôi. Nằm trong lán này, nhắm mắt lại mà mình vẫn thấy những vạt ngô xanh rờn bên Đông Anh.., được nhìn dòng sông bao quanh như một dải lụa của tạo hoá ban cho… Ôi Bân… Không màu xanh nào sánh được màu xanh của vạt ngô xanh rờn! Không bút mực nào tả được màu nâu non đẹp kỳ lạ của dòng sông này…

Tác giả: