Ngay tối hôm đó bốn anh em Vũ bàn bạc việc di chuyển xí nghiệp 23-9 xuống Nam Lái Thiêu theo phương án sản phẩm mới. Họ bàn với nhau trắng đêm. Ông bà Hai Phong vô cùng lo lắng cho các con mình nhưng chẳng biếti lamf g hơn là thỉnh thoảng chạy ra chạy vào mang cho anh em Vũ những đồ ăn thức uống tiếp sức. Khoảng bốn, năm giờ sáng, ông bà Hai Phong mới lui về phòng mình đi ngủ. Khi ông bà thức dậy, đã gần mười giờ, cả hai hoảng hốt chạy sang phòng bên tìm các con mình. Ông bà sững lại khi thấy bốn anh em Vũ vẫn chụm đầu bàn bạc. Hai ông bà lặng lẽ đi sang phòng bà Sáu, thấy bà đang ngồi đọc sách trên ghế mây, trong tay một cuốn truyện tiếng Pháp đã cũ. Tại góc phòng người giúp việc đang lúi húi chuẩn bị bữa uống sữa thường lệ của bà.
Ông Hai Phong kêu lên:
– Đến bây giờ mà các cháu bàn với nhau chưa xong má ạ. Con lo lắm!
– Những chuyện như bọn trẻ đang gặp, má trải qua hết rồi. Đừng lo, chúng nó bây giờ giỏi hơn má nhiều!
Vợ chồng Hai Phong ngồi nấn ná chuyện trò với má một lúc rồi bà Ngân xin phép xuống bếp. Hai Phong cũng đứng dậy xin đi theo. Lần đầu tiên ông Hai Phong vào bếp cùng với vợ làm cơm cho các con mình.
Khi cả nhà ngồi đông đủ vào bàn ăn, má Sáu là người nói đầu tiên:
– Trên gương mặt các con, nội không thấy giọt nước mắt nào, thế là có lối ra rồi, phải không?
– Trời ơi, tụi con mỗi đứa như già thêm mấy tuổi! – Bà Ngân nhìn các con thốt lên.
Hôm sau, Bích Ngọc đang ngồi trong phòng chờ để lên máy bay thì có tiếng loa yêu cầu Ngọc trở lại nơi làm thủ tục xuất cảnh. Ra đến nơi, hai công an biên phòng cho Ngọc xem một mảnh giấy viết tay, và giải thích Ngọc không được phép rời khỏi Thành phố, vì công an kinh tế có tin Ngọc đang trốn nợ. Ngọc dứt khoát không chịu, coi mảnh giấy viết tay này là không hợp lệ, Ngọc không thể chấp hành. Nói xong Ngọc quay trở lại phòng chờ.
– Nếu chị nhất quyết cưỡng lệnh, chúng tôi sẽ dùng vũ lực.
– Thế thì các anh về đem lệnh cấm tôi xuất cảnh ra đây. Mảnh giấy viết tay này không có giá trị!
– Không kịp, sắp đến giờ bay rồi!
Ngọc gọi điện thoại cầm tay cho Vũ một lúc rồi quay ra nói với người công an biên phòng:
– Chồng tôi cũng cho đây là lệnh giả, tôi không thể chấp hành, vì không có ai khiếu nại tôi trốn nợ. Hoặc là các anh để tôi đi, các anh muốn bắn tôi thì cứ bắn ngay tại đây. Nếu các anh muốn bắt tôi quay trở lại thành phố, thì các anh phải đưa tôi mảnh giấy này để tôi về đối chiếu thật giả thế nào.
Hai bên đôi co lý lẽ. Ngọc cãi rất găng. Cuối cùng một người công an biên phòng nói:
– Thôi được, đồng ý. Chúng tôi được lệnh là không cho chị bay ra nước ngoài, còn nếu chị muốn có mảnh giấy này để hỏi rõ đúng sai thì chị cầm lấy và ký nhận vào đây. – Người công an biên phòng mở sổ ra cho Ngọc ký vào.
Cũng vừa lúc này Vũ kịp ra đến sân bay. Vũ ghi cả tên hai công an biên phòng, số hiệu của họ, và số điện thoại, rồi trao danh thiếp của mình để tiện liên lạc trước khi chia tay với họ.
Chợt nhìn thấy Ngọc và Vũ bước vào nhà, bà Sáu khuỵu chân ngã dụi xuống đất, rất may ông Hai Phong đứng cạnh kịp đỡ được, vội bế mẹ vào đặt nằm lên chiếc sô-pha trong phòng khách. Ngọc và Vũ tất tưởi chạy theo. Bà Ngân đem đến cho mẹ một tách trà sâm nóng. Một lúc sau, bà Sáu mới trở lại bình thường.
– Thấy Bích Ngọc về, nội đoán ngay có chuyện chẳng lành. Lũ đểu cáng…
– Má nói ai đấy ạ? – Hai Phong ngơ ngác.
– Đó là trò trẻ con. Chúng đểu nhưng vẫn còn ngu lắm… – Bà Sáu cứ nói một mình như thế.
Ông Hai Phong và bà Ngân tưởng mẹ mình đang cơn mê sảng. Nhưng Vũ và Ngọc thì hiểu rất rõ. Cả hai quỳ bên nội của mình, bóp tay, bóp vai cho bà.
– Nội làm cả nhà sợ quá. – Ngọc thốt lên.
– Tại nội tức quá đấy thôi. – má Sáu đã trở lại điềm tĩnh.
– Chúng con muốn làm nội vui. – Vũ tìm cách an ủi bà nội mình.
– Làm cho nội vui?
Ngẫm nghĩ một lúc, sắp xếp lại cách đối phó hai vợ chồng đã bàn với nhau trong xe trên đường từ sân bay về, Vũ thưa:
– Chúng con định mời nội đi xem kịch ạ.
Bây giờ bà Sáu mới mỉm cười, bà tin là bọn trẻ đã có cách đối phó:
– Nếu các con cũng lên sân khấu đồng diễn thì nội đi xem.
– Chúng con xin nội nghe lời nói đầu trước khi mở màn ạ, vở kịch bắt đầu ngay từ bây giờ ạ. – Vũ bảo Ngọc đọc mảnh giấy viết tay do người công an biên phòng đưa cho nội nghe.
– Các con định làm gì với mảnh giấy này? – bà Sáu hỏi.
– Chúng con tạm thời mời họ lên sân khấu để họ tự giới thiệu trước với khán giả, rồi chúng con mới xuất hiện trong vai của mình.
Bà Sáu ngẫm nghĩ một lúc rồi thong thả nói:
– Được.., có thể là màn kịch hay đấy. Cẩn thận một chút, đừng khinh suất điều gì. – Bà Sáu lờ mờ đoán được trò chơi của bọn trẻ.
Ngay chiều hôm đó, báo Sài Gòn buổi chiều đưa một tin cụt lủn: Nhà kinh doanh Bích Ngọc, tổng giám đốc công ty Ngọc Vân, bị công an giữ lại không cho xuất ngoại vì có biểu hiện trốn nợ. Cách rao của người bán báo làm cho tờ báo bán chạy như tôm tươi. Cả thành phố nháo nhác về cái tin rao ngoài phố này.
Sáng hôm sau, công ty Ngọc Vân nhận được không biết bao nhiêu cú điện thoại của các cổ đông đòi rút vốn.
Khoảng gần trưa, bà Sáu đang nằm nghỉ thì bà Ngân dắt Thắng vào:
– Cháu chào bà ạ. Cháu đọc báo có tin dữ quá, cháu gọi điện thoại cho anh Vũ không được, nên cháu mạn phép đến đây xin biết sự thể thế nào.
– Thắng nào đấy nhỉ, có phải Thắng ở nhờ nhà Tư Cương ngày xưa không? – bà Sáu cứ nằm nguyên trong tư thế đang ngủ hỏi chuyện khách.
– Trí nhớ của bà minh mẫn quá. Cháu là Thắng ấy đấy ạ.
– Cháu có hai con, đã đứa nào lấy vợ lấy chồng gì chưa? – Má vẫn nằm yên, mắt lim dim.
– Dạ chưa ạ, chúng nó bây giờ đang học đại học ạ. – Thắng bịa ra như thế, vì cả hai rớt đi rớt lại chưa xong phổ thông, chúng bỏ học và lêu lổng từ lâu rồi.
– Hôm nay đến có việc gì thế con?
– Dạ… Cháu nghe nói chị Ngọc trốn nợ, công an không cho xuất ngoại, nên cháu đến hỏi thăm có giúp được gì không ạ.
– Có chuyện ấy à? – bà Sáu nói, nhưng vẫn giữ nguyên cái vẻ thờ ơ, mắt vẫn lim dim.
– Dù sao chúng cháu cũng là bạn của nhau, bây giờ chị ngã em nâng. Cháu không thể dửng dưng được.
– Vậy hả?.. Sao cháu biết?
– Dạ cháu đọc báo.
– Cảm ơn lòng tốt của cháu. Cháu chịu khó xem báo nhỉ. Có gì trầm trọng không cháu?
– Các anh các chị chưa nói gì với bà ạ?
– Bà già rồi, không rõ lắm. Sao lại đến thăm lúc bà đang buồn ngủ thế này?
– Trời ơi, việc tày đình bà ạ. Trắng tay như không, mà còn có thể tù tội nữa đấy. Thư các cổ đông của công ty Ngọc Vân đòi rút vốn gửi đến công an hàng chồng rồi ạ. – Thắng vừa nói vừa để ý xem bà Sáu phản ứng thế nào.
– Cháu có khuyên bảo gì không? – Bà Sáu vẫn thản nhiên.
– Khổ quá, nếu ngay từ đầu sáp nhập vào chỗ chúng cháu thì bây giờ ngồi mát ăn bát vàng. Mạo hiểm như các anh các chị ấy chết như chơi đấy ạ.
– Bốn anh em Vũ chẳng có đứa nào ở nhà… Chịu khó đi tìm chúng nó đi… Nói cho chúng nó biết ý kiến của cháu… Bà đang mệt… – Nói xong, bà Sáu trở người, quay vào phía trong.
Không còn cách nào khác, Thắng đành đứng dậy, chào bà Sáu và bà Ngân. Ra về, trong lòng Thắng không sao đoán được phản ứng hiện nay của bốn anh Vũ như thế nào.
…Đ. mẹ! Chúng nó gan lỳ, hay đang lo sốt vó? Chỉ thấy mỗi mụ Ngân có vẻ bối rối… Còn cái bà già này đang kề miệng lỗ rồi…
Khi Thắng đi ra khỏi nhà rồi, bà Sáu gọi bà Ngân lại:
– Thằng nhãi này đóng kịch tồi quá. Nó là thủ phạm đấy, nhưng lòi đuôi. Hôm nay báo mới đăng tin mà chưa chi đã biết thư đòi rút vốn gửi đến công an hàng chồng! Nói dối không biết đường nói dối! Một thứ hù doạ con nít. Con đi pha cho má chén trà sâm mới.
Hôm sau, hôm sau, rồi hôm sau nữa… điện thoại đòi rút vốn không ngớt.
Mặc.
Sau trận bom Thắng – Bạch Liên bốn anh em Vũ cắn răng chịu câm, chịu điếc. Họ tranh thủ từng giờ từng phút làm mọi việc thu dọn đổ vỡ và bắt tay vào xây dựng mới…
Cầm mảnh giấy viết tay và tờ báo có cái tin cụt lủn, vợ chồng Vũ, đại diện Đoàn luật sư thành phố, đại diện Ban giám đốc điều hành ngân hàng chủ nợ của công ty Ngọc Vân kéo nhau đến Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố, họ lễ mễ đeo, xách không biết bao nhiêu thứ giấy tờ, chứng từ… Họ khiếu kiện việc bị vu khống và yêu cầu Viện khởi tố, bắt đầu từ việc xác minh cái mảnh giấy viết tay từ đâu ra. Cùng đi có một đoàn khá đông các nhà báo.
Ngay lập tức cái mảnh giấy viết tay giống như một ngòi cháy dẫn đến thùng thuốc nổ. Hầu hết các báo lớn của Thành phố đều chụp lại mảnh giấy viết tay này, được phóng to ra cho mọi người dễ đọc. Dư luận không thể chấp nhận mảnh giấy viết tay trong thi hành công vụ, lại càng muốn đòi phanh phui tác giả của nó. Một số độc giả gửi thư ngỏ trên báo đòi giám định chữ viết của mảnh giấy viết tay, câu chuyện càng thêm phần gay cấn.
Có báo đăng lại toàn văn thư của một độc giả, có ghi tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ đàng hoàng: …Nhà nước pháp quyền, phải dẹp ngay tệ nạn làm ăn tuỳ tiện theo kiểu “ký ruồi” và “giấy viết tay như thế này!..”
Vài hôm sau Viện kiểm sát buộc phải hứa trên báo chí là sẽ xử lý khẩn trương và nghiêm túc.