– Thưa đại tá, thực quả là tâm hồn Nga đã chinh phục tôi. Còn trước sau tôi vẫn là một người lính thực thụ đấy chứ ạ… Hay là… đại tá cho tôi là lính cậu?
– Cầm súng mà yêu cái đẹp thì càng xứng đáng là một chiến sĩ. Tôi yêu người chiến sĩ biết yêu như vậy.
– Như vậy là tôi được đại tá thông cảm có phải không ạ?
– Anh biết không, khi tiễn tôi ra Hồng trường để từ đấy bắt đầu cuộc hành quân ra thẳng mặt trận phía Đông, vợ mới cưới của tôi tặng tôi cuốn Yevgeny Oneghin. Cuốn tiểu thuyết bằng thơ ấy chiến đấu cùng tôi trong mọi trận đánh, chịu thương tích cùng tôi, cùng chiến thắng, nhưng khi cả hai chúng tôi trở về, nàng không còn nữa… – giọng người lính già trầm lắng, mắt nhìn về đâu đâu như đang cố tìm dõi ai nơi xa xăm. Bàn tay Nghĩa nắm chặt bàn tay đại tá…
Có lẽ những cuộc trao đổi tâm tình như thế khiến ông già Vatsili có cảm tình đặc biệt với Nghĩa. Vợ chồng ông đại tá thường giữ Nghĩa ở lại nói chuyện rất lâu trong những buổi Nghĩa đến thăm.
Hơn thế, Natasa, con gái ông bà, ở tuổi đang đi đến tình yêu, học tại nhạc viện Tchaikovsky, yêu Nghĩa với tất cả tình yêu của mối tình đầu. Hai người biết nhau vì cả lớp Nghĩa – vẻn vẹn có 12 người – tuần nào cũng được ông bà Kôtôyepski mời về gia đình ăn cơm tối thứ bẩy. Tình yêu của Natasa đối với Nghĩa là tình yêu dành cho cái chân chất của người bộ đội Việt Nam. Hơn nữa, đó còn tình yêu của hai tâm hồn gặp nhau… Chính Natasa, nhất là tình yêu tha thiết giữa hai người, là kẻ dẫn đường cho Nghĩa thực sự bước sâu vào thế giới tâm hồn. Hầu như tuần nào Natasa cũng đưa Nghĩa đi nghe nhạc giao hưởng, các buổi biểu diễn dân ca các dân tộc Liên Xô, hoặc dắt Nghĩa đi xem các viện bảo tàng…
Có một lần, buổi biểu diễn hoà nhạc kết thúc đã lâu, đèn lại bật lên sáng trưng. Dàn nhạc và thính giả đã ra về hết. Giữa phòng hoà nhạc vẫn còn ngồi lại một đôi trai gái, tay trong tay lặng ngước nhìn lên bục biểu diễn của các nhạc công. Họ cứ ngồi yên như thế mãi, tâm hồn như vẫn còn đang bay bổng theo tiếng nhạc vương đọng đâu đó trong không trung. Người phụ trách phòng nhạc trân trọng những giây phút ấy, không nỡ làm bất kể điều gì đụng chạm đến sự yên lặng thiêng liêng này nên chỉ kiên nhẫn đứng chờ…
Đó là buổi biểu diễn bản concert cho đàn dương cầm số 1. cung Fa thứ, opus 21 của Fryderyk Chopin. Cả Natasa và Nghĩa đều hiểu tâm hồn của họ thuộc về nhau.
Âm nhạc có lúc đưa họ đi suốt chiều dài những đêm tuyết sáng trắng dòng sông Mátxcơva… Vào một buổi tối vài ngày trước hôm làm lễ tiễn nhóm học viên sỹ quan Việt Nam về nước, Natasa mời Nghĩa đi nghe bản concert duy nhất của Beethoven viết cho đàn violin cung Rê trưởng, opus 61, người biểu diễn là David Ostrak, nhạc công vỹ cầm người Nga nổi tiếng thế giới.
Trên đường tiễn Natasa về nhà, Nghĩa cảm thấy chân không muốn bước. Tim anh thổn thức như đang ứa máu… Nghĩa hiểu, bản nhạc nói thay cho tất cả nỗi lòng Natasa. Cả hai tay trong tay lặng lẽ bước bên nhau.
Khi chia tay, Natasa nắm lấy cả hai bàn tay Nghĩa:
– Mẹ em đã từng tiễn bố đẻ của em ra trận. Bố đẻ em không bao giờ trở về nữa. …Không bao giờ nữa, anh ạ… Tổ Quốc anh vẫn còn một nửa chưa được giải phóng. Hãy giữ mãi nụ hôn này cho em…
Nghĩa định nói điều gì, thì cửa sổ nhà ai đó phía trên chỗ hai người đang đứng chợt hé mở. Từ khung cửa sổ này lời ca thiết tha của bài hát Đôi bờ vang vọng xao xuyến trong không trung. Nghĩa chưa kịp hé lời, Natasa đã lấy ngón tay chỏ bé nhỏ của mình đặt lên môi Nghĩa. Cả hai đứng lặng. Khi bài hát dứt, Natasa khóc nức nở vùng chạy vào trong nhà. Còn Nghĩa hai chân bị chôn chặt trong tuyết…
Đấy là nụ hôn đầu tiên và cũng là nụ hôn vĩnh biệt…
Nghĩa chết lặng, và hiểu thế nào là yêu.
Đặt chân về đến Hà Nội đầu năm 1957, sắp vào Tết, tiết trời năm ấy rét như cắt, nhưng Nghĩa vẫn thấy mình nóng bừng bừng. Đôi lúc Nghĩa tự nói với mình trong lòng …Không bao giờ nữa… Nghĩa cố hết sức che giấu những nỗi niềm ngổn ngang đằng sau vẻ mặt hân hoan của mình khi trở về sống với bố mẹ.
… Không bao giờ trở về nữa… những đồng đội của mình đã ngã xuống trên các chiến trường Tây Bắc… Không bao giờ nữa… những gì chỉ đến có một lần và chỉ một lần trong cả đời mình mà thôi… Ôi Natasa!
Đơn vị chưa kịp nói gì về công tác và nhiệm vụ sắp tới, Nghĩa đã phải lo toan một việc trọng đại. Cả nhà đều giục Nghĩa lấy vợ. Một bất ngờ lớn – Nghĩa chưa kịp nghĩ tới, cũng chưa hoàn hồn sau mối tình đầu để có thể đủ tâm trí nghĩ tới… Nhưng nhà đã chuẩn bị xong cả cô dâu rồi!
Rốt ráo nhất là ý của mẹ Nghĩa và Cúc. Hình như phụ nữ có những suy nghĩ và mối lo chung.
Bà giáo Tuyên:
– Học xong, về nước là để chiến đấu tiếp, có phải thế không con?
– Nhất định là thế rồi mợ ạ.
– Thế thì lập gia đình đi. Như thế dù con có đi đến cùng trời cuối đất mợ vẫn yên tâm.
– Bác còn phải có cháu nội ở nhà, anh đi xa bác mới đỡ nhớ…
Bà giáo Tuyên nói một câu. Cúc lại thêm vào một câu.
Vào những ngày này, gần như sau mỗi buổi dạy học, Cúc lại đến nhà bác mình, có hôm đèo cả mẹ đến. Chị Hương vợ anh Chính cũng có lúc góp phần. Bây giờ hình như phụ nữ của cả họ Phạm quyết tâm thuyết phục Nghĩa bằng được việc lấy vợ. Bà giáo Tuyên khi nói chuyện với Nghĩa, hết nắm tay, nắm vai lại ôm đầu con. Bà chỉ sợ sẽ tuột mất con trai mình nếu Nghĩa nói “Không!”.
Ông giáo Tuyên thủng thỉnh:
– Con đi hết chiến trường này đến chiến trường khác. Sẽ còn đi xa nữa. Con nên chiều ý mợ, vì mợ thương con chịu đựng gian khổ vất vả nhất trong tất cả mấy anh em…
Nghĩa không tìm ra được lý lẽ nào để trì hoãn. …Anh Chính đã cưới chị Hương trước khi rời trường Thiếu sinh quân sang học ở Bắc Kinh. Bây giờ đến lượt mình thì đúng quá rồi còn gì nữa…
Hai tuần lễ sau khi đặt chân về đến Hà Nội, Nghĩa nhận được lệnh chuẩn bị đi làm nhiệm vụ đặc biệt, trong vòng vài tuần tới sẽ lên đường. Sau này được hiểu đấy là nhiệm vụ chuẩn bị cho chiến trường B. Lệnh đặc biệt này đưa Nghĩa tới quyết định dứt khoát: Thực hiện mong muốn của mẹ.
Đám cưới năm ấy ngoài tiệc trà, bà giáo Tuyên và Cúc cố xoay sở làm mấy mâm cơm ở nhà dành riêng cho việc mời những người thân thiết nhất trong hai họ. Sự giản dị của cô dâu, chú rể, chủ nhà và khách đến dự cưới hình như chỉ làm nổi rõ thêm sự ấm cúng của tình người. Đúng lúc đón dâu về nhà Nghĩa, cơn mưa ập xuống, trút nước ngập lụt đường phố. Không còn cách nào khác…
Mưa to như thế mà gần như cả ngõ nhà Nghĩa ngó ra đường xem chú rể cõng cô dâu về nhà!
Cuộc sống của một nửa đất nước đang lo cho sự nghiệp giải phóng miền Nam thật đạm bạc. Thiếu tá đoàn trưởng của Nghĩa ở học viện Phrun-de được mời làm chủ buổi lễ thành hôn. Trước khi ra về, đoàn trưởng kéo Nghĩa ra góc vắng:
– Một lần nữa chúc mừng vợ chồng cậu hạnh phúc. Mình thành thật xin lỗi cậu.
– Có chuyện gì thế anh?
– Thực lòng khi cùng với cậu bước chân xuống ga Hàng Cỏ mình mới yên tâm.
– Anh nói gì em không hiểu.
– Mình cứ sợ cô Natasa buộc chân cậu ở lại Mátxcơva. Thậm chí mình đã phải báo cáo tổ chức nỗi lo này. Cậu thông cảm, bộ đội thời chiến mà.
– Có lúc nào em quên nhiệm vụ không anh?
– Bây giờ thì mình có thể nói được cậu là học viên xuất sắc nhất của đoàn!
– Cảm ơn anh nhiều lắm. – Nghĩa ôm chầm lấy trưởng đoàn.
– Thực ra chi ủy đã mấy lần định đưa cậu ra kiểm điểm, hoặc đề nghị cho về nước để phòng ngừa những hệ quả xấu. Mọi người rất sợ cậu làm ảnh hưởng thanh danh quân đội ta.
– Em biết.
– Biết sao vẫn cứ dính với Natasa, làm người ta thót tim. Họp lên họp xuống mất bao nhiêu thời giờ!
– Các anh yếu tim thế à?
– Đồ quỷ!
Nhưng em cũng biết Natasa và em yêu nhau thiêng liêng vô cùng. Chẳng biết cắt nghĩa như thế nào cho anh hiểu nhỉ… Lúc nào hai đứa tụi em cũng như sống trên mây… Có phải em lãng mạn quá không anh?
– Có bao giờ em có ý định ở lại hay cưới Natasa làm vợ không hả Nghĩa? Phải nói thực!
– Vâng. Cả Natasa và em say mê nhiều chuyện quá, thú thực tụi em chưa đủ thời giờ để nghĩ đến điều đó anh ạ. Chúng em lúc ấy có quá nhiều điều để yêu trong lẽ sống của mình. Từng hơi thở, từng ý nghĩ, lúc nào cũng như đang bay cao trên trời. Người ngoài cuộc như anh không hình dung được đâu! Chúng em triết lý với nhau rất nhiều về những gì tụi em cảm nhận được. Âm nhạc, nghệ thuật… Đúng là có một thế giới khác thật anh ạ! Chúng em chắp cánh cho nhau…
– Thế này mà cô Nguyệt nghe được thì cậu toi!
– Nguyệt biết hết cả rồi mà!
– Cái gì?
– Em không nói đùa đâu. Đầu thú trước khi làm lễ cưới!
– Được khoan hồng?
– Được tha bổng!
– Thật thế hả?
– Vâng, thật mà.
– Thôi thôi, tôi vái cậu. Cậu thật là hạnh phúc!
Cô dâu Trần Bích Nguyệt kém Cúc một tuổi, cũng con nhà giáo, gốc Hà Nội, cháu ngoại một nhà Nho, một nhà thư pháp nổi tiếng, cụ Trần Thư Điền ở phố Hàng Nón. Nguyệt là bạn cùng học sư phạm trung cấp với Cúc trong kháng chiến. Bố mẹ Nguyệt đều tham gia kháng chiến, làm trong ngành ngân hàng. Năm 1951 mẹ Nguyệt bị chết trong trận giặc Pháp ném bom bến đò Âu Lâu ở Yên Bái, giữa lúc bà làm nhiệm vụ chuyển tiền từ an toàn khu ở Chiêm Hoá sang để chuẩn bị cho chiến dịch Tây Bắc.
Về Hà Nội, Cúc dạy tiếng Nga và Nguyệt dạy văn, cùng một trường. Cúc và bà giáo Tuyên “dấm” Nguyệt cho Nghĩa từ lâu. Nguyệt không có vẻ đẹp gì đặc sắc, nhưng được cái da trắng, cao ráo, có cặp mắt thông minh, nói chung dễ nhìn. Còn bà giáo Tuyên ưa nhất cái tính nết na lễ phép của Nguyệt. Đám cưới được cả hai họ thu xếp nhanh gọn theo kiểu cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, vài ngày trước khi Nghĩa lên đường.