– Chị Ngọc có lý đấy – Quân tán thành. – Anh còn lạ gì cách đánh giá và bồi thường của cơ quan chính quyền nữa. Vụ hơn một trăm xe ô-tô tay lái nghịch ông Nguyễn Trường Anh được kiện mà không thu hồi vốn được lấy một xu. Trong Thành phố ai không biết chuyện này?! Ông ta còn nói với em: Cãi lý với chính quyền khó lắm, vận dụng luật gì cũng được. Tôi thoát tù là may đấy cậu ạ!
– Cánh Đài Bắc còn hai khu kinh tế và một xí nghiệp ngoài Bắc, vì vậy em hy vọng họ sẽ không bỏ cuộc ở Kiên Phong. Nếu họ không bỏ cuộc thì may ra chúng ta còn vớt vát được chút ít. Bọn Thắng – Bạch Liên ra đòn hiểm quá! – Bảo Vân nhận xét.
Bà Sáu kiên nhẫn ngồi nghe, mặt đỏ bừng bừng như người bị huyết áp cao. Thỉnh thoảng bà nhấp một ngụm nước lạnh, để tự kiềm chế mình. Bà vẫn chưa bàn một lời nào.
Vũ đứng dậy “gút” lại ý kiến của mình:
– Phải làm ngay việc di chuyển nhà máy 23-9 ra Nam Lái Thiêu. Không chần chừ được! Tốn kém bao nhiêu cũng ráng chịu! Nếu xin được đất đền bù sẽ dùng vào việc khác, hoặc bán đi để trả nợ. Từ đó mới hy vọng đi tiếp. Ta lùi như thế, chính quyền dễ chấp nhận. Việc này cũng dễ ăn dễ nói, vì nó đụng chạm đến công ăn việc làm của 200 con người, ai phá đám chúng ta cũng khó.
– Em sẽ xúi công đoàn nhà máy đâm đơn lên thành phố! – Quân đề xuất.
– Công đoàn cũng do các ông ấy dựng lên mà! – Bảo Vân chưa tin vào ý kiến của chồng mình.
– Lúc này mới cần công đoàn chứ Bảo Vân! – Bích Ngọc tán thành ý kiên của Quân.
Vũ cũng cảm thấy bí, song vẫn thấy không thể bỏ qua bất kỳ khả năng nào:
– Còn nước còn tát, các em ạ… Được, công đoàn cứ đâm đơn, nhưng đừng đụng chạm gì đến nhà máy, chỉ đòi thành phố phải tạo điều kiện cho chúng mình bảo đảm công ăn việc làm của công nhân! Chỉ tập trung vào một điểm này thôi! Đừng lan man sang chuyện khác.
– Có lẽ nên như thế. Đây là điểm yếu nhất của Thành phố. – Bích Ngọc tán thành ý kiến của chồng.
Vũ thấy điểm này tạm ổn, nói tiếp các việc khác:
– Nếu được giành được phương án đền bù đất, sẽ sớm có tiền trả nợ. Nếu không có đất đền bù, thì đành phải kéo cày trả nợ! Công ty xây dựng I và xây dựng II đem bán ngay tất cả đất đai có thể bán được, dồn hết vốn cho xây dựng lại xí nghiệp này ở Nam Lái Thiêu. Chúng ta tạm gác lại kế hoạch mở thêm xí nghiệp phụ tùng xe máy và ô-tô ở Bình Dương đã bàn tháng trước. Bây giờ đắm đò giặt mẹt, phải đem dự án ở Bình Dương trám vào xí nghiệp 23-9 mới ở Nam Lái Thiêu vậy. Sản phẩm này đang có thị trường, chúng ta chọn mô hình xí nghiệp vệ tinh cho những tập đoàn lớn may ra mới trụ được. Xí nghiệp 23-9 phải bỏ sản phẩm cũ đi, vì đằng nào cũng không địch lại được hàng nhập lậu Trung Quốc. Cả nhà nghe được không?
– Em tán thành.
– Em tán thành…
– Nếu vậy Ngọc cố kéo cánh Đài Bắc ở Kiên Phong tham gia dự án phụ tùng xe máy và ô-tô. Sẵn sàng nhân nhượng phần nào để bù lại chút ít cho những mất mát của họ ở Kiên Phong thì may ra kéo được họ vào cuộc ở Nam Lái Thiêu Ngọc ạ. Cái may là Đài Loan đang muốn chuyển công nghiệp chế tạo phụ tùng xe cơ giới ra nước ngoài. Có thể vay thêm vốn của hợp tác xã 8-3 và hợp tác xã Đồng Tâm, nhưng anh chắc không được bao nhiêu. Nhất trí nhé?
– Chúng em đồng ý. – Quân nói trước tiên. Bích Ngọc và Bảo Vân cũng đồng ý.
– Còn đề án Kiên Phong thì đành đánh đố với trời vậy các em ạ. Trước mắt là vận dụng luật pháp hiện hành để kiện cáo, dù là con kiến mà kiện củ khoai cũng phải làm! Không một giây phút nào để mất ý chí còn nước còn tát. Các em đồng ý không? – Vũ hỏi.
– Em sẽ yêu cầu công đoàn của xí nghiệp 23-9 đưa đơn kiện lên công đoàn quận, công đoàn Thành phố và Sở Công nghiệp. Vẫn cứ phải kiện anh ạ, cái chính là để kéo dài thời gian cho việc di chuyển nhà máy, chứ em không hy vọng gì vào mấy ông bà ở quận và ở Thành phố đâu.
– Em đồng ý với anh Quân. Đây là dịp buộc các ông các bà này phải tự lộ diện mình là công đoàn đỏ hay công đoàn vàng!
– Bảo Vân giữ mồm giữ miệng một tý, nhưng anh đồng ý với đề xuất của hai em. – Vũ tán thành.
– Em còn đang nghi một điều nữa. – Bảo Vân đặt câu hỏi.
– Bảo Vân nói đi. – Vũ giục.
– Có khả năng họ không cần chơi cái trò cải tạo tư sản như trước nữa, mà áp dụng chiến thuật khi cần đánh kinh tế tư nhân thì hình sự hoá vấn đề hoặc thay đổi chủ trương chính sách, đánh chết tươi luôn! Nuôi béo rồi thịt mà! Cả nhà xem có khả năng này không? Thật chẳng khác gì B52 thả bom phá tan xí nghiệp 23- 9 và dự án Kiên Phong của chúng ta giữa thời bình! – Mồ hôi lấm tấm trên trán Bảo Vân, mặt cô nhợt hẳn ra.
– Bảo Vân, lúc này phải tỉnh táo. Anh nhắc em ra ngoài không được lỡ miệng.
– Anh Vũ, ngồi đây thì phải bàn cho hết nhẽ chứ! – Bảo Vân không chịu nhượng bộ anh mình.
– Nghi ngờ của Bảo Vân cũng phải đặt ra anh Vũ ạ. – Quân đồng ý với suy nghĩ của vợ. – Hiển nhiên chỉ có hai khả năng: Bọn Thắng – Bạch Liên lợi dụng bàn tay quyền lực nhà nước thôn tính chúng ta, hoặc quyền lực nhà nước mượn tay Thắng – Bạch Liên xoá sổ chúng ta. Không thể giải thích khác được.
– Suy luận như thế thì còn nhiều chuyện phải đặt ra lắm. – Ngọc nêu ý kiến của mình. – Trong tình hình tiêu cực thế này, luật pháp vừa không đủ vừa thực hiện không nghiêm, sẽ còn xảy ra nhiều chuyện không ai biết đằng nào mà lần.
– Chị Ngọc chứng minh xem nào. – Bảo Vân đề nghị.
– Chúng ta cứ nhìn lại mà xem, cấp phép xây dựng xí nghiệp 23-9 là chính quyền hẳn hoi, bây giờ bắt dỡ bỏ đi cũng là chính quyền! Trâu buộc ghét trâu ăn, bè này đánh cánh kia, trực tiếp hoặc qua tay người khác… Trong thành phố này ai là người không biết vì sao LêGarment bị đánh? Rồi một loạt công ty khác nữa! Cứ bên này phá được một công ty thì bên kia cũng phải tan một cái! Nhìn vào các vụ buôn lậu, các vụ buôn thuốc phiện, ai dám nói ở ta không có mafia? Cho nên biết là để tính toán cho hết nhẽ thôi. Theo chị không nên bé xé ra to. Khoanh gọn sự việc được bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Càng không thể một mình chống lại mafia(*)[(*) Vào thời điểm này TV ta đang chiếu lại bộ phim dài nhiều tập của Ý “Bạch tuộc”] được, đó chỉ là chuyện trên phim thôi Vân ạ!.. Trước mắt cứ lo đối phó với nhóm Thắng – Bạch Liên đã, rồi sẽ tính tiếp. Chịu nhún một bước vậy.
…Không thể một mình chống mafia được! Khoanh gọn được bao nhiêu tốt bấy nhiêu! Bà Sáu đánh giá đấy là ý kiến quan trọng nhất. Bà cho ý kiến của Bích Ngọc là xác đáng: “…Các cháu ta khá lắm, rất biết mình biết người. Trời có muốn đánh, tụi bay cũng không chết được!”.
Bà Sáu ngước nhìn đồng hồ trên tường rồi đứng dậy:
– Nội thấy các con có lý, tỉnh táo, không nao núng. Vậy là nội vững dạ rồi. Nội đã cam kết với những người ở xí nghiệp 23-9 sống cùng sống, chết cùng chết. Các con đừng làm cho nội thất hứa với họ. Hôm nào đập cái xí nghiệp này phải đưa nội đến chứng kiến! Các con nghe rõ chưa?
Bốn anh em Vũ đưa mắt nhìn nhau, lo sợ.
– Thế nào, các con hứa với nội chứ? Vũ trả lời đi – Gịong bà Sáu nghiêm khắc.
– Vâng ạ, chúng con xin hứa.
– Thế mới là các cháu của nội chứ! – Má Sáu quay ra phía sau – Ngân gọi cho má chiếc tắc-xi và đi cùng với má.
– Để con lái xe đưa nội đi. – Quân chạy lại níu lấy tay Bà Sáu.
– Đến giờ nội phải đi rồi.
– Hay nội dùng xe của anh Vũ ạ? Lái xe của anh Vũ đang ở đây.
– Không, lỡ Vũ có việc gì đột xuất thì sao. Lúc này nội không muốn các con lãng phí thời giờ, dù chỉ là một phút. Các con bàn tiếp công việc đi. Không ai được đi cùng với nội ngoài má Ngân. – Bà Sáu dứt khoát.
– Nội đi đâu ạ? – Bảo Vân gặng hỏi.
– Hôm nay đoàn đại biểu nhân dân Ninh Thuận vào làm lễ khánh thành đền thờ bà Nguyễn Ngọc Sương ở An Lãnh.
– Thế thì hơi xa đấy nội ạ, mãi tít bên quận 7. Bà Sương là ai ạ? – Bảo Vân lo lắng.
– Bà này là kỹ sư nông nghiệp, đảng viên, chuyên về khuyến ngư các cháu à. Bà đã truyền cho nhân dân Ninh Thuận nghề nuôi tôm sú trên bãi cát dọc bờ biển, nhờ vậy Ninh Thuận thoát được cái nghèo. Bà Sương còn giúp được nhiều tỉnh khác nữa. Không may năm ngoái bà chết vì tai nạn giao thông. Dân Ninh Thuận về tận quê bà Sương lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn bà.
– Đền xây xong chưa ạ? – Vũ hỏi bà mình.
– Hôm nay khánh thành, hội Người cao tuổi mời nội đến thắp hương cho bà Sương và tiếp đoàn đại biểu nhân dân Ninh Thuận.
– Lần đầu tiên con được biết nhân dân lập đền thờ một đảng viên!
– Nội cũng thế!.. Chúa không công bằng, những người như thế lẽ ra phải được sống mãi!
Má Sáu bình thản bước vào nhà trong sửa soạn cho mình. Bà Ngân nước mắt ngắn nước mắt dài lật đật theo sau. Ông Hai Phong ngồi nghe tiếp không nhúc nhích. Ông có cảm giác mình như đang ngồi trên chảo rang…
Các con ông đã bàn xong hướng đối phó trước mắt, quay sang bàn việc chuẩn bị cho cháu Huỳnh Thái Đức, con của Vũ, đi dự hội nghị quốc tế “Học sinh bàn về quyền của học sinh” do UNESCO tổ chức tại Stochkolm vào sang năm. Đức trúng cuộc thi tuyển chọn của toàn Thành phố, sẽ cùng với một học sinh cấp II được tuyển chọn ngoài Hà Nội thay mặt học sinh Việt Nam đi dự hội nghị này. Bố mẹ Đức quá bận, nên phần lớn công việc chuẩn bị do vợ chồng Quân giúp. Ông Hai Phong cả lo, các con ông chuyển sang bàn việc của cháu Đức từ lúc nào mà ông không biết…