Dòng Đời – Nguyễn Trung

– Em nói gì mà lạ thế. Hoà giải hòa hợp là chủ trương của Đảng và nhà nước mình. Bên chiến thắng mới cần đưa ra ra hòa giải cho bên bị đánh bại. Còn đây là thư của một cá nhân, một Việt kiều yêu nước, của một thành viên trong cộng đồng dân tộc mình.

– Em cho là chú Học còn là con người của hoà giải. Anh đọc lại mà xem, trong thư không tìm được lấy một chữ nào trực tiếp phê phán điều này điều khác, lời lẽ thật mềm mỏng. Chú Học nêu cao đúng mức những cái đã làm được, đồng thời đề đạt rất thuyết phục là còn có thể làm tốt hơn những việc đã làm tốt. Ngay cả đối với những yếu kém tiêu cực, chú Học cũng xem xét với quan điểm không có con đường lát toàn bằng vàng, miễn sao luôn luôn giữ cho cái phát triển thắng thế.

– Có lẽ nhờ vậy chú giữ được lòng tin của Lễ phải không em?

– Là người chuyên làm nghề chấm văn, em thừa nhận người đọc có thể hiểu sâu sắc những cái thiếu sót, những cái chưa làm được. Một phong cách phê bình thực sự xây dựng, khiêm tốn, xuất phát từ tinh thần hoà giải!

– Sâu sắc quá! Cho đến nay anh mới chỉ nghĩ là chú Học cố vượt qua mình, chấp nhận vai trò của Đảng chỉ vì mong dân bớt khổ nếu Đảng làm được những điều nhân dân mong muốn. Em phát hiện ra một khía cạnh mới. Hiểu như em nói, thì đúng là chú Học có tinh thần hoà giải thật.

– Dù thế nào, hoà giải bao giờ cũng phải đến từ hai phía. Nếu không là khuất phục nhau, quá đi nữa là sự đầu hàng của bên này đối với bên kia, anh Nghĩa ạ! Lâu nay em chỉ mới hiểu chú Học là một con người từng trải. Nhưng bây giờ em ngày càng hiểu chú mình là một mảnh đời, một nhân cách trong cộng đồng dân tộc ta!

– Ôi Nguyệt! – Ông Nghĩa ôm chầm lấy vợ mình. – Xưa nay anh vẫn thán phục sự phê phán văn chương của em. Bây giờ anh thừa nhận em thực sự có bản lĩnh nhìn đời. Nhưng… – Ông Nghĩa như chợt chạm phải điều gì rất hệ trọng. – Nói như em có nghĩa là còn một khía cạnh cực kỳ quan trọng của hai cuộc kháng chiến vừa qua chúng ta nhìn nhận chưa thật thấu đáo…

– Là những vấn đề gì thế anh?

– Đó là những vấn đề thuộc về nội bộ cộng đồng dân tộc nước ta em ạ!

Bà Nguyệt nắm lấy tay Nghĩa:

– Anh đã hiểu đúng ý em. Anh thử nhìn lại lịch sử đất nước mà xem, ít nhất là từ khi Trịnh Nguyễn phân tranh cho đến bây giờ, rồi tình hình đất nước bị chia cắt thời Pháp thuộc, bị chia cắt trong hai cuộc kháng chiến, những hệ quả, những tác động của các trào lưu…

– Anh hiểu. Truy tìm những dấu ấn của lịch sử anh càng hiểu thêm! Hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của đất nước ta ít nhiều cũng chịu tác động của những dấu ấn này…

– Anh Nghĩa ạ, nói cho công bằng và nghiêm khắc, sống ở trong nước, sống ở nước ngoài, mỗi người mỗi vẻ, những con người có nhân cách đứng bên này hay bên kia chiến tuyến của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến vừa qua nhiều lắm anh ạ. Em tin như vậy.

– Em có lý, anh đã tiếp xúc một số người như thế…

– Chúng ta chưa nhìn hết những yếu tố tốt đẹp trong cộng đồng dân tộc ta đâu, cũng chưa thấy hết những điều dị biệt chính đáng, lại càng chưa có ý chí lớn từ đó vượt lên xây dựng sự đồng thuận dân tộc mà thời nay đất nước ta nhất thiết phải có anh ạ!

– Điều gì dẫn em tới cách suy nghĩ này? – Ông Nghĩa vừa kinh ngạc, vừa khâm phục vợ mình.

– Bài học lịch sử anh ạ… Méo mó bệnh nghề nghiệp của em mà anh!..

– Anh chịu em đấy. Anh ngày càng hiểu em say mê nghề cô giáo dạy văn của em.

– Văn là người mà anh. Em đọc chú Học và hiểu chú như thế… Nhưng có lẽ chú Học nói đúng…

– Chú đúng cái gì?

– Chú chê anh bôn-sê-vích quá! Mà có lẽ vì như thế…

– Trời ơi Nguyệt!

– Em cứ tự hỏi mình mãi vì sao chú Học cứ trơ như đá như đồng trước mọi biến cố trong đời, vẫn giữ cho mình cái gốc của tổ tiên! Bà Sáu Nhơn là một hình mẫu khác. Còn nhiều hình mẫu khác nữa. Hai Hân cũng là một hình mẫu… Em tin lịch sử sẽ dần dần trả lại họ hình ảnh thực của họ anh ạ. Những người như thế trong cộng đồng dân tộc ta nhiều lắm…

– Nói như thế thì anh chịu. Sẽ chẳng có gì thay đổi được lịch sử…

– Thừa nhận như thế, anh phải cố thấu hiểu hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của nước ta còn mang nặng dấu ấn một số vấn đề khác thuộc nội bộ cộng đồng dân tộc ta!

– Ôi nhà giáo ưu tú của anh! – Nghĩa ôm lấy vợ, cảm phục.

Bản sao bức thư của ông Học, Nghĩa tìm bìa plastic đóng lại thành một tập cẩn thận, trông rất đẹp,

– Đây là tài sản quý nhất của gia đình họ Phạm ta, Nguyệt ạ. – Nghĩa nói với vợ như vậy.

– Thế mà…

– Thế mà gì nữa hả em?

Bà Nguyệt đắn đo một lúc rồi mới nói với chồng:

– Anh ạ, chú mình thì vượt qua bản thân để chọn Đảng. Trong khi đó chi bộ em có hai đảng viên lão thành xin thôi sinh hoạt Đảng!

– Trời đất!… – Ông Nghĩa rơi vào tâm trạng mung lung.

22.

Ngồi trong xe trên đường từ sân bay Tân Sơn Nhất vào Thành phố, điện thoại cầm tay của Vũ réo liên tục, lúc thì Bích Ngọc gọi, lúc thì Bảo Vân, lúc thì Quân… Cả 3 người này đang trên đường từ nơi làm việc trở về nhà má Sáu Nhơn, họ sẽ gặp Vũ trong ít phút tới để bàn nhiều việc hệ trọng.

– Em thấy biển báo máy bay hạ cánh rồi mà sao mãi không thấy anh ra? Mọi người ở nhà mong anh từ sáng. – Người lái xe hỏi Vũ.

– Máy bay xuống đúng giờ, nhưng có mấy hành khách ăn cắp phao bơi của máy bay nên gây lủng củng khi kiểm tra hành lý! Mất bao nhiêu thời giờ!

– Hành khách có tiền đi máy bay mà cũng làm cái trò ấy hả anh?

– Những người này không hiểu làm như thế là ăn cắp sinh mạng của người khác khi máy bay gặp nạn.

– Dân trí những người có tiền đi máy bay mà còn như thế hả anh?

– Kẻ tham lam điên khùng ở đâu chẳng có. Cậu chịu khó đi nhanh nhanh lên để mọi người khỏi chờ lâu…

Hiểu sự sốt ruột ở nhà, Vũ lật đi lật lại mấy trang photo copy bài báo “Phải ngăn chặn những hành động làm ăn phi pháp của nhóm Tứ Quái” mà người lái xe vừa đưa cho Vũ khi bước ra khỏi sân bay. Tên tác giả bài báo là bút danh, nhưng giọng văn và ngữ cảnh thì Vũ hiểu ngay là của Đoàn Danh Thắng.

Vũ vừa mới bước chân vào trong nhà, ông Hai Phong đã nắm lấy tay, hỏi dồn:

– Báo chí họ tố cáo các con dữ quá! Các con làm ăn gì mà đến nỗi…

– Thế này thì đi tù sớm các con ơi – bà Hai Phong nước mắt lưng tròng.

– Ba má bình tĩnh đi! Con xin ba má bình tĩnh!..

Vũ chỉ biết ôm lấy mẹ mình. Lúc này Vũ không thể nói gì nhiều, Vũ cam đoan với mẹ: “…Cây ngay không sợ chết đứng!”.

Ông Hai Phong nghe con mình nói thế thì cũng mong là như thế. Nhưng bà Ngân lại khóc thành tiếng. Xưa nay bà vẫn nghĩ rằng các con mình làm ăn bao nhiêu công trình thế này mà không có thần thế nào che chắn thì sớm muộn cũng sẽ bị xoá sổ. Vốn dĩ hiểu cuộc sống trong Thành phố, lại thêm cái linh tính bản năng làm mẹ, bà mường tượng được mối nguy trước mặt các con bà. Bà cảm thấy giờ phút của mọi hiểm nguy hình như đang đến gần…

Bà Sáu Nhơn vừa từ nhà trong bước ra. Bích Ngọc, Bảo Vân và Quân cũng vừa về đến nhà.

– Các con bỗng dưng đùng đùng kéo nhau về thế này thì chắc chắn lành ít dữ nhiều rồi… – Bà Sáu nói, vẫn giữ phong thái ung dung vốn có của bà.

– Thưa nội vâng ạ. – Vũ trả lời thay các em.

– Đưa Ngân vào nhà trong đi, đứng đây sướt mướt thế này chỉ làm tụi nhỏ rối thêm. – Bà Sáu bảo Hai Phong.

Hai Phong đành dìu vợ vào ngồi vào góc phòng, tuy ông cũng muốn nghe mọi việc xem đầu đuôi xuôi ngược ra sao..

– Nội muốn nghe, muốn biết sự việc xảy ra, các con không giấu nội chớ?

Biết là không thể từ chối được, Vũ đành thưa:

– Thưa vâng! Chuyện hơi dài nội ạ…

…Xí nghiệp cơ khí 23-9 bị tố cáo là sử dụng đất trái phép, chính quyền quận đã ra lệnh phải dỡ bỏ vì yêu cầu quy hoạch của Thành phố. Mặt bằng của xí nghiệp 23-9 vốn là bãi để phế liệu và rác thải của xí nghiệp quốc doanh cấu kiện bê- tông Thới Trạch, cho công ty Ngọc Vân thuê dài hạn 25 năm. Người ta lập luận rằng xí nghiệp Thới Trạch không có quyền cho thuê đất của nhà nước giao cho. Lại có ý kiến cho rằng thực chất đây là một vụ chiếm đoạt đất công hữu, dưới dạng công ty Ngọc Vân thông đồng với công ty Thới Trạch lập ra hợp đồng cho thuê giả. Nhưng công văn chính thức của Quận chỉ nói: Phải dỡ bỏ vì lý do quy hoạch của Thành phố, kèm theo lời nhắn miệng từ một người ở Ủy ban Nhân dân Thành phố: Nếu không tuân thủ sẽ khởi tố dưới tội danh chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa.

– Xí nghiệp Thới Trạch phủi tay với hợp đồng của mình? – Bà Sáu hỏi lại.

– Thưa nội, đúng thế ạ. Mặc dù hợp đồng có sự xác nhận của chính quyền. Tụi con không bao giờ dám cẩu thả trong việc này. – Bảo Vân thưa lại.

– Không ai nói gì đến đền bù hay bồi thường? – Bà Sáu gặng hỏi.

– Tuyệt nhiên không ạ! – Vẫn Bảo Vân.

– Như vậy cái giá rẻ nhất cho chúng mình là dỡ bỏ xí nghiệp? – Vũ hỏi lại các em mình.

– Cái giá duy nhất, anh Vũ ạ. Cái lời nhắn miệng mới là tất cả nội dung sự việc này. – Quân đáp lại.

– Bảo Vân, bàn tiếp đi! Lúc này cố giữ cái đầu cho tỉnh táo. Chúng ta bây giờ phải trả giá cho cái tù mù của luật pháp đấy, vận dụng thế nào cũng được! – Vũ khuyên em mình.

Tác giả: